Hàn Quốc muốn cấm thịt chó, Việt Nam thì sao? | Vietcetera
Billboard banner

Hàn Quốc muốn cấm thịt chó, Việt Nam thì sao?

Dù thịt chó là vấn đề nhạy cảm, chính phủ Hàn Quốc đang cho thấy họ không khoan nhượng.
Hàn Quốc muốn cấm thịt chó, Việt Nam thì sao?

Hàn Quốc đang tiến tới lệnh cấm thịt chó. | Nguồn: Humane Society International.

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 25/11 vừa qua, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo Gyom tuyên bố thành lập một ủy ban cố vấn để thảo luận về lệnh cấm ăn thịt chó. Thành viên của ủy ban gồm có các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội và quan chức từ 7 bộ ngành chính phủ.

Ủy ban dự kiến được thành lập vào tháng 12/2021, và sẽ thảo luận cho đến tháng 04/2022. Trước đó, vào tháng 9 năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất chính phủ xem xét lệnh cấm tiêu thụ thịt chó trên toàn quốc.

2. Tại sao chính phủ Hàn Quốc cân nhắc cấm ăn thịt chó?

Thông báo của thủ tướng cho rằng lệnh cấm ăn thịt chó nên được cân nhắc, trong bối cảnh công chúng Hàn Quốc ngày càng quan tâm đến quyền và phúc lợi động vật. Số gia đình nuôi thú cưng tại nước này cũng tăng nhanh chóng.

“Ngày càng nhiều người nói rằng thật khó để coi thịt chó là một món ăn truyền thống văn hóa", Thủ tướng Kim nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thông báo cũng cho biết động thái này không đồng nghĩa với việc sẽ cấm ăn thịt chó. Lệnh cấm tiềm năng này cần thời gian để cân nhắc, do vấn đề pháp lý phức tạp và tranh cãi giữa các nhóm người ủng hộ và phản đối.

3. Dư luận Hàn Quốc phản ứng như thế nào trước động thái này?

Những động thái kêu gọi từ bỏ thịt chó của chính phủ Hàn Quốc nhận được sự ủng hộ lớn từ các tổ chức bảo vệ động vật. Một bộ phận lớn người dân nước này, đặc biệt là những người trẻ cũng không còn ưa chuộng thịt chó. Theo một cuộc thăm dò năm 2018 của Gallup Korea, có tới 70% người dân chia sẻ họ không còn ăn thịt chó nữa.

Tuy vậy, nhiều nhà hoạt động chỉ trích chính phủ vẫn chưa đủ quyết tâm. Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ động vật Hàn Quốc, ông Lee Won Bok cho rằng động thái của chính phủ là “đáng thất vọng” vì thiếu kế hoạch cụ thể.

Ở chiều ngược lại, quyết định của chính phủ vấp phải sự phản đối chủ yếu từ những người nông dân, chủ các trang trại và nhà hàng thịt chó do lo ngại ảnh hưởng đến kế sinh nhai. Động thái này cũng bị nghi ngờ là vì lợi ích chính trị, mang tính dân túy của chính phủ đương nhiệm nhằm thu hút sự ủng hộ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.

Ngành công nghiệp thịt chó ở Hàn Quốc thường xuyên bị chỉ trích do quy trình giết mổ tàn ác và vô nhân đạo. | Nguồn: Humane Society International.

4. Chuyện ăn thịt chó ở Hàn Quốc ra sao?

Hàn Quốc là một trong những nước tiêu thụ thịt chó nhiều nhất thế giới, do thịt chó là món ăn truyền thống từ nhiều thế kỷ trước. Ở nhiều giai đoạn lịch sử, người Hàn Quốc ưa chuộng thịt chó do cung cấp nhiều chất đạm hơn thịt bò và lợn, mà giá thành lại rẻ hơn.

Nuôi chó giết thịt là một ngành công nghiệp ở Hàn Quốc, dù thường xuyên bị chỉ trích do quy trình giết mổ tàn ác và vô nhân đạo. Theo mô tả thực địa của nhiều tổ chức, các cơ sở nuôi chó thịt trong môi trường chật hẹp và bẩn thỉu, trước khi giết chó bằng cách treo cổ và giật điện trong nước. Theo ước tính, có khoảng 1 - 1,5 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm tại quốc gia này.

Ngày nay, thịt chó tại Hàn Quốc không còn được ưa chuộng như trước do tiến trình hội nhập với thế giới khiến việc ăn thịt chó bị phản đối. Nhiều cơ sở giết mổ và nhà hàng thịt chó phải đóng cửa do nhu cầu tiêu thụ không cao. Taepyeong-dong, cơ sở giết mổ chó lớn nhất Hàn Quốc cũng đã phải đóng cửa vào năm 2018.

5. Giải pháp thay thế nào nếu thịt chó bị cấm ở Hàn Quốc?

Trong khi chờ đợi chính phủ giải quyết vấn đề nhạy cảm này, nhiều nhà hàng tại Hàn Quốc đã tìm ra giải pháp để chiều lòng những người muốn ăn thịt chó. Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế đi đầu khi khuyến khích đầu bếp sáng tạo ra các công thức chế biến những món ăn truyền thống, đảm bảo mùi vị nhưng không dùng thịt chó làm nguyên liệu.

Hưởng ứng lời kêu gọi, vào tháng 7 năm nay, đầu bếp Ahn Baek-Rin đã cho ra 3 công thức nấu ăn thay thế món súp chó nổi tiếng. Các công thức này dùng các loại gia vị giống hệt món súp chó truyền thống, chỉ thay thịt chó bằng một loại nguyên liệu có nguồn gốc thực vật tên là chobok.

Món súp chó làm từ thực vật của đầu bếp Ahn Baek-Rin. | Nguồn: Humane Society International.

6. Ở Việt Nam, mọi chuyện như thế nào?

Hơn cả Hàn Quốc, Việt Nam là nước tiêu thụ thịt chó nhiều thứ 2 thế giới với ước tính khoảng 5 triệu con mỗi năm bị giết thịt. Buôn bán thịt chó ở Việt Nam là hợp pháp nhưng phần lớn không được kiểm soát, khiến gia tăng hành vi trộm chó nhà để bán cho các lò mổ. Đã có nhiều trường hợp trộm chó bị người dân phát hiện đánh đến chết, thậm chí bị thiêu sống.

Cuối năm 2018, thủ đô Hà Nội ban hành công văn khuyến cáo người dân ngừng ăn thịt chó, đồng thời để ngỏ khả năng cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội. Đến năm 2020, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đã có khoảng 30% cửa hàng kinh doanh thịt chó, mèo trên địa bàn thủ đô dừng hoạt động.

Cũng trong năm 2020, Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) đã gửi bản kiến nghị tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mong muốn Việt Nam ban hành và thực thi lệnh cấm trên toàn quốc việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ chó, mèo để làm thịt.

7. Còn những nước nào ăn thịt chó trên thế giới?

Ở đa số các quốc gia phương Tây và Hồi giáo, việc giết và tiêu thụ thịt chó, mèo bị tẩy chay, thậm chí bị cấm. Hiện tại, chỉ có 11 vùng lãnh thổ trên thế giới phổ biến việc ăn thịt chó là Trung Quốc, Indonesia, Triều Tiên và Hàn Quốc, México, Philippines, Polynesia, Việt Nam, người Eskimo sống ở Bắc Cực, và Thụy Sĩ.

Ăn thịt chó là thói quen và sở thích của nhiều người, khiến thịt chó ở nhiều nước vẫn là chủ đề nhạy cảm. Tuy vậy, các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu quản lý chặt hơn việc tiêu thụ thịt chó để “ghi điểm” hơn trong tiến trình hội nhập toàn cầu.