Heartstopper - Chuyện tình gà bông nói gì về văn hóa boy's love? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Heartstopper - Chuyện tình gà bông nói gì về văn hóa boy's love?

Heartstopper không chỉ là câu chuyện gà bông khiến bạn tan chảy, mà còn cho biết có một con gà đẻ trứng vàng cho các doanh nghiệp, mang tên văn hóa boy's love (BL).
Heartstopper - Chuyện tình gà bông nói gì về văn hóa boy's love?

Nguồn: Netflix

1. Heartstopper kể câu chuyện gì?

Được chuyển thể từ webtoon cùng tên Heartstopper, bộ phim xoay quanh chuyện tình đáng yêu của hai cậu học sinh mới lớn Charlie Spring (Joe Locke) và Nick Nelson (Kit Connor). Ban đầu, dù cả hai là bạn, Nick (vì là ngôi sao của trường) luôn thể hiện bản thân không có mối quan hệ gì với Charlie.

Qua 8 tập phim của Netflix, khán giả được dịp mê mẩn với chuyện tình ngây ngô, từ khi có những rung động đầu tiên, đến khoảnh khắc comeout của hai cậu học sinh. Series còn đề cập các vấn đề về giới tính ở tuổi mới lớn và cách các bạn trẻ đối mặt với nó.

2. Hai nhân vật chính mập mờ thế nào mà khiến ta mê mẩn?

Điều khiến khán giả thích bộ phim là những cảnh mập mờ trong lúc tán tỉnh nhau của hai nhân vật. Nick là hình mẫu trai thẳng có sức ảnh hưởng trong trường, nên khi bắt đầu có tình cảm với Charlie, cậu vẫn sợ hãi, dẫn đến việc những lần gặp giữa cả hai thường là lén lút.

Phân đoạn hiện được nhiều khán giả chia sẻ nhất là khi Nick khen Charles mặc một chiếc áo "nhìn muốn ôm," và chạy đến ôm cậu. Vì đây là giai đoạn hai người vẫn chưa rõ về tình cảm của nhau, nên hành động này không chỉ khiến Charles rung động, mà khán giả cũng rung động theo.

alt

Con người tin rằng khoảng thời gian tán tỉnh là đẹp nhất. Theo Psychology Today Staff, khi tán tỉnh, con người thể hiện những gì đẹp đẽ và khát vọng nhất với người ta yêu. Những cái nắm tay đầu tiên, những cái ôm, những chiếc hôn đầu tiên giữa Charles và Nick đều làm người xem được quay lại cảm xúc thời mới yêu.

3. Vì sao nữ giới thích các tác phẩm boy’s love?

Có khá nhiều tên gọi cho các sản phẩm khắc họa hai nhân vật chính nam yêu nhau như boy's love (viết tắt là BL), yaoi hay đam mỹ.

Yaoi xuất hiện đầu tiên tại Nhật Bản, với nghĩa gốc là tình yêu giữa nam thiếu niên. Còn từ đam mỹ chỉ các tiểu thuyết viết về tình yêu giữa hai nam chính, thường được phân ra là công và thụ.

Đa phần các truyện yaoi hay đam mỹ đều được sáng tác bởi phụ nữ và hướng tới nhóm đối tượng nữ. Có nhiều lý do khiến nữ giới thích BL.

Ở các quốc gia châu Á, phân biệt giới tính vẫn còn nặng nề. Vì thế, tiến sĩ Dianfeng Chou cho rằng phụ nữ ở những nước này đọc yaoi như một cách để giải tỏa bản thân khỏi những ràng buộc về giới tính. Đọc yaoi cũng là cách để họ thoát khỏi các chuẩn mực giới tính truyền thống, như đàn ông phải mạnh mẽ, đàn bà phải yếu đuối hay tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Theo khảo sát của tác giả Dru Pagliassotti, đôi khi phụ nữ cảm thấy trải nghiệm tình cảm hay tình dục ở nam nữ quá phổ biến, dễ gây nhàm chán. Vì mong muốn tìm kiếm những điều mình không thể trải nghiệm, họ tìm đến BL.

Tác giả Kazumi Nagaike cũng giải thích rằng để hiểu hơn về vấn đề trong tình yêu và cách xử lý của mỗi giới tính, phụ nữ chọn đọc hay xem phim về văn hóa BL. Đọc hay xem phim BL giúp phái nữ hiểu hơn về suy nghĩ của đấng mày râu, cũng như là những sở thích khi yêu của họ.

4. Ngành công nghiệp boy’s love phát triển ra sao?

BL bắt đầu phổ biến ở Nhật Bản vào đầu những năm 1970. Sau đó, nhờ những trang web do các manga fanclub ở Nhật dịch truyện sang tiếng Anh, truyện BL bắt đầu được du nhập vào nước Mỹ.

Năm 2010, ước tính ngành công nghiệp BL tại Nhật Bản đã mang lại 21,3 tỉ yên. Bộ phim 2gether: The Series tại Thái Lan vào năm 2020 đã từng liên tục lên top trending của Twitter. Còn tại Trung Quốc, dù vẫn rất gắt gao với đề tài đồng tính, nhưng web drama Trần Tình Lệnh vẫn thu được 70 triệu nhân dân tệ phí xem trên nền tảng phát sóng Tencent, cũng như đạt hơn 200 triệu lượt xem mỗi ngày trong tháng phát sóng cuối cùng.

Nguồn Phim Trần Tigravenh Lệnh
Nguồn: Phim Trần Tình Lệnh

Ngành công nghiệp boy's love không chỉ thu lợi từ những sản phẩm chính như webtoon, yaoi hay đam mỹ, mà còn qua các sản phẩm có lồng ghép yếu tố LGBT+.

5. Văn hóa BL ở Việt Nam đang như thế nào?

Dù các tiểu thuyết, phim hay truyện đồng giới nam ở các nước đã có từ những năm 1970, nhưng đến năm 2007, tiểu thuyết đam mỹ đầu tiên được dịch ra tiếng Việt mới ra đời.

Cho đến tận 2015, luật Việt Nam mới bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính." Vì có thời gian dài không được đề cập nhiều đến đề tài đồng giới, văn hóa BL tại Việt Nam hiện nay vẫn còn khá sơ khai. Các phim điện ảnh BL chỉ có thể kể đến vài cái tên tiêu biểu gần đây như Song Lang, Bầu trời của Khánh hay Thưa Mẹ Con Đi.

Tuy nhiên, với góc nhìn ngày càng rộng mở về LGBT+, hẳn nhiên ta có thể chờ đón nhiều tác phẩm nghệ thuật về tình yêu đồng giới, không chỉ là nam và còn là nữ, lên ngôi, mang nhiều màu sắc mới cho giới nghệ thuật tại Việt Nam.