Hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn, nhưng bạn đã từng thắc mắc hạnh phúc nghĩa là gì?
Khác với những bài viết trước lý giải theo khía cạnh tâm lý và khoa học, bài viết này sẽ mang đến cho bạn câu trả lời dưới góc nhìn triết học, đặc biệt là từ những người đặt nền móng cho những suy tư của con người về “hạnh phúc”. Điểm chung của họ là đều đặt định nghĩa về hạnh phúc lên trên vật chất và bất kể hoàn cảnh. Biết đâu sau bài viết này, bạn sẽ mở được lối đi mới tìm đến hạnh phúc cho riêng mình.
Hạnh phúc của Aristotle
Aristotle là một triết học gia người Hy Lạp, đồng thời là học giả có sức ảnh hưởng đến lịch sử phương Tây. Ngoài những tư tưởng lớn về Chủ nghĩa cơ đốc hay triết học Hồi giáo trung cổ, ông cũng đặt nền tảng trong việc định nghĩa cuộc sống hạnh phúc.
Đối với Aristotle, hạnh phúc là tập luyện lối sống đúng đắn và giữ những phẩm chất cân bằng ở mức trung dung vàng. Chúng ta thực hiện điều này bằng cách đưa ra những quyết định đúng đắn và làm việc tốt như giúp đỡ những người gặp khó khăn, giữ mối quan hệ hòa nhã với những người xung quanh.
Ngoài ra, cân bằng điểm trung dung vàng đồng nghĩa với việc giữ những tố chất của bản thân ở một mức cân đối. Bạn không muốn mình quá tự tin để dẫn đến kiêu ngạo, hay quá rụt rè đến mức nhút nhát. Giữ điểm trung dung vàng giúp bạn có sự can đảm khi cần thiết và tự tin đủ để làm những việc mình mong muốn.
Tóm lại là: Sống một cuộc sống “cân bằng” và thiện lành để gặt hái hạnh phúc.
Những điều bạn có thể đạt được khi gặt hái hạnh phúc kiểu Aristotle:
- Sức khỏe tốt
- Các mối quan hệ tốt đẹp: bạn bè, người thân, đồng nghiệp...
- Các kiến thức mới, nhiều và chất lượng
Hạnh phúc của Socrates
Socrates là một nhà triết học người Hy Lạp khác nổi tiếng qua bức tranh “Cái chết của Socrates” – khi đối mặt với cái chết, ông vẫn tiếp tục rao giảng cho môn đệ của mình.
Đối với ông, chúng ta nên sử dụng vật chất đang có để xây nên giá trị tinh thần chứ không chỉ dựa vào chính nó, vì những thoả mãn từ vật chất chỉ là cảm xúc nhất thời. Thay vào đó, ta có thể chọn sử dụng chúng một cách khôn ngoan, như sử dụng tiền bạc để quyên góp từ thiện, sử dụng kiến thức để giải quyết vấn đề hay sử dụng ngôi nhà để xây một mái ấm.
Tóm lại là: Sống tối giản để có thời gian tìm kiếm nội tâm và gặt hái hạnh phúc.
Những hành động không bao gồm trong hạnh phúc kiểu Socrates:
- Cố gắng giàu có hơn
- Sở hữu nhiều đồ đạc hơn
- Tập trung quá nhiều vào thành tựu của bản thân
Hạnh phúc của Bertrand Russell
Là một nhà triết học, logic học người Anh Bertrand Russell, đồng thời là người sáng lập ra Triết học phân tích – sử dụng logic để làm sáng tỏ các vấn đề trong toán học. Ông từng nêu ra định nghĩa hạnh phúc theo cách nhìn riêng trong cuốn sách “The conquest of happiness” (tạm dịch: cuộc chinh phục hạnh phúc).
Hạnh phúc đối với Russell không phải thứ có sẵn hay trực chờ tìm đến bạn. Chìa khóa của hạnh phúc chính là để niềm yêu thích của bạn rộng lớn hết sức có thể. Như ông đã nói trong cuốn sách của mình, “Một người càng có nhiều mối quan tâm, cơ hội hạnh phúc của họ càng nhiều mà không cần sự thương xót của số phận, nếu anh ta mất đi một sở thích thì vẫn còn nhiều thứ thú vị khác”.
Vì thế, chỉ chú tâm vào bản thân mình sẽ cản trở cơ hội hạnh phúc vì họ đang tự buộc mình vào một mối quan tâm duy nhất. Theo ông, một người hạnh phúc nên hiểu bản thân anh ta không lớn hơn thế giới này.
Tóm lại là: Mở rộng cơ hội hạnh phúc bằng cách mở rộng sở thích và đam mê.
Một vài cách sống hạnh phúc như Bertrand Russell:
- Đừng lo sợ đánh giá của người khác
- Mở rộng tâm hồn để chào đón thế giới
- Tiếp tục cống hiến những việc bạn đang làm tốt
Hạnh phúc của Nietzsche
Triết học gia người Đức Friedrich Nietzsche nổi tiếng với các tác phẩm đi ngược lại một số giá trị đạo đức, tôn giáo của triết học truyền thống phương Tây. Ông cũng là một trong những nhà tư tưởng hiện đại có nhiều ảnh hưởng đến các thế hệ sau này như nhà tâm lý học Carl Jung và nhà văn Hermann Hesse.
Ông định nghĩa hạnh phúc như quyền lực ta có ở thế giới xung quanh. Nếu quyền lực này bị lấy đi, ta sẽ cảm thấy bất mãn và mất kiểm soát. Như đối với một người sưu tầm giày, niềm hạnh phúc của anh ta là khi có thể sở hữu đôi giày mới nhất, nhưng nếu anh không thể khiến đôi giày đó thuộc về mình, “quyền kiểm soát" của anh cũng bị dập tắt.
Vì thế Nietzsche phủ định hành động đi tìm hạnh phúc, mà thay vào đó ta nên đi tìm lý tưởng sống. Đó là mục đích cuối cùng mà bạn mong muốn, định hướng cho cách sống và hành động của bạn.
Tóm lại là: Cuộc sống không chỉ đi tìm hạnh phúc, mà hơn cả là nhận ra lý tưởng sống của bản thân.
Nietzsche gợi ý những cách đi tìm mục đích sống như:
- Suy ngẫm: sẽ thế nào nếu bạn sống cuộc sống mình lặp đi lặp lại?
- Đúc kết các bài học qua trải nghiệm.
- Chấp nhận và vượt qua những khó khăn bạn gặp phải.
- Tìm ra những hình mẫu mà bạn ngưỡng mộ và hướng đến chúng.