Nếu phải chọn một đại diện cho hệ “tốc độ", tôi sẽ tiến cử Huy Trần. 3 năm kể từ ngày quyết định về hẳn Việt Nam, người ta luôn bắt gặp Huy với một thứ gì đó mới.
Thời gian đầu, anh được biết như một KOL, người mẫu ảnh. Vài tháng sau, người ta thấy anh đăng hình lui hui trong bếp, đó là lúc anh bắt đầu mở nhà hàng. Giờ nhà hàng của anh gần tròn 2 tuổi, anh lại bắt đầu một dự án mới. “Nhưng mà đó chưa phải tất cả." - Anh bật mí, trong lần gặp gỡ mới nhất tại studio của Vietcetera.
Dưới đây là hành trình ‘Tìm - Thấy' trong 3 năm qua của Huy tại Việt Nam.
Kể từ lần trò chuyện năm ngoái, cuộc sống và công việc của Huy thay đổi thế nào?
Tháng 9 năm ngoái là lúc 030 Cuisine bắt đầu phục hồi sau đại dịch. Từ đó đến giờ, Huy chỉ đâm đầu vào làm việc, vừa cố gắng phát triển nhà hàng, vừa bắt tay vào 2 dự án mới. Cũng trong thời gian này, Huy đã tìm được hạnh phúc cho riêng mình. (cười)
Có điểm gì độc đáo trong 2 dự án F&B mới mà Huy đang theo đuổi?
SMEK là dự án Huy hợp tác chung với một người bạn để thích nghi với trạng thái bình thường mới. Đây là một central kitchen (bếp trung tâm) gồm 3 thương hiệu nhà hàng là The Big Slice Company - pizza theo miếng; NOODS - các món pasta với hương vị kết hợp Âu - Á; và CUBE - các loại cơm gạo lứt tốt cho sức khỏe.
Tương tự như nhà hàng trước, món ăn ở SMEK cũng là ẩm thực kết hợp (fusion), với công thức đơn giản nhưng chất lượng. Giá các món ăn ở SMEK khá bình dân, nhưng khẩu phần đủ lớn để mọi người chia sẻ cùng nhau. Hiện bạn có thể đặt SMEK qua website, Facebook, Instagram, và các ứng dụng giao đồ ăn.
Còn Lockdown Lounge là một dự án hợp tác hiện đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Huy đang thử nghiệm nhiều món ăn khác nhau để phục vụ tại đây.
Hành trình từ lúc lên ý tưởng đến bắt tay vào xây dựng các dự án này có gì thú vị?
Tuy cả 3 đều là F&B nhưng đặc thù của mỗi mô hình hoàn toàn khác nhau. Nếu nhà hàng đầu tiên Huy mở là một nhà hàng hoàn chỉnh với cả khu vực front of house (nơi khách hàng thưởng thức món ăn) và cả back of house (bếp), thì tại SMEK, tính chất của bếp trung tâm không đòi hỏi phần front of house, nên Huy chỉ cần chú tâm vào chất lượng món ăn.
May mắn là Huy đã có kinh nghiệm quản lý, vận hành, thiết kế quy trình nên quá trình xây dựng mô hình thứ hai cũng không mất quá nhiều thời gian.
Điều gì đã thôi thúc Huy rời Đức về lại Việt Nam?
Môi trường, xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống, suy nghĩ, và tư tưởng của mình. Khi còn ở Đức, cuộc sống là một vòng lặp: trong tuần thì làm, cuối tuần thì nghỉ, mọi thứ rất ổn định. Ngày trước Huy sống trong một vùng an toàn như thế. Huy luôn muốn ném mình ra khỏi vùng an toàn, để xem mình có làm được gì không.
Về Việt Nam là một quyết định khá chóng vánh với Huy. Ban đầu Huy chỉ dự định về Việt Nam để trải nghiệm khoảng 3 tháng, sau đó sẽ quay lại.
Những tháng đầu ở Việt Nam, mọi thứ đối lập với cuộc sống của Huy trước đó. Đức phát triển đến một mức độ mà mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, trong khi tại Việt Nam, sự phát triển diễn ra ngay trước mắt, còn rất nhiều tiềm năng để người trẻ như Huy có thể khám phá. Điều đó khiến Huy cảm thấy mỗi ngày trôi qua mà không làm gì là một sự lãng phí. Thế là Huy quyết định ở lại Việt Nam để khởi nghiệp.
Trong hành trang trở về của Huy có gì?
Lúc đó, Huy có trong tay 5,000 Euro tiền tiết kiệm, một tư tưởng ‘sẵn sàng đón nhận tất cả', và niềm đam mê bất tận dành cho ẩm thực.
Tại sao là ẩm thực?
Huy biết mình thích nấu ăn từ những năm 17, 18 tuổi. Ngày ấy, mỗi lần nhà có tiệc, thấy mẹ đứng trong bếp nấu ăn cho mọi người cực quá, Huy thường vào phụ mẹ. Mẹ nấu món Việt, nhưng khách đến nhà thường là Việt kiều, người Đức, hoặc các anh chị em ngang tầm tuổi Huy,... khẩu vị của họ rất khác. Thế là Huy bắt đầu sáng tạo, kết hợp hương vị của cả 2 nền văn hoá Á - Âu để tạo ra những món ăn mới.
Sau này, Huy có theo học ngành Ẩm thực, chuyên về các món Đức và Pháp tại Berlin. Huy đam mê ẩm thực đến nỗi từng xin làm bồi bàn tại các nhà hàng Michelin để quan sát quy trình vận hành tại đó.
Khoảng thời gian làm xuất nhập khẩu (quần áo, cà phê), Huy cũng thường về Việt Nam, nhưng đến khi về ở hẳn, Huy mới nhận ra những cơ hội mà mình có thể khai thác trong lĩnh vực F&B. Văn hoá ẩm thực tại Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, đa dạng hơn Huy tưởng. Người Sài Gòn cực kỳ mở lòng với những xu hướng mới. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các startup F&B trong giai đoạn đầu.
Huy có mang dấu ấn cá nhân vào mô hình kinh doanh của mình không?
Tại các mô hình do Huy vận hành, mỗi món ăn đều mang đậm ‘spirit' của Huy. Phong cách ẩm thực kết hợp Á - Âu mà Huy theo đuổi có vẻ lạ lẫm, nhưng thực chất lại luôn gắn liền với những kỷ niệm thân thuộc của Huy. Chẳng hạn như những bữa cơm với mẹ.
Huy muốn thực khách được thoải mái tận hưởng một bữa ăn ngon, và ôn lại những kỷ niệm đẹp thông qua các món ăn theo công thức 70% Á - 30% Âu do Huy sáng tạo ra.
Vậy còn trở ngại thì sao? 3 năm khởi nghiệp, thử thách lớn nhất của Huy là gì?
Huy nhớ nhất là khi 030 Cuisine mở được 3 tháng thì đại dịch xảy đến, đó là thử thách lớn nhất trong suốt 3 năm khởi nghiệp của Huy. May mắn là hiện tại 030 Cuisine đã chống chọi qua đại dịch và phát triển ổn định.
Những thử thách về tài chính, nhân sự, quy trình vận hành thì có lẽ người làm F&B nào cũng phải trải qua. Còn thử thách phía trước? Chắc hẳn là làm sao để thuyết phục khách hàng đến trải nghiệm và chấp nhận những mô hình F&B mới của mình.
Nhìn chung, dấn thân vào lĩnh vực F&B bản chất đã là một quyết định đầy tính rủi ro, chỉ có là làm sao để đo lường và giảm thiểu những rủi ro đó.
Quá trình khởi nghiệp đã giúp Huy tích lũy được kinh nghiệm và kỹ năng gì?
Trước hết là tiếng Việt của Huy cải thiện rõ rệt. Hồi tham gia Cuộc Đua Kỳ Thú 2019, đến lộ trình mà Huy cũng mất 30 phút tra từ điển và đọc hiểu. Bây giờ thì khác biệt văn hoá và ngôn ngữ không còn là trở ngại của Huy nữa.
Huy cũng ý thức được rằng một doanh nghiệp thành công phụ thuộc lớn vào kỹ năng lãnh đạo và tổ chức của người đứng đầu. Ở vị trí đầu tàu của các mô hình F&B với đội ngũ lên đến 30, 40 người, Huy chỉ làm việc trực tiếp với các quản lý, nên việc giao tiếp hiệu quả là vô cùng quan trọng. Quản lý nhân sự tốt chính là con đường ngắn nhất đến vận hành một doanh nghiệp tốt.
Thêm vào đó, Huy học được rằng đối với các mô hình F&B, đặc biệt là những mô hình phục vụ đối tượng trẻ, việc cập nhật xu hướng và xây dựng nhận diện thương hiệu chỉn chu là quan trọng, nhưng thế thôi chưa đủ. Ưu tiên hàng đầu vẫn là trải nghiệm khách hàng. Muốn cải thiện trải nghiệm đó, người làm F&B phải biết cách lắng nghe và tiếp thu ý kiến khách hàng. Sau mỗi bữa ăn, Huy thường nhờ thực khách nhận xét, đánh giá trải nghiệm để không ngừng cải thiện chất lượng món ăn và dịch vụ.
Huy đã hoạch định cuộc sống năm thứ 4 ở Việt Nam cho mình chưa?
Năm nay, mục tiêu lớn nhất của Huy vẫn là ổn định bộ máy và quy trình vận hành của 030 Cuisine và SMEK. Huy cũng muốn dành nhiều thời gian cho công việc KOL hơn, hiện giờ Huy chỉ dành khoảng 15-20% quỹ thời gian cho vai trò này. Hiện Huy đang bắt tay vào thực hiện một kênh YouTube, dự kiến sẽ ra mắt sớm thôi!
Bận rộn với công việc kinh doanh nhưng Huy vẫn muốn duy trì công việc KOL. Tại sao vậy?
Sau ẩm thực, KOL cũng là một công việc mà Huy yêu thích. Cả hai công việc đều đòi hỏi sự sáng tạo, biết cách tổ chức và đầu tư nghiêm túc. Nếu như công việc kinh doanh F&B cho Huy cơ hội mang lại trải nghiệm ẩm thực độc đáo cho mọi người, thì công việc KOL sẽ giúp Huy chia sẻ những kinh nghiệm mình tích lũy được trong quá trình kinh doanh để hỗ trợ các bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, sau 3 năm ở Việt Nam, thương hiệu bản thân của Huy cũng đã có ít nhiều thay đổi. Ngày trước mọi người biết đến Huy qua các hạng mục người mẫu, phong cách sống, thể thao; hiện tại Huy muốn chuyển sang hạng mục phong cách sống, khởi nghiệp, nấu ăn và ẩm thực.
Vận hành cùng lúc 3 mô hình F&B kiêm luôn công việc KOL, Huy làm thế nào để giữ cho mình một sức khỏe tốt?
Làm việc với cường độ cao nên sức khoẻ đối với Huy là cực kỳ quan trọng. Mỗi sáng, Huy có thói quen uống xong ly nước là chạy xuống phòng gym, tập chừng 30 - 40 phút trước khi bắt đầu công việc.
Thêm vào đó, phần lớn thời gian trong ngày của Huy dành để làm việc trước máy tính, điện thoại, và mắt Huy từ những ngày ở Đức vốn dĩ đã rất khô, nên dù không cận, Huy vẫn mang mắt kính ngăn ngừa tia sáng xanh. Một phần để giải tỏa áp lực cho mắt khi nhìn ở cự ly gần, chống mỏi mắt, nhức đầu khi sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài; một phần vì kính mắt cũng là một phụ kiện thời trang mà Huy yêu thích.
Cuối cùng, Huy có lời khuyên gì dành cho những bạn trẻ cũng đang muốn khởi nghiệp như Huy?
Nếu đã có đủ trải nghiệm và tìm được đam mê của mình rồi, thì đừng lãng phí niềm đam mê đó. Hãy bắt tay vào làm gì đó, miễn là nó có ích cho mọi người. Tin vào bản thân, tin vào sản phẩm do mình tạo ra!
Cùng đón chờ những nhân vật tiếp theo của “Tìm - Thấy”, một series được hợp tác bởi Essilor và Vietcetera!
Eyezen là thương hiệu tròng kính tiên tiến nhất thế giới từ tập đoàn Essilor (Pháp) – giúp bảo vệ và thư giãn mắt bạn khi tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật số. Từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về phát minh đột phá và được tin dùng bởi hàng chục triệu người trên toàn thế giới, Eyezen tiếp thêm năng lượng cho đôi mắt để cùng bạn hướng đến những chân trời mới.