Johnny Depp rơi nước mắt ở Cannes | Vietcetera
Billboard banner

Johnny Depp rơi nước mắt ở Cannes

Johnny Depp quay lại màn ảnh rộng, nhận tràng vỗ tay dài 7 phút tại Cannes giữa những chỉ trích.
 Johnny Depp rơi nước mắt ở Cannes

Nguồn: Standard UK

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào đêm ngày 16/5, Liên hoan phim danh giá Cannes chính thức mở màn với Jeanne du Barry, bộ phim đánh dấu sự trở lại của Johnny Depp trên màn ảnh rộng. Sau màn trình diễn được đánh giá là “mê hoặc” của Johnny Depp trong vai Hoàng đế Louis XV, bộ phim nhận được tràng vỗ tay kéo dài 7 phút.

2. Vì sao chuyện Johnny Depp được vỗ tay lại đáng nói?

Tràng vỗ tay tưởng chừng như chỉ là thông lệ này tại Cannes lại được cho là ẩn chứa một thái độ dửng dưng của nền điện ảnh Pháp đến với phong trào #metoo và nạn nhân của những vụ bạo hành.

Ngay sau khi Cannes thông báo danh sách những bộ phim sẽ xuất hiện tại Liên hoan phim, hơn 100 diễn viên Pháp lẫn những tổ chức nữ quyền đã lên tiếng chỉ trích sự xuất hiện của Depp tại Cannes. Đối với họ, hành động này đã một lần nữa chứng minh sự dung túng của nền điện ảnh Pháp đối với những nghệ sĩ nam đang vướng vào những cáo buộc bạo hành, điển hình là Roman Polanski và Gérard Depardieu.

Không dừng lại ở đó, vào ngày 20/5, trong một buổi quảng bá tại Cannes, một số thành viên của đoàn làm phim Le Ravissement đã mặc chiếc áo in hình Amber Heard, ngầm thể hiện sự ủng hộ của họ đến với nữ diễn viên. Trả lời những chỉ trích này, chủ tịch liên hoan phim Thierry Frémaux cho rằng Depp có quyền pháp lý để xuất hiện tại Cannes: “Nếu Johnny Depp bị cấm diễn xuất hoặc chính bộ phim bị cấm, chúng ta đã không nói về chúng tại đây.”

alt
Những chiếc áo in hình Amber Heard tại liên hoan phim Cannes | Nguồn: Twitter

3. Johnny Depp đã có những phản ứng gì?

Giữa tràng vỗ tay dài 7 phút dành cho Jeanne Du Barry, máy quay đã bắt gặp Depp rơm rớm nước mắt và ôm lấy đạo diễn Maïwenn Le Besco. Vào ngày hôm sau, 42 phút sau khi buổi họp báo dành cho Jeanne Du Barry chính thức bắt đầu, Johnny Depp bước vào khán phòng giữa lời bàn tán của những nhà báo, hôn lên trán đạo diễn Maïwenn và bắt đầu đối diện với những câu hỏi.

“Tôi có cảm thấy bị tẩy chay hay không hả? Không, không hề. Tuy nhiên tôi không cảm thấy bị tẩy chay tại Hollywood vì tôi không nghĩ về nó. Tôi không có nhu cầu gì ở Hollywood nữa… Bởi vì đây là một thời điểm lạ lùng (tại đó). Tất cả mọi người muốn được là chính bản thân, nhưng họ không thể bởi vì họ cảm thấy như mình cần phải đi theo đám đông.”

Quả thật, Johnny Depp chẳng có vẻ gì muốn quay lại với Hollywood, diễn viên này đang trong quá trình tìm kiếm đầu tư tại Pháp cho bộ phim mới dưới vai trò đạo diễn. Tại Paris, từ biển quảng cáo đến ga tàu, gương mặt của Depp xuất hiện ở mọi nơi để quảng bá cho Jeanne Du Barry.

Nói về những chỉ trích cho rằng anh không nên xuất hiện tại Cannes, Johnny Depp đưa ra một ví dụ khó hiểu về việc 39 con người giận dữ cấm anh đi đến McDonald. Từ đó đi đến kết luận rằng anh không biết đến họ, những con người ẩn danh sau máy tính ấy.

Điều đáng nói ở đây là thành phố Cannes đã nghiêm cấm những buổi biểu tình công cộng vào thời điểm liên hoan phim diễn ra, bắt buộc những người chỉ trích Johnny Depp phải bày tỏ sự phẫn nộ của họ qua Internet.

4. Vì sao Cannes lại có truyền thống “vỗ tay”?

Những tràng vỗ tay kéo dài dường như đã trở thành một thông lệ tại Cannes. Chúng được xem như một công cụ hiệu quả để “đo lường” độ thành công của một bộ phim trên các mặt báo. Năm nay, ngoài Jeanne Du Barry, bộ phim Killers of the Flower Moon của đạo diễn Martin Scorsese cũng nhận được tràng vỗ tay dài 9 phút.

alt
Martin Scorsese và dàn diễn viên của Killers of the Flower Moon tại Cannes | Nguồn: Deadline

Không ai biết vì sao chuyện vỗ tay lại trở thành một “đặc sản” của liên hoan phim Cannes. Tuy nhiên khi đứng dưới góc nhìn của tâm lí học, “cấp bậc uy tín" (prestige hierarchy) trở thành một cụm từ được sử dụng để giải thích cho hiện tượng này.

Tờ Atlantic giải thích: “Bạn là một khán giả bình thường và đứng trước bạn, tại những ghế ngồi hàng trên là những nhà làm phim tầm cỡ thế giới.

Khi họ đứng lên vỗ tay cho một bộ phim, dù bạn không cảm nhận được gì, một áp lực vô hình sẽ khiến bạn nghi ngờ về khả năng cảm nhận nghệ thuật của bản thân và để chứng minh cho những người xung quanh rằng bạn cũng có “khẩu vị phim” như những con người nổi tiếng ngồi phía trên ấy, bạn sẽ đứng lên để vỗ tay.”

5. Truyền thông và Internet nói gì về chuyện này?

“Không ai thích việc vỗ tay quá 1 phút,” người dùng Reddit tuyên bố "dõng dạc" trên một bài viết nói về chủ đề này.

Từ những tràng vỗ tay 4-5 phút được báo chí đánh giá là phản hồi “trung bình” cho một bộ phim đến tràng vỗ tay dài nhất lịch sử Cannes, 22 phút cho Pan’s Labyrinth, dù bạn cho rằng chúng thật lố bịch hay là một chỉ số uy tín để đánh giá chất lượng của một bộ phim, có một điều không thể tranh cãi rằng chúng thể hiện sự tôn vinh nghệ thuật và sự trân trọng đến với những nhà làm phim.

Tuy nhiên, trong vụ việc của Johnny Depp và Jeanne Du Barry, giữa một thế giới giải trí hậu #metoo và ngay sau khi diễn viên Adèle Haenel tuyên bố rời khỏi nền điện ảnh Pháp vì “truyền thống dung túng cho những kẻ bạo hành,” có lẽ những tràng vỗ tay của Cannes đã không chỉ còn là một truyền thống tôn vinh điện ảnh đơn thuần.