Kanye West mất danh hiệu tỉ phú sau khi bị các nhãn hàng tẩy chay | Vietcetera
Billboard banner

Kanye West mất danh hiệu tỉ phú sau khi bị các nhãn hàng tẩy chay

Kanye West lại có phốt, nhưng khác với những lần trước đây, anh đã bước qua một lằn ranh không thể quay đầu: phát ngôn thù hằn sắc tộc.
Kanye West mất danh hiệu tỉ phú sau khi bị các nhãn hàng tẩy chay

Nguồn: Adidas

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 25/10, Adidas đưa ra tuyên bố kết thúc hợp tác với Kanye West - nay đã đổi tên thành Ye - sau những phát ngôn và hành động ngông cuồng của nam ca sĩ này. Không chỉ riêng Adidas, Balenciaga và Gap cũng thông báo ngừng hợp tác với Ye trên mọi phương diện.

Ye là chủ sở hữu của nhãn hiệu thời trang Yeezy với các sản phẩm quần áo, giày dép, mắt kính và các loại phụ kiện thời trang khác. Đặc biệt, sản phẩm giày Adidas Yeezy mà Ye cộng tác với Adidas để sản xuất là một thương vụ có giá trị 1,5 tỉ đô, theo ước tính của Forbes.

Việc Adidas và hàng loạt nhãn hàng đồng loạt tẩy chay Ye đã khiến khối tài sản khoảng 2 tỉ đô của anh sụt giảm còn khoảng 400 triệu đô. Anh không còn là một tỉ phú, và Forbes cũng đã loại Ye ra khỏi danh sách tỉ phú của mình.

2. Ye đã làm gì để ra nông nỗi này?

Ye West là một rapper nổi tiếng, một nhà sản xuất âm nhạc có tài, một biểu tượng thời trang và văn hóa đại chúng nổi bật. Nhưng song hành với tài năng âm nhạc và gu thời trang của anh là một tính cách ngông cuồng với những hành động, phát ngôn ích kỷ và gây nhiều tranh cãi.

Sự kiện đầu tiên khởi động làn sóng tẩy chay diễn ra vào ngày 04/10 tại Tuần lễ Thời trang Paris. Trong buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang mới nhất của mình, anh đã mặc chiếc áo phông có dòng chữ “White Lives Matter.”

27oct2022feklj0gxkaceqn0jfif
Ye West và người bạn Candace Owens mặc áo White Lives Matter tại Tuần lễ Thời trang Paris. | Nguồn: Variety

Bất chấp những công kích bủa vây, Ye hoàn toàn không hối hận về hành động của mình. Một tuần sau vụ bê bối tại Tuần lễ Thời trang, nam ca sĩ xuất hiện trên podcast Drink Champs và có lời bình phẩm về cái chết của George Floyd - người mà Ye bảo là đã chết vì sốc thuốc, chứ không phải vì bạo lực sắc tộc hay sự lạm quyền của cảnh sát.

Không dừng lại ở đó, Ye tiếp tục “thêm dầu vào lửa” với những dòng tweet bài Do Thái. Đây chính là giọt nước tràn ly và đã trực tiếp kích hoạt làn sóng tẩy chay với anh.

3. Ngoài các nhãn hàng thời trang, còn những ai đã quay lưng lại với Ye?

Tài khoản Twitter và Instagram của Ye đã bị hạn chế từ đầu tháng 10 bởi những bình luận xúc phạm người Do Thái. Theo Los Angeles Times, công ty chủ quản của anh là Creative Artist Agency cũng đã bỏ rơi anh sau vụ việc này.

Bên cạnh đó, MRC Entertainment - kênh truyền thông đang thực hiện phim tài liệu về Ye - tuyên bố sẽ ngừng dự án phim và chấm dứt hợp tác với nam ca sĩ. Ngân hàng JP Morgan Chase cũng ra thông báo ngưng hợp tác với nhãn hiệu Yeezy và yêu cầu Ye phải chuyển toàn bộ tiền ra khỏi ngân hàng trước ngày 21/11 năm nay.

Các luật sư của Ye cũng cho biết họ không còn đại diện cho anh về mặt pháp lý, trong đó có hai luật sư ly dị nổi tiếng là Camille Vasquez - người đại diện của Johnny Depp trong vụ kiện với Amber Heard, và Robert Cohen - người đại diện của Melinda Gates trong vụ ly hôn với Bill Gates. Việc mất người đại diện sẽ có tác động lớn, bởi gia đình George Floyd đã kiện Ye vì phát ngôn của anh.

27oct202216563361939938jpg
Luật sư Camille Vasquez từ chối đại diện cho Ye. | Nguồn: AP

Có lẽ những mối quan hệ cá nhân là thứ giá trị nhất mà Ye đánh mất. Sau khi “cạch mặt” người bạn thân Justin Bieber cách đây không lâu, Ye tiếp tục mất đi một người bạn thân khác là Anna Wintour - tổng biên tập tạp chí Vogue vì tư tưởng thù ghét người Do Thái của mình.

4. Forbes xác định tài sản của các tỉ phú thế nào?

Việc Forbes loại Ye ra khỏi danh sách tỉ phú đặt dấu chấm hết cho những tranh cãi giữa hai bên về tổng tài sản của anh. Nam ca sĩ đã nhiều lần chỉ trích Forbes “định giá thấp” tài sản ròng của mình, đồng thời tuyên bố rằng “không ai ở Forbes biết cách tính.”

Forbes chưa bao giờ chính thức công bố công thức tính và hệ quy chiếu của mình khi cân đo khối lượng tài sản của các tỉ phú. Tuy nhiên, đơn vị này có đưa ra một mô tả chung về phương pháp của mình: xác định tài sản cá nhân bao gồm cả cổ phiếu công khai và không công khai, bất động sản, du thuyền, xe cộ, sản phẩm nghệ thuật, và tiền mặt. Trong một số trường hợp, Forbes tính cả những khoản nợ mà cá nhân đang nắm giữ vào tổng tài sản.

5. Vì sao có những tỉ phú không nằm trong danh sách tỉ phú?

Ngoài những người trong danh sách của Forbes, có rất nhiều tỉ phú "vô hình" - những người giàu có nhưng không xuất hiện trong danh sách. Lý do là bởi Forbes không liệt kê những người thuộc hoàng tộc của các nước, cũng như giới lãnh đạo - những người có khối tài sản lớn vì nắm nhiều quyền lực.

Bên cạnh đó, có cả những tỉ phú đủ điều kiện để vào danh sách nhưng không muốn vào, và tỏ thái độ không hài lòng khi thấy tên mình xuất hiện trong những danh sách tỉ phú. Lý do có thể vì họ muốn giữ kín đời tư và tài sản, muốn né tránh những rủi ro như cướp bóc, hoặc muốn... né tránh các nhân viên thuế.