Khi “làm gương” và “noi gương” phản tác dụng | Vietcetera
Billboard banner

Khi “làm gương” và “noi gương” phản tác dụng

Tuyên dương và xử phạt công khai có thể gây tác động tiêu cực đến học tập và công việc trong tình huống nào?
Khi “làm gương” và “noi gương” phản tác dụng

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Đằng sau các chương trình tuyên dương “người tốt việc tốt” và nêu gương xấu ở các trường học và công sở ngày nay, là lời dạy của người Việt xưa qua tục ngữ, thành ngữ, ca dao. “Gương có sáng thì soi mới tỏ, gương có tỏ thì soi mới sáng” là một ví dụ điển hình.

Ở bề nổi, có vẻ như những thực hành này tạo ra không khí tích cực. Một nhân viên làm việc tốt, anh/cô ấy được tuyên dương trước toàn thể công ty. Điều này tạo không khí cạnh tranh giữa những ứng viên tài năng còn lại vì họ cũng muốn nhận vinh quang này. Một học sinh vi phạm kỷ luật, cậu/cô được yêu cầu phải công khai xin lỗi trước trường trước lớp để các bạn khác cảm thấy sợ hãi mà không dám vi phạm.

Phía trên là bức tranh màu hồng. Trong rất nhiều tình huống, việc lấy một con người làm hình mẫu tốt-xấu có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới chính cá nhân họ và cho những người “noi gương.” Câu chuyện gần đây về giám đốc một doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cho dán giấy thông báo sa thải nhân viên, kèm hình ảnh một người bị kéo cắt cổ, khiến dư luận hoang mang không rõ câu chuyện “làm gương” có thể đi xa tới đâu.

Từ câu chuyện xử phạt công khai tại trường học…

Tôi chứng kiến nhiều vụ việc “xử phạt nêu gương” từ thời học phổ thông, tới một vài môi trường công sở, và cuối cùng là trên mạng xã hội. Các hiện tượng này đều có điểm chung: Lỗi sai của một cá nhân bị phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ, đến nỗi cứ nhắc đến tên của người đó, người ta chỉ nghĩ đến lỗi lầm, chứ không nghĩ tới những thành quả và những phẩm chất tốt họ đã luôn có.

“Nêu gương,” hay với lớp nghĩa tiêu cực nhất của nó - “bêu rếu” - từng được tôi quan sát từ mẫu giáo. Ở trường tôi ngày ấy, nếu bạn ăn cơm chậm hơn cả lớp, bạn sẽ phải ôm chiếc bát inox lạnh toát, đứng trên bục giảng để ăn nốt, trong ánh mắt của những đứa trẻ hả hê vì được đi ngủ sớm. Chuyện đó có thể lặp lại cho đến hết cấp học có bán trú (3 năm mẫu giáo và 5 năm tiểu học).

Nhưng câu chuyện này chưa kinh khủng bằng việc phải xuất hiện trong những phiên “luận tội” vào giờ chào cờ đầu tuần. Ở nhiều trường học, các bạn học sinh vi phạm kỷ luật sẽ phải đọc bản kiểm điểm kèm lời xin lỗi công khai trên sân khấu, trước mặt hàng ngàn bạn bè đồng trang lứa.

“Làm gương” nhấn mạnh một khuôn thước, một hệ quy chiếu về kỷ luật trong nhà trường, công ty, và cả đất nước. Câu hỏi lớn hơn ở đây là việc bị bêu rếu bởi đám đông, bị đẩy vào tình huống bấp bênh về phẩm giá có phải một phần hình phạt do nội quy và luật pháp quy định? Nếu đã chịu hết mọi hình phạt của tổ chức thì người vi phạm đã trả đủ giá, còn “làm gương” là cái giá thừa thãi.

Chủ ý tảng lờ quyền được sai bằng cách cô lập họ trong sự đánh giá của đám đông đồng nghĩa với việc phủ định quyền được sửa chữa của người ấy.

Đến chuyện người tài giỏi cũng bị ghét

Đến đây, nhiều bạn đọc sẽ tự hỏi, “làm gương” theo nghĩa tiêu cực, tức là soi gương xấu để biết tránh xa, có thể đẩy người làm gương vào thế khó; nhưng “làm gương” tích cực thì cũng tốt ấy chứ? Tuyên dương người tài thì đồng nghiệp xung quanh có động lực và đích đến để phấn đấu.

Đừng kết luận nhanh như vậy, nhất là khi nhận định sau đây đã tồn tại và lan truyền nhiều trong xã hội chúng ta: “Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt.”

Tình cờ trở thành học sinh giỏi nhất lớp ngày nay, bạn ít có cơ hội được bạn bè đồng trang lứa khâm phục. Các thành phần “nerdy” (tạm dịch: mọt sách) dễ nằm trong tầm ngắm của các băng đảng bắt nạt. Mức độ giỏi giang của người bạn đứng đầu lớp này càng cao, tiêu chuẩn trung bình về lực học giáo viên dành cho lớp sẽ càng chót vót.

Tương tự, trong những môi trường có văn hoá làm việc cạnh tranh, người được cấp trên ưu ái hoặc vì thực lực, hoặc vì độ chăm chỉ , dễ trở thành mục tiêu gièm pha và hạ bệ của đồng nghiệp. Nếu bạn không tin, hãy thử đóng vai một nhà nghiên cứu nhân học và quan sát đâu là những “nhân vật phản diện” hay được nhắc đến nhiều nhất trong các hội nhóm “ngồi lê đôi mách.”

Tình thế tiến thoái lưỡng nan theo kiểu giỏi cũng thiệt mà dốt cũng thiệt, tốt cũng thiệt mà xấu cũng thiệt, thực tế không bắt nguồn từ sự xấu tính hoặc thiếu tinh tế của giáo viên hay đồng nghiệp. Sự nan giải này xuất phát từ chế độ nhân tài trị (meritocracy).

Trọng dụng nhân tài là tốt, song cách chọn lọc của chế độ này không được thân thiện cho lắm. Nó giả định cuộc sống là một đường đua và chỉ người thắng cuộc mới được tôn trọng. Vì thế người ta có xu hướng tìm mọi cách để đứng ở vị trí số Một, kể cả việc loại bỏ số Một trước mình. Còn những cá nhân bị lôi ra “làm gương” theo nghĩa tiêu cực là lời nhắc nhở cho việc nếu ta thua cuộc, vị trí của ta sẽ là ở nơi đáng sợ nào.

Kỷ luật sai phương pháp và cơn giận dây chuyền

05oct2022kyluatintext2jpg
Khi kỷ luật sai phương pháp, chính giáo viên hay cấp trên là người bị ảnh hưởng

Tấm gương ám chỉ việc bạn tự nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong đó. Nhìn vào gương, bạn thấy một đồng nghiệp tốt, một học sinh hư hỏng, và đôi lúc, bạn thấy mình là cả người có quyền thế để quyết định ai là người xứng đáng được khen ngợi hay bị chê cười. Tôi được chứng kiến tình huống này sau vụ việc học sinh đọc bản kiểm điểm trước sân trường, xảy ra ở trường tôi.

Trong không khí sợ hãi, và có cả chút hả hê khi thấy người bị bêu làm gương xấu trông không khác gì một trò cười, một số đứa trẻ cho rằng mình có thể bắt chước cách trừng phạt của nhà trường để “dạy cho những đứa chúng mình ghét một bài học.”

Chúng ta không còn thấy xa lạ với cảnh giật tóc, xé áo ở nơi công cộng, và chuyện bêu nhau trên mạng xã hội cũng rất thân quen. Những màn kỉ luật nêu gương công khai ở trường học, cùng với những biến thể “chính trị công sở” không cùng quy mô nhưng cùng tác động tàn phá nhân phẩm và tâm lý của người tham gia.

Tôi chơi với một người bạn đã từng “tế sống” một người khác Facebook, chỉ vì bạn ấy chê bạn tôi la liếm để có được sự nổi tiếng. “Mắt trả mắt, răng trả răng” (an eye for an eye, a tooth for a tooth) chính xác là những gì đã xảy đến. Nhân vật phản diện chính trong cơn bão Facebook ấy gần như không thể giao tiếp bình thường với bất cứ ai trong hơn 1 năm phổ thông còn lại của mình.

Nạn nhân của sự trả đũa kiểu này có thể là chính cô giáo, sếp và các vị quyền cao chức trọng. Một quyết định kỷ luật sai có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền, trong đó cơn giận dữ và thiếu khâm phục không những không biến mất, mà còn nhanh chóng lan toả trong môi trường học tập-làm việc như nấm sau mưa. Với mạng xã hội, dường như học sinh và nhân viên được trao công cụ để cân đối quyền lực của mình với giáo viên và sếp.

Đời sống sẽ không ổn chút nào nếu ai cũng có thể tuyên bố mình “dạy cho người khác một bài học” nhưng không tự hỏi bản thân mình đúng đắn đến đâu, hay sự đúng đắn ấy chỉ là học mót từ lối giáo dục “làm gương” và “nêu gương” ngày xưa.

Vai trò cá nhân và vai trò tập thể

05oct2022kyluatintext1jpg
Không phải tập thể, chính cá nhân thường bị quy trách nhiệm, bất kể là tuyên dương hay bêu rếu

Công trạng và trách nhiệm không thể được quy về một cá nhân duy nhất, nhưng đó vẫn luôn là cách ta tiếp cận với những cuộc tuyên dương và xử phạt công khai.

Doanh thu tăng cao, ta tuyên dương một trường nhóm và quên mất vai trò của những bàn tay đắp vào toà thành những viên gạch nhỏ xíu dù không kém phần quan trọng. Một đội bóng thắng cuộc, ta ghi nhớ tên tuổi của người ghi bàn. Một công trình khoa học có ảnh hướng, tác giả đầu tiên (first author) được nhắc đến trong trích dẫn và những người còn lại bị khu trú vào cụm “và các cộng sự” (et al.). v.v.

Trong giáo dục, theo một cách nào đó nguyên nhân tạo ra một đứa trẻ hư được nhìn nhận trong văn cảnh “bố mẹ không biết dạy con.” Song sẽ là thiếu sót nếu như nhà trường không nhìn thấy tầm ảnh hưởng của họ lên nhân cách của đứa trẻ.

Quy chế thưởng bằng cách tuyên dương có thể vô tình tước đi quyền được phép không hoàn hảo và có thể mắc lỗi sai của một cá nhân giỏi. Tương tự, hình phạt công khai vốn có thể tước danh dự của người bị phạt, lấy đi quyền được sửa chữa của họ. Vì thế, chúng ta cần tư duy lại việc đặt gánh nặng “làm gương” lên từng cá nhân.

Bởi vì khi “một cánh én không làm nên nổi mùa xuân,” các nhà trường cần dạy học sinh ghi nhận nỗ lực hoặc phê phán khi có điều sai trái với thái độ phản tư, tức là không tách rời bản thân mình và người khác ra ngoài văn cảnh họ sống và học tập. Như vậy, các hình thức kỷ luật sẽ đủ khoan dung để đứa trẻ vượt qua mặc cảm lỗi lầm, còn những người xung quanh nó nhận thức và cải thiện cách nuôi dạy trẻ.

Tương tự, ở các công sở, thưởng phạt cũng cần dựa trên sự nhận thức về thành quả tập thể. Ta không thể cào bằng sự tuyên dương vì mỗi thành viên trong nhóm đều có những đóng góp khác nhau.

Do đó, sẽ có lợi cho cả người được tuyên dương và những người khác nếu như từng công lao dù là nhỏ nhất được ghi nhận. Như thế, người làm công sẽ nhận thức rằng mỗi công ty là một cấu trúc phức tạp, và ai cũng đóng góp vào sự vững bền của nó.

Cuộc sống có thể khoan dung hơn rất nhiều nếu ta ghi nhận sự cố gắng, và thành quả nào cũng có bóng hình của nhiều hơn một người. Khi ấy không ai phải gánh vác gánh nặng “Gương có sáng thì soi mới tỏ, gương có tỏ thì soi mới sáng.”