Ở bài viết "4 Yếu tố quyết định khả năng tự học", mình có nhắc đến 4 lý do chính cản trở chúng ta không thể tự học hiệu quả, đó là:
- Chưa xác định được rõ ràng mục đích và động lực của bản thân
- Chưa có đủ sự tò mò, thói quen đặt câu hỏi và biết cách đặt câu hỏi đúng
- Chưa có khung đánh giá bản thân, để biết mình cần học thêm hay điều chỉnh điều gì
- Chưa dám chấp nhận sự tổn thương, xấu hổ khi học một điều mới
Tuy nhiên, ngay cả khi nhận thức được 4 yếu tố trên, mình nghĩ chúng ta vẫn có thể còn mắc kẹt với một số hiểu lầm khác khiến việc tự học khó hiệu quả. Bài viết này mình nói đến 5 hiểu lầm phổ biến nhất về tự học.
Hiểu lầm 1: Để tự học cần phải có khả năng tự kỷ luật cao
Bạn có biết nguồn doanh thu chính của những phòng gym là đến từ những khách hàng mua những gói tập dài ngày, và rồi bỏ cuộc giữa chừng không? Vì rất nhiều người trong số chúng ta, mà ngay cả mình cũng từng có xu hướng bỏ tiền ra mua các khóa học, với suy nghĩ biến sự tiếc nuối cho khoản tiền đã mất trở thành động lực để đi học.
Cách này cũng có thể sẽ hiệu quả, nếu số tiền đó thật sự lớn so với số tiền chúng ta có thể kiếm được. Bằng không nó sẽ không thật sự có tác dụng.
Nếu bạn có thể tìm thấy động lực, mục đích đến từ bên trong như một vài động lực mà mình đã chia sẻ thì chẳng cần phải chờ tới khi bạn là một người có khả năng tự kỷ luật cao, mới có thể tự học hiệu quả.
Hiểu lầm 2: Mất nhiều thời gian để đạt được thành tựu khi tự học
“10.000 giờ là con số kỳ diệu của sự vĩ đại” - Đây là ý tưởng nổi tiếng được viết trong cuốn sách bán chạy Những kẻ xuất chúng (Outliers: The Story of Success) của tác giả Malcolm Gladwell. Ông cho rằng 10.000 giờ “luyện tập có chủ đích” là cần thiết để trở thành bậc thầy đẳng cấp thế giới trong mọi lĩnh vực.
Thông điệp của Gladwell là muốn trở nên xuất chúng, chúng ta không cần phải là thiên tài từ lúc sinh ra. Thành công cần rất nhiều nỗ lực. Quan điểm này không sai, nhưng chưa đủ. Đã có những nghiên cứu về tâm lý học chứng minh rằng nó không hoàn toàn áp dụng cho mọi lĩnh vực. Về điều này, mình sẽ không nói kỹ hơn, các bạn có thể tìm thêm trên mạng với từ khóa “hiểu lầm về quy tắc 10.000 giờ”.
Thậm chí chính tác giả cũng đã từng nói rằng “Có rất nhiều điều nhầm lẫn về quy tắc 10.000 giờ mà tôi đã nói đến trong cuốn Những kẻ xuất chúng. Nó không áp dụng cho thể thao và việc rèn luyện không phải là điều kiện ĐỦ để thành công. Tôi có thể chơi cờ 100 năm và tôi sẽ không bao giờ trở thành một đại kiện tướng.”
Vì thế mình cho là 10 ngàn giờ không phải là con số bắt buộc để bạn có thể tự học và đạt được thành tựu trong một thứ gì đó. Mấu chốt là hãy bắt đầu ngay hôm nay, mỗi ngày và duy trì trong thời gian dài, bạn sẽ thấy tự học cũng dễ như việc đánh răng vậy.
Hiểu lầm 3: Tự học thì luôn chậm tiến bộ
Trước khi nói chi tiết hơn về hiểu lầm này thì mình xin đổi chủ đề một chút, nghe có vẻ không liên quan, nhưng bạn sẽ hiểu ngay thôi.
Nếu phải chọn một loài cây để so sánh với quá trình phát triển (đặc biệt là ở giai đoạn tuổi trẻ) thì mình sẽ chọn cây tre.
Cây tre là một loài rất đặc biệt. Trong 4 năm đầu tiên nó chỉ vươn cao khỏi mặt đất tầm 3cm. Nhưng từ năm thứ 5, nó sẽ phát triển cực kỳ mạnh mẽ, có khi dài hơn 30cm mỗi ngày, và chỉ mất đúng 6 tuần để vươn lên độ cao 15 mét. Dù với chiều cao như vậy, hiếm có cơn gió nào đủ sức quật ngã được chúng.
Điều thú vị ở đây là, ở trong 4 năm phát triển rất chậm trên mặt đất, thì ở bên dưới nó lại tập trung đâm sau bộ rễ xuống đất. Chính nhờ vậy mà đã nó có nền tảng để phát triển vừa nhanh vừa vững chắc sau đó.
Mình nghĩ chiến lược cho tuổi trẻ, hay quá trình phát triển, quá trình tự học cũng nên như vậy. Đó là mọi thành công đều nên được xây dựng từ một nền tảng vững chắc, đó là tính cách, giá trị, thái độ sống đúng đắn. Tất cả đều phải bắt đầu từ chính bên trong chúng ta.
Dù biết rằng trong thời đại bùng nổ mạng xã hội và những cơ hội kiếm tiền rất nhanh chóng ngoài kia. Không ít lần chúng ta sẽ cảm thấy sốt ruột và áp lực khi nhiều người xung quanh đã gặt hái được những thành quả lớn, còn mình thì lại chưa có gì trong tay.
Nhưng cái gì chóng nở cũng chóng tàn, nếu cốt lõi bên trong chúng ta không đủ sức để duy trì những thành quả lớn đi kèm với áp lực cũng lớn từ bên ngoài, việc sớm sụp đổ cũng là lẽ bình thường. Chắc bạn cũng không lạ gì những trường hợp như vậy.
Cái gọi là overnight success - thành công sau một đêm, thật ra nó cũng phải đến từ rất nhiều năm tích lũy cho cái đêm định mệnh đó.
Đây sẽ là một sự thật mà chúng ta phải luôn tự nhắc nhở bản thân mình nếu muốn thành công. Vì thế hãy kiên nhẫn, học tập để xây dựng cho bản thân một nền tảng thật vững vàng. Thời gian đầu tốc độ có thể chậm rãi, nhưng rồi khi cơ hội đến và bạn biết nắm bắt, “thời” của bạn sẽ tới.
Hiểu lầm 4: Tự học thì sẽ không xịn như học trường lớp, và sẽ khó có việc làm
Mình đang làm việc trong lĩnh vực mà bây giờ mọi người hay gọi tên là UX/UI Design hay còn gọi là Thiết kế sản phẩm. Nhưng lúc mình mới tốt nghiệp đại học và chọn làm việc trong lĩnh vực này, nó còn chẳng có tên ở Việt Nam. Ở thời điểm năm 2012, hai năm sau khi internet Việt nam chuyển sang cáp quang, khái niệm thiết kế website vẫn còn rất mù mờ. Đa phần thị trường cho rằng web là một sản phẩm của bộ nhận diện thương hiệu, và sử dụng kỹ thuật dàn trang như tạp chí là chính.
Hơn 10 năm làm việc ở một lĩnh vực chưa có trường chính quy nào dạy chuyên sâu, nên tất cả kiến thức và thành quả mình có đều tới từ việc tự học.
Bây giờ thì với tốc độ phát triển của công nghệ, công việc mới có thể xuất hiện ngày càng nhiều, đòi hỏi kỹ năng tự học ngày càng cao. Gần đây còn có xuất hiện cụm từ “new collar” - cổ áo mới để chỉ đến những người vẫn làm tốt các công việc mang tới thu nhập cao mà không cần tới bằng cấp.
Nhưng như vậy không có nghĩa là: tự học tốt là không cần đi học nữa.
Đây cũng chính là hiểu lầm cuối cùng.
Hiểu lầm 5: Tự học tốt thì sẽ không cần đi học, và không cần ai giúp đỡ
Mỗi khi chuẩn bị cho một tập podcast mới hay một bài viết mới, là mình phải hồi tưởng và chiêm nghiệm rất nhiều từ chính bản thân về chủ đề của tập podcast đó. Quá trình chiêm nghiệm, đúc kết và chia sẻ lại cho các bạn cũng giúp mình tự học được thêm rất nhiều điều.
Rồi khi các bạn đón nhận, phản hồi thêm về suy nghĩ của mình cũng là khi chúng ta đang bắt đầu học hỏi lẫn nhau. Vui hơn nữa, là mình còn được nhận thêm những lời động viên từ mọi người, hay biết được những chia sẻ của mình đã có hữu ích với ai đó ngoài kia.
Chính những sự tương tác như vậy sẽ là nguồn động lực lành mạnh để chúng ta có thể tự học hiệu quả và lâu dài hơn rất nhiều.
Nên là tự học không nhất thiết phải là học một mình, không cần ai.