Không cần bàn cãi về vai trò của thú cưng trong cuộc đời bạn. Chúng là sinh vật được con người thuần hóa để phục vụ cho mục đích sinh hoạt như đi săn, trông nhà, chăn cừu, bắt chuột,… Và sau hàng trăm năm trở thành bạn của con người, bạn cũng được chúng thuần hóa để trở thành người chăm chúng. Bao gồm các thể loại lao động không lương như: cho ăn, tắm rửa, chơi với chúng, canh chừng để chúng không bị trộm mất và hốt cái mà-bạn-thừa-biết-là-cái-gì.
Chúng ở đó như một lẽ tự nhiên: mừng rỡ khi bạn về, chồm lên khi được cho ăn và làm cái vẻ mặt vô (số) tội sau khi cắn toang đồ của bạn.
Cho đến một ngày bạn nhận ra rằng, bạn sắp hết thời gian với chúng.
Dành cho những ai đang nuôi thú cưng, mà theo trải nghiệm của người viết là một chú chó, và sắp sửa đối mặt với điều mà chúng ta luôn biết sẽ xảy ra. Đây là một vài lời khuyên dành cho bạn để vượt qua nỗi đau, đó là:
1. Sẽ chẳng có cách nào tránh được cả
Đây chắc chắn sẽ là một cuộc chia tay với rất nhiều nước mắt, cho dù bạn muốn hay không.
Không có cách nào giúp tránh né hoặc giảm đi nỗi đau khi phải tạm biệt chú chó của bạn. Người ta thường không nghĩ tới việc sẽ phải chia tay chúng khi họ rước “cái của nợ” đáng yêu ấy về. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng chúng chỉ có khả năng đồng hành cùng chúng ta trong một giai đoạn rất ngắn của cuộc đời.
2. Khi các triệu chứng bắt đầu
Trong thời gian nuôi chó, sẽ không ít lần bạn ghé thăm bác sĩ thú y (hoặc bác sĩ ghé thăm bạn) để chích chó. Nuôi chó đồng nghĩa với việc chịu trách nhiệm cho sinh hoạt, sức khỏe và hạnh phúc của chúng suốt cả cuộc đời. Ngoài việc cho ăn và hốt “cái thứ đó”, bạn cũng biết thêm vài triệu chứng bệnh vặt, nằm lòng vài cơ sở thú y để phòng những trường hợp như: đau bụng khi ăn bậy, ốm khi thời tiết thay đổi và tới tuổi thì phải đi triệt sản.
Rồi một ngày sau 10 năm, bạn thấy những triệu chứng lạ từ chúng như: co giật, nôn mửa, mất kiểm soát hành vi,… Bạn sẽ lại gặp bác sĩ, lại chích, nhưng rồi các triệu chứng ấy không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn.
Đó là lúc bạn biết rằng, bạn sắp hết thời gian rồi.
3. Chuẩn bị tâm lý
Nếu bạn hay chụp hình chúng, giờ bạn có thể bắt đầu tổng hợp lại để in thành ảnh cứng hoặc tạo thành một album trong điện thoại để thi thoảng đổi hình nền. Nếu bạn không hay chụp bởi vì quá quen với việc chúng luôn hiện diện ở đó (như tôi chẳng hạn), thì bạn có thể suy nghĩ lại.
Nếu gia đình bạn thuộc dạng “mát tay”, chú chó của bạn sẽ may mắn sống tới tuổi già. Bạn sẽ quá quen với việc ngày nào về cũng có kẻ chạy ra vẫy đuôi mừng trong suốt từng ấy năm, đến nỗi có khi bạn còn chẳng buồn đáp lại.
Để rồi một ngày bạn nhận ra rằng, sự hiển nhiên đó sẽ không còn nữa. Khi sức khỏe trở nên suy yếu, chúng có khi còn quá mệt để đứng lên vẫy đuôi khi bạn về.
Lúc này, có lẽ bạn nên bắt đầu đổi lại vai trò với nó. Là lúc bạn nên chạy ra mừng chú chó khi về. Điều này chẳng giúp bạn bớt đau đớn hơn đâu, chủ yếu là để giúp bạn đỡ phải hối tiếc khi thời điểm đến.
Mặc cho tất cả những gì bạn cố làm để chuẩn bị cho giây phút ấy, nhưng khi nó đến bạn sẽ bẽ bàng nhận ra rằng...
4. Bạn chẳng bao giờ sẵn sàng
Chẳng có ai sẵn sàng để từ biệt chú chó của mình cả. Cho dù việc đó xảy đến đột ngột vì tai nạn, đi lạc hoặc mất trộm, hay diễn ra trong một thời gian dài như tuổi già. Nhưng khi ngày đó đến, dù có chuẩn bị tinh thần trước bao lâu cũng chẳng thể giúp bạn sẵn sàng cho giây phút chia tay.
5. Hồi tưởng
Tuổi thọ trung bình của chó là từ 10 đến 12 năm. Chẳng là gì so với số năm mà bạn sống phía trước. Nhưng nếu bố mẹ mang về một chú chó khi bạn tầm độ tuổi mẫu giáo, cấp 1 hoặc cấp 2, thì 10 năm là đủ để chúng trở thành tuổi thơ của bạn. Và nhiều khả năng, đây sẽ là lần đầu tiên bạn phải nói lời tạm biệt một chú chó, tạm biệt một phần tuổi thơ.
6. Và rồi….
Ngày đó đến.
7. Khi bạn phải đem chôn chú chó của mình
Phần lớn thời gian bạn sẽ cảm thấy khá mơ màng vì vẫn không chắc rằng việc này có thật hay không.
8. Rồi bạn trở về nhà
Bạn sẽ cần khá nhiều thời gian để lấp đầy khoảng trống do chúng để lại.
Và cảm thấy trống vắng lạ thường. Không còn thấy nó vẫy đuôi và bạn bắt đầu phải chấp nhận sự thật rằng từ nay nó sẽ không còn đứng đó chờ bạn nữa.
9. Bao lâu thì nên nuôi một chú chó mới
Không có một khung thời gian chuẩn mực nào quy định việc bao lâu thì bạn được nuôi một chú chó mới. Đôi khi bạn làm thế chỉ vì... hoàn cảnh.
Khi bạn cảm thấy sẵn sàng để hốt “thứ đó” của một chú chó không phải chú chó cũ của bạn. Khi bạn nhìn ra vườn và thấy chú chó nào đó đang vẫy đuôi mà không đau đáu nhớ tới chú chó cũ của mình. Hoặc... khi bố mẹ bạn bảo muốn nuôi chó mới.
Buồn cười là hồi bé bạn đòi nuôi chó, bố mẹ cứ hay dọa "nuôi thì tự mà cho nó ăn". Tới lúc nuôi rồi, có khi bạn còn băn khoăn rằng mình là con nuôi còn nó mới là con ruột.
Vào những lúc như thế này bạn sẽ thấy rằng, bố mẹ bạn vượt qua nỗi đau này nhanh hơn bạn nhiều. Sau từng ấy năm sống trên đời, họ đã quen với những mất mát (có lẽ đây không phải là chú chó đầu tiên mà họ từ biệt). Hoặc họ cũng buồn và thèm có lại cảm giác cưng nựng chó, và điều đó thôi thúc họ tìm một đứa con mới (trong khi “đứa con ghẻ” thì đang loay hoay khổ sở vì chưa quên được chú chó đầu của mình).
10. Rồi bạn sẽ nguôi ngoai, nhưng
Trong tương lai, có thể sẽ có những chú chó khác bước vào cuộc đời bạn, để rồi lại đi.
Cũng giống như khi bạn lớn lên, những kí ức tuổi thơ sẽ dần mờ đi trong bạn. Nhưng cũng như việc bạn không bao giờ quên mình có một tuổi thơ, bạn cũng sẽ không bao giờ quên chú chó của mình. Chỉ là bạn phải sống tiếp thôi.
Cũng như bố mẹ, bạn sẽ lại nuôi chó và tạm biệt nó sau tầm 10 năm, rồi có khi sau đó bạn vẫn lại nuôi thêm một chú chó nữa (vì con bạn đòi).
Kết
Cho dù là chú chó thứ mấy mà bạn phải từ biệt, bạn vẫn sẽ trải qua cảm giác đau buồn khi mà con vật thân yêu, gắn bó bao nhiêu năm ra đi. Nhiều người nói rằng, cảm giác đau buồn ấy không khác gì khi bạn mất đi người thân của mình.
Nếu bạn đang nuôi chó, hay bất kì thú cưng nào khác, hãy cố gắng cho nó một quãng thời gian thật hạnh phúc khi ở bên bạn (và chụp nhiều hình). Đối với bạn chúng chỉ là một phần của cuộc sống, nhưng đối với chúng bạn là cả cuộc đời. Và cuộc đời của một chú chó thì ngắn ngủi hơn bạn nhiều.
Hình ảnh trong bài được thực hiện bởi Nhi Thanh.