Kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam của Enterprise Singapore: Recap "Vietnam Innovators" Tập 15 | Vietcetera
Billboard banner
31 Thg 03, 2021

Kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam của Enterprise Singapore: Recap "Vietnam Innovators" Tập 15

Khách mời của tập 15 là anh Leon Cai, Regional Director của Enterprise Singapore - một cơ quan chính phủ trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore.
Kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam của Enterprise Singapore: Recap "Vietnam Innovators" Tập 15

Nguồn: Francois Le Nguyen/Unsplash

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Vietcetera Podcast | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Vietcetera Podcast | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Khách mời của podcast “Vietnam Innovators” tập 15 là anh Leon Cai - Regional Director (Giám đốc Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh) của Enterprise Singapore - một cơ quan chính phủ trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore. Mục tiêu của Enterprise Singapore là hỗ trợ doanh nghiệp Singapore trong các lĩnh vực phát triển, đổi mới, chuyển đổi và toàn cầu hóa.

Sau hơn 25 năm hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, Enterprise Singapore hiện đã có đủ tiềm lực để phát triển mối quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam, trong bối cảnh nền thương mại và công nghiệp trong nước vẫn đang tiếp tục phát triển.

Một trong những dự án song phương nổi bật giữa hai quốc gia là khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, nơi đã mở ra hơn 270.000 cơ hội việc làm, và thu hút hơn 14 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tại, trên 43 tỉnh thành Việt Nam cũng có hơn 2.000 dự án do Singapore đầu tư.

Việt Nam - Điểm đến lý tưởng cho những kế hoạch đầu tư

Theo Leon nhận định, Việt Nam luôn là một trong những địa điểm đầu tư lý tưởng của các công ty Singapore nhờ vị trí địa lý liền kề và những nét tương đồng trong văn hóa. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ, cùng với hiệp định thương mại tự do, và đặc biệt là lực lượng lao động bền bỉ tại Việt Nam cũng là những lý do nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn để đầu tư.

Nhận định và lời khuyên

Theo Leon, nhiều công ty xem Việt Nam như một thị trường đồng nhất, nhưng thực tế là họ “không thể áp dụng một kế hoạch cho mọi khu vực”. Với mỗi vùng miền, các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp.

Ngoài ra, “Bạn, Bàn, Bán” là một quy tắc quan trọng nên áp dụng. Đầu tiên là kết bạn, sau đó bắt đầu thương thảo, rồi mới tiến tới ký kết thỏa thuận. Tại Việt Nam, chiến lược kinh doanh hiệu quả nhất chính là xây dựng mối quan hệ giữa người với người.

4 lĩnh vực đầu tư đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam:

1) Phong cách sống và Người tiêu dùng: Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng nhanh, vì vậy các thương hiệu Singapore cần tìm cách nắm bắt tâm lý của thế hệ người tiêu dùng này trước khi gia nhập thị trường.

2) Sản xuất: Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (EVFTA và CPTBD) đã giúp Việt Nam dần trở thành một trung tâm sản xuất vững mạnh. Các nhà sản xuất Singapore cũng đã bắt đầu xem xét việc chuyển đến thiết lập cơ sở tại Việt Nam, thậm chí cả việc cung cấp các giải pháp công nghiệp 4.0 để nâng cao hiệu quả của các nhà sản xuất tại đây.

3) Giải pháp phát triển đô thị và Thành phố thông minh: Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam hiện đã nhanh hơn nhiều so với trước đây. Ngoài ra, chính phủ cũng đang thúc đẩy đa dạng hóa các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và năng lượng mặt trời,...

4) Khởi nghiệp và Đổi mới: Chính phủ ngày càng triển khai thực hiện nhiều chính sách chủ động hơn trong việc thúc đẩy khởi nghiệp, chẳng hạn như các kế hoạch thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia. Động lực này đã giúp gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài có dự định gia nhập thị trường Việt Nam (đặc biệt là các nhà đầu tư Singapore).

Bài viết được chuyển ngữ bởi Thảo Vân.