Kitchen sink là gì? Tại sao Elon Musk đi làm lại bê bồn rửa? | Vietcetera
Billboard banner

Kitchen sink là gì? Tại sao Elon Musk đi làm lại bê bồn rửa?

Có phải CEO mới của Twitter đang tập thể dục, hay anh muốn gửi một thông điệp gì?
Kitchen sink là gì? Tại sao Elon Musk đi làm lại bê bồn rửa?

Nguồn: Twitter Elon Musk

1. Kitchen sink là gì?

Chúng ta đều biết kitchen sink là từ tiếng Anh của cái bồn rửa bát. Ngoài ra, từ này có một nét nghĩa riêng trong giới đầu tư và ngành tài chính. Theo Financial Times, thuật ngữ kitchen sink nói về việc công bố một lượng lớn thông tin bất lợi một cách có chiến lược trong thời gian ngắn, không chấp nhận việc để thông tin nhỏ giọt.

2. Nguồn gốc của kitchen sink?

Có một câu thành ngữ là “everything but the kitchen sink”, được từ điển Cambridge cắt nghĩa là “tất cả mọi thứ có thể mang đi được.” Câu thành ngữ này bắt nguồn từ Thế chiến II, khi tất cả mọi thứ đều được tận dụng để phục vụ chiến tranh, đặc biệt là kim loại để sản xuất vũ khí, đạn dược.

Thời đó tại Anh, bồn rửa chén lại làm bằng sứ nên không sử dụng được. Từ bối cảnh lịch sử và bối cảnh ngôn ngữ này, cụm từ kitchen sink có thêm một nét nghĩa mới gắn với câu thành ngữ.

Nhưng theo cách hiểu của giới đầu tư và ngành tài chính, kitchen sink là một chiến lược để công bố những thông tin xấu về kinh doanh hay điều hành doanh nghiệp. Cách hiểu này trở nên phổ biến thông qua các bài báo và bài bình luận về báo cáo tài chính của chuỗi cửa hàng bán lẻ Tesco vào năm 2015.

Vào tháng 4/2015, Tesco vừa báo lỗ 6,4 tỉ bảng sau thuế, vừa thông báo cổ phiếu của công ty đã sụt giá trị tương đương 570 triệu bảng, đồng thời có hàng tỉ đô chênh lệch trong việc chi trả quỹ hưu trí.

Financial Times và BBC chỉ ra rằng Tesco đã khéo léo chọn thời điểm giữa cuộc tranh cử Thủ tướng tại Anh để “lật bàn” công bố tất cả thông tin mà họ biết mình không thể giấu. Chiến lược này khiến cho sự chú ý không đổ dồn về họ và truyền thông không làm mọi thứ “rùm beng” lên.

3. Vì sao kitchen sink phổ biến?

Hình ảnh Elon Musk bê chiếc chậu rửa bát vào trụ sở Twitter vào ngày 27/10 là lí do trực tiếp khiến nhiều người nhắc tới cụm từ này. Ông chủ mới của chú chim xanh đã đăng video quay lại cảnh đi vào trong trụ sở với mô tả là “Entering Twitter HQ - Let that sink in!

Câu nói “let that sink in” có nghĩa là hiểu một điều gì đó từ từ, cho phép điều gì đó ngấm dần vào tâm trí tới khi vỡ lẽ. Việc Elon bê chậu rửa bát vào là một nỗ lực chơi chữ nho nhỏ, bởi khi ấy câu nói cũng có thể được hiểu là cho cái chậu rửa vào.

Có lẽ điều mà Elon muốn nhắn nhủ tới các nhân viên hiện tại của Twitter là nhắc nhở về sự hiện diện của ông trong cương vị mới, và ngầm thông báo rằng họ sẽ phải thích nghi với sự hiện diện đó. Không những vậy, người ta còn nhắc tới kitchen sink trong câu chuyện này vì những thay đổi mà Elon Musk lập tức thực hiện với chú chim xanh.

Ngay trong những ngày đầu đi làm, Elon Musk đã “đuổi cổ” 4 lãnh đạo cao nhất của Twitter, bao gồm cả CEO Parag Agrawal. Không dừng lại ở đó, ông gửi tối hậu thư cho một bộ phận nhân viên, đặc biệt là nhóm thiết kế trang web và viết mã cho Twitter, rằng họ phải hoàn thành công việc thật nhanh nếu không sẽ chịu số phận tương tự. Dự kiến, sẽ có ít nhất 25% nhân viên của Twitter “bay màu” trong tháng 11.

Các tin đồn về việc sa thải cộng hưởng với những thay đổi bất chợt tới trong công ty là một loạt những tin xấu đối với nhân viên Twitter. Theo nghĩa này, Elon đã có một cú “kitchen sink” rất chiến lược khi tung ra hàng loạt quyết định khá cực đoan để thay máu công ty.

4. Cách dùng kitchen sink?

Tiếng Anh:

A: Elon Musk brought a kitchen sink into Twitter. What was that for?

B: To show that he would make a kitchen-sinking reorganization with the company.

Tiếng Việt:

A: Elon Musk mang cả cái chậu rửa bát vô Twitter để làm gì vậy?

B: Để cho mọi người biết gã sẽ tái tổ chức công ty toàn diện.