Làm sao bước qua cô đơn trong tình yêu và sự nghiệp? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 06, 2023
ThươngYêu Lành

Làm sao bước qua cô đơn trong tình yêu và sự nghiệp?

Càng thành công trong công việc, dường như các mối quan hệ lại rời xa chúng ta. Liệu bạn sẽ chọn cách “nhắm mắt làm ngơ” hay lên đường tìm lại những kết nối xung quanh mình? 
Làm sao bước qua cô đơn trong tình yêu và sự nghiệp?

Nguồn: Anh Thư @nikru____ cho Vietcetera

Cô đơn còn đáng sợ hơn chính áp lực công việc

Một khảo sát với 600 người tham gia cho tờ Fortune thực hiện cho thấy rằng có đến 53% phụ nữ cảm thấy cô đơn ở nơi làm việc. Và điều này còn trở nên tồi tệ hơn khi họ leo lên các nấc thang cao hơn trong công ty. Khi đó, họ gặp các trở ngại trong việc chia sẻ, giao tiếp với cấp dưới hay thậm chí là những đồng nghiệp thân thiết trước đây. Trong tình yêu cũng thế, sự cô đơn cũng tìm đến chúng ta khi một hoặc cả hai có sự thay đổi về sự nghiệp hay thói quen sống. Đơn cử như vị trí càng cao, quỹ thời gian càng hạn hẹp dẫn đến xao nhãng chuyện yêu.

alt
Một người có thể cảm thấy cô đơn trong công sở và cả chuyện tình yêu ngoài đời.

Thậm chí còn có những cặp đôi mà một người thường làm sếp, người còn lại làm nhân viên thì sẽ có thái độ phản kháng như “Em/anh hay bắt người khác làm theo ý mình do quen làm sếp rồi”. Bản thân việc thành công cũng tạo ra khoảng cách xã hội giữa hai người yêu nhau. Một số người có thể cảm thấy ghen tị hoặc không thể hiểu được cuộc sống và áp lực mà người yêu đang trải qua.

Trang Harvard Business Review chỉ ra rằng sự cô đơn có liên quan đến hiện tượng kiệt sức của các nhà lãnh đạo. Nhìn sâu hơn, sự bào mòn năng lượng này chính là việc con tim cảm thấy bị tổn thương, khi mà những nỗ lực không nhận được sự hồi đáp như kỳ vọng. Ngay cả khi ở đỉnh cao sự nghiệp, một người vẫn luôn có khao khát được yêu thương, đồng cảm.

Trong bài viết Mọi người đều nói về áp lực thành công - nhưng ít người tập trung vào sự cô đơn trên Inc, tác giả Mark Suster nhận định rằng cô đơn khi điều hành doanh nghiệp có “hương vị độc đáo của riêng nó”. Trong đó nổi bật nhất là áp lực không để cho cấp dưới bị xuống tinh thần trong khi bản thân đang cảm thấy mất kết nối với mọi người.

Dịch chuyển đến tình yêu, cô đơn trong tình yêu cũng có “vị” rất riêng biệt. Đó là cảm giác đang trong một mối quan hệ nhưng có chênh lệch về nỗ lực. Việc một người tự nhận thấy mình có trách nhiệm, luôn động viên và cố gắng duy trì tình cảm, nhưng người còn lại không nỗ lực bằng, hoặc thậm chí xem những vun vén kia là hiển nhiên cũng tạo ra cảm giác cô đơn ở bất kì cặp đôi nào.

Bạn đang cô đơn hay đơn độc?

Chúng ta có lẽ nên có sự phân biệt giữa cô đơn và đơn độc trong công việc và cả chuyện tình cảm. Bởi chúng đều là những khái niệm chỉ sự một mình, nhưng tâm thế rất khác nhau.

Theo giải thích từ trang Pspychreg, đơn độc (solitude) không phải là việc trốn tránh ở bên người khác. Đó là tìm về ở với chính mình. Đây là một trạng thái gắn kết tích cực và mang tính xây dựng với bản thân. Đơn độc là nơi tâm trí sáng tạo có thể vui vẻ và háo hức thể hiện bản thân mà không gặp phải những đòi hỏi của người khác. Trong tình yêu, đơn độc là tự dành cho mình không gian với những niềm vui cá nhân, những lúc mà chúng ta biết cần phải một mình để suy ngẫm cuộc đời.

Trong khi đó, cô đơn (loneliness) lại có phần bị động hơn, là một trạng thái tiêu cực, được đánh dấu bằng cảm giác bị cô lập. Người ta cảm thấy thiếu một cái gì đó dù thành công về mặt công danh. Bạn có thể ở bên đồng nghiệp, hay thậm chí là người yêu mà vẫn cảm thấy cô đơn, không thuộc về. Điều này gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe tinh thần, chứng mất ngủ, trầm cảm…

alt
Cần phân biệt cảm giác cô đơn và lựa chọn đơn độc để biết tình trạng mối quan hệ của bạn.

Trong công việc, bạn có thể là một người sếp chọn sự đơn độc để tăng tính sáng tạo và có cái nhìn công bằng hơn khi đánh giá nhân viên. Nhưng khi “xả vai”, bạn đồng thời cũng có thể là một người bình thường, có gia đình, con cái và các mối quan hệ xã hội. Việc “một mình” chỉ diễn ra khi bạn chủ động đưa bản thân vào một trạng thái này. Trái lại, sự cô đơn lại có sức ảnh hưởng lớn hơn ở nhiều khía cạnh khi chúng ta lại thường bị động với nó.

Theo bài viết “Tại sao luôn cô đơn khi ở đỉnh cao sự nghiệp” đăng trên tờ Atlantic, sự cô đơn có thể tồn tại trong mọi khía cạnh đời sống của những người thành công. Bài viết chỉ ra một nguyên nhân cho việc này là do không ít người thành công bị mắc chứng “nghiện công việc” (Workaholism) dẫn đến bỏ bê những phần khác (có cả tình yêu) trong cuộc sống của họ.

Như John Cacioppo, một nhà thần kinh học xã hội tại Đại học Chicago đã nói: “Sự cô đơn phản ánh cách bạn cảm nhận về các mối quan hệ của mình”. Vì vậy, mặc dù có thể ở trong một mối quan hệ tình cảm hoặc một nơi làm việc đông đúc, nhưng những người nghiện công việc không nhận ra rằng họ đang vô cảm với thế giới. Dần dần, bên trong sẽ hình thành cảm giác cô đơn và chỉ có thể “sống lại” khi tiếp tục chìm đắm vào công việc.

Bước qua mùa cô đơn thế nào?

Trong tập 5 của Yêu Lành mùa 2, khách mời Thái Vân Linh chia sẻ rằng tìm được một người hiểu mình trong công việc và cả tình yêu là điều không dễ dàng. Trong đó, chị Linh định nghĩa đây là người ủng hộ chúng ta 100% và khi mệt thì ta có thể dựa vào. Đó cũng là người không đánh giá mà chấp nhận chúng ta. Dưới góc nhìn của người nhiều năm điều hành doanh nghiệp, chị Thái Vân Linh cho rằng quyết định quan trọng nhất trong sự nghiệp của một người chính là việc chọn bạn đời. Hóa ra, sức mạnh của tình yêu cũng chính là nền tảng cho việc gầy dựng sự nghiệp.

alt
Không nhất thiết lúc nào cũng phải đi một mình. Hãy mở lòng cho người sẵn sàng giúp đỡ bạn.

Tuy nhiên, trước khi tìm kiếm người đi cùng tâm đầu ý hợp này, chúng ta cần phải xác định và trả lời câu hỏi “Liệu để thành công thì có nhất thiết phải đi một mình?”. Chị Thái Vân Linh cho rằng vì sao chúng ta phải tự mình cố gắng làm một chuyện gì đó trong khi có một người khác sẵn sàng làm giúp mà không đòi hỏi gì thêm. Chúng ta hoàn toàn có thể cởi mở với sự hỗ trợ của người khác và cả hai có thể đi cùng nhau và đi được nhanh hơn.

Tuy nhiên, chọn người đồng hành vẫn là yếu tố bên ngoài. Để không phải chịu cảm giác cô đơn, trống trải trên đỉnh vinh quang, hay trong chuyện tình cảm, mỗi người cũng cần rèn luyện bản thân. Lời khuyên từ chỉ Thái Vân Linh đó là hãy xây dựng sự tự tin trong mỗi người. Với chị, “công thức” để tạo ra mọi vấn đề trong cuộc sống đều xuất phát từ việc thiếu tự tin. Kể cả cảm giác cô đơn cũng đến từ không tự tin giao tiếp nên dần dần mất kết nối. Thiếu tự tin trong các ý tưởng, định hướng phát triển nên ngại chia sẻ và cứ làm một mình. Vì vậy, cốt lõi để bước qua của cảm giác cô đơn là cần kết nối với chính mình để nuôi dưỡng sự tự tin bên trong. Khi cảm xúc đã vững vàng, chúng ta mới có thể cảm thấy thoải mái và mở lòng hơn với các mối quan hệ xung quanh.

Nguồn: Bobbyvux cho Vietcetera

Câu chuyện về “Sự cô đơn” cũng là chủ đề cuộc trò chuyện trong tập cuối cùng của Yêu Lành mùa 2 giữa host Thùy Minh và khách mời Thái Vân Linh. Nếu bạn cảm thấy cô đơn, không chỉ trong công việc mà còn ở những khía cạnh khác của cuộc sống, hãy cùng bước vào hành trình Yêu lành để tìm kiếm những câu trả lời cho bản thân nhé. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận những lời khuyên hữu ích từ chị Thái Vân Linh trong việc tìm kiếm một người bạn đồng hành phù hợp để có thể đi lâu dài cùng nhau.

Yêu Lành là sự kết hợp giữa “yêu” và “yên lành”. Trong yêu có yên, trong yên có lành. Yêu sao để chữa lành cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Podcast Yêu Lành sẽ cùng bạn đi qua những giai đoạn của tình yêu với đủ các cung bậc cảm xúc.

Bạn có thể xem lại tập 5 podcast Yêu Lành mùa 2 chủ đề Sự cô đơn tại đây, và đón chờ các tập tiếp theo vào mỗi tối Chủ nhật hàng tuần trên kênh YouTube của Vietcetera, Spotify và Apple Podcast.