Làm thế nào để hạnh phúc khi áp lực công việc đè nặng? | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 09, 2019
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Làm thế nào để hạnh phúc khi áp lực công việc đè nặng?

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng quá quen thuộc với cụm từ “áp lực công việc”, đặc biệt là trong thời hiện đại, công việc đè nặng và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Vậy phải làm thế nào để có thể làm việc ở năng suất cao nhất mà vẫn giữ tinh thần vui vẻ, thư thái?

Làm thế nào để hạnh phúc khi áp lực công việc đè nặng?

Giới trẻ ngày nay đang phải đối mặt với ngày càng nhiều áp lực hơn, cũng vì thế mà thế hệ Millennials được gọi là thế hệ lo âu. Căng thẳng, lo lắng vì áp lực là phản ứng tâm lý tự nhiên giúp chúng ta hoàn thành tốt công việc và phát triển bản thân. Nhưng nếu không biết cách cân bằng tâm lý thì thay vì được thúc đẩy, chúng ta sẽ bị những suy nghĩ tiêu cực đó đè ép.

Tuy nhiên, với nhịp sống không ngừng tăng tốc như hiện nay, liệu việc tìm thấy hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống giữa áp lực công việc có còn khả thi? Thế hệ trẻ nên làm thế nào để có thể làm việc ở năng suất cao mà vẫn giữ tinh thần vui vẻ, thư thái?

Bạn có biết rằng, hầu hết chúng ta dành phần lớn thời gian trong đời để làm việc?

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,5 tuổi, theo báo cáo của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình năm 2018. Giả sử bạn khỏe mạnh sống đến 80 tuổi, làm việc liên tục từ năm 20 đến 65 tuổi. Những con số này nói lên điều gì? Bạn sẽ dành phần lớn thời gian cuộc đời mình để làm việc. Chính vì thế, đừng sử dụng nó một cách hoang phí.

Vấn đề của bạn cũng như của đa số mọi người hiện nay là không thể tận hưởng, không tìm thấy niềm vui lao động. Theo thống kê, ở Mỹ có đến 80% người lao động cảm thấy chán nản, không hài lòng với công việc của mình. Trong khi đó, ở Nhật con số người chết do hiện tượng “karoshi” – làm việc quá sức, đã lên tới hàng nghìn.

Ở Việt Nam thì sao? Tuy chưa tìm thấy số liệu thống kê chính xác, nhưng mỗi ngày lên đến công ty, bạn đã từng nghe đồng nghiệp của mình than vãn vì hạn định cận kề, sếp hay gắt gỏng, hay vì đồng lương ít ỏi chưa?

Chị đồng nghiệp của tôi lúc nào cũng hối hả chạy deadline nên thường xuyên gắt gỏng, khó chịu với mọi người. Anh bạn thuở nhỏ theo đuổi ngành xây dựng, mỗi khi gặp mặt lại than thở mình không có thời gian chăm sóc gia đình, suốt ngày phải túc trực bên dự án. Đứa em họ mới ra trường của tôi với bao nhiệt huyết tuổi trẻ, cũng cảm thấy hụt hơi, đuối sức trước vòng xoay hối hả của công việc.

Làm thế nào để hạnh phúc khi áp lực công việc đè nặng0
Với nhịp sống không ngừng tăng tốc như hiện nay, liệu việc tìm thấy hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống giữa áp lực công việc có còn khả thi?

Thử nghĩ xem, nếu cứ như vậy thì khi nào ta sẽ hạnh phúc đây? Sau khi về nhà? Sau khi nghỉ hưu? Hay là khi đã ở thế giới bên kia? Thời gian không chờ đợi một ai cả. Vậy thì làm sao để tìm được một công việc “hoàn hảo”, để mỗi ngày đi làm với niềm vui sướng, hạnh phúc?

Câu trả lời là không có công việc nào hoàn hảo và đảm bảo 100% sẽ mang lại năng lượng tích cực cho bạn cả. Mà bạn phải đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân mình, từ đó thật sự tận hưởng cuộc sống, cảm thấy vui vẻ, phấn khởi, đó mới là tiền đề cho một công việc suôn sẻ.

Thạc sĩ Trường Đại học Harvard, Shawn Achor, tác giả cuốn sách “The Happiness Advantage” (Lợi thế của Sự Hạnh phúc) cũng chỉ ra rằng, mức độ thành công của một người không hề phụ thuộc vào trí tuệ cũng như tài năng của họ, mà phụ thuộc vào mức độ hạnh phúc của người đó.

Cụ thể hơn, bạn hạnh phúc, vui vẻ, tinh thần thoải mái thì bạn cởi mở, sáng tạo và tỉnh táo hơn trong công việc, từ đó bạn sẽ làm việc năng suất hơn, thậm chí kiếm được nhiều tiền hơn. Và điều quan trọng là, bạn sẽ sống lâu hơn. Nghe có vẻ hoang đường, nhưng các nhà nghiên cứu từ Đại học Boston đã phát hiện ra rằng, những người lạc quan có xu hướng sống lâu hơn tới 15% so với những người bi quan vì họ thường không có những thói quen thiếu lành mạnh, ví dụ như hút thuốc.

Những điều đơn giản tạo nên sự khác biệt

Những người đang hài lòng với công việc của mình và có một cuộc sống hạnh phúc thì sao? Họ đã làm cách nào? Những điều đơn giản sau đây đã khiến họ trở nên khác biệt:

1. Tận dụng điểm mạnh của mình

Nhiều người thường sẽ khuyên bạn nên thử thách bản thân, tìm cách vượt qua điểm yếu: làm việc chăm chỉ hơn, học hỏi thêm,… Mặc dù bạn vẫn có thể làm được, nhưng về lâu dài cũng không giúp bạn cảm thấy hạnh phúc với công việc đang làm. Hơn thế nữa, nếu vội vàng nhảy ra khỏi vùng an toàn khi chưa có sự chuẩn bị sẽ mang đến nhiều rủi ro hơn là thành công.

Làm thế nào để hạnh phúc khi áp lực công việc đè nặng1
Nhận thức và tận dụng điểm mạnh cá nhân là điều kiện tiên quyết để cảm thấy hạnh phúc trong công việc.

Theo tiến sĩ tâm lý Ryan Niemiec, não bộ con người thường ghi nhớ và chịu ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực nhiều hơn tích cực. Tuy những trải nghiệm tiêu cực có tác dụng giúp ta học hỏi và phát triển, nhưng phải với điều kiện là có sự cân bằng tâm lý.

Việc nhận thức và tận dụng điểm mạnh cá nhân sẽ hỗ trợ bạn trong vấn đề cân bằng tâm lý, từ đó giúp bạn tự tin hơn, thể hiện khả năng của bản thân ở mức cao nhất. Đây gần như là điều kiện tiên quyết để hạnh phúc hơn trong công việc.

Trước hết cần xác định được điểm mạnh của mình, bằng cách tự vấn bản thân: Tôi có thể tập trung làm việc nào trong thời gian dài mà không thấy mệt mỏi, chán nản? Công việc nào tôi làm luôn được mọi người đánh giá cao?

Điểm mạnh không chỉ là những kỹ năng: kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình,… mặc dù kỹ năng và kiến thức cũng đóng vai trò quan trọng tạo nên điểm mạnh. Mà hơn thế, điểm mạnh còn bao gồm những khả năng vốn có: tinh thần trách nhiệm, khả năng thích nghi với môi trường mới, khả năng đồng cảm,…

Một khi tìm được điểm mạnh của mình, hãy thử suy xét liệu công việc hiện tại có tạo điều kiện cho bạn phát huy hết điểm mạnh, lợi thế của bản thân không? Bởi lẽ, bí quyết để tìm thấy niềm vui trong công việc chính là được làm việc đúng với điểm mạnh của chính mình.

2. Học cách quản lý giờ giấc

Làm thế nào để hạnh phúc khi áp lực công việc đè nặng2
Quản lý thời gian là một kỹ năng thiết yếu, tuy nhiên trước đó bạn cần biết bản thân phải quản lý những gì.

Quản lý thời gian là một kỹ năng thiết yếu, tuy nhiên trước đó bạn cần biết bản thân phải quản lý những gì. Theo bậc thầy về các phương pháp quản lý thời gian Mark Forster chia sẻ, hãy lập một danh sách giới hạn những việc cần làm thay vì một danh sách dài dằng dặc. Trong đó cần đặt những mục tiêu chi tiết, rõ ràng và cố gắng đảm bảo tiến độ. Nếu tập trung vào tiến độ, bạn sẽ thấy dễ theo dõi hơn là chăm chăm vào đích đến.

Một khi đã bắt tay làm việc thì hãy tập trung cao độ để hoàn thành nó. Tạm ngưng sử dụng mạng xã hội, và điện thoại nếu không cần thiết, vì bộ não của bạn không thể làm nhiều việc cùng lúc. Tốt nhất là xây dựng điều này trở thành một nguyên tắc của bản thân.

Không chỉ vậy, việc nghỉ ngơi là không thể thiếu trong một thời gian biểu khoa học. Một giấc ngủ ngon và đủ 7-8 tiếng sẽ mang đến cho bạn năng lượng ở mức tối đa, giúp đầu óc minh mẫn, suy nghĩ thông suốt. Thử nghĩ xem, một khi để bản thân bị quá tải, bạn chắc chắn sẽ không đủ sức hoàn thành công việc và sẽ càng trễ tiến độ mà thôi.

3. Đừng quá khắc nghiệt với bản thân

Không ai là hoàn hảo cả, vì thế cũng đừng buồn bã hay tuyệt vọng khi gặp khó khăn. Những điều xuất chúng, tuyệt vời cần thời gian để đạt tới. Chăm sóc bản thân luôn là giới hạn cuối cùng mà bạn cần giữ cho mình.

Làm thế nào để hạnh phúc khi áp lực công việc đè nặng3
Thay vì bắt ép bản thân bằng mọi giá, bạn nên dành một khoảng thời gian để thư giãn, giữ mình thoải mái, hồi phục và nhìn lại bản thân.

Thay vì bắt ép bản thân bằng mọi giá, bạn nên dành một khoảng thời gian để thư giãn, giữ mình thoải mái, hồi phục và nhìn lại bản thân. Bạn đã bao giờ thấy những người tức giận trong lúc làm việc quan trọng chưa, chẳng hạn một cầu thủ bóng đá không giữ được “cái đầu lạnh”? Họ sẽ không bao giờ thắng trong tâm trạng như thế!

Rèn luyện lòng tự trắc ẩn cũng là một điều thiết yếu trong quá trình phát triển của mỗi người. Chỉ khi bạn hiểu được bản thân, biết cách đối xử tốt với bản thân khi đối mặt với tiêu cực, cho phép bản thân phạm sai lầm, thì bạn mới có thể học hỏi và tiến bộ.

Bài viết này được thực hiện bởi Huệ Chi.

Xem thêm:

[Bài viết] 5 Điều cần biết để quản lý thời gian hiệu quả

[Bài viết] Câu thần chú giúp bạn yên tâm sống