Lắng nghe tâm mình chuyển động tại triển lãm “Chuyển Dịch” | Vietcetera
Billboard banner

Lắng nghe tâm mình chuyển động tại triển lãm “Chuyển Dịch”

Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh mang lại một trải nghiệm nghệ thuật mới cho giới trẻ Sài Gòn - một trải nghiệm vừa trừu tượng, vừa thân thương.
Lắng nghe tâm mình chuyển động tại triển lãm “Chuyển Dịch”

Nguồn: Lotus Gallery

Lotus Gallery x Vietcetera

Ngày xửa ngày xưa, có ba ông sư vừa nhìn một lá cờ đang phấp phới, vừa tranh luận. Một người bảo, lá cờ đang chuyển động. Người khác bảo, cờ là vật vô tri nên không thể động, đó là gió đang động. Người nữa lại nói, cả gió lẫn cờ đang chuyển trong cùng một nhịp động. Rồi một ông sư khác ngang qua liền bảo rằng, gió chẳng động, cờ chẳng bay, mà là tâm ta động đó.

Đó chính là cảm nhận của tôi khi đứng giữa triển lãm “Chuyển Dịch” của kiến trúc sư Hồ Viết Vinh. Những bức tranh với những sắc thái màu khác nhau, gợi những cảm xúc và liên tưởng khác nhau, nhưng đều gợi nhắc sự chuyển động bên trong những khung hình tĩnh lặng.

Mỗi bức tranh của kiến trúc sư Hồ Viết Vinh đều rất ấn tượng về mặt thị giác. Dù muốn khắc họa những sự vận động trong tự nhiên, nhưng tới cuối cùng anh còn đạt được nhiều hơn thế: gợi nhắc chúng ta về sự chuyển động của tâm hồn.

Bước đi giữa những mảng màu

Tôi tới triển lãm vào buổi trưa một ngày chủ nhật, trong không gian trẻ trung và rộng rãi của Audi Charging Lounge. Điều đầu tiên gây ấn tượng là cách bài trí những bức tranh xen kẽ với không gian sẵn có của Audi Charging Lounge - vốn là nơi trưng bày và sạc xe hơi.

18sep2023teng9744jpg
Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh (phải) tại buổi khai trương triển lãm. | Nguồn: Lotus Gallery

Ở trước khu vực xem tranh là một chiếc xe Audi, giống hệt tinh thần mà kiến trúc sư Hồ Viết Vinh đã gửi gắm trong tranh: sự chuyển dịch không ngừng của vạn vật. Đây cũng chính là sự thể hiện của ý tưởng “art in motion” - nghệ thuật trong sự dịch chuyển, điểm giao giữa tranh và xe mà tác giả bày tỏ trong buổi chia sẻ tại triển lãm.

18 bức tranh được trưng bày trong không gian. Có những bức ở trên tường, lại có những bức treo ở giữa đường đi như thể đang “rơi” xuống từ trần nhà, xuất hiện đột ngột trước mắt ta để khắc họa những dịch chuyển tĩnh lặng của thiên nhiên.

Trong số những bức “tranh rơi” ấy, có những cụm gồm ba hay bốn tranh ghép lại với nhau. Sự chuyển động của những bức này không chỉ là chuyển động dọc từ trên trần nhà xuống, mà còn dàn ra trước mắt người xem theo chiều ngang. Bên cạnh đó, các “tranh rơi” sẽ “tựa lưng” vào nhau tạo thành những cặp tranh lơ lửng trong không gian.

18sep2023teng9752jpg
Toàn cảnh triển lãm. | Nguồn: Lotus Gallery

Ngoài những yếu tố đó ra, dường như không có ý đồ nào khác trong việc sắp xếp các bức tranh theo thứ tự trong ngoài hay trước sau. Đúng như kiến trúc sư Hồ Viết Vinh đã nói trong buổi phỏng vấn với Vietcetera: “Thoải mái, thả lòng và dừng lại ở tác phẩm mà bạn thấy hấp dẫn. Nếu không, xin cứ bỏ qua.”

Xem tranh không chỉ bằng thị giác

Ấn tượng đầu tiên mà những bức tranh mang lại cho không chỉ riêng tôi, mà có lẽ là nhiều bạn trẻ khác - những người không thường xuyên tiếp xúc với nghệ thuật hội họa - là một sự khó hiểu đầy dễ chịu và mê hoặc.

Gần như tất cả các tranh đều không mô tả một thứ gì đó hữu hình. Người xem khó có thể nắm bắt được những sự vật chắc chắn hay những yếu tố sắc nét nếu vẫn bám vào một trải nghiệm thẩm mỹ truyền thống như chủ nghĩa hiện thực, hay theo kiểu “cây là cây, lá là lá.”

Để xem tranh của anh Hồ Viết Vinh, ta phải cảm nhận nhiều hơn là chỉ bằng thị giác. Trước một số bức tranh, sau khi đã ngả nghiêng nhìn theo từng nét vẽ, tôi phải nhắm mắt lại để có thể hình dung và sắp xếp các cảm nhận trong đầu mình. Mấu chốt để xem tranh của anh nằm ở đó: sự cảm nhận bằng nhiều giác quan và trải nghiệm cá nhân.

Điều làm tôi ngạc nhiên ở tranh của anh là khả năng phối màu bậc thầy và rất có chủ ý. Có những mảng màu hòa quyện với nhau trọn vẹn, nhưng cũng có những phần màu dường như được anh cố tình pha không đều và không hết để lột tả những làn gió đang quấn quýt nhau, những làn sóng đang quyến luyến nhau.

18sep2023vode18100x130cmacryliconcanvasjpg
Bức Vô đề 18, 100 x 130cm | Nguồn: Lotus Gallery

Bức tranh mà tôi ấn tượng nhất, Vô đề 18, không chỉ có màu vẽ, mà dường như còn có cả gỗ - hình như là gỗ. Nói như vậy là bởi vì bức tranh này không thực sự bằng phẳng: nếu nhìn kỹ, ta có thể thấy rằng chất liệu gỗ rất gồ ghề đang nổi lên từ tranh. Với tôi, bức tranh này lợi dụng ánh sáng và chất liệu để chơi đùa với ánh nhìn của người xem.

Nếu nhìn từ xa, ta cảm giác rằng đang nhìn vào một hành lang dài với ánh sáng hắt sang, và ở cuối hành lang là một ánh sáng hơi vàng vọt của một căn nhà nào đó. Nhưng khi tới gần và nhìn thấy sự gồ ghề của bề mặt, cảm nhận độ phẳng của nó, thì dường như hành lang biến mất mà chỉ còn là những khối vuông mờ nhạt lồng vào nhau.

Tranh không tên để tác phẩm tự do kể chuyện

Cùng ngày tôi tới triển lãm, kiến trúc sư Hồ Viết Vinh đã có buổi chia sẻ với truyền thông và khán giả về sự nghiệp nghệ thuật của mình, những điểm chạm giữa kiến trúc và hội họa, lý do khiến anh thực hiện triển lãm và những bức tranh này, và cả lý giải của chính anh về những tác phẩm của mình.

Điểm nhấn của buổi trò chuyện nằm ở những chia sẻ của anh về nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, cũng như người nghệ sĩ mà anh đã kế thừa về tinh thần và cảm quan. Theo đó, anh Hồ Viết Vinh được gợi hứng rất nhiều từ các tác phẩm nghệ thuật của Caspar David Friedrich - họa sĩ biểu tượng của thời kỳ Khai Sáng.

Các tác phẩm của anh vang vọng phong cách ấn tượng và sự phóng khoáng của thiên nhiên mà tranh của Caspar David Friedrich thể hiện. Anh tìm thấy trong tranh của Caspar David Friedrich sự đồng điệu về vị trí của con người trước cái trác tuyệt và rộng lớn của thiên nhiên.

Ta thậm chí có thể nhận thấy điều này qua bức Vô đề 5 của tác giả - bức tranh về biển cả gợi nên cảm giác của con người trước sự đồ sộ của thiên nhiên, giống như cách bức Wanderer above the Sea of Frog của Caspar David Friedrich làm.

18sep2023vode5130x100cmacryliconcanvasjpg
Bức Vô đề 5, 130 x 100cm | Nguồn: Lotus Gallery

Anh cũng chia sẻ lý do tại sao những bức tranh đều vô đề. Rằng anh không muốn chúng chết cứng về mặt ý nghĩa từ trước khi nhận được sự cảm nhận, và rằng anh mong muốn kiếm tìm cả sự đồng cảm lẫn sự dị biệt. Với tôi, đó chính là một tinh thần nghệ thuật đáng trân trọng.

Quả thực, không gì tuyệt vời hơn việc thưởng tranh và được nghe chính tác giả nói về tranh của mình, lý giải những cảm xúc đằng sau tranh, rằng cảm xúc gì ẩn sau những sắc màu đó, những nét uốn lượn đó. Mặt khác, tôi không biết mình phải cảm nhận thế nào trước những gì anh nói, bởi chúng không hoàn toàn đồng nhất với cảm nhận của tôi về những bức tranh.

Khi ngắm tranh của anh và nghe những lời tâm sự, tôi hiểu tại sao tranh lại như vậy. Nhưng tôi vẫn thấy mình có những xúc cảm khác anh, nhìn ra những hình thù khác anh, và rung động một niềm xúc cảm rất khác anh.

Có lẽ đó chính là sự màu nhiệm của nghệ thuật: ta không cần phải giống nhau, ta hoàn toàn có thể dị biệt, miễn sao ta đồng cảm và tôn trọng nhau. Đó cũng chính là tinh thần chung của buổi chia sẻ: lắng nghe, thấu hiểu nhau và thấu hiểu cái đẹp, từ đó cảm nhận nghệ thuật, cảm nhận cuộc sống và thiên nhiên một cách toàn vẹn nhất.

Vào ngày 01/09/23 - 10/09/23 vừa qua, buổi trưng bày tranh ‘Chuyển dịch - In motion’ (đồng tổ chức bởi Lotus Gallery và Audi Vietnam, với sự đồng hành của các đối tác Vietcetera, Saigon Cider và Cara Lighting) đã diễn ra tại Audi Charging Lounge (6B Tôn Đức Thắng) với hơn 2000 lượt tham dự.

Các tác phẩm thuộc triển lãm đang được tiếp tục trưng bày tại Lotus Gallery (Tầng 1, Trung tâm Cspace, 12-13 Đ. N1, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đến hết ngày 24/09/23 trong khuôn khổ sự kiện ‘Oldfactory Odyssey - Beyond perfume’, một kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và nghệ thuật mùi hương.