Loạn thi Hoa hậu - Câu hỏi không phải là "sao nhiều thế?"   | Vietcetera
Billboard banner

Loạn thi Hoa hậu - Câu hỏi không phải là "sao nhiều thế?"  

Số cuộc thi uy tín và nổi tiếng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Loạn thi Hoa hậu - Câu hỏi không phải là "sao nhiều thế?"  

Nguồn: Hoa hậu Việt Nam

1. Tranh cãi nào vừa nổ ra?

Thời gian gần đây, tranh cãi chuyện Việt Nam có quá nhiều cuộc thi hoa hậu lại nổi lên trên mạng xã hội. Những cụm từ như "loạn cuộc thi sắc đẹp", "bội thực hoa hậu", "thi hoa hậu ồ ạt"... trở thành chủ đề được bàn tán rất sôi nổi.

Theo một thống kê, Việt Nam hiện có 22 cuộc thi hoa hậu. Trong đó, 6 tháng đầu năm đã tổ chức gần 20 cuộc thi lớn, nhỏ khác nhau. Trong tháng 07/2022, hai cuộc thi hoa hậu khác sẽ chính thức diễn ra.

Tính trung bình, Việt Nam sẽ có khoảng hơn 60 hoa hậu, á hậu và nhiều danh hiệu người đẹp mới trong năm nay.

2. Còn lùm xùm nào khác về thi hoa hậu gần đây?

Không chỉ tranh cãi vì số lượng quá nhiều, câu chuyện thi hoa hậu tại Việt Nam còn lùm xùm bởi vấn đề bản quyền giữa các đơn vị tổ chức.

Báo VOV cho biết, đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam đã họp báo để làm rõ tranh chấp bản quyền. Đơn vị này (Công ty Minh Khang) có tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam với cuộc thi có tên gọi tương tự của công ty Sen Vàng.

Trước đó, công ty Sen Vàng đã đưa ra những bằng chứng khẳng định sở hữu bản quyền của mình. Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam của công ty này có tên tiếng Anh là Miss Grand International.

Có thể nói, hai cuộc thi hoa hậu kể trên có tên tiếng Việt giống nhau nhưng tên gọi tiếng Anh và kịch bản cuộc thi lại khác nhau. Do đó, công chúng tỏ ra bối rối trước những tranh chấp liên quan đến đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ và tính pháp lý của cuộc thi về nhan sắc.

3. Tại sao có nhiều cuộc thi hoa hậu thế?

Từ năm 1988 - 2011, Việt Nam chỉ có một cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia do báo Tiền Phong tổ chức. Tuy nhiên, một loạt các cuộc thi nhan sắc khác như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Đại dương, Hoa hậu biển lần lượt "lên sóng"những năm gần đây.

Nguyên nhân gây bùng nổ các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam được cho là do Nghị định 144/2020/NĐ-CP đã cởi mở hơn trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. cụ thể, nghị định này không giới hạn số lượng số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm.

Bên cạnh đó, các cuộc thi hoa hậu nở rộ còn bởi nó mang lại nhiều lợi ích:

  • Đơn vị tổ chức: Các cuộc thi nhan sắc thúc đẩy ngành kinh doanh về sắc đẹp nói chung, nhà tổ chức nói riêng. Thi hoa hậu là những thương vụ bạc tỷ với siêu lợi nhuận. Càng nhiều cuộc thi diễn ra, càng nhiều đơn vị đứng sau có lãi.
  • Người đẹp: Nhu cầu khẳng định bản thân, chiến thắng và nổi tiếng (cùng giải thưởng) là động lực của không ít cô gái trẻ tìm đến cuộc thi nhan sắc. Nghị định 144/2020/NĐ-CP cũng mở ra cơ hội cho nhiều thí sinh tiếp cận, tham gia các cuộc thi.
  • Khán giả: Không chỉ được "no con mắt”, các cuộc thi sắc đẹp còn thỏa mãn nhu cầu được "soi" và bàn luận, đánh giá của khán giả về những gì người khác thể hiện một cách công khai. Đừng quên, rất nhiều người đẹp Việt Nam lọt top các cuộc thi hoa hậu trên thế giới là do khán giả bình chọn.

Xét đến khía cạnh thẩm mỹ và cái đẹp, ước vọng ‘hoàn hảo’ luôn có sẵn trong rất nhiều người trong chúng ta. Ước vọng này khiến ta đón chờ những cuộc thi đi tìm sự hoàn hảo một cách tự nhiên.

Vì thế, các cuộc thi nhan sắc sẽ nhiều, ít khác nhau tùy từng bối cảnh, thời điểm nhưng sẽ không bao giờ mất đi.

4. Định kiến về người đẹp sao ít thay đổi?

Ứng xử luôn là phần thi hấp dẫn và thu hút khán giả, không kém gì các phần thi trang phục dạ hội, trang phục truyền thống hay bikini. Đến cuối cùng, sự thông minh và tài ứng xử vẫn luôn là 1 tiêu chí để đánh giá một hoa hậu.

Dường như các định kiến về hoa hậu, người đẹp vẫn chưa thay đổi nhiều bấy lâu nay. Từ câu trả lời của Kim Duyên ở cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2022 đến phần thi ứng xử của Lệ Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 đều bị đem ra bàn tán vì thiếu kiến thức xã hội, hoặc kém duyên dáng, thông minh.

Ngoài ra, câu nói "chân dài đại gia" hay nhiều vụ việc hoa hậu, người đẹp mại dâm càng khiến định kiến về người đẹp khắc sâu trong công chúng. Những cụm từ người đẹp học dốt, hoa hậu cặp đại gia, thi hoa hậu để bán dâm/đi khác vẫn đầy rẫy trên truyền thông, mạng xã hội.

Ngay cả khi, những bài báo kiểu như X nàng hậu phá vỡ định kiến chân dài não chẳng bằng ai... vẫn rất định kiến. Có lẽ, câu hỏi về số lượng các cuộc thi hoa hậu không thực sự cần thiết. Thay vào đó, câu hỏi nên đặt ra là: Liệu các cuộc thi hoa hậu đã góp phần thay đổi định kiến về người đẹp?

5. Quốc gia nào “cuồng” hoa hậu chẳng kém Việt Nam?

Có thể nói, Đông Nam Á là một trong những khu vực cuồng các cuộc thi hoa hậu nhất thời gian gần đây. Bên cạnh Việt Nam, có thể kể đến những quốc gia khác như Philippines, Thái Lan, Indonesia.

Khán giả ở các quốc gia kể trên thường công khai hâm mộ các cuộc thi hoa hậu trên mạng xã hội. Không chỉ tìm cách đưa người đẹp nước mình "lọt top" bằng bình chọn, fan còn rất năng nổ "khẩu chiến" trên mạng.

Tuy nhiên điều này dường như trái ngược với các nước châu Á khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Các cuộc thi sắc đẹp đưa hình thể phụ nữ lên truyền thông đã không còn nhận được nhiều sự quan tâm như trước đây.

Một số nước phương Tây thậm chí đã bỏ hẳn các cuộc thi nhan sắc. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn sắc đẹp của phụ nữ cũng dần dịch chuyển sang cân đo mức độ ảnh hưởng của họ đến cộng đồng.