Lời giải cho bài toán tạo ra lợi nhuận từ việc bảo tồn di sản, bởi SCE Project Asia | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Lời giải cho bài toán tạo ra lợi nhuận từ việc bảo tồn di sản, bởi SCE Project Asia

“Văn hoá và sự phát triển của đất nước luôn song hành cùng nhau. Sự sáng tạo của chúng ta không phải tự nhiên có được, mà đó là kết tinh của những kinh nghiệm, quan sát, ký ức và di sản của chúng ta.” 

Lời giải cho bài toán tạo ra lợi nhuận từ việc bảo tồn di sản, bởi SCE Project Asia

Nguồn: SCE Project Asia

Ở phương Tây, việc tái sử dụng các toà nhà cũ trong ngành kiến trúc từ lâu đã trở thành một hướng mang tính bền vững và được ứng dụng rộng rãi. Trong khi đó, ở châu Á, ý tưởng cải tạo các công trình lịch sử bị lãng quên thành khách sạn, nhà hàng, hay nhà ở vẫn đang ở mức khởi điểm.

Đối với ông Luigi Campanale, CEO của SCE Project Asia, đồng thời là đơn vị tổ chức Hội thảo “Bảo Tồn Di Sản & Phát Triển Kinh Tế Tại Các Nước ASEAN 2020”, đây là dịp để ông được trình bày về giá trị to lớn và tiềm năng khai thác của những toà nhà cũ nếu được quy hoạch đúng cách. Sự kiện diễn ra tại Sài Gòn tuần trước, được đồng tổ chức bởi SCE Project Asia và Vietcetera, đã mở ra hướng đi mới cho các thành phố tại Đông Nam Á trong việc khai thác tiềm năng của các công trình kiến trúc di sản.

Trong phần khai mạc sự kiện, ông Dante Brandi, Tổng lãnh sự quán Ý tại TP.HCM, đã đề cập đến tiềm năng và vai trò của các công trình di sản văn hoá trong công cuộc phát triển kinh tế. Ông cho biết, các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật tại Ý thường lấy cảm hứng từ những di sản. Điển hình là câu chuyện mà kiến trúc sư người Ý Marco Casamonti đã chia sẻ với Vietcetera trong bài phỏng vấn gần đây. Chính vì vậy, nước Ý luôn xem di sản là một công cụ giúp chuyển hoá nền kinh tế, một động lực cho ngành sáng tạo, cũng như đưa việc bảo tồn văn hóa trở thành một phần thiết yếu trong mối quan hệ song phương giữa Ý và Việt Nam.

alt
Nước Ý luôn xem di sản là một công cụ giúp chuyển hoá nền kinh tế, một động lực cho ngành sáng tạo, cũng như đưa việc bảo tồn văn hóa trở thành một phần thiết yếu trong mối quan hệ song phương giữa Ý và Việt Nam. | Nguồn: SCE Project Asia

Thông qua video gửi đến sự kiện, ông Enrico Letta, Cựu Thủ tướng Italy kiêm chủ tịch Hiệp hội Italy-ASEAN, đã nhấn mạnh rằng giới chuyên gia, các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà chức trách phải cùng nhau hợp tác để đạt được các mục tiêu chung. Đề cập đến vai trò của việc bảo tồn di sản trong phát triển kinh tế tại các thành phố, ông khẳng định “kinh tế và văn hoá là hai phạm trù không thể tách rời.” 

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, chia sẻ về mục tiêu thành lập của UNESCO Creative Cities Network (Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO): thúc đẩy liên kết giữa các thành phố, lấy tính sáng tạo làm kim chỉ nam trong quá trình phát triển đô thị hoá.

Ông cũng tin rằng mạng lưới này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh di sản văn hoá, âm nhạc và ẩm thực phong phú của các quốc gia khối ASEAN. Đến nay, Hà Nội là thành phố đầu tiên ở Việt Nam tham gia mạng lưới với định hướng “thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”. Tham gia vào mạng lưới này, các thành phố vừa có thể khẳng định vị thế của mình trong khu vực, đồng thời được hỗ trợ để đạt được mục tiêu kinh tế. Ông Michael Croft cho biết: “Văn hoá và sự phát triển của đất nước luôn song hành cùng nhau. Sự sáng tạo của chúng ta không phải tự nhiên có được, mà đó là kết tinh của những kinh nghiệm, quan sát, ký ức và di sản của chúng ta.” 

Tham gia sự kiện thông qua Zoom từ Italy, Phó Chủ tịch Khoa học Hiệp hội Italy-ASEAN Romeo Orlandi cho biết Việt Nam cùng Indonesia là hai quốc gia hàng đầu thuộc khối ASEAN có nhiều doanh nghiệp Ý đang cân nhắc gia nhập thị trường. Họ là những doanh nghiệp được hưởng quyền lợi từ một chương trình gồm nhiều hoạt động văn hóa phong phú thuộc mảng kinh tế di sản của Hiệp hội Italy-ASEAN. Trong khi đó, các thành phố vốn từng nằm ngoài dòng chảy văn hoá nay được hoà nhập vào một tập hợp những thành phố “ưu tú”, góp phần tạo ra những giá trị toàn cầu.

alt
Việt Nam cùng Indonesia là hai quốc gia hàng đầu thuộc khối ASEAN có nhiều doanh nghiệp Ý đang cân nhắc gia nhập thị trường. Họ là những doanh nghiệp được hưởng quyền lợi từ một chương trình gồm nhiều hoạt động văn hóa phong phú thuộc mảng kinh tế di sản của Hiệp hội Italy-ASEAN. | Nguồn: Nghi Nguyễn cho Vietcetera

Panel 1: Di sản đối với kinh tế & du lịch

Khi quyết định đầu tư vào một dự án, đâu là yếu tố mà các nhà đầu tư chú ý đến trước tiên? Theo Sylvia Nguyễn, CEO của Tập đoàn Bất động sản Anphanam, câu trả lời nằm ở khả năng tạo dựng một ấn tượng độc đáo cho Việt Nam. “Công việc của chúng ta giúp định hình cuộc sống người dân. Vậy làm cách nào để đảm bảo người Việt Nam được hưởng lợi từ những đổi mới này?” Ngoài ra, mức độ an toàn, phòng cháy chữa cháy, tính thẩm mỹ và công năng là những mối quan tâm khác đối với các dự án tái sử dụng công trình cũ.

Sylvia cho biết thêm, các rào cản pháp lý là trở ngại lớn nhất khiến các chủ đầu tư không thể hoàn thiện kế hoạch cải tạo các công trình di sản chính. Điều này ảnh hưởng đến định hướng sáng tạo, buộc họ phải chuyển sang xây dựng một công trình mới. Sylvia đề xuất giải pháp thay thế cách đo đạc giá trị di sản hiện nay với đơn vị mét vuông bằng một thước đo phù hợp hơn.

Sylvian lấy ví dụ từ người dân Italy, đất nước đặt ra chuẩn mực trong việc bảo tồn các di sản, luôn tự hào với những di sản quốc gia cũng như sự tồn tại của chúng giữa hệ sinh thái phát triển và du lịch. Việt Nam không chỉ bị giới hạn bởi kiến trúc thực dân và câu hỏi đặt ra là “Làm cách nào để người Việt tự hào với những gì chúng ta đã tạo ra trước và sau thời kỳ của Metropole Hà Nội?”

Đối với Sylvia, văn hoá và du lịch hoà nhập làm một là khi cả những cơ sở lưu trú từ cao cấp đến bình dân đều chú trọng truyền tải “câu chuyện” của họ. Theo Sylvia, với một công trình xây mới như resort JW Marriott tại Phú Quốc, cách họ kể “câu chuyện” của mình là qua hình ảnh một trường-đại-học-giả-tưởng. Ngược lại, khách sạn Capella Hanoi sắp ra mắt được xây dựng từ một tòa nhà cổ và mang trong mình giá trị sẵn có từ di sản của công trình.

alt
Văn hoá và du lịch hoà nhập làm một là khi cả những cơ sở lưu trú từ cao cấp đến bình dân đều chú trọng truyền tải “câu chuyện” của họ. | Nguồn: SCE Project Asia

Ông Gerald Lico, Giáo sư ngành Kiến trúc đến từ Đại học Philippines, cho biết các nhà đầu tư tại Philippines vẫn còn e dè với việc tái sử dụng công trình cũ. Hầu hết các dự án thành công đều có sự hỗ trợ của chính phủ, với yêu cầu hạn chế tối đa việc thay đổi cấu trúc sẵn có của công trình. Tuy nhiên, với các dự án nổi trội gần đây như Intramuros, các nhà đầu tư cũng đã bắt đầu mạnh dạn, mạo hiểm hơn. Công trình toạ lạc tại trung tâm thủ đô Manila này đã vượt qua cả di tích Acropolis tại Hy Lạp và kỳ quan Grand Canyon của Mỹ để dành chiến thắng giải World Travel Awards 2020. Những thành công kể trên giúp thay đổi cái nhìn của những ai chưa nhìn ra giá trị to lớn của các công trình lịch sử, hoặc chưa tìm ra giải pháp phục dựng hiệu quả.

Coca Huynh, Giám đốc Thiết kế cùng Tập đoàn Kiến Á, chủ đầu tư các dự án nghỉ dưỡng lớn như Marirott Cam Ranh và Alila Bai Om Resort, cho biết áp lực còn đến từ người sử dụng dịch vụ. Khách du lịch ngày nay rất cẩn trọng và quan tâm đến vấn đề môi trường. Chính vì thế đối với các công trình tại Cam Ranh, Kiến Á không chỉ tận dụng những vật liệu sẵn có như san hô đã bạc màu, mà còn lấy cảm hứng từ chính kiến trúc đặc trưng của vùng miền. Tất cả các vila và không gian chung được xây dựng theo cấu trúc nhà sàn của các làng chài, giúp giảm thiểu tác động đến nguồn đất. Theo bà, dù chi phí thi công cao, nhưng đây sẽ là khoản đầu tư thông minh. Vì một thành quả đạt chất lượng cao chắc chắn sẽ thu hút được khách du lịch phân khúc cao cấp  với tư duy và ý thức bảo vệ môi trường.

alt
Khách du lịch ngày nay rất cẩn trọng và quan tâm đến vấn đề môi trường.

Panel 2:  Di sản đối với kinh tế & du lịch

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc khách sạn Savills Hotels tại Châu Á - Thái Bình Dương, đặt ra vấn đề về tương lai của ngành du lịch. Trong bài thuyết trình “What’s next for hospitality?”, ông đã đề cập đến các megatrends (siêu xu hướng), như sự chuyển mình của đối tượng khách hàng ở quy mô toàn cầu, sẽ tạo ra một loạt những nhóm khách du lịch mới: Silver Nomads (nhóm khách cao tuổi), Tech Hipsters và Tech Warriors (nhóm khách trẻ sành điệu, yêu công nghệ), đặc biệt ở các nước ASEAN là nhóm khách đại gia đình. 

Dù có những đặc trưng khác nhau, ở họ đều xuất hiện nhu cầu du lịch trải nghiệm. Đây chính là cơ hội để kết hợp du lịch với yếu tố quảng bá di sản. Các công trình thành công phải kể đến Golden Bridge tại Bà Nà Hills, tàu hoả The Vietage Train của resort Anantara, và Topas Ecolodge ở Sapa. Các chủ đầu tư của những dự án phối hợp nhịp nhàng giữa lịch sử và nét văn hoá địa phương, từ đó mang đến khả năng thu được lợi nhuận cao hơn từ nhóm khách hàng thượng lưu. Còn những dự án “kết nối mọi yếu tố”, tận dụng những gì sẵn có và tạo ra một trải nghiệm độc đáo lại là một “mỏ vàng” tiềm năng khác.  

alt
Những dự án “kết nối mọi yếu tố”, tận dụng những gì sẵn có và tạo ra một trải nghiệm độc đáo lại là một “mỏ vàng” tiềm năng khác. | Nguồn: Nghi Nguyễn cho Vietcetera

Bà Neha Pandey, Giám đốc Marketing của Tập đoàn Sun Hospitality, chia sẻ câu chuyện cải tạo khách sạn Raffles lừng lẫy tại Singapore. Với dự án này, các nhà điều hành đã chinh phục thử thách vừa làm nổi bật lịch sử của công trình, vừa tối ưu hoá yếu tố F&B và không gian sử dụng một cách rất thành công. 

Trong khi ông Kenneth Atkinson, nhà sáng lập Grant Thornton Vietnam, kiêm thành viên Tổng cục Du lịch Việt Nam, lại nhắc đến Singapore như một lời nhắc nhở. Việt Nam có nguy cơ đi theo lối mòn của Singapore với tình trạng các khu dân cư bị giải toả, để rồi phải xây dựng lại khi các cấp chính quyền muộn màng nhận ra chính những công trình cổ kính, đã tồn tại qua bao năm tháng đó, như khách sạn Metropole ở Hà Nội, mới là yếu tố thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, những thành phố chú trọng bảo tồn các kiến trúc di sản cũng có khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao hơn.

Đồng quan điểm với ông Kenneth, ông Đức Nguyễn, Giám đốc Đầu tư của Công ty Aspire, cho biết, tại Sài Gòn, các khu dân cư cũ đang dần biến mất với tốc độ đáng báo động. Công ty Aspire chuyên “biến hoá” những công trình cũ thành các khu dân cư và chung cư quy mô nhỏ, bền vững với thời gian. Vì thế ông Đức luôn tìm kiếm các căn nhà cổ trong thành phố. Thế nhưng, Aspire cũng chỉ có thể đảm nhận một vài trong số lượng rất nhiều những ngôi biệt thự cổ và cần rất nhiều công tu sửa. Chưa kể mỗi ngôi nhà lại có điều kiện thiết kế và tình trạng khác nhau, đòi hỏi kế hoạch phục dựng riêng và rất tốn kém.

Một chủ đầu tư khác tại Sài Gòn là SonKim Land, thường xuyên dành cơ hội tôn vinh lịch sử và văn hoá Việt Nam trong các dự án của mình. Bà Vũ Thuý Vy, CFO của công ty BĐS SonKim Land, chia sẻ về tầm nhìn của nhà sáng lập tập đoàn, chính là phục dựng các công trình nhà cổ tại các khu vực có bề dày lịch sử, như khu ngoại giao của Sài Gòn, thành các showroom trưng bày. Với chiến thuật chủ chốt này, SonKim Land đã bảo tồn thành công rất nhiều công trình quý giá cho các thế hệ trong tương lai. Khép lại phần trình bày, bà Vy đã kết luận: “Nghệ thuật, văn hoá, di sản là những gì chúng tôi vẫn đang nỗ lực bảo tồn.”

alt
“Nghệ thuật, văn hoá, di sản là những gì chúng tôi vẫn đang nỗ lực bảo tồn.” | Nguồn: SCE Project Asia

Panel 3: Tái sử dụng thích ứng & Cải tạo

Mở đầu phiên tọa đàm về tái sử dụng công trình cũ, ông Luigi Campanale từ SCE Project Asia giới thiệu dự án đấu thầu cải tạo chợ Bến Thành của công ty mình. Dự án mang tên Saigon Golden Square, được lấy cảm hứng từ lịch sử giao thương vàng của khu chợ này. Công trình cải tạo bao gồm khu vực cho người đi bộ, hầm đỗ xe và các khu mua sắm kết nối với hệ thống tàu điện. Ngoài ra cũng không thể thiếu khu ẩm thực và giải trí cho cộng đồng.

Là một trong những biểu tượng của đất nước Việt Nam, chợ Bến Thành có vai trò vô cùng quan trọng đối với thành phố. Chính vì vậy, đây là cơ hội để các đơn vị nhà nước và tư nhân cùng hợp tác, và các tòa nhà thương mại được chủ động “cấp vốn” để cải tạo công trình sẵn có. 

Ông Luigi tin rằng yếu tố cũ và mới cũng cần được kết hợp bằng nhiều cách. Những thành phố thông minh trong tương lai không thể trở thành hiện thực nếu thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa công nghệ hiện đại, đặc biệt trong các dự án tái sử dụng công trình cũ. Vậy đâu là chiến lược triển khai công việc này trong một thành phố thông minh? Các giải pháp có thể kể đến như: cải tạo môi trường xây dựng, tạo ra các thành phố có khả năng chống chịu và tự cung tự cấp, triển khai nâng cao năng lực thể chế và các trung tâm thông minh; và kết hợp tính truyền thống và sự đổi mới.

Các giải pháp có thể kể đến như cải tạo môi trường xây dựng tạo ra các thành phố có khả năng chống chịu và tự cung tự cấp triển khai nâng cao năng lực thể chế và các trung tâm thông minh và kết hợp tính truyền thống và sự đổi mới Nguồn Nghi Nguyễn cho Vietcetera
Các giải pháp có thể kể đến như: cải tạo môi trường xây dựng, tạo ra các thành phố có khả năng chống chịu và tự cung tự cấp, triển khai nâng cao năng lực thể chế và các trung tâm thông minh; và kết hợp tính truyền thống và sự đổi mới. | Nguồn: Nghi Nguyễn cho Vietcetera

Tiếp nối phiên toạ đàm, bà Roz Li, Chủ tịch Bakas Pilipinas (Hiệp hội Bảo tồn Di tích lịch sử Philippines có trụ sở tại New York), đã chia sẻ những lời khuyên quý báu và các điểm cần lưu ý đối với các dự án tái sử dụng công trình cũ:

  1. Khả năng tương thích với cộng đồng. Liệu dự án cải tạo di sản có được mọi người ủng hộ hay gây tranh cãi?
  2. Hoà hợp với chức năng ban đầu và không làm mất đi bản chất nguyên thuỷ của toà nhà sau khi cải tạo. 
  3. Đảm bảo công trình sau khi hoàn thiện có thể dễ dàng tiếp cận. 
  4. Diện tích công trình cần đủ rộng cho các tiện ích.
  5. Tuân thủ quy định thi công. Khác với ở Mỹ, các quốc gia Châu Á chưa có quy chuẩn riêng biệt trong xây dựng công trình cũ và mới.
  6. Khả năng bổ sung các hệ thống hiện đại có thể sẽ ảnh hưởng đến tính sáng tạo của công trình. 
  7. Tìm được đội ngũ thi công và cải tạo công trình cũ có chuyên môn và tay nghề cao là điều không dễ dàng.
  8. Các vật liệu trước đây được sử dụng để xây công trình, bây giờ có còn tìm được để cải tạo không.
  9. Cân nhắc sử dụng các vật liệu như chì, amiăng và các vật liệu bị cấm khác khi thi công để bảo đảm yếu tố môi trường.
  10. Lựa chọn nguồn năng lượng đảm bảo tính xanh-sạch cho công trình.

Francesco Sivaro, kiến trúc sư phục dựng hiện đang làm việc tại đảo Penang, Malaysia, chia sẻ về quá trình cải tạo George Town - di sản UNESCO được công nhận vào năm 2008. Đây là khu vực có số lượng lớn các tòa nhà với kiến trúc cũ và chưa nhận được sự quan tâm đúng mực. Theo ông Francesco, khi một địa điểm hoặc công trình được xem là “di sản”, điều này có thể là con dao hai lưỡi. Nó sẽ đem lại nguồn thu từ khách du lịch, nhưng đồng thời lấy đi diện tích sinh hoạt của người dân địa phương. Hiện tượng này có thể thấy tại các thánh địa du lịch như Barcelona chẳng hạn. Ông hy vọng các chủ đầu tư cần chú ý đến tính xuyên suốt/bền vững của công trình, không nên cải tạo chỉ để “làm mới”.

alt
Theo ông Francesco, khi một địa điểm hoặc công trình được xem là “di sản”, điều này có thể là con dao hai lưỡi. Nó sẽ đem lại nguồn thu từ khách du lịch, nhưng đồng thời lấy đi diện tích sinh hoạt của người dân địa phương. | Nguồn: Nghi Nguyễn cho Vietcetera

Theo Chuyên gia Sử học Trần Hữu Phúc Tiến, sau năm 1865, chợ Bến Thành có vị trí tại một khu vực trung tâm với bề dày lịch sử vô cùng quan trọng đối với cả thành phố. Chính vì thế, theo ông nếu cải tạo chợ Bến Thành thành công, dự án có khả năng tác động đến cả khu vực này một cách toàn diện. 

Ông Henry Bott, Trưởng ban đại diện của John Swire & Sons tại Việt Nam, lấy ví dụ từ một dự án mà Tập đoàn Swire từng đảm nhận ở Chengdu, Trung Quốc, đã đi theo hướng cải tạo mà ông Tiến đề cập. Chủ đầu tư của dự án Sino-Ocean Taikoo Li Chengdu đã nắm bắt cơ hội để tạo ra một quần thể độc đáo, biến một ngôi đền từ thế kỷ thứ 7 cùng năm toà nhà cổ xung quanh thành điểm tham quan chính của địa danh này. 

Tại đây, các hoạt động trải nghiệm “nhanh” như mua sắm, và “chậm” như tham quan nhà dân, thưởng trà, được bố trí hợp lý, dễ dàng đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm mà khách du lịch mong muốn. Các công trình vẫn được giữ nguyên chức năng và được bổ sung thêm các tiện ích hiện đại, vì vậy kiến trúc di sản vẫn được bảo tồn và trân trọng. Ông Henry tin rằng Việt Nam đang nắm trong tay cơ hội để phát triển những dự án tương tự như vậy.

alt
Các công trình vẫn được giữ nguyên chức năng và được bổ sung thêm các tiện ích hiện đại, vì vậy kiến trúc di sản vẫn được bảo tồn và trân trọng. | Nguồn: SCE Project Asia

Panel 4: Tái sử dụng & Cải tạo

Mở màn phiên toạ đàm cuối cùng là phần phát biểu của ông Riccardo Panunzio, Giám đốc Chương trình tại Lazio Innova từ Ý - đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ và cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các dự án phát triển vùng miền. Ông Ricardo đề cập đến tầm quan trọng của công cụ lập pháp và sự ủng hộ từ công chúng có thể thúc đẩy các dự án tái sử dụng công trình cũ. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc biến các địa điểm di sản văn hóa “ngoại vi” thành “điểm tham quan văn hóa lớn” tiềm năng. Theo ông, bằng cách tận dụng những điểm tham quan văn hóa chủ chốt, ta có thể tạo ra cơ hội kinh tế cho các thành phố nhỏ.

Ông Luigi Croce, Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc Venice, tin rằng trong tương lai việc trùng tu và xây mới sẽ cùng tồn tại hài hòa trong các thành phố. Nói về những sai lầm đã xảy ra ở châu Âu, nơi mà nhiều tòa nhà cổ bị biến mất, ông mong các thành phố châu Á tránh rơi vào “cái-bẫy-đổi-mới” tương tự. Những công trình thông thường có thể, và nên cùng tồn tại với kiệt tác kiến trúc. Tương tự như vậy, các tòa nhà thương mại và di sản có thể sống cạnh nhau. Ông cho rằng, điều châu Á cần là hệ thống luật pháp chặt chẽ hơn, khuyến khích và giảm thuế cho các chủ sở hữu, cũng như chia sẻ chuyên môn trong việc trùng tu.

alt
Những công trình thông thường có thể, và nên cùng tồn tại với kiệt tác kiến trúc. Tương tự như vậy, các tòa nhà thương mại và di sản có thể sống cạnh nhau. | Nguồn: Nghi Nguyễn cho Vietcetera

Phát biểu từ góc độ chủ đầu tư, ông Adam Fowler, Giám đốc đầu tư của Ecopark, đơn vị phát triển với khoảng 60 dự án khu đô thị tích hợp đang được triển khai, thừa nhận rằng “lợi nhuận luôn là ưu tiên số một”. Diện tích của lô đất rất quan trọng vì nó cho phép tạo ra các tiện nghi để mang lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng, cũng như bảo tồn các tòa nhà (hoặc thiên nhiên, trong trường hợp của Ecopark).

Tiếp tục về chủ đề này, bà Thuỳ Hoàng - General Director của Sonatus, cho biết lý do dự án này sở hữu được một khu đất đủ lớn trong trung tâm khu phố Nhật tại Sài Gòn là nhờ chính phủ tin tưởng rằng đơn vị này có thể cung cấp một dự án thương mại kết hợp tốt với tính lịch sử của khu phố. Công trình bắt nguồn từ lịch sử của khu phố và tiếp tục tái hiện lại di sản đó bằng nhiều yếu tố, ví dụ như một khu vườn huyền bí lấy cảm hứng từ Nhật Bản. Kết thúc phiên thảo luận và hội nghị, bà Thùy đề cập đến vai trò của chính phủ trong việc khuyến khích các chủ đầu tư nên để mắt đến những tòa nhà di sản, ngay cả khi chưa chắc chắn đạt được lợi nhuận.

Bài viết được biên dịch bởi L A M.