5 Điều một chuyên gia di sản văn hoá mong người trẻ lưu tâm | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

5 Điều một chuyên gia di sản văn hoá mong người trẻ lưu tâm

Theo ông Phúc Tiến, đứng trước những kiến trúc và cảnh quan lâu đời, có nhiều điều cả người già hay trẻ, trong hay ngoài nước đều còn đặt dấu chấm hỏi và dấu chấm lửng. Song với người trẻ, có lẽ đây là 5 điều về văn hoá di sản mà các bạn cần lưu tâm.
5 Điều một chuyên gia di sản văn hoá mong người trẻ lưu tâm

Nguồn: Cơ Nguyễn cho Vietcetera

SCE logo

Trần Hữu Phúc Tiến từng là ký giả kỳ cựu của báo Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Đại học Oxford. Ông hiện là Giám đốc công ty Hợp Điểm chuyên về Anh văn và Du học. Tuy nhiên, ông vẫn thường xuyên viết về các vấn đề Di sản cho tờ báo Người Đô Thị. Liên quan đến lịch sử Sài Gòn, ông đã có hai đầu sách là Sài Gòn Không Phải Ngày Hôm Qua (2016)Sài Gòn Then & Now — Sài Gòn Hai Đầu Thế Kỷ (2017).

Theo ông Phúc Tiến, đứng trước những kiến trúc và cảnh quan lâu đời, có nhiều điều cả người già hay trẻ, trong hay ngoài nước đều còn đặt dấu chấm hỏi và dấu chấm lửng. Song với người trẻ, có lẽ đây là 5 điều về văn hoá di sản mà các bạn cần lưu tâm.

THPT1
Nguồn: Cơ Nguyễn cho Vietcetera

1. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy những điều mới trong những nơi quen

Bạn đã bao giờ nhận ra các điêu khắc ở Hoàng thành Thăng Long có chi tiết lá Bồ Đề đến từ văn hóa Phật giáo Ấn Độ?

Việt Nam vốn mang những đặc điểm không thuần tuý Á Đông. Ngoài những yếu tố bản địa, văn hoá chúng ta còn hòa quyện nhiều hương sắc bên ngoài: Trung Quốc từ Đông Á, Ấn Độ từ Nam Á, và Pháp từ Âu châu. Những ảnh hưởng này thể hiện rõ nhất qua các công trình kiến trúc trăm năm, có khi là nghìn năm tuổi.

NTN2
Khách sạn Grand Palace tại Sài Gòn mang đường nét Art Deco những năm 30s-40s, được xây dựng bên các dãy phố hoà hợp yếu tố Á-Âu nhiệt đới. | Nguồn: PDAM

Tại Hà Nội, nếu Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn hay Nhà khách Chính phủ là những công trình thuần Pháp thì bảo tàng Lịch sử, trụ sở Bộ ngoại giao, Nhà thờ Cửa Bắc hay Viện Pasteur là những kiệt tác của phong cách kiến trúc Đông Dương — phối hợp cả yếu tố châu Âu với Việt Nam và Đông Nam Á.

Tại miền Trung, ta có Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng, hay là những ngôi nhà cổ có đường nét Trung Hoa xen lẫn Nhật Bản tại Hội An. Và Sài Gòn, những dấu ấn Paris thể hiện nơi Nhà thờ Đức Bà, toà Uỷ ban Nhân dân và Bưu điện Thành phố.

Ngay cả văn hóa Ý hay văn hóa Roma đã vào Việt Nam từ nhiều ngả đường. Chẳng hạn, ở di tích khảo cổ văn hóa Phù Nam tại vùng núi Ba Thê (An Giang), người ta đã tìm được đồng tiền La Mã – dấu tích văn hóa Roma hiện diện vào đầu Công nguyên.

Và rồi, Vatican và các nhà truyền giáo đã đến Đàng Ngoài và Đàng Trong để truyền đạo và ghi chép khá nhiều về Việt Nam xưa. Họ mang đến nước ta cả những kiến thức, sách vở của phương Tây thời bấy giờ. Có lẽ nét văn hóa Ý ở Việt Nam còn để lại nhiều nhất ở các kiến trúc Công giáo như nhà thờ và tu viện khắp ba miền.

ntn0
Nhà thờ Thánh Giuse (Nhà thờ Lớn) tại Hà Nội. | Nguồn: Ha Food Tours

Có rất nhiều những kiến trúc và cảnh quan chúng ta đã thấy quen thuộc mỗi ngày. Nhưng nếu quan sát kỹ, sẽ có những điều mới mẻ mà ta chưa bao giờ nhận ra.

2. Việt Nam không phải đất nước "một màu", đơn điệu

Không chỉ văn hóa mà bản thân thiên nhiên của Việt Nam cũng rất đa dạng, thậm chí có những điều dường như là hai thái cực ngược nhau. Chúng ta có tính ôn đới bốn mùa đầy khắc nghiệt của miền Bắc và miền Trung, và có cả tính nhiệt đới chỉ hai mùa mưa nắng, lúc thuận hòa có lúc biến động của miền Nam. Chúng ta có đủ rừng núi – ruộng đồng, cao nguyên – đồng bằng, sông rạch – biển cả và lục địa – hải đảo.

Tất cả bấy lâu đều chung sống với nhau “muôn hồng nghìn tía” và để phát triển bền vững cần giữ được sự hài hòa. Chân dung của một Việt Nam hiện đại với những toà nhà chọc trời thênh thang sẽ trở nên đơn điệu, khô khan nếu thiếu đi Huế và Hội An cổ kính, thiếu đi Sapa và Đà Lạt thơ mộng, thiếu đi Hạ Long và những đảo ngọc xa khơi, hay thiếu đi những hang động tuyệt đẹp như Phong Nha, Sơn Đoòng.

NTN2
Rừng tràm Trà Sư tại An Giang | Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Israel

Hãy tự khám phá và tô điểm lên bản đồ đất nước những sắc màu mới. Hãy luôn tò mò và đặt chân đến những vùng đất mới của một Việt Nam gấm hoa. Sẽ còn nhiều điều bất ngờ đang chờ chúng ta.

3. Trải nghiệm trực tiếp có những sức mạnh riêng của nó

Công nghệ số ra đời và thôn tính thế giới nhờ sự nhanh gọn, ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Đặc biệt, nó cho phép người dùng tương tác, chứ không một chiều như trước kia. Dần dà, các buổi biểu diễn, các bảo tàng và công trình nghệ thuật bắt đầu được số hoá. Giờ đây, ta đã có thể nhìn, nghe và tận hưởng những nét đẹp ấy mà không cần phải bước ra khỏi nhà.

NTN3
Bên trong bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam tại Hà Nội | Nguồn: Thanh Niên

Nhưng trải nghiệm trực tiếp có sức mạnh riêng của nó. Việc được tự mắt nhìn thấy và tự tay chạm vào trao cho ta quyền tự khám phá, cảm nhận và hình thành những suy nghĩ độc lập mà không cần sự dẫn dắt nào. Công nghệ có thể là cách tiếp cận ban đầu, nhưng người thật, việc thật sẽ là những trải nghiệm toàn diện nhất.

4. Bạn có để ý những chiếc bàn thờ đang dần nhỏ lại?

Có những điều mà ta đã bỏ lại hoặc đánh đổi khi hình thành những nếp sống hiện đại.

Dễ thấy nhất là chiếc bàn thờ. Bàn thờ tổ tiên từ xưa phải được để ở vị trí quan trọng nhất trong nhà. Giờ đây, không gian chật hẹp ở các căn hộ chung cư trong đô thị đang khiến bàn thờ dần dần nhỏ bé đi hay bị quên lãng. Thậm chí quan niệm và lối sống của những gia đình ít người cũng khiến tục thờ cúng dần bị mai một.

Bữa cơm gia đình cũng vậy. Công việc càng bận bịu, mâm cơm nhà cứ vậy mà bớt người tề tựu. Lắm lúc, lắm nơi, có gia đình cả năm mới họp nhau bên bữa cơm ngày Tết. Có thể, trong nhịp sống mới hối hả này, việc tạm gác lại những thói quen cũ là điều khó tránh khỏi. Nhưng phải chăng chúng ta chỉ nhận ra sự quan trọng của một thứ gì đó và luyến tiếc khi nó thật sự không còn?

NTN7
Công việc càng bận bịu, mâm cơm nhà cứ vậy mà bớt người tề tựu. | Nguồn: Shutterstock

Bạn có bao giờ tự hỏi, những màu văn hoá mới mà ta đang tạo ra là gì? Chúng tác động thế nào đến tương lai? Và ta sẽ còn phải đánh đổi những điều gì, những thói quen nào, hay thậm chí là những ai khác?

5. Đến cuối ngày, ai rồi cũng phải về nhà

Khi hội nhập kinh tế, quốc tế ngày càng mạnh mẽ, ta lại càng được tiếp cận với nhiều nền văn hoá mới. Việc được đắm mình vào những bản sắc khác nhau khiến người trẻ đôi lúc có phần hờ hững và quên đi những gì đẹp nhất vẫn đang tồn tại bấy lâu nay.

Nhưng ai cũng có quê hương, có ký ức của quá khứ để không sợ lạc lõng giữa xứ lạ! Hãy nghĩ xem, bạn hẳn còn nhớ quyển sách vỡ lòng đầu tiên, những món quà sinh nhật yêu thích, cái gối ôm hay chú gấu bông, và cả mối tình đầu. Dù trưởng thành đến mấy, tất cả ký ức ấy vẫn ở đâu đó trong tim.

Và bằng một cách nào đó, ta sẽ luôn tìm về những gì mình đã từng gắn bó. Không có cảm xúc nào bình yên như lúc ta được về nhà. Dù là đi xa đến mấy, nhà là nơi ta thấy an lòng để tiếp tục sống và lớn lên.

Khi được hỏi cảm nghĩ về hội thảo quốc tế Ý – Việt Nam năm 2019 của SCE Project ASIA, ông Phúc Tiến cho rằng đây là một sự kiện về di sản diễn ra rất trọng thể. Đặc biệt, sự kiện này lại được đồng tổ chức bởi một cơ quan ngoại giao của châu Âu — lãnh sự Ý, đất nước có nhiều nền văn hoá tiêu biểu cho cả châu Âu.

Sự kiện không chỉ bao gồm các cuộc toạ đàm thảo luận, mà còn có cuộc thi thiết kế, tôn tạo các dự án Di sản tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc thi dành cho các sinh viên kiến trúc, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Ý.

Tại sự kiện, các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, văn hoá, kinh tế từ nhiều nước châu Âu đã đem đến nhiều thông tin rất hay và đa dạng. Họ chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận quan điểm giữ gìn di sản của UNESCO. Hơn hết, họ đưa ra các giải pháp bảo vệ và phát huy di sản bằng quản trị đô thị, kinh tế và tài chính.

Ngoài ra, có một công ty Ý đã giới thiệu các hình ảnh chụp từ vệ tinh về các công trình xây dựng và quan cảnh của thành phố. Nhiều bức ảnh đã cho thấy nguy cơ biến đổi khí hậu, tác động lớn vào đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm nay, do COVID, các chuyên gia sẽ tham gia thảo luận trực tuyến. Nhưng ông Phúc Tiến mong sự kiện vẫn sẽ có những nội dung thú vị, hấp dẫn, và sự kiện sẽ tiếp tục tạo được tiếng vang lớn cho xã hội.