Xuất hiện từ những năm 2013, Hoàng Thái Vũ, với nghệ danh là Vũ., được xem là một trong những nghệ sĩ indie đầu tiên của làng âm nhạc Việt. Với những bài hát mộc mạc chỉ có tiếng guitar thanh bổng cùng giọng hát trầm ấm, Vũ trở thành một "hiện tượng Lạ Lùng" vào năm 2016.
Những ngày đầu làm nhạc, Vũ chưa thật sự có định hướng. Sau nhiều năm thử thách và trải nghiệm, giờ đây, anh làm nhạc với một tâm thế chuyên nghiệp và nhẫn nại hơn.
Sau lần trò chuyện về Bước Qua Mùa Cô Đơn, lần gặp này, Vũ chia sẻ với Vietcetera về hành trình nuôi dưỡng những giai điệu và giới hạn âm nhạc trong anh.
Quá trình sáng tác của Vũ thế nào? Lời hay giai điệu đến trước?
Cũng tuỳ hứng, lúc thế này, lúc thế kia. Nhưng thường thì giai điệu sẽ đến trước, vì nó sẽ ảnh hưởng đến mood (tạm dịch: tâm trạng) của bài hát. Khi đã có giai điệu, mình mới liên hệ đến hình ảnh và câu chuyện phù hợp để ghép thành bài.
Vũ có thực hành nào giúp sáng tác hiệu quả không?
Trong khoảng 1 năm trở lại đây mình bắt đầu free-writing trước khi bắt đầu sáng tác. Đây là thực hành mà mình học được từ chị Lý và anh Thành Đồng.
Free-writing là một kiểu “khởi động não”: chỉ cần ngồi xuống và viết một cách cực kỳ bản năng, câu cú không cần có nghĩa. Lúc đấy não mình sẽ rất tĩnh và tự do. Rồi cứ viết đến khi nào không viết được nữa thì thôi. Sau đó thì nhìn lại, mình sẽ thấy có những từ ngữ rất hay.
Free-writing cũng giúp công việc sáng tác trôi chảy hơn, đồng thời giúp mình không bị “chấn thương” trong âm nhạc. Nó cũng giống như việc bị chuột rút vì không khởi động trước khi chơi thể thao vậy. Nếu không free-writing, mình sẽ dễ rơi vào trạng thái “tắc não” và không thể nghĩ ra gì.
Điều kiện lý tưởng để Vũ sáng tác là gì?
Mình thích sáng tác ở chỗ nào có thời tiết dễ chịu tí. Nhưng âm nhạc mới là thứ giúp mình sáng tác ổn định nhất.
Hồi còn ở quân đội, mỗi lần bạn bè trong phòng hát hò, mình sẽ có cảm hứng sáng tác ngay. Sau này, mình lúc nào cũng phải nghe nhạc theo tâm trạng trước khi sáng tác. Mình hay nghe dòng pop ballad, thường là của Nhật. Sau này thì nghe cả của Hàn Quốc nữa.
Vũ khi viết nhạc và Vũ khi sản xuất nhạc khác nhau những gì?
Lớn nhất thì chắc là sự khác biệt giữa cảm xúc và thực tế.
Khi sáng tác, ngoài âm nhạc thì cảm xúc cũng là thứ mình phải có. Mình nghĩ ai đã viết nhạc thì cũng sẽ như thế. Âm nhạc là thứ ngôn ngữ nói thay tiếng lòng — phải có sự dồi dào về xúc cảm thì từng lời hát mới tạo ra sự đồng điệu giữa người viết và người nghe.
Khi sản xuất thì mình khó tính và nghiêm túc hơn nhiều. Mình nghĩ bản thân nên biết cách cân bằng giữa cảm xúc và tính thực tế trong việc làm nhạc. Ý tưởng đôi lúc có thể đến từ cảm quan, vì vậy người nghệ sĩ cần nhìn nhận sản phẩm của mình với từ góc độ chuyên môn và thực tế.
Hiện tại mình đang sở hữu một studio riêng để học thêm kỹ năng, giúp việc sản xuất được thuận lợi. Nhưng mình cũng không quá tự tin về nhạc lý, nên sau này mình có thêm một producer nữa làm việc cùng. Vì là teamwork nên mình hiểu và tôn trọng chuyên môn của bạn ấy. Nhưng bài hát nào mình cũng sẽ luôn theo sát từng công đoạn, dù là nhỏ nhất.
Tham gia vào nhiều công đoạn như vậy, Vũ có thấy mình giỏi "đa nhiệm" không?
Mình nghĩ mình ổn. Bây giờ công việc phát triển và phức tạp hơn, mình bắt đầu tập khả năng hoàn thành nhiều thứ trong một thời gian ngắn. Dần dà, mình nhận ra sự đa nhiệm là giúp mình khai phá rất nhiều điều mới, cả trong âm nhạc lẫn cuộc sống hàng ngày.
Mình nghĩ trong việc làm nhạc, sự đa nhiệm là một kỹ năng rất quan trọng và mật thiết. Càng làm nhiều nhạc, mình sẽ càng phải biết nhiều loại âm thanh, nhạc cụ hơn. Và trong quá trình sáng tác, việc luân chuyển giữa các nhạc cụ hay bản phối là nhiều thường xuyên xảy ra.
Nhưng mình thấy khả năng làm việc đa nhiệm của bản thân cũng ở một mức vừa phải, phần còn lại thì sẽ cần đến chút công nghệ.
Vậy trong việc làm nhạc thì công nghệ hỗ trợ Vũ bao nhiêu phần trăm?
Bình thường ở nhà thì mình sáng tác hoàn toàn bằng đàn và bút. Với mình, việc cầm đàn hát và viết ra giấy sẽ hiệu quả nhất.
Nhưng lịch trình dày đặc không cho phép mình ở nhà quá nhiều. Khoảng thời gian trên máy bay rất yên tĩnh, tạo điều kiện để mình làm được rất nhiều việc. Vì vậy mỗi khi có cảm hứng sáng tác, mình sẽ cần một chiếc máy tính vừa gọn để có thể mang đi khắp nơi.
Làm demo trên máy tiết kiệm rất nhiều thời gian. Thứ nhất là vì máy có hai màn hình lớn, cho phép mình thao tác trên nhiều ứng dụng cùng lúc. Mình hoàn toàn có thể vừa soạn lời ở dưới, vừa cắt ghép giai điệu ở trên. Thứ hai là vì mình có thể tích hợp rất nhiều loại nhạc cụ vào một chiếc máy nhỏ.
Mình cũng sẽ chuộng loại máy có cả bút cảm ứng để trải nghiệm cảm giác viết nhạc như ở nhà. Mình sinh ra cầm bút trước khi cầm chuột mà, nên tuy là một cây bút máy, khi cầm lên mình vẫn cảm thấy rất thân thương.
Gánh nhiều vai như vậy đôi lúc sẽ rất mệt. Giải pháp của Vũ là gì?
Mình sẽ lại nghe nhạc thôi.
Khi tập trung vào một bài hát quá lâu, mình sẽ dần khó đánh giá nó hơn. Và mình cũng sẽ không thấy nó hay nữa. Nên mình sẽ tạm ngưng bài hát đang sản xuất và đi… “rửa tai” bằng một bài hát khác. Nghe nhạc không chỉ giúp mình thư giãn mà còn cho mình một giai điệu mới mẻ để tham khảo và học hỏi.
Nghe xong thì mình quay về với bài hát đang dở, hoặc làm qua một bài khác luôn. Việc này sẽ xoay vòng, giúp mình luôn có cảm hứng và năng lượng để tiếp tục.
Có nghệ sĩ nào Vũ muốn hợp tác trong tương lai không?
Mình hy vọng sẽ có dịp hợp tác với anh Touliver và anh Hoài Sa. Họ đều là những producer rất giỏi, với cách phối và hoà thanh rất đặc trưng. Mình ngưỡng mộ cả hai, cả trong âm nhạc lẫn cách làm việc.
Mình cũng muốn hợp tác với nhiều producer gạo cội hơn để học hỏi và trau dồi kỹ năng cho bản thân. Mỗi người đều có cái hay riêng của họ. Và điều này cũng là động lực để mình tiếp tục giỏi hơn. Mình muốn viết ra những bài hát mà khi nghe vào, người ta sẽ nhớ ngay đến cái tên “Vũ.”
Ba bài học lớn nhất Vũ rút ra sau 8 năm với âm nhạc?
Đầu tiên là đừng vội vàng. Hồi mới làm nhạc, mình khá máu lửa. Cứ làm xong bài nào là mình hào hứng đăng lên mạng luôn. Giờ thì mình muốn chuyên nghiệp và trau chuốt hơn. Mình tập làm việc đa nhiệm, nhưng với tâm thế từ tốn và cẩn thận. Và quan trọng là mình vẫn phải giữ được chất riêng.
Thứ hai là phải ưu tiên sức khoẻ. Nhiều bạn cứ hay bảo là “Đã đam mê âm nhạc thì ngày nào ăn mì tôm cũng được.” Mình thấy như vậy là sai. Phải có sức khoẻ tốt trước, rồi muốn viết nhạc thế nào cũng được. Thức đêm cũng được. Nhưng hãy luôn quan tâm đến sức khoẻ, đến những người thân xung quanh mình. Đừng viết nhạc theo kiểu mù quáng bỏ hết mọi thứ.
Cuối cùng là đừng dừng lại. Tám năm qua mình đã không hề dừng lại. Mình cứ viết, thu, rồi đăng hết bài này đến bài hát. Mình chưa bao giờ dừng lại cả. Và rồi tất cả những gì mình làm đều được mọi người đón nhận.
Kết hợp cùng Vũ trong lần ra mắt này, Asus Zenbook Duo 14 xuất hiện với bộ đôi màn hình song song — siêu phẩm 2 màn hình dành riêng cho thế hệ đa nhiệm, với thông điệp "Khai phóng quyền năng song song — kích hoạt sự đa nhiệm, nâng tầm sức sáng tạo.
Khai mở quyền năng song song cùng nghệ sĩ âm nhạc Vũ
Hợp tác cùng Vũ trong dự án “Khai mở quyền năng song song”, ASUS Việt Nam mong muốn truyền tải thông điệp hướng tới thế hệ người dùng đa nhiệm hiện đại và cách họ ứng dụng công nghệ vào đời sống cũng như công việc.
ZenBook Duo 14 UX482 – Laptop 14" sở hữu 2 màn hình mỏng nhẹ nhất thế giới. Màn hình thứ hai ScreenPad Plus đột phá với kích thước 12.6" sẽ giúp nâng cấp tối đa không gian hiển thị, tối ưu xử lý nhiều tác vụ giúp bạn khai mở quyền năng đa nhiệm.
Xem thông tin chi tiết: https://www.asus.com/vn/Laptops/For-Home/ZenBook/ZenBook-Duo-14-UX482/
Giá từ: 33,990,000 VNĐ