Nặn mụn xong nên làm gì? | Vietcetera
Billboard banner

Nặn mụn xong nên làm gì?

Nặn mụn đã rất vất vả và đau đớn. Nếu bạn muốn giữ thành quả được lâu dài, hãy dành thời gian để chăm sóc da sau đó một cách đúng chuẩn.
Nặn mụn xong nên làm gì?

Sau nặn mụn, bạn phải làm gì với làn da? | Nguồn: Freepik

Nhắc đến việc chăm sóc da, vấn đề mà đa số ai cũng gặp phải chính là những nốt mụn. Có mụn thì phải nặn mụn. Tuy nhiên, niềm trăn trở theo sau là làm sao để chăm sóc làn da vừa bị tổn thương đúng cách để không gây nhiễm trùng hay để lại sẹo.

Và liệu nặn mụn có thật sự cần thiết, cũng như có những cách nào khác để có thể xử lý “đội quân hùng hậu” này, giúp hạn chế tối đa hậu quả xấu lên làn da? Dưới đây là những việc bạn có thể làm đề chăm da sau nặn mụn.

1. Giữ da sạch là đầu câu chuyện

Một vết xước hoặc vết thương hở sẽ tăng nguy cơ khiến da bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Làn da cần được đảm bảo tránh xa các vi khuẩn có trên ngón tay, trong không khí hay ở bất cứ đâu. Hãy cố gắng đừng chạm tay lên mặt, cào các vết thương khô. Đừng làm gì cả, da bạn sẽ bình yên.

alt
Hạn chế tối đa việc chạm tay, kiểm tra các vết nặn mụn | Nguồn: Elle

Sau nặn mụn, các bác sĩ da liễu cũng thường khuyên bạn không nên sử dụng các loại mỹ phẩm (kể cả sữa rửa mặt). Bạn chỉ nên làm sạch da bằng nước sạch, nếu được có thể mua nước tinh khiết để rửa hoặc lau trong 1-2 ngày đầu sau nặn mụn.

2. Da đang nhạy cảm, chớ “mạnh bạo”

Nếu vết thương sau khi nặn mụn chảy nhiều máu, bạn cần dùng khăn giấy hoặc khăn mặt ấn nhẹ lên vết thương cho đến khi máu khô lại. Tiếp đến, khi vùng da vừa nặn đã được sạch sẽ, bạn có thể thoa một ít kem dưỡng ẩm lên.

Trong lúc đợi vùng da vừa nặn mụn lành lại, bạn nên tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dễ gây kích ứng cho da mặt. Vì vùng da này vẫn còn rất nhạy cảm, các sản phẩm dịu nhẹ để chăm sóc da là ưu tiên hàng đầu. Bạn không nên sử dụng các loại kem dưỡng có thành phần gây kích ứng da, đặc biệt là kem dưỡng có khả năng chống lão hoá hoặc tẩy tế bào chết.

alt
Tránh các loại kem dưỡng có thành phần hoạt tính quá mạnh để chống lão hóa, hay tẩy tế tào chết hóa học | Nguồn: Pinterest

Tương tự, bạn nên tránh xa các sản phẩm gây kích ứng da như các chất tẩy tế bào chết hoá học hay vitamin C, vì chúng sẽ khiến da bị sưng tấy

Không những thế, các hoạt động như tẩy da chết vật lý hay chăm sóc da quá nhiều bước sẽ khiến làn da dễ bị tổn thương hơn. Tất cả những gì bạn cần làm lúc này là một loại sữa rửa mặt và kem dưỡng dịu nhẹ, và đợi vết thương do mụn hồi phục trở lại

3. “Ngụy trang” cho vết thương

Để hạn chế việc “táy máy” vết thương do nặn mụn, bạn có thể sử dụng băng gạc thẩm mỹ (hydrocolloid bandage), hoặc một lớp dưỡng ẩm dày để vùng da được cấp ẩm và bảo vệ tối đa.

Các sản phẩm dưỡng ẩm đa năng như Vaseline sẽ giúp tạo ra lớp màng bảo vệ da tuyệt vời. Tuy nhiên, những ai dễ lên mụn trở lại có thể cân nhắc về việc sử dụng, bởi các sản phẩm này được các chuyên gia cho rằng có khả năng gây mụn cho da.

alt
Che đậy các vết nặn mụn viêm bằng một số dụng cụ chuyên dụng | Nguồn: Flare

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các sản phẩm có gốc silicone để thúc đẩy việc sản sinh collagen giúp da lành sẹo nhanh hơn.

4. Chạy trời nhưng...khỏi nắng!

Nếu bạn không có thói quen dùng kem chống nắng từ trước, đây chắc chắn là lúc bạn nên bắt đầu sử dụng sản phẩm cứu rỗi làn da này. Khi các vùng da tổn thương lành lại, chúng sẽ tạo ra các vết thâm nám trên gương mặt. Kem chống nắng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp hạn chế sự hình thành thâm nám, đặc biệt ở những làn da sẫm màu.

alt
Đừng quên chống nắng nếu bạn muốn làn da sau nặn mụn nhanh lành | Nguồn: Freepik

Một yêu cầu tối thiểu cho kem chống nắng của bạn là chỉ số SPF 30 cũng như khả năng bảo vệ phổ rộng, có thể chống cả tia UVA và UVB.

5. Phòng mụn còn hơn chữa mụn

Thỉnh thoảng có vài nốt mụn hiện hữu trên gương mặt không là một điều cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên phải đối mặt với sự “đổ bộ” ồ ạt của mụn, tệ hơn khi chúng để lại nhiều vết thâm sẹo, bạn cần kiểm tra hiệu quả ngăn ngừa mụn của các sản phẩm chăm sóc da hiện tại.

alt
Cần phải ngừa mụn nổi lên ngay khi bạn vừa nặn mụn xong | Nguồn: Unsplash

Các sản phẩm có khả năng điều trị mụn có thể kể đến sữa rửa mặt có chứa salicylic acid, thuốc thoa mụn có chứa benzoyl peroxide, hay một toa retinoid.

Nếu bạn đã sử dụng các sản phẩm kể trên nhưng vẫn không thấy có sự tiến bộ rõ rệt nào trên da, bạn có thể đến gặp bác sĩ da liễu để bắt đầu việc điều trị và ngăn ngừa mụn. Các chuyên gia sẽ hiểu rõ về làn da của bạn, cũng như biết được các thói quen ảnh hưởng xấu đến làn da, từ đó tư vấn một lộ trình chăm sóc da phù hợp cho bạn hơn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng cần nặn mụn

Việc tự nặn mụn ở nhà sẽ có thể dẫn đến khả năng bị nhiễm khuẩn nếu thực hiện sai cách. Đi kèm với nó là các tác dụng phụ khác như các nốt mụn sưng tấy, gây đau đớn và bám dai dẳng trên da hơn. Các vết sẹo và vết thâm từ những nốt mụn này sẽ khó lành và hiện rõ trên da hơn, ảnh hưởng xấu đến làn da và ngoại hình của bạn.

Lời khuyên dành cho bạn chính là hãy thăm khám với bác sĩ da liễu. Một số mụn có thể được điều trị để tự khô còi và có thể cạy ra dễ dàng hoặc tự rụng. Một số mụn thì bắt buộc phải lấy nhân mụn bằng các phương pháp y khoa.