Những lời bàn tán, những câu hỏi sẽ được đặt ra khi một bộ phim chủ đích thay thế chủng tộc của một nhân vật vốn đã luôn được thể hiện là người da trắng. Mới đây, điều này một lần nữa diễn ra khi Disney công bố rằng một diễn viên da màu sẽ thủ vai Queen Cinderella trong series Descendants: Rise of Red.
Liệu đây có phải một hành động thiếu tôn trọng nguyên tác hay thậm chí là một dạng chiếm dụng văn hóa ngược? Liệu sự xuất hiện dày đặc của hiện tượng này có thật sự đến từ mong muốn tốt từ các hãng phim, hay chúng chỉ là một chiến lược kinh doanh?
1. Representation là gì?
Trong một thế giới điện ảnh mà người da trắng giữ ưu thế, cụm từ “representation” (tái trình hiện) dần trở thành tâm điểm bàn luận chính với mong muốn trao quyền lực kể chuyện và đại diện đến những chủng tộc, những cộng đồng yếu thế.
Tái trình hiện có thể được định nghĩa là sự có mặt, xuất hiện trong các sản phẩm văn hóa (phim ảnh, tranh vẽ, kịch nghệ,...) của một đại diện trong một nhóm cộng đồng (thường là cộng đồng yếu thế). Sự xuất hiện này, để được gọi là tái trình hiện, cần mang ý nghĩa đại diện và biểu tượng cho quan hệ của nhóm cộng đồng đó với thế giới.
Trong các sản phẩm văn hóa đại chúng ngày nay, tái trình hiện dần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của công chúng, đặc biệt khi các hoạt động xã hội ngày nay đang nhắm đến xây dựng một xã hội nhấn mạnh về từ khóa về “sự đa dạng” (diversity) và “tính bao hàm” (inclusivity).
Một ví dụ điển hình của sự phát triển trình hiện trong điện ảnh là những bộ phim thuộc thể loại Viễn Tây. Đã từng là một thể loại cực kì phổ biến trong những năm 1950s, những bộ phim thuộc thể loại này vào thời điểm đó chỉ có sự xuất hiện của những chàng cao bồi da trắng.
Tuy nhiên trong gần 30 năm trở lại đây, khán giả dần đã thấy sự xuất hiện của những cao bồi người Mỹ gốc Phi trên màn ảnh, điển hình là The Magnificent Seven, The Harder They Fall, và Django Unchained,.... Sự xuất hiện này đi sát hơn với thực tế rằng có tới hơn 25% cao bồi Viễn Tây thời đó là người da màu (theo một báo cáo của George W. Saunders).
2. Vì sao sự xuất hiện của cộng đồng yếu thế trên màn ảnh lại gây tranh cãi?
Tái trình hiện bắt đầu được bàn luận nhiều tại Việt Nam, hay ít nhất là được đề cập tới, trong thời điểm Disney công bố hai nữ diễn viên Halle Bailey và Rachel Zegler sẽ lần lượt thủ vai trong hai bản phim live-action của Nàng Tiên Cá và Bạch Tuyết.
Mới đây làn sóng tẩy chay ấy lại một lần nữa dậy sóng khi Disney+ ra mắt những hình ảnh đầu tiên của series Descendants: Rise of Red. Cộng đồng mạng Việt Nam lẫn nhiều fanpage đã lập tức lên án, thậm chí miệt thị tạo hình da màu của nhân vật Lọ Lem, một nhân vật vốn đã luôn được thủ vai bởi diễn viên Brandy Norwood từ năm 1997.
Sự thay đổi về “gốc gác” của hai nhân vật nhanh chóng dấy lên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội về tính “nguyên bản” của những sản phẩm này. Tại Việt Nam, có lẽ luồng ý kiến rõ rệt và dễ thấy nhất là mong muốn tẩy chay những bộ phim này. Bộ phận khán giả này cho rằng phiên bản người đóng đang xúc phạm một phần tuổi thơ của họ, thậm chí dẫn ra chứng cứ miêu tả nhân vật từ các văn bản truyện cổ tích nguyên tác.
Nàng Tiên Cá và Bạch Tuyết là những câu chuyện mà bất kì đứa trẻ nào cũng đã từng được nghe. Đối với thế hệ 8x, 9x và Gen Z, việc nhìn thấy những nhân vật từ trong cổ tích xuất hiện dưới một hình hài đúng với những gì họ được nghe kể có lẽ là một khoảnh khắc cực kì nhiệm màu và mang nhiều giá trị về cảm xúc.
Vì thế, cũng hoàn toàn dễ hiểu khi lựa chọn diễn viên mang một hình hài mới đến với một nhân vật vốn đã được định hình sẵn và mang nhiều giá trị cảm xúc sẽ dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi.
Bằng chứng là vào thời điểm Doctor Strange ra mắt, một cuộc tranh cãi khác nổ ra tại Mỹ khi Tilda Swinton, một diễn viên nữ da trắng đóng vai The Ancient One, một nhân vật theo nguyên tác là một người đàn ông Tây Tạng. Một bộ phim khác, Ghost In The Shell, thậm chí còn bị chỉ trích dữ dội hơn khi để Scarlett Johansson đóng vai chính trong bộ phim live-action dựa trên một bộ truyện thuần Nhật Bản.
Dù những cuộc tranh cãi này hướng đến tính đại diện cần có của cộng đồng Châu Á trên phim ảnh, dường như tại Việt Nam, chúng lại không được quan tâm và bàn tán quá nhiều. Có lẽ lí do đơn giản nhất cho điều này cũng nằm ở chính sự thiếu vắng ý nghĩa của những nhân vật này đối với người Việt Nam.
3. Vì sao tái trình hiện quan trọng?
“Hợp thức hóa” sự khác biệt của cộng đồng thiểu số
Tái trình hiện quan trọng cũng chính vì lí do khiến những sự thay đổi này vấp phải những tranh cãi: giá trị cảm xúc và tính đại diện mà những nhân vật này nắm giữ.
Đối với những khán giả trẻ con, việc được nhìn thấy một người mang ngoại hình giống với mình trên màn ảnh là một việc cực kì ý nghĩa. Đặc biệt là tại những môi trường nơi họ là những cộng đồng thiểu số, bị chế giễu hay thậm chí bắt nạt vì ngoại hình khác biệt của họ.
Việc một nhân vật thuộc cộng đồng yếu thế được mang lên một tác phẩm văn hóa đại chúng mang ý nghĩa lớn với những khán giả trẻ đơn giản vì chúng đã phần nào “hợp thức hóa” sự tồn tại và khác biệt của họ. Những nhân vật này nói với những người trẻ rằng dù có ngoại hình, gốc gác, gia đình như thế nào, họ cũng có quyền được mơ ước trở thành công chúa, siêu anh hùng, v.v.
Mở ra cơ hội cho những diễn viên thuộc cộng đồng thiểu số
Quay trở lại với Việt Nam, dù cụm từ tái trình hiện hay tính đại diện trên màn ảnh chưa được bàn luận và quan tâm nhiều, chúng ta vẫn chú ý và trân trọng khi những diễn viên gốc Việt được góp mặt trong những bộ phim điện ảnh thế giới, chẳng hạn như Ngô Thanh Vân hay Quan Kế Huy.
Khi chúng ta quan niệm rằng Hollywood (điện ảnh Mỹ) là đỉnh cao của điện ảnh thế giới, việc những diễn viên gốc Việt góp mặt tại đây chứng minh được rằng Việt Nam, dù vẫn còn là một nền điện ảnh non trẻ, có đủ khả năng, đủ giỏi để vươn tới và đứng vững trong môi trường này.
Tuy nhiên, thực tế lại phũ phàng hơn rất nhiều. Như chúng ta đã thấy qua những chiến dịch như #oscarsowhite, Hollywood là một môi trường mà tài năng diễn xuất là không đủ để một diễn viên phát triển. Thực tế cho thấy việc môi trường này đã và vẫn đang được thống trị bởi những nhà làm phim nam da trắng. Từ đó, hạn chế cơ hội phát triển cho những nhà làm phim, diễn viên thuộc cộng đồng thiểu số.
Trong hai sản phẩm live-action của Disney, diễn viên được lựa chọn dựa trên hình thức “color-blind casting.” Nghĩa là một diễn viên sẽ được lựa chọn cho vai diễn nếu có đủ tài năng, mà không cần phải tuân đúng theo màu da của nhân vật trong nguyên tác.
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về hình thức lựa chọn diễn viên này, chúng ta không thể phủ nhận rằng chúng đã mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn cho các diễn viên thuộc cộng đồng thiểu số.
4. Tái trình hiện quan trọng vì khán giả quan trọng
Chắc chắn sẽ có nhiều khán giả đặt câu hỏi về tính “chân thành” trong câu chuyện lựa chọn diễn viên của các ông trùm giải trí thế giới. Liệu những sự thay đổi này có thật sự đến từ mối quan tâm đến “đa dạng hóa” và ý nghĩa mà chúng mang lại với cộng đồng thiểu số? Hay đây chỉ là một bước đi chiến lược của các hãng phim nhằm đem lại doanh thu và lấy lòng những khán giả quan tâm đến vấn đề xã hội?
Đây là những câu hỏi mà chúng ta sẽ không thể trả lời được. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà ta có thể chỉ ra là những ảnh hưởng tốt mà những quyết định này đã đem lại ngay trong thời điểm hiện tại.
Ngày càng có nhiều diễn viên, nhà làm phim thuộc cộng đồng thiểu số được trao cho cơ hội và không gian để họ kể câu chuyện của chính họ. Những câu chuyện mà trước đây đã luôn bị đẩy lùi và từ chối bởi vì “không phục vụ đối tượng khán giả chính của điện ảnh (những người nam da trắng).”
Điện ảnh là một nền công nghiệp và những ông trùm giải trí như Disney, Warner Bros,... không phải là con người. Chúng là những cỗ máy được tạo ra với duy nhất một mục tiêu là kiếm tiền, kiếm doanh thu từ chính khán giả. Khi nào mà những giá trị về trình hiện và tính đa dạng còn quan trọng trong quyết định mua vé đến rạp của khán giả, thì những cỗ máy này sẽ còn quan tâm đến những giá trị ấy.
Sự chớm nở của tính đa dạng và tái trình hiện trong điện ảnh ngày nay là kết quả của sự đấu tranh không ngừng nghỉ của những cộng đồng thiểu số trong việc thay đổi góc nhìn của khán giả và khiến họ trân trọng những giá trị này hơn. Khán giả sẽ chỉ có thể kiểm soát chính họ và như một tập thể, họ có quyền quyết định cực kì lớn trong việc lựa chọn những giá trị mà điện ảnh sẽ hướng tới.
Có thể tạo hình mới của Bạch Tuyết, Nàng Tiên Cá hoặc tạo hình "lạ" của Lọ Lem sẽ không hợp thẩm mỹ của khán giả Việt. Có thể những bộ phim này sẽ không hay, sẽ cố gắng nhồi nhét những tư tưởng mà cộng đồng mạng cho là "woke." Đây không phải là lí do để bất kì ai hướng mũi dùi vào màu da và sắc tộc của những diễn viên trên màn ảnh.
Vì thế, có lẽ điều duy nhất mà chúng ta có thể làm hiện tại là mở lòng để đón nhận những thay đổi mới. Dù những lợi ích của trình hiện nghe có vẻ xa vời và không liên quan đến Việt Nam, hãy nhớ rằng khi điện ảnh và nghệ thuật trở thành một thế giới không phân biệt về màu da và sắc tộc, người duy nhất hưởng lợi là những con người không phải là người da trắng.