Trong bối cảnh ngành bán lẻ truyền thống đang “chuyển mình”, nếu các chiến lược thúc đẩy đổi mới được hoạch định đúng đắn, thì chu kỳ tăng trưởng của cả bên cung lẫn bên cầu đều sẽ tiếp tục lớn mạnh.
Đối với thế hệ các nền tảng bán lẻ tiếp nối, Kilo - một công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Việt Nam, cho rằng họ không chỉ cần đổi mới vượt trội, mà còn cần sẵn sàng tiếp cận và giải quyết các vấn đề tồn đọng trên thị trường bằng các giải pháp khác biệt.
Theo Kilo nhận định, mật độ bán lẻ tại Việt Nam đang ở mức một cửa hàng có 118 khách mua lẻ tương ứng. Thị trường bán lẻ tại đây cũng có sự phân chia thị phần rõ rệt, với 20% là hệ thống lớn (bao gồm các trung tâm thương mại và cửa hàng tạp hóa lớn), và 80% còn lại là các cửa hàng bán lẻ vừa và nhỏ.
Anh Kartick Narayan - CEO kiêm nhà sáng lập Kilo, chia sẻ với Vietcetera: “Nhìn chung, thị trường bán lẻ gồm 6 đối tượng: người mua sắm, thương hiệu, nhà phân phối, nhà bán buôn, tổ chức cho vay, và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần. Tất cả đều tương tác với nhau vì mục đích trao đổi hàng hóa và dịch vụ”.
Nhận thức rõ mối tương quan này, Kilo xác định tầm nhìn chiến lược là kết nối cả 6 đối tượng qua một nền tảng duy nhất - trong phạm vi hệ sinh thái Kilo.
Cùng với ngành công nghiệp hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), ngành công nghiệp bán lẻ đã tồn tại và hoạt động theo phương thức truyền thống từ lâu đời. Tuy nhiên, Kilo gia nhập thị trường không vì mục đích thay đổi và can thiệp vào phương thức hoạt động này, mà dự định mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại cho cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Thành lập Kilo cũng chính là lần đầu tiên Kartick thử sức với lĩnh vực khởi nghiệp. Trước đó, anh đã có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực thương mại điện tử, từng làm việc tại các công ty công nghệ nổi tiếng như Amazon, Groupon, Coupang của Hàn Quốc, và gần đây nhất là đảm nhiệm vị trí Giám đốc Kinh doanh tại Tiki Việt Nam.
Những trải nghiệm đa dạng đã giúp anh thêm cẩn trọng trong công việc, tập trung củng cố và phát triển các sản phẩm hiện có, nhằm cải thiện và ổn định chất lượng.
Kilo được thành lập dựa trên nguyên tắc: công nghệ có thể tác động đến sự thay đổi của các lĩnh vực truyền thống lâu đời, chẳng hạn như các cửa hàng bán lẻ; với sứ mệnh giải quyết các khó khăn mà khách hàng gặp phải trên quy mô rộng.
Tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp
Trong lần đầu khởi nghiệp này, dù hiểu rõ việc huy động vốn không hề dễ dàng, nhưng làm cách nào để xây dựng và gìn giữ nền văn hóa doanh nghiệp mới là thách thức lớn nhất đối với Kartick. Với tư duy này, anh chủ yếu tìm kiếm các nhà đầu tư phù hợp để quan hệ hợp tác, có khả năng đồng sở hữu không chỉ bảng giá trị vốn hóa mà cả văn hóa của doanh nghiệp.
Gần đây, Kilo đã huy động thành công vốn vòng hạt giống từ các Quỹ đầu tư Goodwater Capital và 500 Fintech - cùng có trụ sở tại Hoa Kỳ, Quỹ đầu tư January Capital của Singapore, Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups Việt Nam, và cả các nhà đầu tư thiên thần danh tiếng khác trong khu vực.
Các nhà đầu tư cũng chính là những đối tác phù hợp nhất của Kartick, có khả năng hỗ trợ anh về mặt pháp lý và tài chính, giúp Kilo phát triển và tiến xa. Quỹ đầu tư Goodwater Capital gần đây cũng đã đồng dẫn dắt một khoản vốn đầu tư hơn 100 triệu USD vào công ty công nghệ MoMo Việt Nam.
Kartick chia sẻ thêm, “Chúng tôi vừa hoàn thành gọi vốn vòng hạt giống, và thành tích này cũng chính là một niềm tự hào lớn. Với tôi, gọi vốn thành công mới chỉ là cột mốc nhỏ trong một chặng đường dài. Chúng tôi hiện đang nhận được những phản hồi khá tích cực từ cả khách hàng lẫn nhà đầu tư, và sẽ sớm chuẩn bị sẵn sàng cho vòng Series A”.
Số tiền vốn huy động được sẽ dành cho việc mở rộng khả năng tiếp cận các doanh nhân và người tiêu dùng của nền tảng, đồng thời phát triển đội ngũ để củng cố vững vàng hệ sinh thái Kilo.
Hiện trong giai đoạn đầu hoạt động, Kilo đang xây dựng nền tảng marketplace (sàn giao dịch chung mà bên bán và bên mua tập trung lại để dễ dàng tìm được nhau), nhằm kết nối các nhà bán buôn và nhà phân phối với các cửa hàng bán lẻ. Nền tảng này có thể coi như một hệ thống lớn để các cửa hàng có quy mô vừa và nhỏ cùng tham gia và xây dựng nguồn hàng, được hỗ trợ minh bạch về giá cả, về phân loại mặt hàng, tình trạng tồn hàng, và không phải chịu bất kỳ rủi ro nào về hàng tồn kho và tính cạnh tranh.
Kartick bày tỏ, “Một nền tảng như Kilo có mô hình tinh gọn cơ cấu tài sản (asset-light), mang n phương diện (n-sided: thị trường kết nối hai hoặc nhiều nhóm khách hàng khác biệt). Chúng tôi hoạt động dựa trên hệ thống dữ liệu, và sẽ không để xảy ra tình trạng hàng tồn kho hoặc kiểm soát giá cả”.
“Phương thức hoạt động này hoàn toàn phù hợp với tình hình thị trường hiện tại, có thể hỗ trợ các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ cạnh tranh với những đối thủ có nguồn vốn lớn. Chúng tôi không có ý định cạnh tranh với các nhà phân phối hoặc nhà bán buôn. Sứ mệnh của công ty đơn giản là cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ những công cụ để thành công và xây dựng doanh nghiệp vững chắc hơn.”
Để tạo ra một quy trình cung-cầu liền mạch, mọi hoạt động của Kilo đều được “định hướng dựa trên sự tiện lợi” - nghĩa là ưu tiên chung của khách hàng về hàng hóa và dịch vụ tiện lợi sẽ tác động chủ yếu đến quyết định mua hàng. Không chỉ phát triển các tính năng thuận tiện trên nền tảng nói riêng, Kartick cùng đội ngũ Kilo nói chung cũng dự định hoạt động lâu dài trên thị trường.
Kartick bày tỏ, “Sự tiện lợi là khía cạnh chủ chốt trong việc thu hút khách hàng tiềm năng. Chúng tôi không dự định áp dụng mô hình kinh doanh nhằm khuynh đảo thị trường, mà sẽ hoạt động theo mô hình kết nối mọi đối tượng tham gia. Tại Kilo, chúng tôi đề ra mục tiêu giúp khách hàng nhận thấy giá trị của việc “đơn giản hóa cuộc sống””.
Tiến tới giai đoạn hai, công ty khởi nghiệp công nghệ hiện đang lên kế hoạch phát triển đội ngũ kỹ sư và giám đốc phụ trách sản phẩm, nhằm tạo ra nhiều tính năng mới, giúp các nhà bán buôn giới thiệu sản phẩm đến các đối tượng nhà bán lẻ nhất định. Ngoài ra, đội ngũ cũng dự định thực hiện một số thử nghiệm đa dạng khác.
Khi nhìn lại chặng đường sự nghiệp đã qua, Kartick tin rằng, bạn sẽ hiểu rõ bản thân mình hơn sau mỗi lần đương đầu với khó khăn. Cá nhân anh cho rằng, thành lập công ty khởi nghiệp không hề dễ dàng, nên lại càng quyết tâm chinh phục mục tiêu này.
Kartick tiết lộ, “Tôi muốn bản thân có thể đối mặt và vượt qua một thử thách lớn, và tới nay đã đạt được những thành tựu ngoài mong đợi”.
Anh cũng chia sẻ thêm, những trải nghiệm làm việc tại công ty khởi nghiệp, đặc biệt với vai trò nhà sáng lập, chính là những giá trị không thể mua được bằng tiền bạc, và cũng không ai có thể cho không bạn điều đó. Dù đã phải từ chối một lời mời làm việc “béo bở” tại Mỹ để tiếp tục theo đuổi lĩnh vực khởi nghiệp, thì những trải nghiệm ấy vẫn chính là “tài sản quý giá” đối với anh.
Hiện tại, Kilo vẫn đang không ngừng phát triển. Và để công ty có thể tiếp tục lớn mạnh, Kartick đòi hỏi hai điều quan trọng và không-thể-thương-lượng ở các nhân viên tương lai, đó là thái độ làm việc đúng đắn và sự kiên cường.
“Hiểu rõ bối cảnh là một điều rất quan trọng, đặc biệt khi làm việc tại một thị trường đang phát triển như Việt Nam. Nếu có thái độ làm việc đúng đắn, bạn có thể giải quyết đa số các vấn đề, và vượt qua được thăng trầm”, anh chia sẻ.
Các công ty khởi nghiệp và cả ngành công nghiệp bán lẻ đều đã và đang đổi mới từng ngày. Dù hoạt động suôn sẻ hay trải qua khó khăn, điều quan trọng nhất là trong đội ngũ cần có một người luôn kiên cường, dẫn dắt cả đội cùng vượt qua.