Nghiên cứu chỉ ra tại sao bạn không nên nói cho người khác về dự định của mình | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 03, 2024
Tâm Lý Học

Nghiên cứu chỉ ra tại sao bạn không nên nói cho người khác về dự định của mình

Giải mã câu “Nói trước bước không qua” theo góc độ khoa học.
Nghiên cứu chỉ ra tại sao bạn không nên nói cho người khác về dự định của mình

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Bạn đang dự định ôn thi lấy chứng chỉ IELTS để đi du học, hay định khởi nghiệp bán hàng online… Quá hào hứng, bạn lập tức tìm đứa bạn thân để tuyên bố về kế hoạch này. Thế nhưng bẵng một thời gian sau, mọi ước mơ trở nên dang dở, bạn không hoàn thành được mục tiêu nào đã đề ra. Dẫu biết sự thất bại phần lớn đến từ bản thân và hoàn cảnh, bạn có biết việc tiết lộ cho mọi người về dự định của mình cũng có thể làm giảm động lực?

Không thể phủ nhận những lời động viên và cổ vũ là rất cần thiết, nhưng nếu không được khen đúng hoàn cảnh, bạn có thể bị rơi vào bẫy tâm lý, khiến bản thân “tưởng” mình thật sự đã làm được.

Phản hồi tiêu cực làm bạn giảm động lực

Thay vì nhận được sự ủng hộ như bạn kỳ vọng, họ lại có những góp ý và nhận xét tiêu cực, khiến bạn tuột “mood”. Hay đỡ hơn, một mặt họ ủng hộ bạn, nhưng lại thêm vào một vài nhận xét, hướng dẫn rằng bạn nên làm như thế này, nên đi như thế kia.

alt
Chín người, mười ý lại càng khiến bạn thêm phân vân và do dự với hướng đi của mình.

Trong báo cáo How Negative and Positive Feedback Motivate Goal Pursuit của Ben Gurion University: “Những góp ý tiêu cực sẽ làm giảm sự tự tin và mức độ nhận thức bản thân của một người, khiến họ trở nên nghi ngờ khả năng của mình.”

Ai cũng ủng hộ bạn một cách tích cực, nhưng…

Bạn gặp khoảng cách giữa hành vi và mục tiêu (Intention - Behaviour gap)

Intention-Behavior gap là sự nhầm lẫn giữa việc biết bản thân cần làm gì với việc chúng ta đã thực sự làm, hiểu theo các đơn giản đó là khoảng cách giữa… nói và làm.

Điều này xảy ra khi những việc ta đang làm không đồng bộ với những dự định trước đó. Khi bạn chia sẻ với mọi người, bạn vô tình nới rộng khoảng cách này ra, khiến sự hiểu lầm càng thêm tai hại. Tác động xã hội đến từ những lời khen, chê sẽ ảnh hưởng phần nào đến việc nới rộng khoảng cách giữa dự định và hành vi.

Nguyên nhân chính tạo ra khoảng cách này là do thiếu hụt 1 trong 3 yếu tố ảnh hưởng đến hành vi, dựa trên mô hình COM-B của Đại học Surrey (Anh). Theo đó, có 3 nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hành vi của một người: Khả năng thực sự (thể chất và tinh thần của bạn), Cơ hội (tác động xã hội và tâm lý) và Động lực (vô thức hay ý thức).

alt
Com-B Model | Nguồn: The Decision Lab

Bẫy tâm lý đến từ thiên kiến hiện tại (Present bias)

Những người có thiên kiến hiện tại có tư duy ưu tiên những hành động đem đến cho họ sự thỏa mãn và hài lòng tại thời điểm hiện tại và bỏ qua kết quả lâu dài. Điều này khiến họ bị mất tập trung hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch.

Lúc này, trong não sẽ sản sinh dopamine tạm thời - chất điều chỉnh hành vi do não tiết ra để phản ứng với các tác nhân gây kích thích. Chẳng hạn, bạn vẫn chưa đặt chân đến phòng gym để tập, nhưng việc bàn về việc đi tập, chế độ ăn kiêng khiến bạn cảm thấy như mình đã có 6 múi, cơ thể cân đối hay vòng eo con kiến, trong khi thực tế bạn… chưa làm gì cả.

alt
Dopamine tạm thời sẽ tung “hỏa mù” khiến bạn nghĩ bạn thật sự đã thành công.

Trong thí nghiệm từ báo cáo “Does Social Reality Widen the Intention-Behavior Gap” của Peter Gollwitzer, 163 sinh viên ngành Luật được yêu cầu làm một bài kiểm tra kiến thức chuyên ngành trong 45 phút.

Kết quả cho thấy nhóm sinh viên chia sẻ về cách thức và mục tiêu đạt được trong bài kiểm tra đã bỏ cuộc trong 33 phút, trong khi nhóm cam kết không nói gì cho đến phút cuối cùng lại hoàn thành bài kiểm tra đúng hạn.

Nếu cần sự động viên từ bên ngoài, chia sẻ như thế nào mới đúng cách?

Thực tế, bạn vẫn hoàn toàn có thể chia sẻ về mục tiêu của mình trong trường hợp bạn cần sự động viên hay góp ý, điều quan trọng chính là biết chọn lọc đối tượng và cách thức để chia sẻ để bảo đảm bản thân không bị mất năng lượng hay giảm động lực trong quá trình thực hiện.

Chia sẻ với người “từng trải”: Đó có thể là chuyên gia trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi mà bạn cảm thấy uy tín và tôn trọng, chẳng hạn như cấp trên của bạn. Vì những người đã thành công có thể đưa ra những góp ý mang tính xây dựng, đưa ra lời động viên tích cực.

Howard Klein - giáo sư ngành Quản lý và Nhân sự tại Đại học bang Ohio (Mỹ) chia sẻ: “Bạn không muốn họ coi thường bạn vì bạn không đạt được mục tiêu của mình.”

Hình phạt “đau đớn”: Nếu trong khoảng thời gian nhất định nhưng vẫn không hoàn thành mục tiêu, bạn phải chấp nhận một hình phạt đã cam kết với một người nào đó.

alt
Hình phạt này phải đủ lớn và nghiêm trọng để thúc đẩy bạn đạt cố gắng và nỗ lực.

Chẳng hạn, nếu sau 6 tháng nhưng bạn không đậu chứng chỉ IELTS 8.0, bạn sẽ phải mời đứa bạn thân đi ăn thật hoành tráng. Cách thức này được chỉ ra đạt hiệu quả lên đến 95% so với chỉ đơn thuần là lập ra và lên kế hoạch cho dự định đó, theo Association for Talent Development.

Phải làm sao để không khiến người khác “tuột mood”

Nếu bạn đóng vai là người được ai đó kể về mục tiêu của mình, vậy nên phản ứng như thế nào để khiến họ không bị giảm động lực? Cách tốt nhất là đưa ra những phê bình mang tính xây dựng (constructive criticism) - những lời khuyên giúp đối phương cải thiện và phát triển dựa trên ý tưởng sẵn có mà không có yếu tố loại bỏ hay phủ định người khác.

Những góp ý này sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa bạn và đối phương và tạo không gian cho người khác phát triển khả năng của mình.