Trong thế giới điện ảnh, Festival de Cannes – hay Liên hoan phim Cannes, là buổi giới thiệu nghệ thuật điện ảnh quốc tế lớn nhất diễn ra hằng năm tại Pháp. Trong thế giới của những nhà làm phim chưa tiếng tăm, LHP Cannes là con đường của danh vọng và cả…hy vọng. Sau 76 lần tổ chức, LHP đã phát triển thành một hệ thống khá phức tạp gồm các sự kiện chính, phụ và giải thưởng. Đồng thời cũng không thể thiếu những sự kiện bên lề, sự hội ngộ của giới thượng lưu, tiệc tùng xa xỉ.
LHP Cannes tuy uy tín nhưng bản thân nó đã chứa đựng nhiều tính cách trái ngược. Một mặt, nghệ thuật là triết lý trên hết của Liên hoan phim Cannes. Những bộ phim đoạt Cành cọ vàng không dễ xem và thường bị cho là xa rời công chúng. Trái lại, thảm đỏ Cannes cũng có thể là nơi hổ lốn nhất với sự xuất hiện của những người thích làm lố, những siêu mẫu hở bạo, những diễn viên vô danh và cả những lùm xùm lạ đời (như từng cấm selfie, bắt buộc nữ mang giày cao gót…).
Bài viết dưới đây kể về những người đẹp khắp nơi trên thế giới đổ về Cannes. Họ đến đây làm gì, vé từ đâu ra, sau chuyến đi cuộc sống có thay đổi hay không? Và quan trọng hơn, LHP Cannes đã thay đổi thế nào để giờ đây những người không thuộc thế giới điện ảnh vẫn tìm đến nó?
Điện ảnh nhưng rất thời trang, mỹ phẩm, trang sức
Lý Nhã Kỳ, người từng đến Cannes với tư cách nhà đầu tư có phim tranh giải cho biết khách mời ở Cannes chia thành hai nhóm. Nhóm đầu là các ngôi sao hạng A được ban tổ chức mời dự hoạt động chính thức, khoảng 300-400 người. Nhóm thứ hai lên đến 4.000-5.000 khách, là khách mời từ thương hiệu hoặc mua vé. LHP Cannes thuở ban sơ là sự hội ngộ của giới điện ảnh chuyên nghiệp, nhưng giờ đây nó luôn nằm trong kế hoạch marketing của các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm và trang sức.
L'Oréal Paris và Chopard đều là nhà tài trợ chính thức của liên hoan trong nhiều năm. Điều này giải thích tại sao các người mẫu như Doutzen Kroes, Lara Stone, Barbara Palvin, Laetitia Casta và Liya Kebede đều đặn góp mặt để làm việc cho nhãn hàng họ đại diện. Thậm chí, tuy là diễn viên nhưng Chompoo Araya, “chị đại” điện ảnh Thái cũng xuất hiện với vai trò là đại sứ của L’Oréal.
Trong khi đó, Chopard chọn LHP là nơi trình diễn bộ sưu tập trang sức cao cấp. Chẳng hạn, năm nay, 16 người tham dự, bao gồm Uma Thurman và Naomi Campbell và cả những ngôi sao điện ảnh như Thang Duy, Natalie Portman đã diện trang sức Chopard trong lễ khai mạc. Phải nói thêm, những Cành cọ vàng danh giá mà người thắng giải cầm trên tay đều là những tạo tác do nhà Chopard thực hiện kể từ lần hợp tác từ năm 1998.
Một nhân vật khác đến Cannes năm nay là Rosé (BlackPink). Nữ idol, vốn là đại sứ toàn cầu của YSL đến Cannes cùng với những “bạn thân” khác của nhà mốt để tham gia sự kiện ra mắt bộ phim ngắn do YSL đầu tư. Đây là dự án đầu tiên của Saint Laurent Productions, một bộ phận mới ra mắt của công ty. Vậy Dua Lipa đến LHP Cannes để làm gì? Sự xuất hiện của nữ ca sĩ là để ra mắt BST hợp tác cùng Donatella Versace trước sự hội ngộ của giới thượng lưu.
Bộ phận làm đẹp của Dior và Chanel cũng tất bật không kém. Công chúa Monaco Charlotte Casiraghi - người phát ngôn của CHANEL diện “full” bộ trang điểm của CHANEL Makeup đến Cannes. CHANEL còn phải chăm sóc và quảng bá các sản phẩm trang sức, làm đẹp được hai đại sứ quen mặt là Lily-Rose Depp và Jennie Kim diện khi đến thảm đỏ.
Trong khi đó, Dior đầu tư mạnh cho sự xuất hiện của Natalie Portman với đầm Couture danh tiếng trong BST Thu Đông 1949. Và hiển nhiên, gương mặt nữ đại sứ được Dior beauty chăm sóc đến từng lỗ chân lông. Ngoài ra, thương hiệu còn tổ chức những buổi tiệc làm đẹp xa hoa tại Suite Dior nằm trên tầng sáu của khách sạn Majestic chỉ cách thảm đỏ vài bước chân.
Cannes - Nơi trung chuyển những giấc mơ
LHP Cannes là bến cảng của những giấc mơ. Và thứ đầu tiên được phân phối chính là giấc mơ điện ảnh.
Tầm quan trọng của Cannes vượt ra ngoài sự công nhận của giải thưởng. Một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với hầu hết những người tham dự Cannes là Marché du Film. Đây là “chợ phim” nhộn nhịp nhất thế giới. Các nhà phân phối phim thường thực hiện các giao dịch quan trọng nhất trong năm của họ tại đây. Các nhà làm phim, diễn viên, hay thậm chí là người chỉ có nhan sắc dành cả ngày để kết nối với các nhà tài trợ, nhà phân phối và nhà báo từ khắp nơi trên thế giới.
Nhưng không phải giấc mơ nào cũng đẹp. Như bao sự kiện hào nhoáng khác, LHP Cannes là nơi ít ước mơ được thực hiện nhưng nhiều lời hứa hẹn. Ngành công nghiệp điện ảnh nổi tiếng là khốc liệt, và Cannes là một mô hình thu nhỏ của tất cả những cám dỗ, thách thức đi kèm với sự hào nhoáng mà bạn thấy về thế giới này.
Giấc mơ kế tiếp có thể gây tranh cãi, đó là giấc mơ đổi đời và kiếm tiền nhanh chóng. Nhiều người sẽ đến Cannes để tham gia vào một chuỗi “phân phối nhan sắc” đến với người có nhu cầu. Theo Hollywood Reporter thuật lại trong bài viết Bí mật thu nhập 40.000 đô một đêm, để qua đêm cùng những cô nàng hạng sang, bạn sẽ phải trả trung bình 4.000 USD.
Ở Cannes, còn có một thuật ngữ là “yacht girls” để chỉ những cô gái phục vụ đại gia trên du thuyền. Đây là một thực tế trái ngược khác ở Cannes khi ngay LHP, việc các đạo diễn nữ bị lép vế vẫn là chủ đề tranh cãi. Thì ngay bên ngoài thảm đỏ, các cô gái lại “nổi trội” theo cách chẳng liên quan gì đến phim ảnh.
Sau khi đến Cannes, cuộc sống của một người đẹp cũng có thể thay đổi. Theo bài viết Góc khuất LHP Cannes trên VNE, có hẳn một đội ngũ chuyên huấn luyện các cô gái để biết cách cư xử ở buổi chiếu phim hoặc nhà hàng, hòa nhập vào cuộc sống thượng lưu ở Cannes. Một nhà sản xuất cho biết dấu hiệu nhận diện trường hợp này là các diễn viên vô danh đến Cannes vào tháng 5, sau đó bỗng xuất hiện ở Los Angeles (Mỹ) vào tháng 9. Họ đóng những vai không thoại hoặc chỉ có một câu.
LHP Cannes có còn là nơi tôn vinh điện ảnh?
Tổ chức lần đầu năm 1946, LHP Cannes gầy dựng sự uy tín và chuyên nghiệp trong lòng công chúng. Cho đến ngày nay, các đạo diễn gạo cội, những minh tinh vẫn chọn và tin Cannes là nơi xứng đáng để họ xuất hiện. Nhưng theo thời gian, Cannes không còn là sự kiện chỉ có điện ảnh mà dần có những thay đổi.
Trong một bài viết về Cannes, tờ TIME bình luận rằng nhiều người thường nghĩ LHP luôn là nơi phục vụ cho những “tay trên” của điện ảnh chứ không phải những người bình thường. Nhưng nếu những người bình thường không còn quan tâm đến các bộ phim, hoặc cả Cannes thì tầm ảnh hưởng của LHP sẽ bị thu nhỏ lại.
Chính vì vậy, chúng ta thấy LHP cần cân bằng giữa yếu tố chính chuyên và cả tính giải trí vốn có của showbiz. Nên việc nếu bạn vẫn còn nghe nhắc đến Cannes hằng năm với vài scandal, vẫn còn tò mò Phạm Băng Băng mặc gì lên thảm đỏ thì đó cũng là một phần sức hút mà Cannes tạo ra. Nếu người đẹp không đến thì sự già cỗi sẽ xâm chiếm LHP này.
Và ở Cannes, không chỉ có đèn flash và sự hào nhoáng. Nó tôn vinh điện ảnh nhưng đồng thời cũng là nơi cho thấy khoảng cách giữa những người làm nghề. Trong bài biết với tựa đề LHP Cannes có thể là một nơi khá khốn khổ, tờ VICE viết “Cannes về cơ bản là sự tự chúc mừng được bao bọc bởi những lời hoa mỹ”. Mặc dù liên hoan được cho là tồn tại để tôn vinh điện ảnh như một loại hình nghệ thuật cao cấp hấp dẫn nhất, nhưng "nó thực sự chỉ là cơ hội để những người có quyền lực loay hoay với thứ mình có. Còn những người dưới quyền thì sẽ làm bất cứ điều gì để có được phần của họ".
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, liên hoan phim Cannes giờ đây là một thương hiệu mang tính biểu tượng của Pháp, có thể so sánh với Tháp Eiffel, bảo tàng Louvre và Chanel No 5. Có thể có những liên hoan phim tốt hơn – nhưng Cannes luôn là liên hoan phim đầu tiên xuất hiện trong tâm trí.
Nhắc đến Cannes là có thể liệt kê đầy đủ mọi thứ tiêu biểu về nước Pháp: cảng biển, du thuyền, thời trang, lối sống xa xỉ, nền ẩm thực, và tất nhiên là điện ảnh và nghệ thuật. LHP Cannes quả thật vượt xa khuôn khổ của một sự kiện điện ảnh mà trở thành một “phong cách” sống. Nơi mà chỉ cần nhắc đến tên thôi là ta có thể cảm nhận điều gì diễn ra ở đây trong suốt 2 tuần lễ ồn ào, náo nhiệt.