Người hay nói xấu sau lưng thật sự muốn nói gì? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
16 Thg 09, 2020
Tâm Lý Học

Người hay nói xấu sau lưng thật sự muốn nói gì?

Hành vi nói xấu sau lưng cho biết điều gì về chính người nói?

Người hay nói xấu sau lưng thật sự muốn nói gì?

Đồi @anngshill cho Vietcetera

Chúng ta đều bắt gặp việc "bóc phốt" ít nhất một lần trong đời. Có thể là khi bạn chỉ nghe, hay tham gia, thậm chí trở thành nhân vật chính trong câu chuyện. Nhưng hiếm người nhận thức rằng việc nói xấu người khác sau lưng là một hành vi có tính gây hấn thụ động.

Cơ chế gây hấn thụ động là gì?

Gây hấn thụ động là hành vi thể hiện cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp. Theo Phân tâm học, gây hấn thụ động chính là một trong các cơ chế phòng vệ của tâm trí con người.

Thay vì bộc lộ rõ ràng sự tức giận, bất mãn thì chúng ta lại kìm hãm cảm xúc đó lại. Cơn giận bị kiềm chế vẫn gây khó chịu trong lòng và tìm cách thoát ra ngoài. Thế là chúng ta bộc lộ nó dưới hình thức gây hấn thụ động.

Đó có thể là những hành vi chống đối ngầm, tránh né trách nhiệm, những lời mỉa mai, châm biếm và cả việc nói xấu sau lưng,... để tránh công khai những cảm xúc thật trong lòng.

Đôi khi nói xấu sau lưng là vì người nói muốn tránh công khai cảm xúc thật
Đôi khi nói xấu sau lưng là vì người nói muốn tránh công khai cảm xúc thật.

Vì sao không nói trước mặt?

Có nhiều nguyên nhân để chúng ta chọn nói xấu theo kiểu gây hấn thụ động:

1. Do quá trình lớn lên

Từ nhỏ, có thể bạn đã phải học cách kiềm chế lại vài nhu cầu của mình, trong đó có cơn nóng giận. Vì một đứa trẻ “không ngoan” có thể bị mất đi tình yêu thương hoặc là bị phạt nặng. Khi cơn giận chất chứa quá nhiều, nó sẽ thoát ra bằng cách gây hấn thụ động.

Những đứa trẻ bị thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu, khi trưởng thành có khả năng cao sẽ quen sử dụng với cơ chế này khi xảy ra chuyện bất mãn.

2. Do bảo vệ một mối quan hệ

Lời thật thì luôn mất lòng. Mà đôi khi, nếu không biết nói lời thật sao cho êm dịu và không làm tổn thương một ai đó thì chúng ta chọn cách lặng im và “tâm sự” chuyện đó với người khác.

Nói thẳng điều chúng ta đang cảm nhận không phải lúc nào cũng an toàn, nhất là khi suy nghĩ đó trái ngược với quan điểm của số đông trong cộng đồng, hay khi người được nhận xét chính là sếp lớn của bạn chẳng hạn.

3. Do chuẩn mực xã hội

Đôi khi, các chuẩn mực xã hội không cho phép chúng ta bộc lộ những cảm xúc thật của mình. Nhìn một đồng nghiệp thuận lợi thăng tiến hơn có thể làm chúng ta cảm thấy buồn bã, ghen tỵ hay tức giận. Bởi vì chúng ta cảm thấy bản thân bị giảm giá trị và năng lực, cảm thấy bất công.

Nhưng nói thẳng điều đó ra, hay thậm chí chỉ cảm nhận nó xuất hiện trong lòng thôi, đôi khi cũng chẳng hay ho gì. Vì thế mà kể lể về điểm xấu của người kia, đôi lúc nói nhiều hơn sự thật, lại là một cách dễ chấp nhận hơn.

Đôi khi nói xấu sau lưng là để giải toả cảm xúc nhưng vẫn bảo vệ bản thân và mối quan hệ dù không phải lúc nào cách này cũng hiệu quả
Đôi khi, nói xấu sau lưng là để giải toả cảm xúc nhưng vẫn bảo vệ bản thân và mối quan hệ, dù không phải lúc nào cách này cũng hiệu quả.

Những lời nói xấu sau lưng dễ làm cho người ta khó chịu, bởi vì chính bản thân người nói ra những lời ấy cũng không hề thoải mái. Trong nhiều trường hợp, ẩn đằng sau ngôn từ không hay ho vừa là cảm xúc tức giận, bức bối bên trong đang cần giải toả, vừa là hành vi bảo vệ bản thân, bảo vệ cho mối quan hệ khỏi bị rạn nứt, dù không phải lúc nào cách ấy cũng hiệu quả.

Biện pháp cho lần tới, khi...

Bạn nhận ra, hoặc được góp ý về việc bàn tán sau lưng người khác:

Hãy để ý đến cảm xúc thật của mình, đặc biệt là những cảm xúc thường bị xem là tiêu cực như căng thẳng hay giận dữ. Chúng là tín hiệu từ cơ thể, rằng có điều gì đó đang đe doạ hoặc gây tổn thương cho bạn.

Hành vi gây hấn thụ động thường bắt nguồn từ việc bạn chưa hiểu rõ về nguyên do của cảm xúc, hoặc chính cảm xúc đó. Tập chú ý đến cách bạn hành xử khác nhau với từng người và trường hợp cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thay đổi.

Nếu có thể, hãy dành thời gian và không gian an toàn để những cảm xúc ấy được bộc lộ. Càng cố tỏ ra mạnh mẽ, bạn sẽ càng trở nên yếu đuối, vì dù có trốn tránh thế nào thì vấn đề vẫn luôn nằm đó và chực chờ 'phát nổ.' Mâu thuẫn hay xung đột là điều khó tránh trong cuộc sống, nhưng thể hiện cảm xúc hiệu quả sẽ mang lại cho bạn kết quả tốt hơn.

Bạn là đối tượng của những lời bàn tán sau lưng, dù đúng hay sai:

Đương nhiên là bạn cũng sẽ phản ứng theo cách này hay cách khác. Có thể là tức giận, buồn bã, ngó lơ hay thông cảm. Nhưng chính hành động của bạn mới thể hiện bạn là ai, chứ không phải những lời bóng gió.

Hãy suy nghĩ xem vì sao người đó lại không nói thẳng. Nếu có thể giải quyết, thử tìm cách trình bày trực tiếp và thấu cảm vấn đề với họ. Sự thấu hiểu không chỉ giúp bạn dễ tha thứ cho hành động không hay, nó còn giúp tính gây hấn kìm nén bên trong họ được an ủi và xoa dịu.

Trong những trường hợp khó mà đối mặt và xử lý vấn đề với những người gây hấn thụ động, bạn có thể chọn cách hạn chế những giao thiệp không cần thiết để tránh những chuyện không hay xảy ra.

Người hay nói xấu sau lưng thật sự muốn nói gì2

Gây hấn thụ động chỉ là một trong nhiều lý do để con người buông ra những lời lẽ không hay sau lưng nhau, vì tâm lý con người vốn dĩ đa dạng vô cùng. Với bài viết nhỏ này, hy vọng bạn sẽ có thêm một góc nhìn khác về hành vi vẫn thường bị lên án gay gắt này, lẫn những phương pháp khác nhau để giải quyết vấn đề.