Người hùng của tôi dám khóc | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
12 Thg 01, 2022
ThươngNhật Ký

Người hùng của tôi dám khóc

Và tôi nhận ra người gánh vác sức nặng của gia đình cũng có quyền được khóc.
Người hùng của tôi dám khóc

Nguồn: Người Kể Chuyện

Năm 10 tuổi, tôi chứng kiến cảnh ông nội say rượu, ngã từ cầu thang xuống đất. Đầu ông đập vào vách tường. Mọi thành viên trong gia đình tôi đều bình tĩnh, vì ông ngã như vậy đã nhiều lần. Bà tôi từ tốn kéo ông vào chiếc thảm, cô tôi tìm chiếc đèn pin y tế để kiểm tra phản ứng của đồng tử. Khi con ngươi ông tôi không động đậy, xe cấp cứu mới được gọi tới.

Trong những ngày đầu ông nằm viện, tôi nghe được nhiều lời lạc quan từ bác sĩ, có khả năng ông qua khỏi, dù sẽ cần phẫu thuật cộng thêm phương thức can thiệp sâu. Nhưng tôi cũng nghe bà bảo, có lẽ cả nhà sẽ không bao giờ được nghe tiếng nói của ông thêm lần nào nữa. Với cú ngã như vậy, việc ông tỉnh dậy đã là một phước lành.

Ba hôm kể từ ngày ông tôi nằm viện, tôi quanh quẩn ở gốc bàng đối diện phòng cấp cứu trong khuôn viên bệnh viện. Tôi băn khoăn, hình như mình còn quá nhỏ để can dự vào chuyện gia đình.

Như một người ngoài cuộc, tôi không chắc mình phải chờ đợi chuyện gì. Thế rồi bố chậm rãi tiến lại, ôm tôi khóc và nói mình phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Bố tôi dặn khi biết chuyện, tôi phải bình tĩnh để không ảnh hưởng tới tâm lý các em.

Giọt nước mắt của bố làm tôi cảm nhận được trách nhiệm cho một việc gì đó xảy ra trong gia đình. Và tôi nhận ra người gánh vác sức nặng của gia đình cũng có quyền được khóc.

Tôi không làm được như lời bố dặn. Sau khi nằm viện tròn 7 ngày, ông tôi ra đi. Tôi không có mặt ở khoảnh khắc đó vì phải đi học. Tôi chỉ nhớ khi về nhà, tôi đã khóc đến nỗi ngất lịm đi. Tôi khóc thêm nhiều lần nữa những dịp giỗ ông. Ngay cả khi cái chết thành hình trong ý thức của người sống, vượt qua được nó là điều chẳng dễ dàng.

Sau khi đã lớn, tôi được nghe bố kể về cảm giác phải từ biệt người đã sinh ra mình. Điều bố tôi cảm thấy hối tiếc nhất là khi ông còn sống, bố chưa từng có cơ hội được thân với ông theo cách tôi thân với bố. Bố và ông tôi không bao giờ không cãi nhau. Bố không lớn lên với người có thể tâm sự với mình về khủng long, về cá mập và những trách nhiệm cuộc sống.

Tôi đã thấy cái kết của đời người và dường như nó là thứ không thể bị ngăn chặn. Bố cho tôi thấy rằng xung quanh chúng tôi vẫn là mê cung, và bất kể cái kết ra sao thì cái ta phải đối mặt là sự chằng néo ngổn ngang này.

Tôi hỏi bố thế nào là thành công, và liệu sau khi đã ra đi, ông nội tôi đã sống một đời thành công hay chưa. Bố nói bố không tin vào sự thành công. Sự thành công duy nhất nằm ở việc bố mẹ cùng hạnh phúc và nuôi những đứa trẻ lớn lên, bất kể điều đó khó khăn thế nào.

Sự thành công nằm ở cam kết đi cùng với nhau chứ không bỏ rơi nhau. Việc của ta là trung thực thừa nhận rằng cuộc sống này không hề dễ dàng, thừa nhận bằng cả trí lực và cảm giác của mình.

Có lẽ khi đó người ta mới khóc được.

Bố tôi là hình mẫu anh hùng duy nhất mà tôi có, trong quá khứ, trong ngày hôm nay, và mãi mãi.

Nhật Ký là series kể lại những trải nghiệm khó quên. Bạn cũng có câu chuyện khó quên? Hãy kể cho chúng tôi tại tanchay@vietcetera.com.