Nhà thiết kế Hồ Tấn Dương: Hiểu mình trước khi tận dụng trào lưu quốc tế | Vietcetera
Billboard banner

Nhà thiết kế Hồ Tấn Dương: Hiểu mình trước khi tận dụng trào lưu quốc tế

Với nhà thiết kế Hồ Tấn Dương, thành tựu đáng tự hào nhất không phải là một dự án hay một sản phẩm nội thất nào đó, mà là cộng đồng các nhà thiết kế mà anh đã gây dựng.
Nhà thiết kế Hồ Tấn Dương: Hiểu mình trước khi tận dụng trào lưu quốc tế

Nguồn: Ảnh do nhân vật cung cấp

Vasta Stone x Vietcetera

Nhà thiết kế Hồ Tấn Dương là một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế nội thất tại Việt Nam với gần 20 năm giảng dạy và hoạt động. Trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TP.HCM (VDAS), anh có tầm nhìn bao quát về thị trường và một chiến lược rõ ràng cho cộng đồng các nhà thiết kế tại Việt Nam. Đối với anh, đó chính là mục tiêu quan trọng nhất để nâng tầm ngành thiết kế của nước nhà.

Với kinh nghiệm từ nhiều dự án, anh Dương sẽ nhận định thế nào về môi trường thiết kế trong nước và những cơ hội cho các nhà thiết kế trẻ? Và làm sao để giữ được bản sắc trong thiết kế khi các xu hướng quốc tế ngày càng hiện diện rõ rệt hơn ở Việt Nam?

Triết lý thiết kế yêu thích của anh là gì?

Tối giản là phong cách yêu thích của tôi. Less is more - loại bỏ hết những điều không cần thiết để tập trung vào các yếu tố quan trọng nhất của sản phẩm, khiến nó đơn giản, dễ sử dụng và hiệu quả. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tối giản hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và chi phí sản xuất, tăng cường tính bền vững cho sản phẩm.

Đối với anh, thế nào là một thiết kế hài hòa?

Dù bạn thiết kế theo phong cách nào đi nữa, vẫn luôn có những quy tắc bất di bất dịch để tạo nên sự hài hòa, trong đó, bố cục tổng thể luôn quan trọng nhất. Mọi thứ cần phải được sắp xếp cân đối và phối hợp hài hòa các yếu tố.

Sau đó là sự phối hợp giữa các màu sắc. Màu sắc có thể tương phản hoặc hỗ trợ nhau, nhưng sẽ tạo ra hiệu ứng thị giác hấp dẫn nếu được kết hợp một cách hợp lý.

27apr2023duongvdaspage0004jpg
Phối màu tốt mang lại những hiệu ứng thị giác hấp dẫn. | Nguồn: Chickita Restaurant/Gema Architecture & Interior Design

Độ tương phản giữa các yếu tố trong thiết kế cũng rất quan trọng. Màu sắc, về đường nét, về hình khối, hay là những giao diện giúp tạo sự cân đối và thu hút sự chú ý của người dùng.

Cuối cùng là phông chữ, một điều rất quan trọng nhưng lại thường bị bỏ qua. Mỗi font chữ đều có cá tính riêng và dùng trong những hoàn cảnh cụ thể: chữ có chân hay không chân, chữ theo phong cách chuyên nghiệp hay dùng trong các ấn phẩm hoạt hình. Phông chữ cũng là một phần quan trọng để nhận diện thương hiệu, từ các hãng xe hơi, thời trang, hay các đồ dùng thường ngày.

Cảm hứng thiết kế của anh thường bắt đầu từ đâu?

Đối với tôi, cho đến bây giờ, Steve Jobs và các thiết kế của Apple vẫn là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thiết kế.

Apple tận dụng tối đa chủ nghĩa tối giản nhưng vẫn tạo ra trải nghiệm tuyệt đối ấn tượng với người dùng. Điều này đã nâng cao tiêu chuẩn của ngành công nghiệp thiết kế lên một tầm cao mà chưa ai có thể vượt qua.

Thiết kế của Apple kết hợp giữa phong cách và chức năng, đồng thời sử dụng kim loại cao cấp để tạo ra một mặt hàng bền bỉ, tiện dụng tối đa, có tính thẩm mỹ hoàn hảo mà vẫn đầy đủ các công dụng.

Gần đây có những xu hướng thiết kế nào đáng chú ý?

Nếu để gọi tên 5 xu hướng thiết kế đang phát triển gần đây, tôi sẽ bắt đầu bằng “Tối giản” với đặc trưng là các thiết kế đơn giản, tinh tế từ cách sử dụng màu sắc và chất liệu. Từ các quán cafe, thiết kế bao bì, tới các không gian nội thất, chúng ta đều bắt gặp phong cách tối giản.

Thiết kế hệ sinh thái (green design) là một trào lưu khác trong lĩnh vực nội thất và kiến trúc, tập trung sử dụng các nguyên liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng, và giảm thiểu lượng rác thải. Đây không chỉ là trào lưu nhất thời, mà còn là một giải pháp của tương lai, để con người nhìn nhận những giá trị về sức khỏe và môi trường qua không gian xanh trong môi trường sống.

24apr2023duongvdaspage0001jpg
Thiết kế xanh mang thiên nhiên tới gần con người. | Nguồn: MIA Design Studio

Các thiết kế có tính tương tác cũng bắt đầu được quan tâm nhiều hơn, chú trọng tới sự tương tác của người dùng với sản phẩm, đòi hỏi sự tinh tế trong việc thiết kế giao diện tích hợp các tính năng tương tác để đem lại trải nghiệm tốt nhất.

Bên cạnh đó còn có thiết kế đa năng, nhắm đến tính đa chức năng trong công dụng của sản phẩm, đặc biệt là ở lĩnh vực thiết kế sản phẩm và nội thất. Với phong cách này, ta có thể sử dụng sản phẩm một cách linh hoạt, tiết kiệm không gian theo những cách rất thông minh.

Cuối cùng là một xu hướng mới: thiết kế 3D. Người thiết kế có thể tạo ra những trải nghiệm qua các mô hình 3D chân thực, giúp khách hàng nhìn thấy và cảm nhận sản phẩm trong không gian 3D trước khi thực sự sở hữu nó, với sự trợ giúp của các công cụ VR (virtual reality) và AR (augmented reality).

Các nhà thiết kế Việt đang chuộng xu hướng nào hơn?

Từ quan sát của tôi, cả 5 xu hướng này đều đã ứng dụng tại Việt Nam rồi. Tuy nhiên, tối giản và green design là hai phong cách đang nổi trội hơn cả.

27apr2023duongvdaspage0002jpg
Thiết kế tối giản và châm ngôn less is more. | Nguồn: LeFreddo Studio

Trong khi thiết kế tối giản có thể dùng trong tất cả những sản phẩm thiết kế, thì thiết kế xanh đang xuất hiện nhiều hơn tại các không gian nội thất và kiến trúc.

Thiết kế tương tác mới nhen nhóm và chưa thực sự mạnh, bởi xu hướng này yêu cầu ứng dụng công nghệ - điều mà Việt Nam còn có nhiều hạn chế. Nhưng trong tương lai chắc chắn chúng ta sẽ bắt buộc phải phát triển thiết kế tương tác.

Làm sao để giữ dấu ấn Việt Nam khi tận dụng những trào lưu quốc tế?

Muốn tận dụng những trào lưu quốc tế, trước hết ta phải biết chúng là những trào lưu gì. Nhà thiết kế phải tìm hiểu những xu hướng đó, rồi chọn lọc các yếu tố phù hợp với văn hóa địa phương.

Một điều cần thiết khác chính là nhà thiết kế phải có sự nghiên cứu văn hóa, lịch sử của các quốc gia có bề dày nghệ thuật. Hiểu về thiết kế, cũng như cách họ kết hợp quốc nội và quốc tế. Việc này giúp chúng ta hiểu hơn về bản sắc dân tộc, về những hình ảnh, đường nét, họa tiết mang tính biểu tượng của từng quốc gia.

Việc tạo ra những thiết kế độc đáo, mang tính cách mạng và mới mẻ dù khó, nhưng tôi thấy với những nhà thiết kế chuyên nghiệp thì không phải là bất khả thi. Những sản phẩm như vậy vừa tạo ra những thương hiệu mạnh mẽ, vừa thể hiện bản sắc riêng của nhà thiết kế.

Những nhà thiết kế Việt trẻ hiện nay có những thuận lợi và khó khăn gì?

Điều thuận lợi đầu tiên chính là các bạn ấy trẻ, có năng lượng và sức sáng tạo. Họ rất nhạy bén trong việc áp dụng công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm mới. Một điểm thuận lợi nữa là sự kết nối với mạng xã hội, kết nối với cộng đồng thiết kế trên toàn thế giới, học hỏi và chia sẻ ý tưởng với nhau. Đó là 3 yếu tố tiên phong của thế hệ trẻ.

Nhưng những người trẻ cũng có những khó khăn riêng, như thiếu kinh nghiệm quản lý thời gian, quản lý tài chính, quản lý dự án, đặc biệt trong các dự án lớn khi đối tác đòi hỏi sự uy tín. Thiếu vốn cũng là một vấn đề lớn, bởi một số nhà thiết kế trẻ mới khởi nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn để thực hiện ý tưởng của mình.

Thêm nữa, thị trường thiết kế trong nước cũng như quốc tế đều có sự cạnh tranh khốc liệt. Càng nhiều nhà thiết kế thì sự cạnh tranh lại càng cao. Các bạn không những cạnh tranh với nhau, mà cũng phải cạnh tranh với những đàn anh, đàn chị trong ngành, những thế hệ đi trước đã xây dựng uy tín của mình. Điều này đòi hỏi họ phải thường xuyên có ý tưởng mới và sáng tạo khác biệt để phát triển và tồn tại.

Điều quan trọng nhất khi kết nối các nhà thiết kế với nhau là gì?

Mặc dù yêu thích tối giản, nhưng khi xây dựng cộng đồng cho những nhà thiết kế, tôi sẽ làm ngược lại. Lúc đó, không thể “Less is more” được nữa, mà phải là “The more the merrier - Càng đông càng vui”.

Để phát triển cộng đồng, chúng tôi xây dựng mạng lưới kết nối các nhà thiết kế trong và ngoài nước, thu hút nhiều nhà thiết kế hay công ty thiết kế uy tín từ quốc tế đến sinh sống làm việc tại Việt Nam. Đó là điều khiến tôi rất tự hào.

27apr2023jmc06412jpg
Các sự kiện trao đổi và kết nối những nhà thiết kế trong và ngoài nước. | Nguồn: Ảnh do nhân vật cung cấp

Chúng tôi tạo ra một nơi các nhà thiết kế trong và ngoài nước có thể gặp gỡ và trao đổi ý tưởng, kết nối với nhau. Quan trọng nữa là tạo sân chơi để họ bước ra thế giới. Tôi muốn mang hết các nhà thiết kế tài năng trong nước tới các chương trình hay giải thưởng quốc tế, từ đó vinh danh họ trên thị trường toàn cầu.

Nếu một người trẻ muốn học thiết kế, họ nên bắt đầu từ đâu?

Thiết kế có mặt ở khắp nơi, mọi thứ xung quanh chúng ta đều được thiết kế theo một cách nào đó, chỉ cần bạn chịu khó quan sát. Biển quảng cáo, tạp chí, các ngôi nhà, hàng quán… tất cả đều là thiết kế.

Các bạn có thể bắt đầu một cách đơn giản và thuận tiện nhất, là các trang web, mạng xã hội chia sẻ thiết kế như Behance hay Pinterest. Từ những cây đại thụ lẫn những nhà thiết kế trẻ đều có mặt để trình bày sản phẩm của mình. Đây là nguồn tài nguyên lý tưởng để tìm hiểu và cập nhật các xu hướng thiết kế mới, tùy theo ngành nghề của mỗi người.

Sách vở cũng là một nguồn kiến thức quan trọng, đặc biệt là các tài liệu thiết kế được viết bởi các chuyên gia hàng đầu. Nhưng đừng tiếp thu một chiều, mà hãy tiếp thu để thực hành thiết kế. Hãy tự tay bắt đầu một sản phẩm của riêng mình, dù là nhỏ. Khi đã vượt qua được bước khó nhất, bạn sẽ có thêm động lực để đi những bước tiếp theo xa hơn.

Vasta Stone là thương hiệu đá nung kết cao cấp đầu tiên tại thị trường, tự hào được sản xuất tại Việt Nam bằng công nghệ hiện đại nhất của Ý cùng đa dạng các thiết kế Ý tinh tế. Với những ưu điểm về kích thước, độ cứng và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, các sản phẩm làm từ đá nung kết là lựa chọn hoàn hảo cho mọi mục đích sử dụng, là giải pháp kiến trúc cho mọi không gian