Nhà vô địch Bartender thế giới Adrián Michalčík: “Hãy luôn tò mò để học như một đứa trẻ” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Nhà vô địch Bartender thế giới Adrián Michalčík: “Hãy luôn tò mò để học như một đứa trẻ”

Đó chính là khởi đầu để ta tự tin chinh phục mọi thứ.
Nhà vô địch Bartender thế giới Adrián Michalčík: “Hãy luôn tò mò để học như một đứa trẻ”

Adrián Michalčík tại sự kiện lưu diễn vừa qua của anh với The Singleton ở TP.HCM | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera.

The Singleton x Vietcetera

Như Oscar trong điện ảnh, Diageo World Class Global là cuộc thi danh giá hàng đầu của ngành Bar được Diageo tổ chức thường niên nhằm chọn ra gương mặt bartender xuất sắc nhất thế giới từ đại diện ở 50 quốc gia.

Mỗi năm, người thắng cuộc ở từng quốc gia sẽ nhận được tấm vé đi tiếp vào vòng chung kết Thế Giới. Và Quán quân chung cuộc World Class thế giới năm 2022 đã gọi tên Adrián Michalčík - Bar Manager người Na Uy đến từ bar Pier 42, Oslo, với niềm đam mê bất diệt về nghệ thuật sáng tạo cocktail.

Với thâm niên 15 năm trong ngành, ở Adrián có những góc nhìn sắc bén giúp người trẻ giải đáp những trăn trở khó nói, bất kể họ là những bartender “tay mơ” hay những thực khách ít kiến thức về rượu.

Trong chuyến lưu diễn của Adrián cùng The Singleton Việt Nam, anh đã dành cuộc trò chuyện chia sẻ về “tình yêu sét đánh” với nghề pha chế, về hành trình trở thành Bartender top 1 thế giới.

Anh đến với nghề Bartender như thế nào?

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng xuất phát điểm tôi lại là… vận động viên khúc côn cầu. Đến khi cần nghề nghiệp ổn định, tôi mới quyết định học chuyên ngành Gastronomy trong Hospitality (ngành Ẩm thực trong Nhà Hàng Khách sạn) - một trong những nghề trọng điểm ở đất nước Na Uy lúc bấy giờ.

alt
Quán Pier 42 ở Oslo nơi Adrián đang làm việc cũng thuộc Top 1 những quán bar tốt nhất Na Uy năm 2021 & 2022 | Nguồn: Diageo Việt Nam.

Văn hóa nightlife vốn luôn sôi nổi ở Na Uy. Mọi người thường đến bar để gặp gỡ sau giờ làm, cùng trải lòng giữa không gian trầm mặc với hương vị cocktail yêu thích. Dường như cả một thế giới nội tâm đa dạng, đa sắc đều tồn tại trước mắt người bartender phục vụ thực khách của họ.

Giây phút đó tôi biết mình đã thực sự “phải lòng” nghề bar.

Anh làm gì để lấy lại cảm hứng đi làm khi có những ngày mệt mỏi?

Không thể phủ nhận sẽ có ngày bartender đi làm với tâm trạng trống rỗng hay cạn kiệt năng lượng. Nhưng bước qua ngưỡng cửa quán bar là lúc tôi tự “dọn dẹp” sạch sẽ suy nghĩ tiêu cực, để dành chỗ tập trung chỉ làm tốt công việc của mình.

Tôi nghĩ đó là sự chuyên nghiệp trong ngành Dịch vụ, khi bartender biết phân định rạch ròi giữa cuộc sống cá nhân và công việc.

alt
Tại sự kiện lưu diễn, Adrián bắt tay với Ervin Trykowski - Đại Sứ Toàn Cầu của The Singleton để tự tay sáng tạo ra những món cocktails đỉnh cao từ whisky The Singleton | Nguồn: Diageo Việt Nam.

Ngay cuộc thi World Class cũng dạy tôi cách kiểm soát năng lượng của mình. Mệt mỏi hay nản chí, tôi đã trải qua hết, và tôi luôn tâm niệm phải nhắc nhở bản thân “lý do mình bắt đầu”, hay “mục tiêu của mình là gì?” rồi tiếp tục hướng về đích đến.

Ly cocktail sáng tạo đến “điên rồ” nhất anh từng làm?

Đó là khoảng năm 2017, tôi pha một ly cocktail công thức mới. Thoạt nhìn bạn sẽ tưởng đây là một ly nước lọc vì màu nước hoàn toàn trong suốt, nhưng khi nếm, bạn lại cảm nhận vị cà phê cùng rượu martini rất mạnh.

Đó chính là trải nghiệm bất ngờ tôi tạo cho thực khách, vì ai cũng nghĩ “vị cà phê” sẽ đi liền với những màu sắc đậm đà, nâu thẫm hay đục ngầu. Không, ly cocktail của tôi hoàn toàn trong suốt, và bạn sẽ không bao giờ đoán được mùi vị của nó trước khi nhấp môi.

alt
Bạn có vô thức đoán ngay mùi vị cocktail nếu chỉ nhìn sơ qua màu sắc chúng? Ví dụ như màu cam sẽ có vị chua? | Nguồn: Nguồn: Diageo Việt Nam.

Tôi yêu công việc sáng tạo này của mình. Làm bartender thú vị ở chỗ, bạn chỉ cần ngần ấy các loại rượu base, nguyên liệu thảo mộc và công nghệ máy móc để tạo ra những trải nghiệm cảm xúc kỳ lạ, vô giá đến khó quên cho khách hàng.

Anh đã dùng Whisky Single Malt để pha chế trong chuyến lưu diễn, với anh dòng rượu này có gì đặc biệt?

Whisky Scotch mạch nha đơn được làm hoàn toàn từ lúa mạch nha và nước, và được chưng cất tại một nhà chưng cất duy nhất. Kết quả của quá trình này cho ra một hương vị độc đáo và khác biệt hơn so với các loại mạch nha được phối trộn, tạo ra bằng cách kết hợp các loại rượu whisky từ các nhà máy chưng cất khác nhau.

Và tôi có mặt ở đây cùng với The Singleton, Single Malt Scotch số 1 Châu Á, được tạo nên từ niềm đam mê của các bậc thầy cho ra chất vị êm dịu nhưng đậm đà, thơm ngon ngay từ ngụm đầu tiên.

alt
Các khách VIP trong giới F&B tại TP.HCM tham dự sự kiện của The Singleton vừa qua | Nguồn: Diageo Việt Nam.

Đó như một lời mời bước vào thế giới của Single Malt Whisky khám phá thêm nhiều hương vị và niềm vui trong cuộc sống cho mọi người. The Singleton đã truyền cảm hứng cho tôi trên cả sự sáng tạo của một ly cocktail như thế.

Anh có nghĩ bartender là một nghề hướng ngoại? Nếu có, thì bartender hướng nội phải làm gì để “sống sót”?

Tôi nghĩ vấn đề giao tiếp là “chuyện không của riêng ai”. Chỉ cần bạn làm ngành Dịch vụ, dù bạn “hướng” gì đi chăng nữa thì vẫn sẽ có những tình huống giao tiếp khiến bạn… hoảng sợ.

Khi mới chân ướt chân ráo vào nghề, tôi cũng chỉ thu mình một góc đứng pha chế. Nhưng giao tiếp vốn là một phần không thể tách rời trong cuộc sống bartender. Nếu muốn phát triển và tiến xa hơn trong ngành, bạn chỉ có cách mở lòng và đón đầu nó.

Thử bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu một cuộc trò chuyện “ra ngô ra khoai” xem? Tôi tin là chỉ cần bạn chịu nói, sẽ có người chịu nghe, chịu nhớ và hiểu thấu bạn.

alt
"Chúng ta đều có thể trở thành những người nói giỏi, miễn rằng chúng ta chịu bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu tập nói giỏi" - Adrián chia sẻ | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera.

Nếu không muốn nhiều lời, bartender vẫn có thể giao lưu với khách bằng một nụ cười. Tôi tin rằng, nụ cười là ngôn ngữ giao tiếp chung của nhân loại. Chỉ cần mỉm cười nhẹ nhàng khi pha chế thôi, bạn sẽ đỡ bớt những áp lực phải duy trì một cuộc hội thoại “ra hồn”, lại còn lan tỏa năng lượng tích cực đến người xung quanh.

Tâm sự với khách có phải là điều bắt buộc không?

Không hẳn. Theo tôi quan sát, một số khách vào bar chỉ muốn ngồi một mình, uống một mình, làm mọi thứ một mình.

Trong lúc họ trầm ngâm suy tư thì bartender cũng bận rộn pha chế, phối hợp cùng team sau quầy để đảm bảo tối ưu phục vụ, không để khách chờ lâu. Cá nhân tôi thấy mình luôn tất bật ở bar, không có quá nhiều thời gian để tâm sự với khách. Vì thế những chủ đề “nặng đô” như quan điểm, chính trị, đời tư,... lại càng khó nói.

Nhìn chung bartender chỉ cần trò chuyện nhẹ nhàng, đủ giữ cho đôi bên đều thoải mái là được.

Thử thách khó khăn nhất cho anh khi thi đấu ở Diageo World Class Global?

Câu hỏi này có khi còn khó hơn cả cuộc thi nữa đấy (cười).

Tôi vốn thích chinh phục. Ngay trong cuộc sống, tôi vẫn xem thử thách là thước đo thú vị chứng minh cho những nỗ lực của bản thân.

“Được thử thách” cũng là một trong những động lực để tôi tham gia World Class. Trải qua từng đề bài của vòng thi, chúng tôi lại được rèn cả về kiến thức lẫn kỹ năng pha chế để nâng cấp tay nghề. Có thể tôi không xem những “đề bài” khi thi là khó khăn, ngược lại đề càng khó tôi càng háo hức được chinh phục chúng.

alt
Vốn thuộc tuýp người thích chinh phục, Adrián chủ trương thi đấu World Class để thử thách chính tay nghề pha chế của bản thân | Nguồn: Nguồn: Diageo Việt Nam.

Thi đấu ở World Class cho chúng tôi cơ hội được sáng tạo, nhưng là sáng tạo trong một số khuôn khổ. Khi đề yêu cầu pha chế một ly "classic cocktail" kiểu mới, ngoài tính sáng tạo thì tôi phải giữ được tính đặc trưng của "classic cocktail" - dễ pha chế, thậm chí có thể pha chế ngay tại nhà mà không cần bất kỳ thiết bị cầu kỳ nào.

Với dạng đề này tôi sẽ tập trung vào kết cấu (texture) của cocktail cũng như sự biến hoá các tầng hương vị.

Thứ duy nhất tôi không thể chinh phục là thời gian. Giai đoạn thi đấu, có hôm tôi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày và cảm nhận thể lực mình cũng hao tổn ít nhiều vì thiếu ngủ. Ngoài công việc quản lý bar full-time, và cuộc sống cá nhân với gia đình bạn bè, tôi biết mình phải dành thêm một quỹ thời gian nhất định cho World Class.

Thỉnh thoảng tôi phải lựa chọn giữa gặp gỡ bạn bè, hay ở nhà để chuẩn bị cho cuộc thi. Nhưng đến cuối cùng, những áp lực thời gian tôi trải qua đều hoàn toàn xứng đáng.

Quan sát từ chuyến lưu diễn châu Á, anh thấy khác biệt lớn nhất giữa bar châu Âu và bar châu Á là gì?

Tôi đã cùng The Singleton đi qua Seoul (Hàn Quốc) và Manila (Philippines) trước khi đến Việt Nam. Chưa nói đến cấp châu lục, nội văn hóa đi bar giữa các nước đã rất khác nhau.

Để chỉ ra một điểm khác biệt lớn giữa bar châu Âu và châu Á, thì đó sẽ là khẩu vị cocktail. Từ quan sát và trải nghiệm cá nhân của tôi, người châu Âu chuộng cocktail vị chua và mạnh hơn trong khi châu Á sẽ thiên về cocktail vị ngọt. Tôi không nói tất cả thực khách, nhưng phần lớn ở quê nhà tôi mọi người sẽ chọn cocktail vị chua.

alt
Adrián đã có session chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm tham gia đấu trường bartender thế giới cho các bartender trẻ muốn thi đấu World Class ở Việt Nam | Nguồn: Nguồn: Diageo Việt Nam.

Vậy văn hóa đi bar của khách châu Á và châu Âu sẽ khác nhau chứ?

Tôi nghĩ khác biệt lớn nhất sẽ nằm ở “vibe” (không khí) ở quán bar. Bar châu Á cho tôi cảm giác sôi động, trẻ trung và tiệc tùng. Khoảng 7-8 giờ tối DJ đã bắt đầu chơi nhạc. Mọi người rất thoải mái, cởi mở và cùng nhau nhún nhảy tận hưởng như người một nhà.

Ở châu Âu, mọi thứ trầm lắng và tách biệt hơn. Khách sẽ ngồi riêng lẻ theo từng nhóm, trầm tư chậm rãi thưởng rượu dưới nền nhạc nhẹ. Ở chỗ chúng tôi, muốn “xập xình" như bar châu Á ta phải đến club khoảng nửa đêm chờ quẩy nhạc mạnh.

Đây thực ra cũng chỉ là quan sát nhỏ của tôi, và chắc chắn vẫn sẽ có ngoại lệ dù bạn sống ở đâu trên thế giới.

Nếu chỉ có một thông điệp để nói với người trẻ, anh sẽ nói gì?

Hãy luôn tò mò để học như một đứa trẻ. Vì học cho bạn kiến thức, mà kiến thức sẽ giúp bạn tự tin làm những điều không tưởng.

Học, nhưng đừng chỉ học những gì có sẵn ở hiện tại. Hãy học cả những gì được đúc kết từ quá khứ, những bài học có giá trị vĩnh cửu với thời gian. Vì ngành công nghiệp rượu đã tồn tại từ rất lâu đời, những gì áp dụng được từ thời xưa vẫn hữu dụng mãi đến bây giờ và mai sau.

Việc học cũng nhắc chúng ta về lý tưởng công việc, về kim chỉ nam của ngành dịch vụ. Học để phục vụ thực khách tốt hơn, để luôn mỉm cười cho khách sự thoải mái. Đó luôn là tôn chỉ tôi dặn lòng trong công việc, và cả khi tham gia “đấu trường” thế giới World Class.

#DrinkResponsibly18+