Nhìn lại vụ khủng bố 9/11 qua 9 từ tiếng Anh | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Nhìn lại vụ khủng bố 9/11 qua 9 từ tiếng Anh

9/11 không chỉ là một sự kiện đơn lẻ, mà đã mở ra 2 thập kỷ đầy biến thiên của thế giới. Cùng Vietcetera nhìn lại những thay đổi này qua 9 từ sau.
Nhìn lại vụ khủng bố 9/11 qua 9 từ tiếng Anh

Nguồn: Getty Images

Sáng ngày 11/9/2001, toàn nước Mỹ bàng hoàng hướng về New York, khi 2 chiếc máy bay dân sự bị không tặc kiểm soát lần lượt đâm thẳng vào Tháp Đôi. Ít lâu sau, một chiếc nữa phá hủy một phần Lầu Năm Góc. Chiếc sau cùng, sau khi hành khách khống chế các tên khủng bố, rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania.

Tất cả đã diễn ra trong vòng chưa đầy 2 tiếng, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người, và khiến hơn 25.000 người bị thương.

Để nhìn lại thảm họa này sau 20 năm, hãy cùng Vietcetera tìm hiểu 9 từ tiếng Anh dưới đây.

1. Nine-eleven (9/11)

Thông thường, ta hay dùng địa danh để đặt tên cho các sự kiện. Riêng với vụ khủng bố này, do diễn ra tại nhiều nơi trong cùng một ngày, nên thay vì tên từng địa điểm, nó có tên chung là 9/11 (cách gọi tháng trước ngày sau của Mỹ).

Nhưng vì sao 9/11 thường được đọc là Nine-eleven hơn September Eleventh? Có thể, người Mỹ đã tạm phá bỏ nguyên tắc, đơn giản hóa cách gọi ngày tháng để luôn ghi nhớ về sự kiện này.

Vào năm 2001, Hiệp hội Phương ngữ Hoa Kỳ (American Dialect Society) cũng đã chọn ‘9/11’ là từ của năm. Theo giáo sư Robert Stockwell của Đại học California, “Kể từ đây với nước Mỹ, cụm từ này là cách để nhắc nhớ về sự kiện tàn khốc nhất của thế kỷ qua.”

Người đi đường tại New York chứng kiến "chân dung" của thảm kịch 11/9 | Nguồn: Getty Images

2. Hijack

Hijack là dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát máy bay, thường với mục đích khủng bố. Từ này còn có nghĩa rộng là chặn xe cộ để cướp của.

Trước 11/9, vụ cướp máy bay gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử xảy ra trên chuyến bay 648 của hãng EgyptAir năm 1985, khiến 60 người thiệt mạng.

Với vụ 11/9, trên 4 máy bay bị cướp, tổng cộng có 19 không tặc. Có mặt trên mỗi chuyến là 1 không tặc có nhiệm vụ điều khiển máy bay, còn 3 đến 4 kẻ khác thì khống chế phi hành đoàn và hành khách.

Để hạn chế rủi ro khủng bố, sau 11/9, nhiều quy định nghiêm ngặt về an ninh hàng không đã được thiết lập. Với hành khách, đó là một loạt thủ tục kiểm tra an ninh trước khi lên máy bay. Còn với tiếp viên và phi công, đó là nhiều quy tắc về giao tiếp trong và ngoài buồng lái.

Thủ tục kiểm tra an ninh nghiêm ngặt tại sân bay đối với hành khách là một hệ quả từ thảm họa này | Nguồn: AP

3. Ground zero

Ground zero là một thuật ngữ quân sự xuất hiện sau Thế chiến II, chỉ mặt đất nơi bom nguyên tử phát nổ. Thời nay, ground zero còn có nghĩa là vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của một vụ động đất, hoặc một thảm họa lớn nào đó.

Ngay sau 11/9, nhiều người dùng từ ground zero để nói về khu vực của 2 tòa Tháp Đôi bị phá hủy. Năm 2011, nơi này đã được cải tạo thành khu tưởng niệm có tên National 9/11 Memorial & Museum. Và năm 2014, cũng ở ground zero, tòa nhà cao nhất nước Mỹ One World Trade Center đã được khánh thành.

Toàn cảnh 'ground zero' sau khi được phục dựng thành khu vực tưởng niệm các nạn nhân 11/9 | Nguồn: Getty Images

4. First responder

First responder là lực lượng phản ứng nhanh, những người ở tuyến đầu trong công tác đối phó với những tình huống khẩn cấp, như tai nạn, thiên tai, dịch bệnh. Họ là những cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ... với trách nhiệm hàng đầu là giải cứu người dân.

Vào ngày 11/9, trong công cuộc di tản hàng ngàn người khỏi những tòa nhà bốc cháy, đã có hơn 400 first responder trên khắp nước Mỹ hy sinh.

Không chỉ đối mặt với rủi ro về tính mạng, những người này còn chịu dư chấn về sức khỏe. Một nghiên cứu cho thấy, first responder trong vụ 11/9 có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao, do tiếp xúc với khói bụi độc hại từ các tòa nhà bị phá hủy.

Lính cứu hỏa tại New York vào ngày 11/9 định mệnh | Nguồn: Getty Images

5. War on Terror

“War on terror” hay “global war on terrorism” là chiến tranh chống khủng bố. Thuật ngữ này được dùng lần đầu bởi tổng thống George W. Bush ngay sau vụ 11/9, khi ông phát biểu về việc tiêu diệt các mạng lưới khủng bố lúc bấy giờ đang đe dọa Mỹ.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cuộc chiến này, là truy tìm và xóa sổ Al Qaeda, tổ chức Hồi giáo cực đoan chủ mưu vụ 11/9.

Để bắt đầu, tháng 10/2001, Mỹ đã gây chiến tại Afghanistan nhằm lật đổ nhà nước của phiến quân Taliban, chế độ lúc bấy giờ đã hậu thuẫn cho Al Qaeda. Cuộc chiến tại Afghanistan chỉ vừa khép lại vào tháng 8 vừa rồi, khi thủ đô Kabul một lần nữa rơi vào tay Taliban và Mỹ hoàn toàn rút quân.

Ngoài Afghanistan, trong quy mô của “war on terror”, Mỹ cũng tham chiến tại Iraq, Pakistan, Yemen, Syria. Theo một ước tính của Đại học Brown, từ năm 2001 đến nay, các chiến dịch quân sự tại Trung Đông kể trên đã trực tiếp cướp đi hơn 900 nghìn sinh mạng và tiêu tốn của Mỹ khoảng 8 nghìn tỷ đô.

'Situation Room' - bức ảnh ghi lại khoảnh khắc các lãnh đạo Mỹ theo dõi qua màn hình cuộc truy sát thủ lĩnh Al Qaeda, Osama bin Laden vào năm 2011 | Nguồn: White House

Tuy nhiên, cái tên “war on terror” hay “global war on terrorism” đã gây không ít tranh cãi. Phần vì “khủng bố” không phải là một kẻ thù cụ thể, mà là một thủ đoạn. Phần vì “terror” còn có thể hiểu là nỗi kinh sợ, và chính vì kinh sợ mà Mỹ đã có nhiều quyết định nóng vội và sai lầm trong suốt thời gian qua.

Để tránh những cách gọi này, vào năm 2009, chính quyền của tổng thống Obama đã đưa ra tên chính thức mới cho cuộc chiến là Overseas Contigency Operations (Chiến dịch Dự phòng ở Hải ngoại). 

6. PTSD

PTSD (Post Traumatic Stress Disorder) là một hiện tượng rối loạn tâm thần và hành vi sau khi một người trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện kinh hoàng nào đó. Đối tượng mắc PTSD nhiều nhất là cựu binh, hay nạn nhân của các cuộc thảm sát, thiên tai, tai nạn, bạo lực.

Người mắc PTSD thường đối diện với các triệu chứng như liên tục hồi tưởng về quá khứ, gặp ảo giác và ác mộng, cảm thấy cô lập, dễ bị kích động, luẩn quẩn trong các suy nghĩ tiêu cực.

Theo báo cáo, có đến 20% trong số hàng nghìn nạn nhân của vụ 11/9 gặp triệu chứng PTSD. Đó là những người vẫn không thể thoát khỏi ký ức về một ngày tàn khốc: hoặc thoát thân khỏi những đám cháy khổng lồ, hoặc đối diện với sự ra đi đột ngột của bạn bè, đồng nghiệp, người thân.

Chưa kể sau này, cuộc chiến tranh chống khủng bố tại Afghanistan, Iraq, lại tiếp tục gây nên chứng PTSD ở hàng nghìn người, đa phần là các cựu binh lính.

7. Islamophobia

Islamophobia là nỗi sợ, sự thù ghét, định kiến về người đạo Hồi. Hiện tượng này gia tăng đáng kể trong xã hội phương Tây, nhất là sau vụ Tháp Đôi và khi các chính sách chống khủng bố được thực thi.

Lớn lên sau 11/9, Syed Ahmad, một sinh viên tại Đại học Virginia cho biết, gia đình anh và nhiều người theo đạo Hồi khác đã bị phân biệt, đối xử bất công trên nhiều phương diện. Bằng chứng là tỷ lệ tìm được việc, số giờ làm, lẫn mức lương của người theo đạo Hồi ở Mỹ giai đoạn này, đều giảm.

Ahmad chia sẻ, “Chúng ta cần hiểu rằng Hồi giáo không phải là một tôn giáo của khủng bố, và không phải người theo đạo Hồi nào cũng là những thành phần cực đoan.”

8. Waterboarding

Waterboarding (trấn nước) là một hình thức tra tấn đã xuất hiện từ thế kỷ 14. Năm 2007, thuật ngữ này trở nên phổ biến khi nó nằm trong số các “biện pháp thẩm vấn tăng cường” (enhanced interrogation techniques) mà nhân viên CIA áp dụng lên các nghi phạm thuộc vụ 11/9 tại trại giam Vịnh Guantanamo. 

Khi trải qua waterboarding, tức bị cột trên một tấm ván và bị dội nước vào mặt qua một miếng vải, tù nhân sẽ có cảm giác ngộp thở như bị đuối nước. Vì vậy, đây là một trong những cách thẩm vấn mạnh nhất, gây sức ép tinh thần cực độ lên các tù nhân.

Sự khắc nghiệt này đã để lại nhiều hậu quả. Như trường hợp của Khalid Sheikh Mohammed, thủ phạm hàng đầu của vụ 11/9. Trải qua 183 lần bị trấn nước, đã có nhiều lúc người này khai man để thỏa lòng thẩm vấn viên và thoát khỏi cực hình. Và, kết quả là phía CIA đã đưa ra không ít những thông tin tình báo sai lệch cho chính quyền Mỹ từ các lời khai trên.

Trại giam Vịnh Guantanamo, nơi thẩm vấn các nghi phạm liên quan đến vụ khủng bố 11/9 | Nguồn: Getty Images

Do đó, chính sách thẩm vấn nghi phạm tại trại giam Vịnh Guantanamo đã vấp phải nhiều phản đối từ dư luận, các tổ chức nhân quyền. Năm 2009, tổng thống Obama đã yêu cầu các nhân viên CIA tại đây tôn trọng Hiệp ước Geneva về bảo vệ tù nhân chiến tranh - từ bỏ những cách ép cung mang tính tra tấn này.

9. Severe clear

Khi diễn tả hiện tượng trời quang mây tạnh, tầm nhìn không bị hạn chế, các phi công sẽ dùng thuật ngữ severe clear. Bầu trời thường chỉ trong xanh như thế sau khi bão tan. Riêng với ngày 11/9/2001, bầu trời severe clear sáng hôm ấy lại là sự bình yên trước một “cơn bão”.

Trong phút chốc, nước Mỹ chứng kiến những biểu tượng của quốc gia mình lần lượt bị phá hủy. Nếu Tháp Đôi là tuyên ngôn về nền kinh tế thịnh vượng, thì Lầu Năm Góc tượng trưng cho nền quân sự hùng cường của Mỹ. Cả hai đã bị tàn phá, và sự tàn phá này đã mãi mãi chia dòng thời gian của Mỹ và thế giới thành 2 giai đoạn: trước và sau 11/9.