Nhìn thấy điểm ‘eww’ của đối tượng hẹn hò, nên ngó lơ hay kết thúc? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 06, 2024
Tâm Lý Học

Nhìn thấy điểm ‘eww’ của đối tượng hẹn hò, nên ngó lơ hay kết thúc?

Nếu bạn đã từng muốn bỏ về giữa buổi hẹn vì thấy hành động kỳ quặc nào đó đối phương nhưng không hiểu tại sao. Đừng lo vì có rất nhiều người cũng giống bạn…
Nhìn thấy điểm ‘eww’ của đối tượng hẹn hò, nên ngó lơ hay kết thúc?

Nguồn: @minhphuong.work cho Vietcetera

Bạn có bao giờ tốn nhiều công sức để chuẩn bị cho buổi hẹn hò nhưng khi hai người gặp nhau, bạn lại thấy có gì đó… sai sai. Đó có thể là sự khó chịu bộc phát khi thấy họ có mùi cơ thể, nói chuyện lớn tiếng, hay đến từ việc phải ngồi hàng giờ nghe họ phàn nàn, kêu ca về cuộc sống, nói xấu đồng nghiệp và thậm chí còn body shaming bạn.

Hàng loạt các cảm giác không tên khiến bạn khó chịu ấy gọi là the ick, mà người viết thường gọi là những điểm ‘eww’ - tức những hành vi, cử chỉ của đối tượng hẹn hò khiến bạn khó chịu và muốn kết thúc mối quan hệ. Theo trải nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp (tức được nghe kể) của người viết, điểm 'eww' thường được chia làm 3 nhóm sau:

Nhóm 1: Điểm ‘eww’ vô thưởng vô phạt

Đây là cấp độ nhẹ nhất của điểm ‘eww’, khi chúng bắt nguồn từ những dấu hiệu bên ngoài mà đối phương vô thức thể hiện ra. Đó có thể là mùi cơ thể, cười đùa lớn tiếng, vừa nhai thức ăn vừa nói hay dính rau trên kẽ răng.

Những điểm ‘eww’ ở nhóm này phần lớn đến từ sự khác biệt về hoàn cảnh, môi trường sống. Việc sinh ra và lớn lên trong bối cảnh hay có những trải nghiệm khác nhau sẽ khiến ta đặt ra những tiêu chuẩn riêng khi tìm kiếm mối quan hệ.

alt
Nguồn: @minhphuong.work cho Vietcetera

Chẳng hạn nếu gia đình bạn có nếp sống ngăn nắp, gọn gàng, bạn sẽ thấy khó chịu khi thấy ai đó luộm thuộm và không sạch sẽ. Đây là dấu hiệu cho thấy những hành vi của đối phương không giống với những quy tắc hay kỳ vọng của bạn.

Vậy điều này có xứng đáng để bạn không cho họ một cơ hội? Bạn có thể đặt câu hỏi cho bản thân: Ngoài điểm eww đấy, buổi hẹn hò của bạn có suôn sẻ không? Nếu một người có mùi cơ thể nhưng lại tốt bụng, chu đáo và lịch sự, vậy bạn có thể bỏ qua?

Nếu câu trả lời là có, bạn nên thử tìm cơ hội để trò chuyện và đưa ra những góp ý mang tính xây dựng để giúp họ cải thiện hơn. Và nếu không, có thể đây là tín hiệu cho thấy bạn chưa sẵn sàng cho mối quan hệ này.

Nhóm 2: Điểm ‘eww’ báo hiệu đối phương là cờ đỏ

Những điểm ‘eww’ có thể giúp bạn nhận ra đối phương là “red flag” nếu đó là những điểm bạn không thể thoả hiệp. Chẳng hạn như:

  • Hành vi thiếu sự tôn trọng: Họ cư xử thiếu lịch sự, nói xấu người yêu cũ hay đồng nghiệp, tiếp xúc trên mức thân mật với bạn dù chưa được sự đồng ý…
  • Đối lập về hệ giá trị cá nhân: Những điểm ‘eww’ giúp bạn nhận ra cả hai có sự đối lập về thế giới quan và không thể thông cảm cho nhau. Chẳng hạn như bạn muốn có con nhưng người kia thì không; hoặc bạn không thể sống thiếu những chuyến du lịch nhưng người kia lại xem đó là lãng phí.
alt
Nguồn: @minhphuong.work cho Vietcetera

Tiến sĩ Patrice Legoy, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại Mỹ chia sẻ: “Đôi khi bạn nên chấp nhận đây là một phần tính cách của họ, và việc cố thay đổi chúng thường không có kết quả khả quan.”

Cả hai không nhất thiết phải đồng điệu hoàn toàn về sở thích, thói quen. Nhưng nếu bạn mong muốn có mối quan hệ lâu dài, những điểm ‘eww’ có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian, không lãng phí công sức vào những mối quan hệ mà bạn biết chắc sẽ chẳng đi đến đâu.

Nhóm 3: Bạn cho rằng đó là điểm ‘eww’ nhưng không thể lý giải tại sao

Có bao giờ bạn ‘eww’ ngay lập tức khi thấy đối phương thuận tay trái chỉ vì người yêu cũ của mình cũng thế? Trong trường hợp này, điểm ‘eww’ không thuộc hai nhóm nào ở trên, mà có thể bắt nguồn từ… chính bạn.

Theo nhà tâm lý học Phoebe Sheperd điểm ‘eww’ thường là cơ chế phòng vệ trước nỗi sợ bị tổn thương. Khi bắt gặp một người có đặc điểm giống với những người từng làm bạn đau khổ, sang chấn tâm lý trong quá khứ khiến bạn sợ sẽ lặp lại những sai lầm tương tự. Thế nên, dù đối phương chẳng làm gì sai, bạn vẫn từ chối cho mối quan hệ này cơ hội.

alt
Nguồn: @minhphuong.work cho Vietcetera

Cũng có trường hợp, điểm ‘eww’ không tự xuất hiện mà do bạn đã tìm kiếm nó trong vô thức. Có thể là do bạn mang trong mình nỗi sợ bị từ chối (fear of rejection). Những người mang trong mình nỗi sợ này luôn cảm thấy bất an, lo lắng và thường cố gắng đẩy người khác ra xa trước khi mối quan hệ trở nên quá thân mật.

Trong trường hợp vẫn đang đắn đo về sự lựa chọn của mình, hãy thử chia sẻ với những người mà bạn tin tưởng, chẳng hạn như bố mẹ, anh chị hay bạn bè. Những người ngoài cuộc có thể sáng suốt hơn trong việc đưa ra lời khuyên và giúp bạn nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn.

Kết

Và dù điểm ‘eww’ thuộc bất kỳ nhóm nào, bạn nên lưu ý rằng luôn có hai mặt của một đồng xu. Người hài hước sẽ có lúc đùa hơi quá trớn và người vô tư làm bạn thoải mái lắm lúc lại vô tâm.

Việc chấp nhận sự đang dạng sẽ khiến bạn dễ thở hơn khi bắt đầu mối quan hệ. Vì dù điểm ‘eww’ xuất phát từ người khác, nhưng chính bạn mới là những người quy định rằng điều gì khiến bạn khó chịu, và cũng chỉ có mình bạn điều chỉnh được nó.