Những cặp đôi mừng lễ tình nhân ở hai lục địa | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 02, 2023
Cuộc SốngThương

Những cặp đôi mừng lễ tình nhân ở hai lục địa

Có nhiều cách khác nhau để các cặp đôi yêu xa tận hưởng ngày Valentine cùng nhau. Bao gồm cả việc... không làm gì cả.
Những cặp đôi mừng lễ tình nhân ở hai lục địa

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Valentine có thể là một dịp lễ không mấy hay ho với những người độc thân, khi mà cả thế giới xung quanh họ đang sục sôi những câu chuyện lứa đôi. Thế nhưng hội độc thân không phải là những người buồn nhất vào ngày Valentine, bởi dù gì họ vẫn có thể tìm đôi, bắt cặp ngay trong ngày lễ.

Vâng, những người buồn nhất trong ngày này là những kẻ đang yêu xa, những người không thể cùng ăn mừng ngày lễ tình yêu với người mình yêu do sự cách trở địa lý. Họ sẽ phải thỏa hiệp với sự kết nối qua chiếc màn hình điện thoại, để từ đó trao gửi những thông điệp thương yêu.

Là một người đang yêu xa, tôi và người thương của mình có những hoạt động của riêng chúng tôi để cùng kỷ niệm ngày lễ tình nhân. Nhưng tôi tò mò rằng, không biết những tình yêu xuyên lục địa khác ở quanh tôi đang diễn ra thế nào? Họ có ý định ăn mừng Valentine không, và nếu có, thì sẽ ra sao?

Tôi đem thắc mắc ấy đi hỏi những người xung quanh, và kết quả trả về rất đa dạng. Có người không ăn mừng ngày lễ. Có người có ăn mừng, nhưng không làm gì đặc biệt. Cũng có những người đã lên những kế hoạch rất… mặn mòi để có thể kết nối với nhau theo những cách riêng trong ngày này.

*Tên một số nhân vật trong bài viết đã thay đổi

Giữ sự kết nối bất kể ngày nào

Lâm, 25 tuổi

Người yêu mình làm nghiên cứu sinh ở California đã lâu, và bọn mình gặp nhau trong một hội thảo khoa học qua Zoom. Chúng mình chênh tuổi nhau khá nhiều, cụ thể là nữ hơn tuổi nam, nên khi tiếp xúc mình cũng chẳng nghĩ là có thể nảy sinh tình cảm gì với nhau được. Vì học gần ngành và có chung nhiều quan tâm trong nghiên cứu, chúng mình trao đổi với nhau nhiều tài liệu, rủ nhau dự các hội thảo chuyên môn.

Nghĩ chỉ là một người đồng nghiệp trên mạng, nhiều lần mình còn “om dưa” tin nhắn của bạn ấy tới cả tuần. Vậy mà 8 tháng sau khi người ta về Việt Nam, thì bọn mình chính thức thành một đôi. Ở cạnh nhau 3 tháng thì người ấy quay lại Cali. Sau đó thì mình cũng có thể qua trời Tây làm nghiên cứu sinh, nên cả hai còn xa nhau dài dài.

Mình rất nhớ người yêu, ngày nào cũng vậy chứ không chỉ đến Valentine rồi mới nhớ. Mình nhớ những tương tác vật lý: thực sự chạm tay vào nhau, thơm nhau vào má và cảm nhận độ ấm của cơ thể nhau. Có những thứ môi trường số không thể nào thay thế. Mình định viết một lá thư tay để tạm thời né tránh sự lạnh lẽo của công nghệ, dù điều đó khiến cảm giác về khoảng cách trở nên lớn hơn. Nhưng với niềm tin rằng bức thư rồi sẽ đến tay người nhận, mình có nhiều niềm tin vào tương lai hơn.

14feb2023pexelslilartsy2838506jpg
Có thứ công nghệ nào mô phỏng được cái chạm của những bàn tay. | Nguồn: Pexels

Bọn mình nhắc nhau về Valentine từ trước khi ngày lễ diễn ra khá lâu. Người yêu mình bảo ngày này được phát minh ra để bán hàng thôi, mua quà dịp nào chẳng được. Thế là bọn mình chuẩn bị quà từ trước rất lâu. Còn đến ngày lễ chính thì do bọn mình sống chênh nhau đến 15 tiếng, nên khi mình chuẩn bị đi ngủ đợi bước sang ngày mới thì người yêu mình mới ngủ dậy ở Valentine của cô ấy.

Vậy chúng mình nên làm gì đây ngoài việc cùng đọc một bài nghiên cứu? Thực ra chúng mình có kế hoạch xem với nhau 1 bộ phim dài, vậy thôi. Với các cặp yêu xa thì ngày nào cũng như ngày nào. Để giữ được tình yêu dù xa nhau về khoảng cách thì việc đầu tiên là phải cùng tin rằng cả hai thuộc về một thực tại. Còn Valentine thì nên làm gì với nhau, mình hi vọng bạn đọc của Vietcetera có thể gợi ý cho chúng mình hjhj.

Những lá thư ngày lễ tình nhân

Chi, 35 tuổi

Bắt đầu từ lúc yêu cho đến lúc… kết thúc, bọn mình đều yêu xa. Mình và bạn ấy ở hai thành phố khác nhau ở Việt Nam, người ở miền Bắc, người ở miền Nam. Trong suốt 4 năm yêu, mình chưa sinh sống ở đâu ngoài Hà Nội. Bạn trai mình lại là người năng động, luôn tìm kiếm các cơ hội để học và làm việc ở nhiều nơi khác nhau, và có học bổng ở nhiều nước.

4 mùa Valentine của bọn mình là ở 3 nước khác nhau: Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ. Lúc thì cùng một múi giờ, có thể thức dậy cùng nhau vào ngày Valentine, cũng có khi bạn ấy đón Valentine trước mình, cũng có năm khi mình đi ngủ thì bạn ấy thức dậy và ngược lại. Như vậy nghe có vẻ thiệt thòi, nhưng thực ra khá vui, vì chẳng Valentine năm nào giống năm nào cả.

Valentine thì ai cũng muốn ở cạnh người thương, dĩ nhiên là vậy. Nhưng khi ở một mình quá lâu, mình dần quen với việc đón mọi dịp lễ trong năm một mình: sinh nhật, Valentine… Nên mình thấy cũng không quá buồn. Bù lại, mỗi khi có dịp, bọn mình gặp nhau sau thời gian dài yêu xa, thì khi đó kể cả không phải dịp lễ gì, cũng trở thành ngày Valentine.

Vì chênh lệch múi giờ và địa điểm như thế, nên cách kỷ niệm Valentine mỗi năm một khác. Là dân kỹ thuật, bạn trai mình không phải người khéo léo và quá lãng mạn, thậm chí hơi khô khan. Những món quà bất ngờ hoặc món quà được chuẩn bị tỉ mỉ chỉn chu long lanh không nằm trong sự ưu tiên của bạn ấy.

Trong khi đó, “love language” của mình đích thực là “language,” tức là phải được viết ra để mình đọc. Từ ngày yêu mình, mỗi dịp Valentine, bạn ấy đều “vận hết nội công” để viết cho mình một lá thư.

14feb2023pexelsjohnmarksmith2819621jpg
Những lá thư yêu thương. | Nguồn: Pexels

Hai năm đầu tiên khi tình cảm tràn đầy, lá thư cũng mùi mẫn lắm. Sang đến năm thứ 3, mình biết đối phương bắt đầu “hết vốn” để sáng tác rồi, nên đọc nhiều đoạn buồn cười lắm. Đến nỗi đến cuối thư, bạn ấy thú nhận là “Anh dùng hết “brain cell” rồi huhu.” Thực ra cái mình thích không phải là thư dài hay ngắn, mà là sự cố gắng của bạn ấy.

Mình thấy rằng giao tiếp rất quan trọng, dù bạn yêu gần hay yêu xa. Cho dù mình cảm thấy mình ổn với việc yêu xa, không có nghĩa là người yêu mình cũng vậy. Càng giao tiếp qua màn hình điện thoại, chúng ta càng khó biết người kia thực sự đang trải qua điều gì, suy nghĩ thế nào, gặp gỡ những ai.

Ngoài sự tin tưởng, điều mình học được chính là cả hai cùng phải học cách giao tiếp để tránh gây ra những hiểu lầm, để dù ở xa hay gần thì đối phương vẫn cảm thấy mình ở bên cạnh họ, thấu hiểu và cùng cố gắng với họ. Nhưng chắc người yêu mình không nghĩ như mình, nên bây giờ bạn ấy đã trở thành “người yêu cũ.”

Không phải lo tìm phòng khách sạn!

Quân, 24 tuổi

Kể cả khi ở cùng ở Việt Nam, mình và người thương cũng ở hai đầu đất nước. Mình ở Hà Nội, còn bạn ấy tít cuối miền Trung. Bọn mình gặp nhau khi cùng tham gia một hoạt động tại Nghệ An, nhưng phải sau một thời gian dài mình mới nhận ra người ấy có thể là “the one” của mình. Khi mình quyết định mở lời, bạn ấy đang du học ở Đức, và trong tương lai còn học cao học nữa nên mình cũng xác định cả hai sẽ “trường kỳ kháng chiến” dài dài.

Đây là mùa Valentine thứ hai của hai đứa, cũng là lần thứ hai chúng mình đón lễ tình nhân ở hai lục địa. Trước đây, người yêu mình đã thử gửi postcard về cho mình, nhưng không hiểu thất lạc kiểu gì mà tới tận bây giờ mình vẫn chưa nhận được. Do đó, kế hoạch tặng quà có vẻ không quá khả thi. Còn những hoạt động như cùng xem phim, cùng đọc sách, hay chơi trò chơi với nhau, chúng mình đều làm hàng ngày.

Hai đứa vẫn có thể làm những việc đó vào ngày Valentine mà không cần suy nghĩ quá nhiều, nhưng cả hai đều muốn nhân dịp này để làm gì đó khác đi. Bên cạnh đó, tụi mình rất nhớ cảm giác được chạm vào cơ thể của nhau, cả ở bên ngoài lẫn “bên trong.” Sự mòn mỏi của hai đứa khiến chúng mình quyết định sẽ cùng nhau “làm tình qua dòng tin nhắn” (tức sexting) và cả video call để “làm tình qua mạng.”

14feb2023pexelsbczsjt13897199jpg
Tình dục là một sự kết nối thiêng liêng và riêng tư về thể xác. | Nguồn: Pexels

Đối với hai đứa chúng mình thì tình dục và sự kết nối về thể xác là những thứ rất thiêng liêng. Chúng mình không yêu nhau vì muốn làm tình, mà thiết lập kết nối về mặt cảm xúc trước khi hòa hợp thân thể. Thành thực mà nói, cybersex khó có thể tái hiện được sự chân thật của những cảm giác, cảm xúc, và sự hòa hợp khi chúng mình ở bên nhau.

Thế nhưng “làm tình qua mạng” cũng có cái thú của nó - sự thú vị mà chỉ những người yêu xa mới hiểu được. Chúng mình giao tiếp với nhau cả bằng cơ thể lẫn lời nói và lời nói lẫn ánh mặt, hài hòa tung hứng giữa người này và người kia. Và lại còn không phải lo hết phòng khách sạn - haha thương những cặp đôi yêu gần. Thế nên việc không được ở cạnh nhau trong ngày Valentine không thành vấn đề với tụi mình - dù rằng nếu được chọn thì, ừ, tất nhiên chúng mình sẽ chọn bên nhau rồi.

Tựu trung lại, nhiều khi Valentine chỉ là cái cớ để những người yêu xa bày tỏ tình cảm với nhau theo những cách đặc biệt hơn, hoặc làm những việc mà bình thường họ vẫn làm với một tâm thế khác. Điều quan trọng vẫn luôn là sự kết nối và duy trì giao tiếp, bất kể gần hay xa.