Sexting sao cho đúng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Sexting sao cho đúng?

Sexting không hề xấu, sexting sai cách mới xấu.
Sexting sao cho đúng?

Sexting là hoạt động bình thường nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục tự nhiên, và phổ biến hơn cả ở những cặp đôi yêu xa hay cần thắt chặt mối quan hệ. | Hình ảnh minh họa đến từ nguồn mở Streamline.

Sexting là một hoạt động tình dục được xúc tác bởi internet, trong đó hai bên trao đổi những nội dung tin nhắn có tính khiêu gợi cho nhau (có thể bao gồm cả hình ảnh, video và tin nhắn thoại). Ở Việt Nam, từ này được biết đến với tên gọi phổ biến hơn là “chat sex”.

Đây là một hoạt động bình thường nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục tự nhiên, và phổ biến hơn cả ở những cặp đôi yêu xa hay cần thắt chặt mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu những người tham gia không trang bị đầy đủ kiến thức phòng vệ, sexting có thể để lại những hậu quả nguy hiểm và lâu dài.

Như sự việc gương mặt Forbes 30 Under 30 N.H.A vừa bị tố quấy rối tình dục vừa qua, kẻ gây rối đã thực hiện sexting mà chưa có sự đồng thuận từ trước, khiến các nạn nhân phải đối mặt với nhiều tổn thương tâm lý.

Vì vậy, để có thể tận hưởng sexting vui vẻ và an toàn, bài viết sau đây sẽ đưa ra 10 lưu ý nên và không nên khi sexting.

Nên làm gì khi sexting?

1. Quyết đoán để làm rõ sự đồng thuận

Sự đồng thuận trong tình dục còn là chìa khóa cho bất cứ hoạt động tình dục nào, không chỉ sexting. Do vậy, hãy làm rõ sự đồng thuận, và dừng lại ngay ở lần từ chối đầu tiên nếu bạn hoặc đối phương không hoàn toàn cảm thấy thoải mái.

Hãy đảm bảo hai bạn giao tiếp chặt chẽ để tìm hiểu ranh giới, sở thích tình dục và mức độ đồng thuận của cả hai. Bất cứ hành động nào liên quan đến tình dục mà không được đối phương cho phép, hoặc vượt quá ranh giới đã thỏa thuận đều được coi là quấy rối. Nặng hơn, đó có thể là hành vi cưỡng hiếp và có thể bị khởi kiện.

Ngoài ra, khi người nhận bị gửi những nội dung nhạy cảm mà chưa có sự hình dung trước, họ sẽ thấy khó chịu và ác cảm, khiến hành động sexting của bạn trở nên kém duyên. Vì vậy, trước và trong khi sexting, bạn nên liên tục giao tiếp để thiết lập mức độ đồng thuận, ranh giới cá nhân và sở thích tình dục để yên tâm cả hai vẫn đang “cùng tần số”.

alt
Trước và trong khi sexting, bạn nên liên tục giao tiếp để thiết lập mức độ đồng thuận.

2. Đảm bảo có mối quan hệ tin cậy với người nhận

Người nhận là ai có ý nghĩa rất quan trọng trong sexting. Nếu người nhận là người lạ, bạn sẽ có nguy cơ cao rơi vào cảnh “giao trứng cho ác”, vì khả năng thông tin bị phát tán hoặc bị sử dụng để tấn công cá nhân sẽ rất cao.

Do đó, sexting với mối quan hệ đáng tin cậy là điều nên làm, để đảm bảo những thông tin nhạy cảm được gửi đến người có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư của bạn. Tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi bắt mối quan hệ sẽ giúp bạn nâng cao cảnh giác, để không rơi vào thế bị động với sự cố bất ngờ.

Ngoài ra, việc tin tưởng người nhận không chỉ đảm bảo an toàn thông tin, mà còn là an toàn tình dục. Khi hai bên thấu hiểu nhau hơn, những rào cản về đồng thuận và xây dựng ranh giới cá nhân cũng dễ dàng được cởi bỏ. Những “tai nạn” không mong muốn do vậy cũng được giảm thiểu đáng kể.

3. Sử dụng ứng dụng trò chuyện có tính bảo mật cao và có tính năng chống quay/chụp màn hình

Sexting, cũng như các hoạt động cybersex khác, đều sử dụng internet để trao đổi thông tin. Vì vậy, xây dựng không gian mạng an toàn là điều hiển nhiên phải cân nhắc đến.

Đơn giản nhất, bạn có thể bắt đầu từ bảo mật điện thoại và tài khoản cá nhân của mình. Ví dụ như cài đặt mật khẩu bảo vệ, cập nhật phần mềm, dán màn hình chống nhìn trộm và không dùng wifi/cổng USB công cộng.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên sử dụng các ứng dụng nhắn tin có mã hóa đầu cuối. Công nghệ này giúp cuộc trò chuyện chỉ có người gửi và người nhận được biết, và sẽ không có bất cứ bên thứ ba nào xâm nhập được - kể cả chính máy chủ ứng dụng.

Messenger, WhatsApp, Viber, Telegram là một số ứng dụng có tích hợp công nghệ này. Hãy tìm tính năng "trò chuyện bí mật" (secret conversation).

Ngoài ra, ta thấy đã có một số ứng dụng gửi thông báo khi chụp màn hình (Instagram, Snapchat) hay thậm chí chống chụp màn hình tuyệt đối (Confide, Signal).

4. Lựa chọn nơi sexting riêng tư và chỉ có mình bạn

Không còn gì bất tiện hơn khi sexting bị người khác nhìn thấy. Hậu quả sẽ càng nghiêm trọng khi đó là những người có mối quan hệ ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân bạn, như gia đình, bạn cùng phòng/cùng lớp, đồng nghiệp hay cấp trên.

Dù cảm thấy bị thôi thúc và ham muốn nhiều đến mức nào, bạn và đối phương chỉ nên sexting khi ở một không gian riêng tư. Hãy tránh sexting khi ở nơi công cộng, hay có sự hiện diện của bất cứ ai khác để đề phòng trường hợp thông tin bị nhìn lén (dù vô tình hay cố ý).

alt
Hãy tránh sexting khi ở nơi công cộng.

5. Nếu có ảnh/video, cần che đi các dấu hiệu nhận dạng và không ghi hình ở nơi dễ nhận biết

Cho dù có sử dụng những công nghệ bảo mật cao nhất, sexting với người bạn tin tưởng nhất, thì về cơ bản những thông tin nhạy cảm đã hoàn toàn không còn nằm trong tầm kiểm soát của bạn khi sexting.

Nội dung sexting, đặc biệt là các nội dung có tính nhận dạng cao như ảnh và video, đều tiềm ẩn nguy cơ bị phát tán hoặc trở thành công cụ trả thù bằng nội dung nhạy cảm (revenge porn).

Vì thế, khi gửi ảnh/video, bạn cần tuyệt đối che đi các dấu hiệu nhận dạng gồm: gương mặt, hình xăm, bớt bẩm sinh, chỗ xỏ khuyên/trang sức hàng ngày. Nếu có thể, bạn cũng nên ghi hình ở những địa điểm không dễ nhận ra như khách sạn, thay vì phòng ngủ của mình.

Trên thực tế, bạn không nhất thiết phải gửi ảnh/video khiêu gợi mới có thể có một cuộc sexting chất lượng. Ví dụ từ trường hợp trong bài viết Cởi Mở này, bạn nữ đã lựa chọn sexting với tin nhắn chữ và thu âm thoại nhưng vẫn đạt được trải nghiệm tình dục mong muốn.

alt
Các nội dung có tính nhận dạng cao như ảnh và video tiềm ẩn nguy cơ bị phát tán hoặc trở thành công cụ trả thù bằng nội dung nhạy cảm (revenge porn).

Không nên làm gì khi sexting?

1. Vượt qua ranh giới của bản thân để làm đối phương hài lòng

Rất nhiều trường hợp một trong hai bên bị thúc ép vượt qua ranh giới khi sexting. Người thúc ép lợi dụng sự chênh lệch quyền lực trong mối quan hệ (như cấp trên - cấp dưới, lớn tuổi - nhỏ tuổi, khả năng tài chính,...) để áp đặt đối phương làm điều mình muốn.

Hiện tượng này phổ biến hơn cả với đối tượng nạn nhân thuộc nhóm yếu thế. Thậm chí, nghiên cứu còn cho thấy một số em gái vị thành niên tin sexting là điều phải làm, vì nỗi sợ bị người yêu chia tay. Tâm lý khi bị thao túng như vậy rất nguy hiểm, vì khi không còn tỉnh táo ta dễ tiến tới thỏa hiệp không mong muốn và tổn thương bản thân.

Thân thể, danh dự, nhân phẩm của bạn đã được pháp luật công nhận là “bất khả xâm phạm”. Vì thế, hãy mạnh dạn từ chối khi thấy có dấu hiệu bị đối phương ép buộc vượt qua những ranh giới đã thỏa thuận.

alt
Hãy mạnh dạn từ chối khi thấy có dấu hiệu bị đối phương ép buộc vượt qua những ranh giới đã thỏa thuận.

2. Thúc ép đối phương làm theo ý mình

Nếu vượt qua ranh giới của bản thân để làm đối phương hài lòng là điều tối kỵ ở phía người gửi, thì thúc ép đối phương làm theo ý mình là điều tối kỵ ở góc độ người nhận.

Hành vi này có thể khiến người thực hiện bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo điểm a, khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, việc thúc ép đối phương phục vụ mục đích sai trái của bản thân là lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín của danh dự, nhân phẩm cá nhân.

Do đó, người vi phạm có thể bị phạt từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ. Mức phạt nặng hơn của hành vi này là 5 năm tù giam, theo Điều 155 về tội làm nhục người khác của Bộ luật hình sự.

3. Im lặng khi nhận thấy có dấu hiệu bị đe dọa/tấn công bằng sexting

Cho dù im lặng không có nghĩa là đồng thuận, song thực tế đáng buồn cho thấy những kẻ tấn công tình dục sẽ tiếp tục hành vi sai trái, vì chúng coi sự im lặng của nạn nhân là lời đồng tình.

Đa số những nạn nhân của xâm hại tình dục đều chọn cách im lặng thay vì tố cáo, do có quá nhiều quyền lực tác động lên họ. Đó có thể là định kiến xã hội, phân biệt giới tính, cảm giác tội lỗi, hay tư duy đổ lỗi nạn nhân (victim blaming) của cộng đồng.

Nếu trong khi sexting, bạn thấy đối phương có hành vi sử dụng sexting để đe dọa hoặc tấn công, hãy thẳng thừng nói “Không”. Bạn được bảo vệ nhiều hơn bạn nghĩ, và bạn không cô độc trong công cuộc bảo vệ bản thân.

Tìm hiểu thêm về cách tố cáo thông tin rò rỉ, vu khống cá nhân và các điều luật bảo vệ quyền riêng tư cá nhân tại bài viết này.

alt
Bạn được bảo vệ nhiều hơn bạn nghĩ, và bạn không cô độc trong công cuộc bảo vệ bản thân.

4. Phát tán nội dung sexting cho bất cứ ai ngoài cuộc hội thoại

Cuối cùng, bản thân những người tham gia sexting cần ý thức bảo vệ bí mật tuyệt đối cho các nội dung. Hành vi phát tán, thậm chí lưu trữ nội dung nhạy cảm của người khác mà chưa có sự đồng thuận là xâm hại tình dục, và người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt theo pháp luật quy định khi bị kiện.

Điều này không chỉ giới hạn ở những người tham gia, mà là cả những người ngoài cuộc (bystander). Nếu bạn vô tình nhận được tin nhắn sext, thông điệp bắt nạt qua mạng (cyberbully) hoặc các hành vi revenge porn thì tuyệt đối không phát tán và lập tức báo cáo (report) hành động đó.

Không dừng lại ở đó, các bystander cũng rất được khuyến khích lên tiếng tố cáo hành động sai trái cũng như hỗ trợ tìm kiếm những người lớn/tổ chức an toàn để an ủi, giúp đỡ nạn nhân.

Sau cùng thì, sexting không hề xấu, mà sexting sai cách mới xấu.

Hình ảnh minh họa đến từ nguồn mở Streamline.