Năm 2020 sắp đến hồi kết. Đây là lúc mà chúng ta thường làm hai việc: lên danh sách những mục tiêu cho năm sau (New Year’s Resolution) và dọn dẹp.
Khác với dọn dẹp thông thường, cuối năm sẽ là lúc bạn “sờ” tới những ngóc ngách trong nhà mà bình thường không chạm đến. Bởi luôn có những nơi không nằm trong tầm mắt, tầm với, tiềm thức và độ siêng năng của bạn vào phần lớn ngày trong năm.
Dưới đây là danh sách các nơi "có thể lâu rồi bạn chưa dọn" và những điều cần lưu tâm.
1. Các loại chai lọ
Ví dụ: lọ gia vị, lọ đựng bàn chải, lo hoa, chai nước.
Đây là loại vật dụng rất bẩn vì bị đọng nước, rêu và cặn ở đáy nhưng lại khó chùi rửa bởi chúng thường có miệng hẹp và hình dáng thuôn dài. Để vệ sinh bạn có thể:
- Trộn hỗn hợp sỏi và nước loãng pha với xà phòng rửa chén.
- Đổ hỗn hợp vào khoảng ⅓ chai.
- Lắc mạnh chai theo các chiều ngang, dọc.
- Súc lại chai với nước loãng để rửa trôi xà phòng.
2. Các thiết bị điện tử rỗng bên trong
Ví dụ: nồi cơm điện, lò vi sóng, lồng máy giặt, tủ lạnh.
Tùy vào mục đích sử dụng của từng loại thiết bị, mà bạn chọn dung dịch lau rửa cho phù hợp. Ví dụ, đối với thiết bị điện tử trong bếp (nồi cơm điện, tủ lạnh, lò vi sóng) thì không nên sử dụng chất tẩy rửa mạnh. Sẽ tốt hơn nếu thay bằng những nguyên liệu “nhẹ nhàng” như chanh, giấm, baking soda.
- Nồi cơm điện: mọi người thường quên việc làm sạch mâm nhiệt (phần đĩa cứng đệm giữa đáy nồi và ruột nồi). Bạn có thể dùng giấm trắng thấm vào miếng bọt biển để làm tróc các loại cặn và vết cháy sém trên mâm. Sau đó dùng khăn giấy để lau lại.
- Lò vi sóng: cho một bát nước chanh vào và quay tầm 3-5 phút để khử mùi cũng như làm tan mỡ bên trong trước khi lau chùi.
- Tủ lạnh: pha muối và giấm ăn lau bên trong tủ lạnh để không ảnh hưởng tới thức ăn.
- Lồng máy giặt: hiện nay trên thị trường có bán bột tẩy lồng giặt chuyên dụng. Cách sử dụng cũng giống như khi bạn giặt đồ thông thường (chỉ là không có đồ bên trong). Bạn đổ bột rồi xả nước đầy lồng giặt và chọn chế độ để lồng giặt quay. Sau đó ngâm từ 90-120 phút rồi xả nước để thải chất bẩn ra ngoài. Sau khi xả nước, để cửa máy giặt mở cho đến khi lồng khô.
Đừng quên rút phích cắm điện và đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng thiết bị.
3. Các loại đồ vật mà tay hay tiếp xúc
Ví dụ: công tắc, vòi nước, tay nắm cửa, tay cầm tủ lạnh, điều khiển từ xa.
Trước diễn biến khó đoán của Covid-19, việc vệ sinh những bề mặt mà tay của bạn hay tiếp xúc là rất quan trọng.
Để lau những vật dụng này thì đơn giản, bạn có thể sử dụng cồn, nước rửa đa năng hoặc dung dịch rửa tay khô kết hợp với khăn mềm. Đối với điều khiển, bạn hãy dùng bông tăm luồn vào khe nhỏ để lau bụi.
4. Các loại nóc
Ví dụ: nóc tủ lạnh, tủ quần áo, tủ bếp.
Nơi này rất ít khi được lau do nằm ngoài tầm với. Tuy nhiên các loại bụi ở đây lâu ngày có thể gây ra bệnh viêm mũi dị ứng, tiền thân của viêm xoang, hen, viêm họng,...
Ngoài nóc tủ, những vật dụng khác có khả năng trở thành “ổ bụi” còn bao gồm: đèn, quạt trần, khung tranh, khung cửa, đầu giường,...
Khi quét dọn những khu vực này bạn cần chú ý bắt đầu từ trên cao xuống. Ví dụ như quạt trần > nóc tủ > khung tranh > đầu giường... và cuối cùng là sàn nhà. Như vậy sẽ tránh được việc bạn phải dọn đi dọn lại một chỗ nhiều lần.
Đối với những khu vực trên cao, bạn nên sử dụng thang chữ A thay vì bắc ghế để đảm bảo an toàn.
5. Các loại gầm hẹp
Ví dụ: gầm giường, ghế sofa, kệ TV.
Gầm cũng là nơi hiếm được lau dọn bởi chổi và cây lau nhà thường không với tới. Bên cạnh đó, việc tháo lắp và di chuyển các vật dụng này tương đối tốn công. Vì vậy, sau mỗi năm nhìn lại chúng ta luôn hốt hoảng bởi các loại bụi, tóc, lông vật nuôi,... trú ngụ tại đây.
Chổi quét khe hẹp là vật dụng bạn nên cân nhắc. Đây là loại chổi chuyên dùng để lau các loại gầm vì có thiết kế dẹt mỏng và cán cầm ở đầu nên dễ len vào các ngóc ngách khó tiếp xúc trong nhà.
6. Các loại hộc/tủ/kệ
Ví dụ: hộc bàn, tủ giày, tủ quần áo, kệ sách.
Nhiều người có thói quen cất đồ không dùng vào các loại tủ kệ cho "khuất mắt". Vì thế bạn sẽ bất ngờ với số vật dụng mà mình có khi kiểm tra lại nơi này vào dịp cuối năm. Để hệ thống lại đồ đạc, bạn có thể áp dụng phương pháp KonMari:
- Xem lại toàn bộ vật dụng mình đã có trong các loại hộc tủ. Đặc biệt là những chỗ mà bạn hiếm khi ngó tới như ngăn trên (dưới) cùng.
- Phân loại chúng thành 2 nhóm: "nhóm cần thiết" (hoặc khiến bạn vui khi thấy) và "nhóm còn lại".
- Thanh lý hoặc vứt "nhóm còn lại".
- Sắp xếp lại "nhóm cần thiết" sao cho dễ nhìn thấy để có thể sử dụng khi cần, đồng thời giúp bạn tránh việc mua lại những thứ mà mình đã có.
- Đừng quên hút bụi hoặc lau bằng khăn ướt phía trong tủ, bởi khả năng cao là rất lâu sau đó bạn mới lại vệ sinh nơi này.
7. Các loại dụng cụ quét dọn
Ví dụ: giẻ lau bàn, giẻ lau nhà, thùng rác, máy hút bụi.
- Các loại giẻ lau: phân loại trước khi giặt và phơi nắng để diệt vi khuẩn, hoặc thay mới nếu khăn đã ngả màu.
- Máy hút bụi: đừng quên đổ cốc chứa bụi và kiểm tra thanh quay lẫn chổi máy để loại bỏ tóc rối. Máy hút bụi cũng sẽ có màng lọc mà bạn cần phải vệ sinh hoặc thay mới.
- Thùng rác: vệ sinh bằng bọt biển và nước rửa chén. Sau đó, úp ngược thùng rác xuống và phơi ngoài sân cho ráo nước.
Kết
Để dọn dẹp có chiến lược, bạn có thể chia ra mỗi ngày dọn từng phòng hoặc dọn những nơi có tính chất giống nhau trước. Ví dụ, bắt đầu từ bên trong các loại tủ kệ trước để tiện gom những vật không dùng trong một lần. Nghe nhạc sôi động sẽ giúp bạn hăng hái hơn khi dọn dẹp.