Những pha xử lý "friendzone" của nhà Vietcetera | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Những pha xử lý "friendzone" của nhà Vietcetera

5 câu chuyện người thật việc thật của nhà Vietcetera, về cách họ “friendzone/thoát friendzone” thành công.

Những pha xử lý "friendzone" của nhà Vietcetera

Nguồn: Unsplash

Khi bạn thích một người, nhất cử nhất động của họ đều có thể là một tín hiệu. Nhưng rồi bạn nhận ra, họ chỉ xem mình như bạn bè. Bạn vô tình kẹt giữa cơn biển tình chênh vênh, không biết đâu là bờ, đâu là bồ, đâu là bạn.

Dưới đây là 5 câu chuyện người thật việc thật (nhưng tên nhân vật đã được thay đổi) của những con người tại Vietcetera, về cách họ thoát friendzone” thành công.

Linh — Tình yêu đôi khi phải đi đường vòng

Mình và Khoa gặp nhau qua một cộng đồng mạng xã hội. Nhanh chóng kết thân, chúng mình thường xuyên trò chuyện và không giấu diếm nhau điều gì. Ở bên Khoa, mình không cần phải cố gắng đóng vai một ai khác.

Khoa thích mình và chưa bao giờ ngại “chơi bài ngửa”. Bạn nhiều lần ngỏ lời về việc muốn tiến xa hơn. Nhưng vì trêu nhau là bản chất của tình bạn này, nên mình không nghĩ Khoa nói thật. Với mình, Khoa chỉ là một “đứa em ngoan”.

Suốt 7 năm, Khoa nhìn mình mải mê lao vào những mối tình khác nhau. Suốt 7 năm, Khoa kiên nhẫn ngồi lắng nghe những câu chuyện của mình, về những lần yêu và những lần đổ vỡ. Suốt 7 năm, Khoa chấp nhận và chữa lành những vết thương của mình. Để rồi lại nhìn mình lao vào một người khác.

Khoa và mình xa nhau về địa lý nhưng rất gắn kết về tinh thần. Cho đến một ngày trước khi rời Hà Nội, Khoa hẹn gặp mình tại một quán cà phê. Bằng một thế lực vô hình nào đó, chúng mình nắm tay lần đầu. Và cái nắm tay ấy đã cho mình câu trả lời. Sau quá nhiều lần sai, mình nhận ra, chỉ có Khoa mới là người đúng nhất.

Sau quá nhiều lần sai mình nhận ra chỉ có Khoa mới là người đúng nhất Nguồn Unsplash
Sau quá nhiều lần sai, mình nhận ra, chỉ có Khoa mới là người đúng nhất. | Nguồn: Unsplash

Những mối quan hệ được xây dựng từ tình bạn thường rất vững chãi. Không có công thức chung nào cho việc thoát “friendzone” cả. Nhưng nếu bạn đủ chân thành và kiên nhẫn, đừng từ bỏ. Có những loại tình yêu phải đi đường vòng thì mới về vạch đích.

Triết — “Friendzone” không nhất thiết phải là một điều tệ

Ngày vào lớp 10, mình gặp Ánh. Ánh là người bạn cùng lớp, và là người luôn toả sáng trong mắt mình mỗi khi xuất hiện. Như một thông báo trước lớp, mình thích Ánh ra mặt. Mình làm mọi cách như tặng đồ ăn, hát hò, và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến Ánh. Cứ như vậy suốt 3 năm.

Ánh vẫn nhận quà mình gửi, và vẫn ngồi lên yên sau xe đạp của mình mỗi khi đi với lớp. Nhưng bạn luôn khách sáo với mình, dù vẫn rất nhiệt tình với các bạn nam khác. Mình luôn cảm thấy thoải mái mỗi khi ở gần Ánh. Nhưng mình cũng thấy một “bức tường" vô hình và kiên cố mà bạn ấy xây lên.

Mình luôn cảm thấy thoải mái mỗi khi ở gần Ánh Nhưng mình cũng thấy một “bức tường vô hình và kiên cố mà bạn ấy xây lên Nguồn Shutterstock
Mình luôn cảm thấy thoải mái mỗi khi ở gần Ánh. Nhưng mình cũng thấy một “bức tường" vô hình và kiên cố mà bạn ấy xây lên. | Nguồn: Shutterstock

Nhưng việc Ánh từ chối tình cảm hiếm khi khiến mình buồn. Lúc đó, mình lại thấy khá lạc quan. Bạn là động lực giúp mình chăm học và năng nổ hơn trong hoạt động của lớp. Mình thường dùng cớ “làm cho lớp” để làm gì đó cho Ánh. Sự quan tâm đến một cá nhân cũng có thể được nhân rộng thành quan tâm một tập thể. Miễn là sự quan tâm ấy không ảnh hưởng đến những tình bạn khác của mình.

Friendzone không nhất thiết phải là một điều tệ. Tuy không nhận được tình cảm của Ánh, mình vẫn nhận được rất nhiều: những người bạn chí cốt, vốn kiến thức sau nhiều năm miệt mài, và sự năng nổ trong các hoạt động hội nhóm.

Khanh — Thành tri kỷ từ những lần “friendzone nhau"

Mình nảy sinh tình cảm với Bảo từ cấp ba, khi cả hai chỉ vừa trở thành bạn bè. Mình luôn thể hiện điều đó rất rõ trong những lần cả hai đi chơi riêng. Bảo biết nhưng vờ như mình vô tội. Lúc đấy, Bảo hay kể với mình về những cô gái mà anh thích, với hi vọng mình hiểu được vấn đề.

Nhưng mình thoát "friendzone" không phải nhờ những tâm sự của anh. Thay vào đó, mình nhận ra: Bảo là một người bạn tốt, nhưng sẽ là một người bạn trai tồi. Tổ hợp sự giả ngu của Bảo, sự khai sáng của mình và thời gian dài hai đứa bên nhau vô tình biến mối quan hệ thành một tình bạn lâu bền.

Rồi Bảo sang Pháp du học và chúng mình duy trì tình bạn qua những dòng tin. Có lẽ vì nhớ nhà và những lần đi chơi cùng mình mà Bảo bắt đầu có tình cảm. Nhưng do lúc đó xa nhau, nên anh không thổ lộ.

Mình thì mảy may không biết gì, bởi lúc đó đã xác định rõ vị trí của Bảo trong đời. Mãi mấy năm sau, anh kể lại, mình mới vỡ lẽ. Lúc đó, những lần “friendzone nhau" của hai đứa cũng tự nhiên trở thành câu chuyện cười.

Đến giờ, Bảo là một trong những người bạn khác giới thân nhất của mình. Anh là một nơi an toàn để mình trải lòng về những chuyện mình không thể nói với ai.

Không rõ giữa “friendzone” và “bị friendzone”, cái nào đau đầu hơn. Nhưng nhờ có nó, mình có được một tình bạn keo sơn không phải ai cũng may mắn có được trong đời.

Thuỳ — Một “friendzone” được đan từ những nỗi sợ

Đức gap year khá lâu nên khi vào đại học, chúng mình chung lớp. Có thể vì lớn tuổi hơn nên Đức khác hẳn những thằng bạn thời trung học — rất biết cách chăm sóc người khác và nói chuyện cực kỳ duyên. Chơi được vài tháng, mình phát hiện Đức đã có người yêu. Hai người quen nhau từ thời cấp ba.

Vì lý do nào đó, Đức vẫn quan tâm đến mình một cách đặc biệt. Cậu ấy đưa đón mình đi học vì mình là dân tỉnh mới lên thành phố. Ngoài giờ học, Đức dẫn mình đi khắp nơi, dặn dò mình phải cẩn thận vì thành phố này đầy rẫy nguy hiểm. Có thể trong mắt Đức, mình như một đứa em gái xa nhà cần được chở che.

Có thể trong mắt Đức mình như một đứa em gái xa nhà cần được chở che Nguồn Shutterstock
Có thể trong mắt Đức, mình như một đứa em gái xa nhà cần được chở che. | Nguồn: Shutterstock

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu Đức không gọi nhầm tên mình khi đi với bạn gái. Chuyện đó, cùng nhiều xích mích khác khiến Đức và bạn gái quyết định chia tay.  

4 năm đại học, mối quan hệ giữa mình và Đức luôn là một vòng lặp. Đức hẹn hò chóng vánh với rất nhiều người; và mình cũng mải mê với những mối tình không đầu-không đuôi, tốn nhiều nước mắt. Giữa những mối quan hệ đó, Đức vẫn luôn nhìn mình bằng một ánh mắt khác. Ánh mắt mà chỉ những lần say xỉn, qua những tấm ảnh nhoè, tụi bạn thân và mình phát hiện ra.

“Friendzone” giữa mình và Đức là một rào cản được đan bằng những nỗi sợ. Sợ đánh đổi. Sợ mất bạn thân. Sợ bị đối xử như một-cô-gái-nữa lướt qua đời Đức. Sợ tụi mình trưởng thành theo hai hướng khác nhau… Và nỗi sợ, dĩ nhiên là lớn hơn tình yêu mình dành cho Đức.

Việt Vân — Có cần định nghĩa lại “friendzone”?

Ai đọc Cởi Mở thì chắc sẽ biết câu chuyện này. Mình gặp Nhất trong một nhóm cứu trợ động vật, và say nắng vì sự tốt bụng và thật thà của anh. Làm bạn được 3 tháng, mình quyết định tỏ tình.

Nhưng rồi anh thổ lộ mình là asexual. Cũng như asexual, ngày ấy chẳng ai biết friendzone là gì. Có lẽ vì vậy mà mình không đặt nặng chuyện phải gạt bỏ một người ra khỏi đời mình nếu không yêu được người đó. Lúc đó chỉ nghĩ, Nhất là một người đặc biệt, và mình chắc chắn phải giữ anh trong đời.

Phần còn lại thì bạn biết rồi đấy.

“Friendzone” với mình giống như một nơi để thoải mái khám phá những người bạn xung quanh. Nếu tình bạn đó đủ “chất lượng” và vững chãi, thì bạn sẽ cảm thấy an toàn thay vì lo sợ mất nhau.

Cảm xúc của mỗi người là một dòng chảy, có lúc lên lúc xuống. Nếu một ngày người bạn cùng lớp hay anh bạn thân có tình cảm với bạn, chuyện đó sẽ tự nhiên mà đến. Nhưng nếu có ý định tiến xa hơn thì cả hai nên ngồi xuống và xác định mối quan hệ rõ ràng.

Những pha xử lý class