Tốt nghiệp đại học và trở thành tiến sĩ từ năm 40 tuổi, là tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên tại Việt Nam, Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết là minh chứng cho câu nói: “Học, học nữa, học mãi”. Bên cạnh cải lương, cô còn có nhiều niềm đam mê với những quy luật vũ trụ và những nghiên cứu xung quanh não bộ con người.
Xuyên suốt cuộc trò chuyện với host Thuỳ Minh tại podcast Have A Sip, cô đã đưa khán giả thăng trầm theo những chia sẻ, những chiêm nghiệm trong cuộc sống, thông qua kho khiến tức khổng lồ cô đã tích lũy được trong suốt 80 năm tuổi đời, và gần 70 năm tuổi nghề.
Cùng lắng nghe những chia sẻ của NSND Bạch Tuyết tại Have A Sip nhé!
Sự bất ổn định mới là bản chất của cuộc sống
Sau nhiều năm sự nghiệp, cô nhận ra sự khác biệt giữa việc hoá thân thành một nghệ sĩ cải lương, với việc trở thành nhân vật chính của thước phim cuộc đời. Nếu như sân khấu có tính quy luật, diễn viên đã có sẵn kịch bản, và mình chỉ cần tập thoại sao cho đúng. Thì ngoài đời, mình phải tự biên, tự diễn.
Để giảm bớt gánh nặng và những điều tiêu cực, cô khuyên mọi người nên chấp nhận rằng, không có ngày nào giống ngày nào. Có những ngày chưa thức dậy mà trời đã bừng sáng, nhưng có những ngày trời trưa nắng rồi nhưng vẫn âm u. Cuộc sống sẽ có những ngày bình yên, đan xen những ngày bão tố.
Nếu mình ngạc nhiên và hốt hoảng khi gặp bão táp, đó là do bản thân chưa nắm bắt được quy luật vận hành của vũ trụ, còn nếu nắm rồi thì sẽ cảm thấy thanh thản, bình yên, vì: “Đó cũng chỉ là quy luật thôi chứ có gì đâu.”
Biết hai điều này, cả đời sẽ không bao giờ khổ
Cô quan điểm mỗi người đều đang gieo trồng 1 hạt giống, và những việc chúng ta làm sẽ góp phần nuôi dưỡng hạt giống đó. Nếu bạn luôn tử tế và biết ơn cuộc đời, thì đến mùa gặt hái, bạn sẽ gặt được thành quả “so good”, và nó không thể nào khác được.
Khi gặp một người già bán vé số, cô suy nghĩ: “Tiền xài có hết đâu mà sao mình không cứu người ta được”, và từ đó hình thành nên thói quen giúp đỡ người khác. Nếu trồng hạt giống xấu thì cây gieo lên sẽ xấu. Nếu không quan sát, để ý, bạn sẽ thắc mắc; “Ủa cây này đâu phải của tui”, từ đó lại nảy sinh lòng hận thù sâu sắc với thế giới.
Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận.
Những kiến thức này ta đều không thể học trong trường lớp, vì những điều này là những viên ngọc thô mà bản thân mỗi người phải tự tìm tòi, khám phá và mài dũa. Bởi lẽ nếu biết được điều gì càng dễ dàng, chúng ta càng dễ lãng quên.
Những khoảng cách thế hệ
Ở thời cô, cải lương thường phải cạnh tranh với sự phổ rộng của các bộ phim Ấn Độ. Tuy nhiên, cải lương vẫn được yêu mến đến tận thời nay, vì nó mang đậm cái hồn và phản ánh sâu sắc văn hoá dân tộc.
Những vai diễn trong các vở cải lương phản ánh sâu sắc thân phận con người trong xã hội: Từ người con gái bán mình nuôi cha mẹ trong Nửa đời hương phấn, đến nỗi đau đáu một kiếp người trong Thảm kịch tuổi xanh…
Nhưng ở thời nào, khán giả cũng đón nhận nghệ sĩ, cốt lõi là vì những giá trị họ đem lại cho cộng đồng, rồi mới đến tài năng, chuyên môn. Bởi lẽ sẽ có nhiều thế hệ tài năng, giỏi giang hơn có thể thay thế những thế hệ cũ.
Ở thời điểm hiện tại, nghệ sĩ trẻ có nhiều tài năng hơn, và họ có mạng xã hội như Facebook hay YouTube để dễ dàng tương tác với khán giả hơn. Tuy nhiên, hình ảnh của nghệ sĩ trong lòng công chúng vẫn là chính yếu. Và cô mong thế hệ trẻ sẽ tập trung vào việc truyền tải các giá trị, bản sắc dân tộc, thay vì đuổi theo những giá trị vô hình.
Kết
Cụm từ “Know how to use” được cô sử dụng để đúc kết mọi vấn đề, và cũng là cụm từ Tiếng Anh cô thích nhất. Khi đã nắm bắt được những kỹ thuật, quy tắc, bạn phải biết sử dụng những gì mình đang có, để những giá trị con người hay tri thức - những thứ xuất phát từ tâm, sẽ không bị “oxi hoá” hay mai một theo thời gian, như những đồ vật hiện hữu ngoài cuộc sống.