NSND Bạch Tuyết, thích nghi và những bài học từ cải lương | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

NSND Bạch Tuyết, thích nghi và những bài học từ cải lương

“Không ai đắm mình trong dòng nước cũ, cải lương cũng thế.”
NSND Bạch Tuyết, thích nghi và những bài học từ cải lương

NSND Bạch Tuyết. | Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

“Sân khấu dạy tôi tất cả. Bài học lớn nhất là dạy làm người” - Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết đã bắt đầu cuộc trò chuyện với series podcast Trăm Năm Sân Khấu bằng cách như thế.

Khác với các cuộc trò chuyện diễn ra trước đó, tập 4 lần này là những chia sẻ vô cùng cá nhân trong 60 năm bền bỉ làm nghề của một nghệ sĩ gạo cội, nhưng vẫn đi sâu được vào cốt lõi của bộ môn nghệ thuật này.

Những bài học đầu tiên

Khi hỏi điều gì mình đã học được từ trong cải lương, NSND Bạch Tuyết đã không ngần ngại mà trả lời rằng, “đó là lòng thương người và sự biết ơn.” Bà nói mình rất may mắn khi gặp được nhiều người thầy vô cùng vĩ đại, mà khi có cơ duyên ấy đã thành công thâm nhập kinh tạng, mở ra trí tuệ bao la như biển như trời.

Là người đã đóng gần “500 vở kịch cũng như 500 cuộc đời,” NSND Bạch Tuyết cảm thấy vinh dự khi được hóa thân vào các tác phẩm của những soạn giả vô cùng tài năng. Trong lúc làm nghề bà cũng không ngừng trau dồi bản thân, để sống đúng như những gì cải lương mong muốn gửi gắm.

Nhìn lại quá trình làm nghề, bà đúc kết rằng khi có danh tiếng, thì chính thái độ sẽ quyết định rằng liệu ta là ai. Bà cũng nhớ lại lời khuyên của “má Bảy” – NSND Bảy Nam, người thầy của mình, “mỗi phút đứng trên sân khấu là đang bước trên lưng của rất nhiều người, từ anh hậu đài đến các soạn giả, nên phải sống sao cho thật đàng hoàng.”

Và cũng có thể bởi lời khuyên đó, NSND Bạch Tuyết luôn luôn trân quý bộ môn nghệ thuật mà mình đã dành hết mọi đam mê. Là người không ngừng chuyển động, bà cũng nói rằng bản thân phù hợp với từ “thích nghi”, nơi mà mọi thứ đều rất dễ dàng để mà giải quyết, nếu như ta hiểu được cuộc sống này.

Bà tiết lộ nếu có “kiếp sau” thì vẫn mong muốn được làm nghệ thuật, bởi đó là “nghề đẹp nhất, sang nhất, sạch sẽ nhất và ít nghiệp nhất”. Hơn nữa còn là hào quang và tình yêu thương từ các khán giả, mà mỗi vai diễn là mỗi cuộc đời, nơi người diễn viên sẽ được sống lại một cuộc đời khác mình chưa trải qua.

Thích nghi trong suốt hành trình

Là người tin vào triết lý Phật giáo, NSND Bạch Tuyết tin rằng ở trong mỗi người, đi kèm với một thân tướng là 2 không-sắc tướng: tâm và ý. “Bởi lẽ cuối cùng của sắc tướng là sắc không, cuối cùng của sắc không là sắc tướng, cho nên mọi thứ luôn được kết nối với nhau bởi từ trường.” Và rằng mọi thứ là một vòng tròn liên tục lặp lại.

alt
Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu

Đi từ mong muốn thay đổi thế giới để rồi nhận ra đó là ước muốn thay đổi chính mình, NSND Bạch Tuyết cho rằng mọi thứ trong cuộc đời này luôn là tương đối, và cách ta nhìn quyết định mọi thứ. Nếu ta phát lên năng lượng tích cực, thì sẽ thổi bùng luồng ánh sáng đó, khiến cho cuộc sống tươi đẹp và đáng sống hơn.

Với bà, “thích nghi” không phải là sự “đòi hỏi” thế giới phải lắng nghe mình, mà là một cuộc tự vấn bản thân, để hiểu rằng mình cũng đang chuyển động trong lòng vũ trụ. Khi bản thân ta một lòng hướng thiện, thì ta cùng với trời đất sẽ là như nhau.

Trở thành đào chính từ năm 16 tuổi và rồi có bằng Tiến sĩ đầu tiên ở bộ môn này, khi hỏi về nhịp sống mới của nghệ thuật cải lương, NSND Bạch Tuyết đã chia sẻ rằng cải lương như một con sông, và cũng như là con người, không ai đắm mình trong dòng nước cũ.

Hơn trăm năm qua nó cũng thay đổi khi phải đứng trước dòng chảy văn hóa liên tục đảo chiều. Đi từ khởi sinh chưa có vọng cổ đến bài Dạ cổ hoài lang với 20 câu. Để rồi theo nhịp sống riêng, nó rút xuống còn 6 câu, còn 4 và cũng ra đời thêm các bài tân nhạc cùng các bài lý.

alt
Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

Do đó “thích nghi” là phải tiếp biến với nhiều yếu tố để hiểu rằng thay đổi là điều tất yếu. Khán giả sẽ đến với thứ mà người ta cần. Trong quá trình đó, nghệ sĩ cũng nên quan sát và tự độc bước trong việc sáng tạo, bởi có khởi ý là sẽ gặp được, điều mình nói ra tự khắc người thấy phù hợp thì sẽ nghe được.

Căn tính của cải lương

Là một bộ môn đậm tính dân tộc, NSND Bạch Tuyết cũng chia sẻ rằng căn tính của cải lương là căn tính dân tộc. Nó cũng nằm trong dòng chảy hướng đến cái đích cuối cùng của toàn nhân loại, là tính hướng thiện.

Đối với cải lương, người nghe không cần phải học hay cố thuộc lời, mà nó đã sẵn ở đó như là “bản sắc” – khi mới sinh ra thì đã biết rồi. Trong mỗi câu ca dù là ngắn nhất, thì lịch sử, thời cuộc, bài học đối nhân xử thế… cũng tự hiện ra, khi mà đời người chỉ như hạt bụi trong cái chớp mắt của vũ trụ lớn.

Trong cuộc trò chuyện về các vở kịch và những nhân vật đã thành ngẫu tượng, bà cũng cho thấy khả năng hợp nhất của người nghệ sĩ cùng với sân khấu, khi ta không chỉ là một nghệ sĩ, là một con người, mà cũng còn là kiếp sống khác khi hóa thân thành nhân vật.

Thái hậu Dương Vân Nga chính là vở kịch để đời, và cũng là tác phẩm mà nếu chỉ còn một lần để diễn, bà xin nguyện mình để hóa thân vào. NSND Bạch Tuyết cũng chia sẻ rằng dù có hát hay đến đâu mà không cảm, không yêu đất nước như những bài ca mà nó viết về, thì người nghệ sĩ cũng không thành công.

alt
Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

Vì vậy, giống như “cáo chết 3 năm quay đầu về núi”, mỗi người chúng ta là mỗi nhân vật, là cát, là bụi, là núi, là sông… của nước Việt này. Nên điều cần làm là hãy biết ơn và sống hết lòng để trả lại “bụi” mà mình đã vay từ bậc tiền nhân, từ đó trọn vẹn nên một kiếp người.

Nghệ thuật chính là sân khấu, và nơi sân khấu chính là cuộc đời. Như lời của NSND Năm Châu “nghệ thuật không vì nhân sinh thì để làm gì?”, qua buổi trò chuyện với NSND Bạch Tuyết, ta nghe trong những lời hát là sự kết nối, là lời ru êm và cũng đồng thời là bài học làm nghề, làm người vô cùng sống động.