Về một ký ức rực rỡ của nghệ thuật cải lương  | Vietcetera
Billboard banner

Về một ký ức rực rỡ của nghệ thuật cải lương 

Qua hồi tưởng của nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu, câu chuyện ký ức của các gia tộc luôn là “chất liệu” cung cấp cho ta những góc nhìn riêng hướng về lịch sử.
Về một ký ức rực rỡ của nghệ thuật cải lương 

Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu chính thức bước lên sân khấu từ lúc 3 tuổi, trong vở Mỹ nhân và Loạn tướng với mức thù lao là 5 hào bạc. Thế nhưng ít người biết rằng từ khi còn trong bụng mẹ, ông đã cảm nhận những câu hát đầu tiên. Chính tại đoàn Thanh Minh – Thanh Nga mà ông trưởng thành, lớn lên trong bầu không khí của ngày xưa cũ.

Thế nhưng thời thế đổi thay, đoàn hát “rã cánh” khiến cho những ngã rẽ mới dần dần xuất hiện. Suốt thời gian qua, NSƯT Hữu Châu đã gây được ấn tượng mạnh trong mảng kịch nói với sân khấu IDECAF, tạo nên tuổi thơ của nhiều thế hệ. Dù vậy gần đây người ta thấy ông cũng đã trở lại sân khấu cải lương, như một tiếng gọi hướng về nguồn cội.

Mới đây, ông đã xuất hiện trong series podcast Trăm Năm Sân Khấu, nơi hun đúc tình yêu với nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là cải lương. Từ những lời kể của một “chứng nhân” trong thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương, những sự thật lần đầu tiết lộ.

“Đại ban” nức tiếng của giới cải lương

Nhắc đến cải lương chắc hẳn không ai là không biết đến gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga 4 đời làm nghề. Bắt đầu từ ông Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa), vào năm 1951, ông cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Thơ thành lập gánh hát Thanh Minh ở tại Bạc Liêu. Đây là “cái nôi” sản sinh ra nhiều “ngôi sao”, có thể kể đến như các nghệ sĩ Thanh Nga, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Bảo Quốc…

NSƯT Thanh Nga theo đó được ông Năm Nghĩa ra sức rèn luyện, để đến năm 16 tuổi, bà đã được trao giải Thanh Tâm đầu tiên vào năm 1958, với vai Sơn Nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới. Từ đó ông/bà bầu Thơ đổi tên gánh hát thành Thanh Minh - Thanh Nga. Một năm sau đó thì ông qua đời, để bà bầu Thơ gắn liền với 2 thập niên phát triển vang dội.

Có thể nói rằng Thanh Minh – Thanh Nga là một trong những đoàn hát tồn tại lâu nhất và có tầm ảnh hưởng nhất trong suốt gần 30 năm tồn tại của mình. Như NSƯT Hữu Châu nhận định, trong khi những đoàn hát khác chỉ “sống” từ 1 cho đến 2 năm, bởi lẽ “một đời bầu, một trào diễn viên”, thì 30 năm của bà bầu Thơ là một dấu mốc vô cùng quan trọng trong nghệ thuật này.

Theo cuốn Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam của nhà nghiên cứu Trần Văn Khải, thì đoàn Thanh Minh -Thanh Nga xuất hiện vào khoảng thời kì thứ ba (1946-1965). Đoạn này bắt đầu từ sau Đệ nhị Thế chiến, và chịu khá nhiều biến động về mặt thời thế. Tuy vậy đoàn hát của bà bầu Thơ vẫn là cái tên đầu cho những đoàn khác từ đó noi theo.

Ông Trần Văn Khải cũng ghi chép lại, vào năm 1964, “Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga của Bà Nguyễn Thị Thơ được tặng giải thưởng ‘Ban ca-kịch xuất sắc nhất’ nhờ sân khấu sáng đẹp, tuồng tích chọn lọc, diễn viên ưu tú”. Ông cũng ghi thêm: “Đoàn nầy (này) sở trường diễn tuồng Xã-hội được công-chúng tán-thưởng tài-nghệ của các kịch-sĩ đã diễn-xuất đồng-đều và sống-thực”

Ngoài tuồng xã hội như Lỡ bước sang ngang, Sân khấu về khuya… thì Đoàn cũng diễn các loại tuồng khác, như tuồng Tàu, tuồng dã sử, tuồng hương xa… Thế nhưng bao trùm tất cả, đều có công lớn của bà Bầu Thơ.

Chân dung của bà Bầu Thơ

Theo đó bà Nguyễn Thị Thơ thường được ưu ái gọi là bầu Thơ, chính là bà nội của NSƯT Hữu Châu, và là vợ sau của ông Năm Nghĩa. Nói về danh xưng “bà bầu của các ông bầu – bà bầu”, NSƯT Hữu Châu lý giải do bà nội mình từng có thời gian “quản lý” rất nhiều diễn viên vô cùng danh tiếng, và rồi sau này họ cũng tách ra thành các đoàn riêng, từ đó mà cái tên ấy ra đời.

Nhớ về bà mình, NSƯT Hữu Châu nhớ đến một vị “nữ tướng” nắm giữ một đoàn hát lớn. Theo ông, công việc đó không phải ai cũng có thể làm được, khi “dưới trướng” mình là những nghệ sĩ vô cùng nhạy cảm, đầy vẻ vui buồn trong mọi khoảnh khắc, do đó để “điều khiển” họ cần nhiều khả năng.

Dù vậy có một thực tế là vai trò này đến với bà Thơ như một định mệnh, thiên về số phận. Bởi lẽ bản thân bà là một người “ngoại cuộc”, có xuất thân giàu sang và từng là vợ của quan hội đồng, nên những định kiến với giới nghệ sĩ vẫn còn tồn tại. Sau khi kết hôn cùng ông Năm Nghĩa, bà mới tiếp xúc với nghệ thuật này, trong khi trước đó không hề dính dáng hay có bất cứ sự am tường nào.

Nói về công việc, NSƯT Hữu Châu cũng tiết lộ bà là người cứng rắn cũng như mạnh mẽ. Tương truyền bà từng nói rằng: “Trong nghề này đứa nào giỏi thì được, không thì thôi. Lập gánh không phải là để lăng xê con cháu!”. Ông cũng cho biết bà nội của mình rất khắt khe với người trong nhà, ngay cả những người vang danh như NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc… cũng phải có duyên cũng như may mắn để mà theo nghề, chứ bản thân bà không có chủ trương đưa người trong nhà lên sân khấu lớn.

Hình mẫu của các đoàn hát

Và cũng có thể chính vì lẽ đó mà bà tạo được nhiều dấu ấn lớn cho sân khấu cải lương ở thời bấy giờ. NSƯT Hữu Châu cho biết Thanh Minh - Thanh Nga chính là “đoàn mẫu” cho các đoàn hát ở cùng giai đoạn noi theo. Có thành công đó là bởi bầu Thơ luôn luôn khắt khe trong các yêu cầu, như giữ trật tự ở trong hậu trường, không mở màn trễ, quảng cáo ra sao hát đúng như thế… Ngoài ra cảnh trí sân khấu cũng được các họa sĩ hàng đầu như Phan Phan, Lô Ca… thiết kế một cách công phu.

Còn nhớ khi nói về những ngày đầu của ngành cải lương, “ông già Nam Bộ” – cố nhà văn Sơn Nam đã từng viết về những sự ngộ nhận với các nghệ sĩ trong cuốn Nói về miền Nam như sau: “Đào kép cải lương ít ăn học, đa số xuất thân là… dân chăn trâu, hoặc gái ở mướn, gái cấy lúa […] Ngoài ra, nhiều người “hạ giá” ngành hát cải lương, xuyên qua những tin vắn dài trong tờ nhựt (nhật) báo: nào đào kép đánh lộn, hút á phiện, đổi thay tình chồng nghĩa vợ như cơm bữa..."

alt
Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

Tuy thế ở đoàn Thanh Minh Thanh Nga, chính bà bầu Thơ đã rất ý thức về tính tân kỳ cũng như mới mẻ trong đoàn của mình. Từ việc ý thức tạo sân khấu mới, đầu tư cảnh trí… khán giả ở giai đoạn đó, như NSƯT Hữu Châu nhớ lại, thường mặc đồ vest cũng như áo dài để đi xem hát, dần dần hình thành một trong những lớp khán giả tri thức bậc nhất của thời bấy giờ.

Bà cũng hiểu rằng không thể đòi hỏi tất cả vở diễn đều thật thành công. Với riêng Bầu Thơ, bà rất “mạnh tay” để mời soạn giả và diễn viên lớn tham gia tác phẩm của đoàn. Và dù cho nó không có thành công hay không sinh lời, thì bà vẫn coi đó là cơ hội, để những diễn viên có dịp học hỏi, từ đó tạo nên được sự nghiệp lớn.

Từ những điều trên có thể thấy rằng sân khấu cải lương từng có một thời hoàng kim với lớp khán giả tri thức và những tác phẩm mang nhiều giá trị. Dẫu danh tiếng đó ngày nay đã mai một dần, nhưng như NSƯT Hữu Châu khẳng định, “cải lương chưa bao giờ chết”. Nó vẫn đâu đó còn âm ỉ cháy, và đợi một ngày ngọn lửa của thời xa xưa sẽ thổi bùng lên, tạo nên một nhịp sống mới.