Pan's Labyrinth: Khi cổ tích êm ấm và hiện thực tàn nhẫn đi đôi | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
04 Thg 07, 2021
Điện ẢnhDVD

Pan's Labyrinth: Khi cổ tích êm ấm và hiện thực tàn nhẫn đi đôi

Không phải The Shape Of Water. Đây mới chính là bộ phim xuất sắc nhất của đạo diễn Guillermo Del Toro.

Pan's Labyrinth: Khi cổ tích êm ấm và hiện thực tàn nhẫn đi đôi

Nguồn: Warner Bros. Pictures

15 năm kể từ ngày ra mắt, Pan’s Labyrinth vẫn được biết đến như một tác phẩm bất hủ, đánh dấu sự nghiệp lẫn phong cách của đạo diễn Mexico, Guillermo Del Toro.

Năm 2017, khi Viện Hàn Lâm xướng tên ông cho giải Đạo diễn xuất sắc và The Shape Of Water cho giải Phim xuất sắc, tôi vừa cảm thấy hạnh phúc cho vị đạo diễn mình yêu thích, vừa cảm thấy tiếc cho Pan’s Labyrinth

Với những người chưa biết về Del Toro, ông là một người mê đắm với quái vật và thần thoại, với những tạo hình nghịch dị đặt giữa những câu chuyện giàu chất thơ một cách kỳ lạ. Với sự ám ảnh đó, Del Toro hoàn toàn có thể theo đuổi những bom tấn tầm cỡ như cách ông đã phù phép cho Hellboy và Pacific Rim.

Song trước đây, ông đã từ chối lời mời làm đạo diễn cho The Chronicles Of Narnia: The Lion, The Witch And The Wardrobe — một trong những bộ phim thần thoại nổi tiếng nhất mọi thời đại — để theo đuổi dự án Pan’s Labyrinth mà ông chắp bút và ấp ủ. Del Toro đã và luôn là một cái tên độc lập, nằm ngoài danh sách đạo diễn cộm cán thương mại của Hollywood.

Sự độc lập này đã giúp Del Toro giữ vững được phong cách điện ảnh và kể chuyện của mình, với Pan’s LabyrinthThe Shape Of Water là hai tác phẩm ấn tượng nhất. Dẫu khiêm tốn hơn về giải thưởng lẫn độ phủ, với tôi Pan’s Labyrinth là bộ phim đã đặt những viên gạch đầu tiên cho chiến thắng vinh quang sau này của ông.

pans-1
Ofelia — Nữ chính trong phim. | Nguồn: Warner Bros. Pictures

Bài viết này về Pan's Labyrinth là một lời mời gọi đến những ai chưa xem, và lời tri ân hoài niệm cho những ai đã từng. Bởi đối với tôi, Pan’s Labyrinth đại diện cho những gì Guillermo Del Toro muốn theo đuổi ở trường phái hiện thực huyền ảo — magical realism.

Câu chuyện cổ tích không dành cho trẻ em

Mang tựa gốc là El Laberinto Del Fauno (Mê cung của Thần Nông), Pan’s Labyrinth kể về Ofelia (Ivana Baquero) và hành trình để trở về của cô sau khi được một vị thần tiết lộ rằng cô là công chúa bị thất lạc của vương quốc người chết.

Với mở đầu đúng chất “ngày xửa ngày xưa”, khán giả được nghe câu chuyện về công chúa Moanna của Âm phủ. Vì tò mò nhân thế, nàng rời bỏ vua cha để lên mặt đất. Bị ánh sáng mặt trời làm mù đôi mắt, nàng mất sạch ký ức và sống cuộc đời như người phàm. Vua Âm phủ đã xây một mê cung đóng vai trò như cánh cổng giữa hai thế giới, với niềm tin một ngày nào đó con gái sẽ trở về.

Khi câu chuyện kết thúc, nhân vật chính ngay lập tức được giới thiệu. Bộ phim theo gót chân Ofelia khi cô bé và mẹ được chuyển đến doanh trại quân sự của Vidal (Sergi López), cha dượng của cô, cũng là một sĩ quan tàn ác dưới chế độ độc tài Franco ở Tây Ban Nha. Bà Carmen (Ariadna Gil), mẹ của cô được Vidal giao cho một trọng trách to lớn: hạ sinh cho hắn đứa con trai nối dõi.

Trước môi trường sống phúc tạp cùng bầu không khí tàn khốc của chiến tranh, Ofelia tìm niềm vui trong cuốn truyện cổ tích của mình. Để rồi một đêm nọ, một tiểu tiên (faery) dẫn lối cô vào một mê cung bí hiểm trong khuôn viên doanh trại và gặp Thần Nông.

Thần cho Ofelia biết rằng cô chính là công chúa Moanna bị thất lạc năm xưa, và rằng cô cần vượt qua ba thử thách để chứng minh sự “thanh khiết” của mình và trở về Âm phủ.

pans-2
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Ofelia, tiểu tiên và vị Thần Nông | Nguồn: Warner Bros. Pictures

 

Với lối kể song hành đó, Del Toro vẽ ra hai con đường, cùng hai bản ngã của Ofelia, từ đó dẫn dắt người xem qua một bộ phim đan xen thực-ảo. Ofelia lao vào hành trình của một nữ anh hùng, với một kẻ chỉ đường thông thái và phải đối diện với thế lực hắc ám.

Nhưng mọi thứ cô trải qua đều có sự đối xứng giữa thế giới cổ tích đầy phép màu và thế giới con người đầy tàn khốc. Từ đó chúng ta thấy Del Toro chia bộ phim mình thành hai nửa hoàn hảo: nửa kỳ ảo (magical) và nửa hiện thực (realism).

Ta thường nghĩ cổ tích là một thứ gì đó đẹp đẽ, màu hồng. Đó là cách văn hoá đại chúng đã phủ lên những gì nhẹ nhàng nhất cho tâm lý của trẻ em. Nhưng nếu ai thật sự biết về truyện cổ gốc của Andersen hay anh em nhà Grimm, cũng như hiểu về thuyết phân tâm học của Sigmund Freud, họ sẽ thấy cổ tích là một vùng đất của sự cấm kỵ và đầy tăm tối.

Chắc chắn không ít người đã từng đọc các phiên bản rợn người của Lọ Lem, khi mẹ kế dùng dao gọt gót chân để hai cô con gái có thể mang vừa chiếc hài thuỷ tinh. Hay công chúa ngủ trong rừng bị vị hoàng tử cưỡng bức. 

Còn với Freud, cổ tích là nơi chứa những ẩn ức của con người, nơi gieo mầm những dục vọng sâu kín nhất. Đó là một toà tháp nơi một cô gái bị giam cầm, mũi kim đâm vào tay một công chúa, sự vắng bóng của người đàn ông trong nhiều câu chuyện hay ba giọt máu rơi xuống tuyết. Tất cả đều là lớp phủ tiềm thức chúng ta tự tạo nên để che đi những biểu tượng tính dục ẩn đằng sau.

Thế giới cổ tích của Pan’s Labyrinth cũng tương tự. Đó không phải là câu chuyện dễ thương dành cho những đứa trẻ. Đi theo đúng quy chuẩn của thể loại dark fantasy, Pan’s Labyrinth dùng cổ tích và ba thử thách tưởng như đơn giản nhưng lại là tấm gương soi chiếu hiện thực tàn khốc mà không phải ai cũng nhận ra ở lần đầu xem phim.

Ba thử thách, một kẻ xấu và sự giao thoa thực-ảo

Ba thử thách đó lần lượt là: lấy chiếc chìa khoá trong bụng con cóc khổng lồ dưới gốc cây mục rữa, lấy con dao găm từ Kẻ Tái Nhợt (The Pale Man, một con quái vật chuyên ăn thịt trẻ em), và cuối cùng là hiến tế mạng sống của một tâm hồn trong sáng.

Theo Hành trình anh hùng của Joseph Campbell, mọi thử thách mà người hùng trải qua đều phải có một thế lực xung khắc. Đó là một ác nhân, một kẻ phản diện, một con quái vật. Mỗi khi thắng được thế lực đó, người hùng sẽ phát triển một bản dạng mới, với những nhận thức và bài học mới.

Trong Pan’s Labyrinth, ở cả thực tại và cổ tích, Ofelia đều gặp những thế lực xung khắc, và kẻ xấu lớn nhất không ai khác chính là đại tá Vidal.

pans-3
Các thế lực xung khắc trong hành trình của Ofelia | Nguồn: Warner Bros. Pictures

 

Vidal là một tên độc tài tàn ác, giết người không gớm tay. Hắn khinh thường phụ nữ với những tư tưởng bệnh hoạn. Vidal có niềm tin tuyệt đối rằng đứa con sắp chào đời của hắn là con trai, đe doạ tất cả những ai dám đặt câu hỏi.

Đối với hắn, cái thai của Carmen là quan trọng nhất, còn cô và Ofelia chỉ là hai cái gai trong mắt. Carmen đã khẳng định rằng nếu có bất trắc lúc lâm bồn, bằng mọi cách phải cứu đứa bé và không cần quan tâm đến người mẹ. 

Trên đường chinh phục ba thử thách, Ofelia gặp phải hai quái vật kinh tởm: một con cóc khổng lồ và một kẻ khát thịt trẻ nhỏ. Trên bề mặt, chúng là những thực thể trong thế giới đầy nghịch dị và kỳ quái của Ofelia. Nhưng nếu để ý cách đặt để những biểu tượng, chúng thật ra đều là những biến thể khác của đại tá Vidal.

Trong thử thách đầu tiên, Ofelia phải chui vào một gốc cây mục rữa và lấy chiếc chìa khoá trong bụng một con cóc khổng lồ. Nếu tinh ý quan sát kĩ, ta sẽ nhận ra gốc cây chính là hình dáng của tử cung: hai đường cong giao nhau tại một khoảng trống ở giữa là âm đạo. Đó là một biểu tượng thiêng liêng của người phụ nữ, là dấu ấn của sự khởi đầu, của sự sống.

Theo quyển sách cổ tích, đó từng là một cái cây đầy sức sống. Nhưng con cóc đã làm tổ trong gốc cây, kìm hãm và hút cạn sự sống của nó, khiến cho mọi thứ trở nên héo mòn. Điều này có làm bạn liên tưởng đến cặp nhân vật nào trong thực tế của Ofelia không?

pans-4
Gốc cây mục rữa với hình hài kỳ lạ | Nguồn: Warner Bros. Pictures

Con cóc và gốc cây là một ẩn dụ cho mối quan hệ độc hại mà Vidal đang trói buộc Carmen. Hắn không coi trọng phụ nữ, càng không hiểu về sự thiêng liêng của tính nữ, bởi đối với hắn, đó chỉ là một nơi để hắn gieo mầm cái xấu xí của mình mà hắn gọi là “giọt máu.”

Ở thử thách thứ hai, Ofelia phải dẫn theo ba tiểu tiên để tiến vào sào huyệt của Kẻ Tái Nhợt và đánh cắp con dao của hắn. Trong sào huyệt, hắn ngồi bất động bên một bàn tiệc thịnh soạn. Thần Nông đã dặn Ofelia tuyệt nhiên không được động vào bất cứ món ăn nào. Nhưng cô đã bất tuân lời dặn, đánh thức Kẻ Tái Nhợt. Dù thoát chết trong gang tấc, hai tiểu tiên dẫn dắt cô đã bị ăn thịt.

Ta có thể thấy sự tương đồng giữa vị trí đầu bàn tiệc của Kẻ Tái Nhợt và Vidal. Đó là một vị trí thể hiện sự kiểm soát và đầy uy quyền, Đó là vị trí có thể thấy tất cả, và mọi chú ý cũng đổ dồn.

Sự thoi thóp về thời gian trong thử thách này cũng là biểu tượng cho sự ám ảnh của Vidal với thời gian, bởi ông luôn mang bên mình chiếc đồng hồ quả quýt. Chi tiết này gợi nhắc đến một kẻ độc ác trong thần thoại Hy Lạp là Kronos, Titan của thời gian (từ chronological được lấy từ tên của vị Titan này, có nghĩa là “theo trình tự thời gian”).

Kronos đứng đầu các Titan, là cha của sáu vị thần Hestia, Demeter, Hera, Hades, Poseidon và Zeus. Khi nhận được lời tiên tri rằng mình sẽ bị lật đổ, Kronos đã ăn thịt các con mình, trừ Zeus may mắn thoát chết.

Kronos và Kẻ Tái Nhợt có chung sở thích ăn thịt trẻ con, cũng chính là mối liên kết với Vidal, tên độc tài sẵn sàng giết người vô tội để thực hiện mục tiêu của mình.

pans-5
Những sự tương đồng giữa Vidal và Kẻ Tái Nhợt | Nguồn: Warner Bros. Pictures

Ở thử thách thứ ba, Ofelia phải dùng con dao vừa lấy được để hiến tế sinh mạng của một linh hồn trong sáng, chính là em trai mình. Trong những phút cao trào nhất phim, hai thế giới của Ofelia như hoà làm một khi mọi thứ đưa cô đến mê cung của Thần Nông, sẵn sàng mở cánh cửa về Âm phủ.

Không còn quái vật nào nữa, kẻ thù trong thử thách này chính là Vidal bằng xương bằng thịt. Từ những biến thể trong hành trình cổ tích của Ofelia, kẻ xấu lớn nhất mà cô phải vượt qua giờ đây đứng trước mắt và dọa lấy đi mạng sống của cô.

Trong thời khắc sinh tử ấy, Ofelia một lần nữa bất tuân mệnh lệnh của Thần Nông. Cô lãnh viên đạn chí mạng, kết thúc cuộc đời mình vào ngay giây phút Vidal bị quân khởi nghĩa bắn chết.

Nhưng điều hoang mang nhất là trước khi hạ sát Ofelia, Vidal không hề nhìn thấy Thần Nông. Trong mắt hắn, cô bé đang nói chuyện với thinh không.

Vậy, liệu hành trình cổ tích của Ofelia có tồn tại? Và liệu cô có thật sự trở về Âm phủ để đoàn tụ gia đình, hay tất cả chỉ là một thứ huyễn hoặc trong tâm trí của một đứa trẻ?

pans-6
Khi cổ tích và đợi thực chạm nhau, đâu là thật, đâu là ảo? | Nguồn: Warner Bros. Pictures

 

Khi cái chết là sự giải thoát đẹp nhất của tuổi thơ

Có nhiều cách để diễn giải kết thúc đầy biểu tượng của Ofelia trong phim.

Nếu đi theo cách tiếp cận đơn giản nhất, chúng ta sẽ xem bộ phim này là một bộ phim thuần tuý fantasy, tức thần thoại, viễn tưởng. Tất cả các thử thách là có thật, được đặt ra để dẫn dắt Ofelia trở về nhà.

Ofelia đã chứng minh được sự thuần khiết của mình, bởi cô không chọn giết người vô tội vì lợi ích cá nhân. Chính Ofelia là người mang giọt máu của tâm hồn trong sáng. Khi hoàn thành mọi thử thách, Ofelia trở về nhà dưới hình hài công chúa Moanna, diện kiến vua cha và mẹ của mình.

Nếu diễn giải theo trường phái hiện thực kỳ ảo, chúng ta sẽ phải nhìn bộ phim dưới lăng kính tối tăm hơn để chấp nhận rằng: cái chết của Ofelia là một sự giải thoát.

Khi phim đặt người xem ở góc nhìn của Ofelia, mọi thứ thể hiện trên từng khung hình chính là thế giới do trí tưởng tượng hiếu động của cô tạo nên. Thế giới cổ tích của Ofelia không có thật. Những thử thách mà cô trải qua không chỉ là một cách thoát ly khỏi hiện thực mà còn có thể được xem là một cơ chế phòng vệ, giúp cô dễ dàng đối diện với những khắc nghiệt xung quanh.

Cô bé biến Vidal thành những con quái vật, và việc chiến thắng chúng giúp cô có thêm niềm tin vào thực tại. Khi sắp sửa giã từ cõi đời, cô dùng trí tưởng tượng của mình để vẽ nên một viễn cảnh tươi đẹp: được trở về nhà, được sống trong huyễn tưởng êm ái và quên đi thực tại đầy bi thương.

Nếu hiểu theo hướng này, Pan’s Labyrinth là hành trình tâm lý của một cô bé, một sự trong sáng thật nhỏ bé bị kiềm cặp bởi những bất hạnh mà chế độ Phát-xít mang lại. Và để tuổi thơ êm đềm đó mãi thuần khiết, cái chết chính là lựa chọn của cô.

pans-9
Tranh của cố hoạ sĩ Drew Struzan do chính Del Toro đặt vẽ để làm poster phim. Song, tác phẩm này chưa bao giờ được sử dụng mà chỉ được lưu hành trong các sự kiện/diễn đàn cho fan. | Nguồn: Imgur

Nếu nhìn bộ phim dưới hướng tiếp cận của nữ quyền luận (feminism), ta có thể thấy được đề tài về sự bất tuân (disobedience) là kim chỉ nam cho hành trình của Ofelia. Cô bỏ ngoài tai những mệnh lệnh từ người lớn, và cả những gì Thần Nông yêu cầu.

Việc chinh phục từng thử thách cũng là từng bước để Ofelia đến với thế giới người lớn. Cô đã đối diện với những vấn đề dục tính tuổi dậy thì và chứng minh rằng tâm hồn mình không bị vấy bẩn bởi những tư tưởng nam quyền độc hại của Vidal.

Những hình ảnh như trang sách đẫm máu, gốc cây mục rữa, củ nhân sâm và nỗi đau đớn của người mẹ mang thai đều là những biểu tượng đặc sắc thể hiện cho tính nữ của bộ phim này.

pans-7
Một số hình ảnh gợi tính nữ trong phim | Nguồn: Warner Bros. Pictures

Để viết về Pan’s Labyrinth một cách đầy đủ nhất thật sự không dễ, khi chính bản thân tác phẩm này đã là đề tài cho rất nhiều nghiên cứu khoa học điện ảnh và truyền thông trên thế giới. Điều tôi mong muốn truyền tải qua bài viết này chỉ là một vài cách tiếp cận để hiểu hơn một tác phẩm mà tôi cho là vô cùng kinh điển.

Thăm lại từng khung hình của Pan’s Labyrinth, tôi nhìn thấy tất cả những gì mà giới phê bình và khán giả đã khen ở The Shape Of Water nhưng được truyền tải tối giản, tinh tế và đầy tính biểu tượng hơn.

Song, tác phẩm điện ảnh nào cũng có “thời” của nó. Thành công của cả hai bộ phim là không thể so sánh được bởi chúng sinh ra ở hai thời điểm khác nhau. Các yếu tố văn hoá, xã hội, chính trị cũng khác nhau. Ta không thể chỉ đánh giá qua tài năng của riêng người đạo diễn.

Nếu áp dụng những hướng tiếp cận này cho The Shape Of Water, bạn sẽ có những góc nhìn tương tự, bởi hành trình tìm về Âm phủ của công chúa Ofelia không hề khác hành trình tìm về đại dương của công chúa Elisa (Sally Hawkins).

Nhưng với tôi, Pan’s Labyrinth vẫn là một bộ phim tốt hơn bởi tính nguyên bản của nó, cũng như đánh dấu tầm nhìn của một nhà làm phim có phong cách rất riêng biệt.