Phụ nữ trong show thực tế: Có nhất thiết phải đấu đá nhau? | Vietcetera
Billboard banner

Phụ nữ trong show thực tế: Có nhất thiết phải đấu đá nhau?

"Không drama thì lấy đâu ra rating." - "Bạn chắc chứ?"
Phụ nữ trong show thực tế: Có nhất thiết phải đấu đá nhau?

Nguồn: Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng 2023

Cô người mẫu A ném chiếc áo phông xuống đất. Các cô B, C, D xúm vào chỉ mặt, giằng co và thẳng tay tạt hai cốc nước vào mặt cô A.

Đây là phân cảnh giúp Vietnam's Next Top Model 2017 mùa All Stars tăng vọt rating. Tập phát sóng lọt ngay top 10 thịnh hành YouTube và cán mốc 1,5 triệu người xem chỉ sau 1 ngày công chiếu. Quả là một chiếc "phao cứu sinh" cho một chương trình thực tế đã phát sóng tới 7 mùa.

Hiểu ra nguyên nhân khá đơn giản dẫn tới phân cảnh trên, bạn sẽ phải đặt câu hỏi to đùng rằng người lớn nào lại hành xử đốp chát, chua ngoa và bạo lực như thế ngoài đời thực. Dù vô lý, khán giả vẫn mê say phân tích về cuộc tranh cãi, xem đâu là phe thiện, phe ác, cô gái nào đã hành xử không khôn ngoan.

Drama - Sức hấp dẫn "giá rẻ" của truyền hình thực tế

Truyền hình thực tế lần đầu xuất hiện tại Anh vào năm 1964, sau đó lan rộng ra toàn cầu. Ở Việt Nam, chương trình thực tế đầu tiên gọi tên Phụ nữ thế kỷ 21 năm 2006, tiếp sau đó là những Vietnam Idol, The Voice, Vietnam’s Next Top Model, Masterchef...

alt
Nếu drama là một thứ gia vị thì nhiều món ăn tinh thần đang trở nên... quá đậm đà | Nguồn: Vietnam's Next Top Model All Stars 2017

Dưới sự bùng nổ của truyền hình thực tế, các nhà sản xuất khắp thế giới đã phát hiện ra có một cách thu hút người xem nhanh với mức chi phí cực thấp. Đó là drama!

  • Sao phải tốn tiền làm sân khấu hoành tráng hơn khi các cô gái chỉ cần tranh nhau cái giường?
  • Sao phải thể hiện tài năng catwalk quá nhiều khi giám khảo và thí sinh đang cãi nhau tay đôi trên nền nhạc kịch tính?

Người ta có xu hướng đưa phụ nữ vào thật nhiều show thực tế vì phụ nữ vốn được cho là dễ ganh ghét nhau vì những chuyện "lông gà vỏ tỏi".

Mâu thuẫn giữa thí sinh với thí sinh, giữa thí sinh với giám khảo và giữa giám khảo với nhau. Tờ Forbes bình luận trong một bài viết từ năm 2012 rằng hầu hết các chương trình thực tế đều khiến phụ nữ trông như "kẻ thù không đội trời chung của nhau".

Dahan Phương Oanh, một thí sinh của Vietnam's Next Top Model All Stars 2017, và Cô Em Trendy Khánh Linh đã tiết lộ trong podcast ChicChat rằng các reality show họ tham gia thường xuyên đặt các câu hỏi "gài bẫy". Nhà sản xuất liên tục hỏi thí sinh có ghét người này không, ghét người kia không thay vì tập trung vào đam mê thực sự của các cô gái.

"Wholesome" vẫn ăn khách

Hình tượng phụ nữ thường xuyên được sử dụng (hoặc lạm dụng) như "nguyên liệu" tạo drama cho show thực tế. Nhưng phụ nữ và drama có phải công thức duy nhất để thành công?

Chắc chắn là không!

Năm 2011, Đài SBS (Hàn Quốc) ra mắt show truyền hình Heroes với dàn khách mời toàn nghệ sĩ nữ. Không có đấu đá, Heroes là nơi các nữ nghệ sĩ thoải mái thể hiện phiên bản gần gũi nhất của mình với công chúng. Chương trình đã lọt top "show truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất Hàn Quốc" trong thời gian đó.

Một phiên bản khác của Heroes với cái tên Thần Tượng Đến Rồi cũng được sản xuất tại Trung Quốc, quy tụ 10 sao nữ nổi tiếng bậc nhất nước này.

alt
Phân cảnh ấm áp khi Cổ Lực Na Trát (áo trắng) trải lòng với các chị em trong show | Nguồn: Thần Tượng Đến Rồi

Khoảnh khắc "wholesome" (ấm lòng, tích cực) của show diễn ra ngay ở tập 1 khi Cổ Lực Na Trát bật khóc trên bàn ăn. Thời điểm quay hình, cha cô mới qua đời vì bạo bệnh, Na Trát cũng chịu nhiều điều tiếng từ mối tình với Trương Hàn.

Nữ diễn viên cảm thấy tự ti, tự nhủ phải gồng mình khi tham gia Thần Tượng Đến Rồi nhưng gồng không nổi. Tâm sự của cô khiến Lâm Thanh Hà cũng khóc theo, tất cả các thành viên khác đều bày tỏ sự đồng cảm và giải tỏa áp lực giúp Na Trát xuyên suốt chương trình. Kết quả là Na Trát đã dần thoải mái thể hiện mình, các fan cũng thấy thần thái của cô tươi tắn hơn hẳn sau chương trình.

Khoảnh khắc "tình thương mến thương" của các chị em trong show thực tế cũng là yếu tố kéo fan khủng khiếp. Chẳng hạn Chi Pu ở Tỷ Tỷ Đạp Gió Rẽ Sóng Mùa 4 được "đẩy thuyền" với Amber hay Lưu Nhã Sắt. Hotsearch "Chi Pu tranh ăn với Amber" đã thu hút 38 triệu lượt xem trên Weibo, hay hashtag #ChiFe tổng hợp các khoảnh khắc của Chi Pu - Lưu Nhã Sắt cũng mang về 242 triệu lượt xem TikTok.

alt
Chi Pu và Amber đã đưa tên tuổi nhau đi lên sau những màn "tình thương mến thương" tại Đạp Gió | Nguồn: Tỷ Tỷ Đạp Gió Rẽ Sóng

Từ đây, fan của một nữ nghệ sĩ có thể trở thành fan của người còn lại, giúp tên tuổi của cả 2 đi lên. Tỷ Tỷ Đạp Gió Rẽ Sóng thường xuyên nằm trong top 10 show có rating cao nhất Trung Quốc, đưa nhiều ngôi sao "hết thời" tìm lại hào quang bằng sự cộng hưởng sức hút từ các chị em.

Điều gì làm nên một chương trình thực tế "wholesome"?

  • Mục tiêu của nhà sản xuất: Khi nhà sản xuất xác định mục tiêu của chương trình bao gồm gắn kết các thành viên, họ sẽ điều hướng các phần thi, tương tác phù hợp. Người tham gia được định hướng chia sẻ về khó khăn chung, những góc khuất để đồng cảm thay vì công kích một cá nhân khác.
  • Sự đầu tư: Show trình diễn cần có sân khấu hoành tráng, show kiến thức cần có nội dung chỉn chu, show giải trí phải có trò chơi sáng tạo. Nếu thiếu đi những yếu tốt cốt lõi này, chương trình rất dễ sa đà vào drama.
  • Cách truyền thông: Nhà sản xuất cần tiếp cận công chúng bằng những thông điệp tích cực và xuyên suốt. Chọn quảng bá "ăn xổi" bằng những drama chắc chắn không giúp chương trình có sức sống lâu bền.

"Wholesome" là xu hướng mới của các show thực tế khi khán giả đã chán ngán drama và những hình tượng phụ nữ đấu đá trên truyền hình. Các show như Next in Fashion, The Wedding Coach trên Netflix hay mới đây nhất là Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng 2023 bản Việt đều là những món ăn tinh thần xứng đáng để khán giả theo dõi và "detox" tinh thần trong dịp cuối năm.