Plato và giới trẻ Hà Nội bước vào... Đào - Philosophy Bar | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 09, 2023
Thưởng ThứcUống

Plato và giới trẻ Hà Nội bước vào... Đào - Philosophy Bar

Có ai ngờ một quán rượu tại một con phố tấp nập như Tống Duy Tân lại có thể là "tụ điểm tri thức" mới dành cho giới trẻ Hà Nội?
Plato và giới trẻ Hà Nội bước vào... Đào - Philosophy Bar

Nguồn: Facebook Đào - Philosophy Bar

Trong một ngày cuối tuần xả hơi nơi thủ đô, bạn rủ đứa bạn thân đi uống rượu. Nó kêu rằng, tao biết quán này hay lắm, không gian thoáng đãng mà giá cả phải chăng, tới đó tán dóc hay kể xấu sếp thì hợp vô cùng. Bạn gật đầu cái rụp, nghĩ rằng đây sẽ lại là một bữa cocktail với những câu chuyện vô tri như bao bữa rượu vô tri khác mà bạn vẫn thường có.

Thế nhưng khi tới quán, bạn thấy có gì đó... sai sai. Quán đúng là thoáng đãng, đồ uống ngon và đẹp mắt, nhưng những câu chuyện mà họ nói ở đó thì chẳng những không hề vô tri, mà rất chi là… nhiều não. Ở góc này, vài bạn trẻ đang bàn về một cuốn sách. Trong góc khác, một nhóm cả Tây lẫn ta cãi nhau ỏm tỏi về một luận đề triết học. Trên tường không treo tranh trang trí, mà đầy rẫy chân dung các triết gia và những trích dẫn nổi tiếng.

12sep202335938534512792580894340184607263639197332007njpg
Một không gian cho tri thức - và cocktail. | Nguồn: Facebook Đào - Philosophy Bar

Đó chính là tình cảnh của tôi tại Đào - Philosophy Bar ở 3B Tống Duy Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đúng như tên gọi, Đào - Philosophy Bar là nơi hội tụ của những câu chuyện tri thức. Tại đó, cocktail trở thành cầu nối giữa tư tưởng với đời sống, giúp kiến thức thẩm thấu vào những thực hành sống hàng ngày.

Rượu vào, triết gia

Nhìn chung, quán rượu đối với người Việt không phải là nơi để bàn những chuyện đau não, mà là chốn hò hẹn lứa đôi hay tụ tập bè bạn. Ta tìm tới rượu để vui vẻ cùng nhau hoặc để giãi bày tâm sự, chứ không phải để tranh luận về thế giới ý niệm của Plato hay quan điểm về bi kịch của Aristotle.

Chính vì thế, hướng đi của Đào là một hướng đi mới mẻ, tạo ra một thói quen mới cho giới trẻ Hà Nội. Các yếu tố bài trí đều kích thích trí tò mò của khách hàng về triết học, về lịch sử tư tưởng, cũng như các triết gia hay các nhà tư tưởng lớn. Đào làm điều này từ khi ta còn chưa bước chân vào không gian quán: bước trên cầu thang dẫn vào Đào là bước trên những kinh điển triết học (và cả văn chương) từ cổ chí kim trên thế giới.

12sep202336165713112842055656059372782534754779564489njpg
Lối vào đi qua hơn hai nghìn năm triết học. | Nguồn: Facebook Đào - Philosophy Bar

Cũng vì tinh thần triết học ấy nên thứ duy nhất xuất hiện trên những bức tường tại Đào là chân dung của các triết gia tiêu biểu: Socrates, Kant, Heidegger, Marx, v.v. Bên cạnh đó là một số câu nói của họ, dường như không phải để “làm màu” mà là để làm mồi, để mớm cho những cuộc hội thoại trên quầy bar, bên cạnh ly negroni đậm màu hay ly whiskey sour sóng sánh.

Điều thú vị tại Đào còn là không gian gợi nhớ tới những sa-lông của châu Âu vào giữa thế kỷ 19, nơi giới trí thức tụ tập và rôm rả chuyện trò. Bước vào quán, ta bắt gặp quầy bar trải sâu vào bên trong phòng, đối diện với dãy bàn hai người ở phía còn lại, trước khi bước vào khu vực sofa với bàn thấp, rộng rãi hơn và cũng thoáng đãng hơn. Mỗi bàn trong khu vực này có thể ngồi được khoảng 8-10 người, phù hợp cho các nhóm bạn “đàm đạo” đủ thứ chuyện trên đời.

Tất nhiên, đã là đàm đạo, nhiều khi không thể thiếu “mồi nhắm,” thế nên tại Đào có nguyên một menu tapas - món khai vị kiểu Tây Ban Nha - cho người tới quán thưởng thức. Các món ăn được chế biến đa dạng với bánh mỳ và các loại thực phẩm cả khô lẫn đã qua chế biến như thịt nguội, cá ngừ, lườn ngỗng, bí đỏ, nấm truffle, v.v.

12sep20233296988066328230986069297189826310912492njpg
Tapas tại Đào. | Nguồn: Facebook Đào - Philosophy Bar

Với khẩu phần vừa đủ, menu tapas song hành cùng menu cocktail đầy đủ từ các ly classic tới những signature của quán, rất phù hợp với không gian và cách bài trí Âu châu.

Ngoài không gian đó, Đào còn có một phòng riêng ở tầng hai với sức chứa khoảng 10 người. Đây là không gian kín với máy chiếu và không bật nhạc như không gian tại tầng một, là địa điểm lý tưởng cho những buổi họp, buổi gặp mặt, hay là chiếu phim.

Những buổi hẹn chiều thứ bảy

Một hoạt động đặc trưng của Đào - Philosophy Bar, đúng như tên gọi, là những buổi thảo luận và đàm thoại về tri thức, cụ thể là những chủ đề thuộc phạm trù triết học, lịch sử tư tưởng, hay văn chương và nghệ thuật.

Hoạt động này được thực hiện bởi Đào cùng những nhà nghiên cứu, những người hoạt động trong ngành giáo dục và nghệ thuật với niềm đam mê tri thức và - cũng giống như nhiều triết gia và nhà văn trong quá khứ - cả niềm đam mê với cocktail.

Tới thời điểm này, Đào đã tổ chức được bốn buổi trò chuyện, mổ xẻ nhiều chủ đề thường nhật dưới góc nhìn triết học, hay là đưa những chủ đề triết học về gần hơn với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ta có thể kể tới buổi nói chuyện đầu tiên về đạo đức học - chủ đề tưởng như rất rộng nhưng được diễn giả khéo léo thu hẹp phạm vi lại xuống những băn khoăn rất đời thường.

12sep202335663485812701460203452254723909357342113549njpg
Một buổi chiều tại Đào. | Nguồn: Facebook Đào - Philosophy Bar

Nếu như bạn thích những thứ mơ mộng hơn, thì Đào cũng đã thực hiện chuyên đề về tình yêu và triết học hiện sinh. Còn nếu bạn chuộng những thứ mới mẻ và “xoắn não” hơn một chút, thì thật tiếc khi bạn đã bỏ lỡ buổi nói chuyện “Triết học về thế giới ảo” mới tổ chức đầu tháng 8.

Tuy vậy, điểm nhấn của những buổi hẹn này thực ra không nằm ở chủ đề, mà nằm ở không khí mà chúng gợi nên. Ta đã quen tham dự những buổi thảo luận tri thức tại quán cafe hay không gian mở, hoặc là những tọa đàm triết học tại các viện nghiên cứu hay các trường đại học. Những không gian này phù hợp để thảo luận chuyên sâu, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thân thiện với người mới tiếp cận triết học ở cấp độ nhập môn.

Đây chính là thế mạnh của Đào nói riêng, và của việc hò hẹn tri thức ở một quán rượu nói chung. Không gian của Đào tạo cảm giác rất “chill” và cởi mở, cổ vũ tất cả mọi người đặt câu hỏi hay nói lên suy nghĩ của mình mà không phải lo sợ về chuyện nó đúng hay nó sai, hoặc là nó có… ngây ngô quá hay không. Trong không gian kín, với ánh đèn vừa đủ, ta cảm thấy những thảo luận về các chủ đề vốn hàn lâm nay rất gần gũi và dễ tiếp nhận.

Đó cũng chính là cảm nhận của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh - diễn giả chủ trì buổi hò hẹn đầu tiên về đạo đức học. Minh chia sẻ rằng chính không gian của quán đã trở thành chất xúc tác kéo tất cả lại để cùng học, cùng hỏi trên tinh thần tiếp nhận kiến thức, đối thoại với người khác và với chính mình.

Anh Quang Minh cũng chia sẻ rằng, bản thân anh rất ấn tượng với mức độ tập trung và sự hứng thú của khán giả trước một chủ đề nghe qua rất… kinh viện. Mọi người tới kín toàn bộ không gian tầng một, đứng tràn lên cả cầu thang tầng hai để cùng nghe diễn giả chia sẻ và sau đó thảo luận. Đó chính là cái hay của Đào và những buổi hò hẹn tại quán vào chiều thứ bảy.

Đào - Philosophy Bar ngụ tại tầng 2, số 3B Tống Duy Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cùng ghé thăm quán bar triết học và trải nghiệm đồ ăn và những ly cocktail tại đây nhé!

Giờ mở cửa: 18h - 1h (trong tuần), 18h - 2h (cuối tuần)
Mức giá cocktail: 180.000 - 280.000
Facebook
Instagram