Quảng cáo tình dục hóa trẻ em, nước 'đi vào lòng đất' của Balenciaga  | Vietcetera
Billboard banner

Quảng cáo tình dục hóa trẻ em, nước 'đi vào lòng đất' của Balenciaga 

Tại sao các sản phẩm “xấu như ma cấu” của Balenciaga có giá trên trời? (và vẫn có người mua.)
Quảng cáo tình dục hóa trẻ em, nước 'đi vào lòng đất' của Balenciaga 

Nguồn: Balenciaga.

1. Điều gì vừa xảy ra?

Bộ ảnh các mẫu nhí tạo dáng cùng túi Teddy Bear với những phụ kiện tình dục BDSM (bị trói cổ, tay, chân với dây xích, dây da,) đồ uống có cồn... của thương hiệu Balenciaga tạo ra tranh cãi trong cộng đồng gần đây.

Phản cảm, kinh tởm, lạm dụng trẻ em, tình dục hóa trẻ em, bóc lột trẻ em... là những cụm từ xuất hiện trong câu chuyện này.

alt
Chiếc túi Teddy Bear của Balenciaga. | Nguồn: Highsnobiety.

Được biết, bộ ảnh quảng cáo này nằm trong danh mục gift shop mùa Giáng Sinh của Balenciaga do Gabriele Galimberti - nhiếp ảnh gia đoạt giải National Geographic thực hiện. Trước đó, Gabriele đã dành hai năm vòng quanh thế giới để chụp bộ ảnh Toy Stories, gồm các em nhỏ bên cạnh các món đồ chơi tuổi thơ của mình.

Balenciaga cũng từng sử dụng một tài liệu vụ án liên quan đến nội dung khiêu dâm trẻ em (2002) làm nền trong một bức ảnh quảng cáo khác.

2. Các bên liên quan phản hồi thế nào?

Khi được Fox News đề nghị giải thích về vụ việc, Balenciaga từ chối bình luận về những tấm ảnh cũng như các lựa chọn trong quá trình thực hiện chiến dịch này. Sau vô số phản hồi tiêu cực, đại diện của Balenciaga đã đứng ra nhận trách nhiệm.

"Chúng tôi chân thành xin lỗi vì bất kỳ hành vi nhục mạ nào mà chiến dịch có thể đã gây ra. Những chiếc túi gấu bông lẽ ra không nên được giới thiệu bằng cách kết hợp trẻ em. Chúng tôi mạnh mẽ lên án việc lạm dụng trẻ dưới mọi hình thức và ủng hộ sự an toàn, hạnh phúc của các em."

Balenciaga cũng cho biết, họ đang làm những việc liên quan đến pháp lý với các bên chịu trách nhiệm sản xuất bộ ảnh. Hãng này cũng đã xóa tất cả hình ảnh khỏi mọi nền tảng (website bán hàng và mạng xã hội.)

Sau khi nhận hàng trăm email chửi bới, Gabriele Galimberti đã có phản hồi về câu chuyện này. Nhiếp ảnh gia cho biết ông không có tư cách bình luận về sự việc đang gây bức xúc. Ông còn cho biết mình chỉ được quyền kiểm soát về mặt ánh sáng và chụp theo phong cách cá nhân khi thực hiện bộ ảnh này.

3. Vì sao sự việc lần này hết sức nghiêm trọng?

Những năm gần đây, các chiến dịch quảng bá của các hãng thời trang liên tiếp gây tranh cãi, đặt câu hỏi lớn xung quanh các vấn đề phân biệt chủng tộc, bóc lột trẻ em, phân biệt giới...

Năm 2016, GAP nhận phải làn sóng chỉ trích vì bộ ảnh quảng cáo thời trang trẻ em có yếu tố phân biệt chủng tộc. Một chiến dịch quảng bá khác của H&M vào năm 2018 cũng bị chỉ trích phân biệt chủng tộc.

alt
H&M từng bị chỉ trích phân biệt chủng tộc trong 1 chiến dịch quảng cáo năm 2018. | Nguồn: Africa News.

Tuy nhiên, trường hợp của Balenciaga với chiến dịch quảng cáo kể trên còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nó được xem là ví dụ cụ thể cho việc bóc lột và tình dục hóa trẻ em. Các yếu tố về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em và ấu dâm cũng được đưa ra thảo luận hết sức nghiêm túc trong trường hợp này.

Ông Benjamin Bull (Cố vấn cho Trung tâm Quốc gia về Bóc lột Tình dục, Mỹ) cho rằng, "Balenciaga đang cố tình kết nối việc khiêu dâm trẻ em với sản phẩm của họ."

Kelsey Bolar cùng diễn đàn Phụ nữ Độc lập cho rằng, Balenciaga không có phận sự gì trong việc giới thiệu “sự trói buộc” (bondage trong BDSM) - một hành vi tình dục đồi trụy của người lớn cho trẻ nhỏ.

"Tệ hơn nữa, hãng này đang sử dụng những hình ảnh này để quảng bá sản phẩm của mình để thu lại lợi nhuận. Mong muốn tình dục hóa những đứa trẻ vô tội là một xu hướng đáng lo ngại trong nền văn hóa ngày nay.”

alt
Tài liệu một vụ án khiêu dâm trẻ em nằm trong ảnh quảng cáo của Balenciaga. | Nguồn: Balenciaga.

Không ít người cho rằng nhãn hàng Balenciaga thường sử dụng những chiêu sốc trong marketing, quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, chiến dịch quảng bá lần này của họ thực sự... kinh tởm.

Tài khoản Alison HowardC chia sẻ trên Twitter rằng, "Dừng ngay cái việc tình dục hóa trẻ em để bán những món đồ xấu như ma cấu với giá thì trên trời đi Balenciaga."

4. Big-tech liên quan gì đến câu chuyện này?

Các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, TikTok… được cho là có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (thể chất, tinh thần) của trẻ vị thành niên, nạn buôn trẻ em. Nhiều mạng xã hội đã tạm dừng hoặc thận trọng khi phát triển các nền tảng dành cho trẻ em.

Sau nhiều cáo buộc về lạm dụng và gây ảnh hưởng tiêu cực lên trẻ em, các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Instagram, TikTok... đã thắt chặt các nội dung về vấn đề này. Mới đây, Elon Musk khi lên làm CEO của Twitter cũng đã tuyên bố sẽ cấm tất cả những nội dung liên quan đến bóc lột trẻ em.

Trên thực tế, Balenciaga đã lần lượt "rút khỏi" các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Instagram,... Điều này được cho là cần thiết và các mạng xã hội/big-tech đằng sau cần xử lý mạnh tay hơn nữa với những vấn đề tương tự.

5. Tại sao thời trang “xấu như ma cấu” có giá trên trời? (và vẫn có người mua?)

Balenciaga là một trong những nhà mốt và thương hiệu thời trang xa xỉ trên thế giới. Các sản phẩm của Balenciaga đắt đỏ bởi vì đây là thương hiệu cao cấp và xa xỉ. Các sản phẩm của nhãn hàng này có danh tiếng hàng chục năm và tạo nên phong cách độc đáo.

Bên cạnh những thiết kế sáng tạo, kỳ công thì Balenciaga cũng không thiếu những "mặt hàng xấu xí." Những đôi giày cũ nát, sandal làm từ vỏ chai nhựa… được cho là xấu xí nhưng lại có giá trên trời (cả nghìn USD.)

Trên thực tế, không ít người đang yêu thích Ugly Fashion (tạm dịch: thời trang xấu xí,) một trào lưu không còn mới với những người yêu thích thời trang. Từ bộ đồ đôi chất liệu jean mà Britney Spears và Justin Timberlake từng mặc cho đến những đôi Crocs "xấu xí" của Balenciaga khiến một bộ phận yêu thích.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa thời trang xấu xí (Ugly Fashion) và trang phục xấu xí (ugly clothing.) Theo Dani Michelle (stylist của Bella Thorne, Lucy Hale,) "Thời trang xấu xí nói về một xu hướng, hoặc thiết kế nhất định có thể không đẹp nhất cũng như không gây ấn tượng về mặt thẩm mỹ vào thời điểm hiện tại." Bên cạnh đó, Michelle cũng khẳng định Ugly Fashion là "xấu nhưng mà phi thường."

alt
Đôi dép giá cả nghìn USD của Balenciaga. | Nguồn: Balenciaga

Tờ Business of Fashion nhận định, Ugly Fashion là một thị trường rộng lớn. Ngày nay, các thương hiệu thời trang cao cấp như Balenciaga, Rick Owens... đều có những dòng sản phẩm về Ugly Fashion.

Tờ fashionista cho rằng, thời trang xấu xí là cuộc đối thoại giữa thời trang, vẻ đẹp và sự xấu xí. Ugly Fashion cũng đồng nghĩa với chuyện không phổ rộng, không phải là thứ mọi người có thể mặc.

Ugly Fashion là một xu hướng, khác biệt và đắt đỏ. Bên cạnh đó, thuật ngữ ugly chic nhằm chỉ xấu xí nhưng sang trọng của nhiều người yêu thích xu hướng thời trang này quan tâm.

Khi bạn sử dụng một sản phẩm thuộc Ugly Fashion nghĩa là bạn dễ được nhận diện ở cả ba yếu tố kể trên. Còn gì tuyệt hơn khi được người khác biết rằng bạn bắt kịp xu hướng, bạn khác biệt và bạn có nhiều tiền với một đôi sneaker nát bươm hay một đôi sandal làm từ vỏ chai nhựa.