Đọc phần 1 của bài viết tại đây
5. The Fabelmans (Mỹ)
The Fabelmans nằm trong số những ứng cử viên lớn nhất của mùa giải Oscar sắp tới với giải thưởng tại LHP Toronto và giải Phim (drama) và Đạo diễn xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng. Bộ phim bán tự truyện về những năm tháng niên thiếu bước sang tuổi trưởng thành của chàng trai trẻ Sammy Fabelman được lấy cảm hứng từ chính thời trẻ của Steven Spielberg.
The Fabelmans kể hai câu chuyện song song: hành trình khám phá ra niềm đam mê điện ảnh của bản thân và những rạn vỡ không thể hàn gắn giữa bố mẹ mình. Hay nói cách khác, điện ảnh giúp ông khám phá ra những sự thật của gia đình và của chính mình.
Cảm thức và tình yêu điện ảnh được thể hiện xuyên suốt trong cả bộ phim, cho dù đây chỉ là bộ phim kể về một chàng trai mới lớn đang tập tọng làm những bộ phim nghiệp dư đầu tiên của đời mình. Ấn tượng nhất với tôi là hai lời “sấm truyền” của hai kẻ đi trước truyền lại cho Sammy.
The Fabelmans vẫn cho thấy Steven Spielberg là một đạo diễn bậc thầy về kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh, dù bộ phim mang màu sắc riêng tư và cá nhân nhất của ông.
4. Decision to Leave (Hàn Quốc)
Lại một lần nữa, sự tuyệt vọng của tình yêu được Park Chan-wook thể hiện trong một tác phẩm hình sự lãng mạn đậm chất cổ điển mà giới phê bình đã ca tụng trong năm qua: Decision to Leave, với màn diễn xuất của Thang Duy và Park Hae-il.
Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh ngọn núi và kết thúc bằng biển cả, mở đầu bằng một vụ án mạng của một nạn nhân rơi từ núi cao và kết thúc bằng cái chết trầm mình xuống biển sâu. Những ẩn dụ về núi và biển gần như xuyên suốt bộ phim.
Chất hình sự trên nền một câu chuyện tình lãng mạn gợi nhớ đến hai tác phẩm kinh điển là Vertigo của Hitchcock và In the Mood for Love của Vương Gia Vệ.
Cho dù khi xem Decision to Leave, tôi có cảm giác đạo diễn Park Chan-wook hơi lãng mạn hóa sự giết người, nhưng khi dẫn dắt khán giả đi hết cuộc hành trình của một câu chuyện tình tuyệt vọng liên quan đến những vụ án, ta hiểu được nỗi niềm của hai kẻ yêu nhau buộc phải buông tay vì không thể thuộc về nhau
3. Everything Everywhere All At Once (Mỹ)
Đối với giới mộ điệu điện ảnh, những “cinephiles” đích thực, Everything Everywhere All At Once (EEAAO) của bộ đôi đạo diễn Daniels là một làn gió mới, một cuộc cách mạng của nghệ thuật thứ 7 trong năm qua.
Tác phẩm độc lập của A24 Studio nhanh chóng trở thành hiện tượng ngay từ khi mới ra mắt và biến một bộ phim về đề tài đa vũ trụ khác của hãng Marvel trở thành trò con nít vì quá nghèo nàn về chất liệu và nhàm chán về cách thể hiện.
EEAAO là một bộ phim rất giàu năng lượng, rất mới về mặt ý tưởng và vượt trội về ngôn ngữ điện ảnh. Nó cuồng loạn, điên rồ, siêu thực nhưng lại rất đời, rất dễ tiếp cận - nhất là khi khai thác chủ đề gia đình của những người nhập cư gốc Á, vốn dễ bị trói vào những định kiến và khuôn mẫu sáo mòn. Dàn diễn viên gốc Á: Dương Tử Quỳnh, Quan Kế Huy, Stephanie Hsu… đều tỏa sáng với những vai diễn của riêng họ.
Không chỉ chinh phục khán giả, tác phẩm cũng được những nhà làm phim tên tuổi ca tụng vì sự vượt trội của nó. Đạo diễn Guillermo del Toro nói rằng bộ phim ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ con cái ông như cách thế hệ bố mẹ ông từng đón nhận The Graduate (1967): “Từ đây thế hệ gen Z đã có một bộ phim “đỉnh” của riêng họ, một cột mốc để một thế hệ có thể tự hào nói rằng “đó là tiếng nói của chúng tôi ở thời điểm đó.”
Alfonso Cuaron thì nói rằng sự đột phá của bộ phim này cũng giống như Pulp Fiction của Quentin Tarantino hay Transpotting của Danny Boyle hồi thập niên 90 vậy. “Có cảm giác như một nguồn năng lượng khổng lồ được đưa vào điện ảnh” – vị đạo diễn từng thắng 4 giải Oscar nhận định.
2. The Banshees of Inisherins (Ireland)
The Banshees of Inisherin vừa thắng giải Phim hay nhất ở hạng mục phim hài (comedy) tại giải Quả cầu vàng mới đây. Nhưng với tôi, nếu coi đây là phim hài thì nó hẳn phải là bộ phim hài buồn nhất thế gian.
Bộ phim tập trung vào mối quan hệ đang bên bờ vực tan vỡ giữa hai người bạn thân lâu năm trên một hòn đảo hư cấu tên là Inisherin, trong bối cảnh nội chiến Ireland những năm 1920. Nghệ sĩ vĩ cầm Colm Doherty (Brendan Gleeson) quyết định chấm dứt tình bạn tri kỷ với Pádraic Súilleabháin (Colin Farrell) – một gã chăn ngựa độc thân sống cùng em gái.
Giống như một câu chuyện hài hước đậm màu sắc ngụ ngôn hoặc như một vở kịch phi lý, tác phẩm mới nhất của đạo diễn người Ireland Martin McDonagh đã làm nên một bộ phim mang tính triết học về chủ nghĩa hiện sinh, đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại, chất vấn những giá trị của nghệ thuật…
Như một đoạn thoại giữa Colm và Pádraic: điều gì sẽ được nhớ khi người ta qua đời? Một tác phẩm nghệ thuật lừng danh hay sự tử tế của con người? Có phải nghệ thuật vĩ đại sẽ khiến chúng ta bất tử?...
1. Tár (Mỹ)
Trong hơn 20 năm qua, Todd Field chỉ biên kịch và đạo diễn 3 bộ phim: In the Bedroom (2001), Little Children (2006) và mới nhất là Tár (2022). Cả ba đều là những nghiên cứu về nhân vật đặc sắc và mang đến cho điện ảnh những vai diễn tỏa sáng đề cử Oscar.
Todd Field hẳn nhiên phải có những nghiên cứu rất sâu về thế giới của âm nhạc cổ điển, đặc biệt là những nghệ sĩ của lĩnh vực này để tạo nên một nhân vật xuất chúng như Lydia Tár, một nhân vật hoàn toàn hư cấu nhưng tưởng như được lấy từ một nguyên mẫu nào đó trong thế giới của nghệ thuật hàn lâm.
Lydia Tár (Cate Blanchett) được mệnh danh là một trong những nhạc trưởng và nhà soạn nhạc vĩ đại nhất còn sống, một trong hiếm nghệ sĩ trên thế giới đoạt bộ tứ EGOT (Emmy, Grammy, Oscar & Tony) và hiện đang là nữ chỉ huy trưởng đầu tiên của một dàn nhạc lớn của Đức (Berlin Philharmonic).
Tár xuất hiện đầu bộ phim với một hình tượng chói lọi, một thiên tài được kính trọng, một nhân vật quyền lực bậc nhất trong giới nghệ thuật hàn lâm đang trên hành trình đưa mình trở thành vĩ nhân với các dự án mới bao gồm bản thu âm trực tiếp Bản giao hưởng số năm của Mahler và cuốn sách sắp xuất bản Tár on Tár.
Nhưng ở một mặt khác, khi ống kính của Todd Field bám theo nhân vật từ phía sau, ta bắt đầu nhận ra Lydia Tar có những mặt trái méo mó. Và rồi khi những vết nứt bắt đầu xuất hiện, những đỉnh cao danh vọng và quyền lực của Lydia Tár có dấu hiệu sụp đổ.
Xuất hiện trong gần như toàn bộ 158 phút của Tár, Cate Blanchett đã cống hiến một vai diễn xuất chúng, một vai diễn không chỉ của năm mà của thập kỷ. Todd Field và Cate Blanchett đã làm nên một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, một “nghiên cứu nhân vật” (character study) sâu sắc.
Nhưng hơn tất cả, Tár là một nghiên cứu sâu sắc về nghệ thuật hàn lâm, về bản chất con người (ở đây là con người thiên tài) khi đánh mất mình trong hào quang của danh vọng và quyền lực. Bộ phim này trở thành kinh điển ngay từ khi mới ra mắt và người ta sẽ còn nhắc về vai diễn “đỉnh cao” của Cate Blanchett trong hàng chục năm nữa!