Suy ngẫm quá mức về bản thân - Khi việc hiểu chính mình trở nên lệch lạc | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 07, 2022
Cuộc SốngTâm Lý Học

Suy ngẫm quá mức về bản thân - Khi việc hiểu chính mình trở nên lệch lạc

Một góc nhìn khác về việc tại sao hiện nay lại có nhiều người gặp vấn đề tâm lý.
Suy ngẫm quá mức về bản thân - Khi việc hiểu chính mình trở nên lệch lạc

Anh Thư @immortal_wurst cho Vietcetera

Câu hỏi tại sao ngày càng nhiều người mắc các vấn đề tâm lý, bất chấp ta đang sống trong một thế giới tiện nghi nhất trong lịch sử đã được rất nhiều người đưa ra. Liệu có phải do thế hệ trẻ trở nên yếu đuối vì sung sướng hơn các thế hệ ông bà hay không?

Giáo sư tâm lý học Perez-Alvarez cho rằng một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sức khỏe tinh thần ngày càng đáng báo động như ngày nay, đến từ sự sai lệch trong cách thức hiểu về chính mình.

Thực tế, hiểu bản thân là một hành động cấp cao mà chỉ có con người làm được. Bởi để làm được điều này, cá nhân cần có khả năng nhìn vào bên trong nội tâm. Sau đó, ta vận dụng năng lực tư duy nhằm suy ngẫm và phản chiếu lại những gì mình quan sát được.

Nhưng khi sự suy ngẫm và phản chiếu về bản thân trở nên quá mức, chúng có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của ta.

Bác sĩ tâm thần Viktor Frankl, tác giả cuốn sách Đi tìm lẽ sống, gọi hiện tượng trên là "siêu phản chiếu" (hyperreflexivity). Đây là quá trình một cá nhân chú ý quá mức về bản thân, và có những hành động theo dõi sát sao về các khía cạnh của mình theo cách không lành mạnh.

Vòng lặp của siêu phản chiếu tạo ra vấn đề tâm lý

Khi một người không tin tưởng vào năng lực của mình, họ có thể liên tục theo dõi và đánh giá từng khía cạnh nhỏ trong cuộc sống. Sự theo dõi sát sao khiến họ có thể nhận biết được từng thay đổi nhỏ nhất của bản thân.

Nếu chỉ tập trung vào điểm tiêu cực, rất khó để một người hài lòng với chính mình. Khi ấy, nỗi sợ lớn nhất của họ là bản thân không đủ tốt, sợ mình trở thành người thất bại. Điều này dẫn tới sự kỳ vọng và đòi hỏi quá mức với bản thân nhằm nỗ lực loại bỏ mọi sai lầm có thể xảy ra.

Từng vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống có thể bị phóng đại thành gánh nặng ngay cả trước khi chúng diễn ra. Và nếu chúng xảy ra thật, một sự cố nhỏ có thể trở thành vấn đề to lớn hơn nhiều so với bản chất thật của chúng.

19jul2022suyngamintext1jpg
Suy ngẫm quá nhiều về bản thân có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần.

Cuộc sống của họ luôn mang cảm giác nặng nề bởi bức tranh u tối và tiêu cực mà họ tự vẽ về chính bản thân. Hơn nữa, họ còn phản chiếu bức tranh này tới những người xung quanh và thế giới xung quanh.

Ngoài ra, sự phát triển của thời đại công nghệ thúc đẩy ta so sánh bản thân với người khác ở mức độ cao hơn bao giờ hết. Sự đối lập sâu sắc giữa một bên là hình ảnh lung linh trên mạng, với bên còn lại là bức tranh ảm đạm của bản thân, khiến sự thất vọng của họ càng lớn hơn. Đó là chưa kể đến áp lực mà một người theo đuổi sự hoàn hảo tự đặt ra cho mình.

Như vậy, với sự “giúp đỡ” của mạng xã hội và hành động chú ý quá mức vào bản thân, các hình ảnh, suy nghĩ tiêu cực ở trên có thể lặp đi lặp lại rất nhiều lần mà cá nhân khó kiểm soát được. Đây là trạng thái ngẫm đi ngẫm lại (rumination) mà một người có thói quen siêu phản chiếu có thể rơi vào.

Kết quả là rất hiếm khi ta công nhận những điểm khiến ta thấy hài lòng ở chính mình. Và điều đáng buồn là càng ít hòa thuận với bản thân, ta lại càng dễ bận tâm và quan sát mình gắt gao hơn. Với vòng lặp luẩn quẩn như thế, ta đã xới nên một mảnh đất màu mỡ cho các vấn đề tâm lý xuất hiện.

Phá vỡ vòng lặp siêu phản chiếu

Một cuộc sống hướng tới ý nghĩa

Nhà tâm thần học Viktor Frankl cùng một số nghiên cứu sau này, đã cho thấy rằng biện pháp quên đi chính mình mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện hành động siêu phản chiếu. Thay vì dành mọi sự chú ý tới bản thân, cá nhân cần học cách dần dần hướng sự quan tâm ra thế giới bên ngoài.

Nhưng để tăng cường sự hiệu quả và khiến phương pháp trên khả thi hơn, ta cần có mục tiêu để biết mình đang hướng về đâu. Đó chính là một ý nghĩa nào đó cao lớn hơn cá nhân ta.

Ý nghĩa này đem lại cảm giác hấp dẫn, đáng theo đuổi, đủ để kéo sự chú ý của ta ra khỏi bản thân. Từ đó, ta có thể hướng tới mục tiêu giàu ý nghĩa mà không lệ thuộc vào cách ta đang nhìn nhận mình.

19jul2022suyngamintext2jpg
Đi tìm ý nghĩa sống để giữ bản thân khỏi vòng lặp siêu phản chiếu.

Thực tế, ý nghĩa này không cần quá to tát. Nó có thể là những gì ta làm không phục vụ cho lợi ích của riêng ta, mà còn cho một, hoặc nhiều người xung quanh. Ta không cần phải là một ai đó hoàn toàn tốt đẹp mới có thể trở thành người có tâm với người khác.

Xây dựng hình ảnh chính xác hơn về bản thân

Có thể việc thường xuyên phản chiếu về một phía khiến ta dường như quên mất phần tích cực của chính mình. Nhưng điều này không có nghĩa rằng ta chẳng có gì tốt đẹp. Bởi bất kỳ điều gì cũng có ít nhất hai mặt và con người cũng vậy.

Chắc hẳn phải có một lý do nào đó ở đằng sau mới khiến con người ta luôn chối bỏ những điểm tốt mà mình đã và đang có. Vì vậy, để dừng lại hành động bóp méo thực tế về bản thân, ta cần tìm ra nguyên do này trước. Sau đó, hy vọng rằng ta sẽ đủ can đảm để bắt đầu đối xử công bằng hơn với chính mình.

Tạm kết

Siêu phản chiếu hay những nỗ lực hiểu và cải thiện bản thân quá mức là một góc nhìn khác, cho thấy không phải mọi sức khỏe tâm thần xuất hiện đều do lỗi lầm của thế hệ trẻ ngày nay.

Một thế hệ yếu đuối được cho là thế hệ không hoặc ít có khả năng chịu đựng những thử thách trong cuộc sống. Nhưng thời đại công nghệ hóa đem đến rất nhiều thách thức chưa từng có trước đây, khiến khó khăn và thiếu sót của ta dễ bị phóng đại tới mức lớn hơn bao giờ hết. Vì thế, chúng có thể vượt quá khả năng kiểm soát của ta.

Kết luận chung về cả một thế hệ dù như thế nào cũng là sự đơn giản hóa quá mức. Dẫu rằng rất khó để tiến đến một lời giải thích gần nhất tới sự thật, nhưng chúng ta có thể hạn chế sự bóp méo thực tế qua cách dành nhiều khoảng trống cho những góc nhìn khác nhau.