Tin vào bản thân mình - không phải lúc nào cũng đúng! | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
17 Thg 07, 2022
Chất Lượng Sống

Tin vào bản thân mình - không phải lúc nào cũng đúng!

Theo Mark Manson, để vượt qua những niềm tin hạn chế, ta cần thách thức hiểu biết của bản thân và thử nghiệm những ý tưởng mới.
Tin vào bản thân mình - không phải lúc nào cũng đúng!

Nguồn: Allef Vinicius @ Unsplash

Tiếp nối bài viết “3 Kiểu niềm tin khiến chúng ta mãi ‘dậm chân tại chỗ’”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “How to Overcome Your Limiting Beliefs”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Nhận ra mình có niềm tin hạn chế đã khó, vượt qua được chúng lại càng khó hơn. Sau đây là một số bí quyết giúp bạn loại bỏ những niềm tin kiểu này, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống:

Bước 1: Tự hỏi bản thân “liệu mình có nghĩ đúng không?”

Niềm tin hạn chế thường sẽ mất tác dụng ngay khi ta thách thức tính chân thực của nó. Bạn nghĩ mình không được thăng chức vì quá lùn - có thực sự đúng không? Nhân viên không phục bạn vì là sếp nữ - nếu chuyện này sai thì sao?

Đây là bài thể dục tinh thần bạn có thể áp dụng: đặt câu hỏi thách thức độ chính xác của điều bạn tin vào, và tìm những phương án thay thế khác. Hãy tưởng tượng về một thế giới mà mọi giả định của bạn đều sai. Trông nó sẽ như thế nào? Và bạn có mất gì không?

Bạn sẽ nhận ra rằng, mọi việc đơn giản hơn bạn nghĩ rất nhiều.

Bước 2: Tự hỏi bản thân “niềm tin này có giúp ích gì cho mình không?”

Chúng ta thường thích coi bản thân là nạn nhân của những niềm tin hạn chế do chính mình nghĩ ra. Nhưng thực tế, chúng ta chấp nhận chúng còn vì chúng “phục vụ” ta theo cách này hay cách khác. Chú voi trong câu chuyện kia tin rằng nó không thể giẫm nát hàng rào, vì niềm tin đó đã có ích khi nó còn nhỏ - nó ngăn cản sự căng thẳng mà con voi phải đối mặt nếu thất bại.

Lý do chúng ta tin vào niềm tin hạn chế cũng như vậy. Bởi nó là phản ứng giúp ta tự vệ trước nỗi đau của sự thất bại. Và bởi chúng khiến ta luôn thấy mình đúng, mình đặc biệt và đáng được chú ý. Chẳng hạn một người muốn thay đổi nghề nghiệp khi đã lớn tuổi, nhưng lại ngại lớp trẻ và nghĩ rằng số phận không công bằng với họ.

15jul2022cottonbro3jpg
Chúng ta tin vào niềm tin hạn chế, bởi nó bảo vệ ta khỏi nỗi đau của thất bại. | Nguồn: Unsplash

Niềm tin chỉ gắn bó với ta nếu nó “phục vụ” ta ở khía cạnh nào đó. Thế nên hãy tìm hiểu xem, điều bạn tin vào có giúp ích gì cho bạn không. Từ đây, bạn sẽ có câu trả lời cho việc có nên tiếp tục tin vào nó hay không.

Bước 3: Tạo ra những niềm tin thay thế

Đây là lúc bạn phát huy khả năng sáng tạo của mình: thử tìm các cách mà niềm tin của bạn có thể sai.

Có thể đa số các cô gái sẽ không thích hẹn hò với một chàng trai lùn. Nhưng bạn không định hẹn hò với họ, mà đang hướng đến một người đặc biệt khác. Một người thực sự yêu bạn sẽ luôn thấy bạn hấp dẫn theo cách của riêng bạn.

Có thể bạn muốn đổi nghề, và bạn lớn tuổi hơn nhiều so với các tân cử nhân vừa tốt nghiệp. Nhưng có ai bảo bạn không thể thành công đâu? Không gì ngăn cản bạn ngoài suy nghĩ của chính bạn cả.

Rõ ràng việc này không đơn giản như việc chọn một niềm tin và rồi…tin vào nó. Thay vào đó, những gì bạn đang làm là hình thành thói quen thách thức niềm tin của chính mình (bước 1 và 2) và thử những niềm tin mới. Thậm chí nếu cần, bạn nên viết những giả định đó ra giấy và đưa ra 4-5 phương án khác thay thế cho giả định cũ kia.

Cách làm này sẽ giúp bạn nhận ra, bạn không chỉ nuôi dưỡng những niềm tin hạn chế mà còn có nhiều lựa chọn khác. Trong từng khoảnh khắc, bạn đều đang chọn cái gì đó để tin vào - ngay cả khi bạn không nhận ra điều đó.

Việc lặp lại thói quen trên sẽ cho bạn thấy, bạn đã đưa ra nhiều quyết định từ nhỏ đến lớn dựa trên niềm tin hạn chế của mình mà không nhận ra. Niềm tin hạn chế không chỉ khiến bạn chùn bước trong việc lớn như đổi nghề, mà còn cả những việc nhỏ như thử một bộ trang phục hay kiểu tóc mới. Một khi thực hành thói quen trên, bạn sẽ nhận ra chúng ngớ ngẩn đến mức nào và bạn có quyền kiểm soát những gì bạn chọn để tin tưởng.

Bước 4: Tiếp tục kiểm tra niềm tin mới xem nó có đúng không

Bước cuối cùng là bạn coi những niềm tin mới này như giả định trong một thí nghiệm. Việc bạn cần làm bây giờ là thử xem chúng có “khớp” hay không. Nói một cách đơn giản, hãy coi nó giống như việc bạn mặc thử chiếc quần bò mới, lái thử chiếc xe mới hay thêm một nguyên liệu mới cho công thức nấu ăn đã có.

Nếu không có những phép thử này, giả định nào cũng chỉ là lý thuyết. Và trong hầu hết trường hợp, ta sẽ thấy những niềm tin ban đầu của mình thực sự sai lầm. Chúng ta cần tự nhận thức để nhận ra ta có thể đã sai, và sự can đảm để bước khỏi vùng an toàn xem chúng ta có sai không.

15jul2022hinhngangjpg
Trong nhiều trường hợp, chúng ta là kẻ thù lớn nhất của chính mình. | Nguồn: Pexels

Đức Phật từng dạy “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, và điều này đúng theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta bị giới hạn bởi nhận thức của bản thân, bị cầm tù bởi cách chúng ta hiểu về những gì “đúng” và “sai”.

Để ngừng “dậm chân tại chỗ”, ta cần thách thức những niềm tin của bản thân và thử nghiệm những ý tưởng mới. Chúng ta không bao giờ ở phiên bản tối ưu nhất của chính mình, mà luôn luôn phải “cập nhật” nó. Chỉ cần đảm bảo bạn không phải người duy nhất ngăn cản chính mình phát triển.