Tại sao chúng ta có thể nhìn hình "nghe" tiếng và lời lý giải từ khoa học | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
13 Thg 04, 2024
Tâm Lý HọcBổ Não

Tại sao chúng ta có thể nhìn hình "nghe" tiếng và lời lý giải từ khoa học

“Amazing, Good job em!” Bạn có nghe được giọng ai vang lên khi nhìn thấy dòng chữ này?
Tại sao chúng ta có thể nhìn hình "nghe" tiếng và lời lý giải từ khoa học

Nguồn: Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera

Đứa bạn thân nhắn tin kể cho bạn một tiết học thú vị với một giảng viên có phong cách ăn nói rất đặc trưng. Tình cờ, bạn cũng từng học lớp đó và cùng một người dạy. Thế là, chuyện chưa kể hết thì trong đầu bạn đã tự “điền” vào phần còn lại, với âm thanh và hình ảnh sống động như bạn thật sự đang nghe họ nói.

alt
“GIỎI!,” nghe được tiếng thầy không? -Thầy nói y vậy á.

Hiện tượng này cũng tương tự như khi chúng ta có thể tự “bật" một bài nhạc yêu thích và tận hưởng từng giai điệu câu hát trong đầu mà không có tác động từ bên ngoài. Lúc này, đôi tai không phải là bộ phận tiếp nhận âm thanh mà chính là tâm trí. Vì vậy, hiện tượng này còn được gọi là The Mind's Ear (Tạm dịch: Tai của tâm trí).

Chúng ta thường xuyên gặp hiện tượng này trong cuộc sống, nhưng ít ai biết, đằng sau đó là quá trình xử lý phức tạp trong não bộ.

Dù chỉ tưởng tượng, nhưng não lại tưởng thật

Thực tế, hiện tượng nhìn hình “nghe” tiếng là một kỹ năng cần thiết và quan trọng với nhiều nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ.

Tiến sĩ, nhà làm giáo dục âm nhạc Ewin Gordon gọi kỹ năng này là Audiation (hoặc còn được biết đến là Auditory Imagery) - chỉ khả năng “nghe” và cảm nhận âm nhạc trong tâm trí mà không cần dùng đến đôi tai. Ví dụ như người nghệ sĩ piano có thể nhìn vào một bản nhạc và tự cảm giai điệu mà không cần đàn ra.

Mở rộng ra ngoài phạm vi âm nhạc, khả năng tưởng tượng âm thanh của bộ não sống động đến mức nó có thể tái hiện gần như chính xác trải nghiệm nghe âm thanh thật, từ tông, giọng điệu, cao độ,...

alt
Não bộ có thể tái hiện gần như chính xác trải nghiệm nghe âm thanh thật.

Lý do là vì khi tưởng tượng một âm thanh trong đầu, não bộ sẽ kích hoạt những mạng lưới não như khi chúng ta nghe âm thanh thật ngoài đời. Những vùng vỏ não được kích hoạt là hồi thái dương trên (STG), vùng vận động bổ sung (SMA), và vùng tiền vận động (premotor cortex),..

Tuy nhiên, với những người không chơi nhạc chuyên nghiệp thì những trải nghiệm nhìn hình “nghe" tiếng của chúng ta rất vụn vặt và đời thường hơn rất nhiều.

Yếu tố xã hội cũng góp phần

Không chỉ nhìn hình “nghe" tiếng, chúng ta còn có khả năng dự đoán được phản ứng của một người quen thân từ cách trả lời, thái độ, cử chỉ, giọng nói, và thậm chí là biểu cảm khuôn mặt.

Khả năng dự đoán này được gọi là Theory of Mind (ToM). ToM là khả năng nhận thức và hiểu được các trạng thái tâm lý của bản thân và người khác, bao gồm cảm xúc, niềm tin, ý định và tư duy. Khả năng này bắt đầu phát triển từ rất sớm khi chúng ta còn bé và tiếp tục phát triển suốt hành trình cuộc đời.

ToM giúp chúng ta hiểu và dự đoán hành vi của người khác, qua đó hỗ trợ giao tiếp và tương tác xã hội một cách hiệu quả. Ví dụ như khi một bạn gái than thở “dạo này em mập lên rồi", câu trả lời của một người bạn trai tâm lý nên là “em có mập lên đâu".

alt
Không nắm rõ những dấu hiệu tương tác xã hội và thiếu khả năng phân tích, lý giải cảm xúc, ứng xử của đối phương có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn.

Để đạt được hiệu quả giao tiếp này cần có thời gian tìm và tích luỹ những khuôn mẫu giao tiếp, ứng xử khác nhau (điều não rất thích), đồng thời mở rộng hiểu biết chung về thế giới, con người xung quanh để lý giải được những ám hiệu xã hội như biểu cảm mặt, ngôn ngữ hình thể,...

ToM liên quan đến nhiều vùng não khác nhau, bao gồm vùng vỏ não trước trán (đặc biệt là phần vỏ não trán dưới và vùng giao thoa giữa vỏ não trán và thùy đỉnh), vùng gương - một hệ thống vùng não giúp chúng ta hiểu và mô phỏng cảm xúc và hành động của người khác.

Nhờ vậy, khi đã quá quen với giọng điệu, cách ứng xử của một người, bạn có thể dễ dàng đoán và tưởng tượng ra cách họ phản ứng trong một ngữ cảnh nhất định như xem một phân cảnh của bộ phim.