Tại sao thứ bạn mới học được lại liên tục xuất hiện? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
08 Thg 07, 2021
Tâm Lý HọcBổ Não

Tại sao thứ bạn mới học được lại liên tục xuất hiện?

Hiện tượng Baader-Meinhof hay ảo ảnh tần suất (frequency illusion) là gì?
Tại sao thứ bạn mới học được lại liên tục xuất hiện?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Một ngày đẹp trời, bạn học được một từ lóng mới là “flex". Từ giây phút đó, bạn nhận ra từ “flex” xuất hiện ở mọi nơi.

Liệu đây có phải là một dấu hiệu vũ trụ đang ngầm gửi cho bạn?

Tất cả chỉ là ảo ảnh tới từ não

Tiếng gọi từ vũ trụ thật ra cũng chỉ tới từ não. Đây chính là Hiện tượng Baader-Meinhof, được đặt theo tên của một nhóm khủng bố người Đức.

Khoảng năm 1990, trên diễn đàn báo chí, một người đã bàn luận về việc anh liên tục thấy sự xuất hiện của nhóm khủng bố này ở xung quanh sau khi biết về nó. Vậy nên, anh lấy luôn tên này để đặt cho hiện tượng khi vừa học được cái gì mới thì nó sẽ xuất hiện khắp nơi. 

Tại sao bạn liên tục nhìn thấy điều mà bạn vừa học được?
Vừa mới học về "global warming" bỗng nhiên thấy nó ở mọi nơi

Đến năm 2006, giáo sư Arnold Zwicky, chuyên ngành ngôn ngữ học của Đại học Stanford đã đặt cho hiện tượng này một cái tên chuyên ngành là “frequency illusion" (ảo ảnh tần suất).

Theo ông, đây là một dạng thiên kiến được gây ra bởi 2 quá trình tâm lý: selective attention (chú ý có chọn lọc) và confirmation bias (thiên kiến xác nhận).

Selective attention - Sự hạn chế trong việc "chú ý"

Russell Revlin trong cuốn Cognition: Theory and Practice đã nói rằng khả năng “chú ý” của chúng ta rất hạn chế. Vậy nên, luôn phải có sự chọn lọc trong việc tiếp nhận thông tin. Vì lý do này mà multitasking thường không hiệu quả, vì não không thể xử lý nhiều thông tin quan trọng cùng một lúc. 

nhiều giả thuyết tranh cãi xoay quanh việc ta chọn thông tin để tiếp nhận như thế nào. Tuy nhiên, các giả thuyết đều có một điểm chung về sự tồn tại của một “màng lọc” thông tin nằm giữa trí nhớ tạm thời và bộ nhớ ngắn hạn.

Tại sao bạn liên tục nhìn thấy điều mà bạn vừa học được?
 Mô hình này tương tự như một cổ chai "lọc" bớt các thông tin không được chú ý

Nói cách khác, những thông tin được tiếp nhận qua bộ nhớ tạm thời (sensory memory) không thể được lưu trữ hết trong bộ nhớ ngắn hạn (short-term store). 

Sự giới hạn trong việc chọn lọc thông tin khiến não chỉ ưu tiên ghi nhớ và nhìn thấy được những điều mà bạn thật sự quan tâm tới. Vậy nên khi học được một từ mới, não sẽ tin rằng thông tin đó quan trọng và cho nó một “vé ngồi vip" trong đầu bạn một khoảng thời gian.

Confirmation bias – Sự ưu tiên thông tin của não bộ

Tương tự như sự “bias” khi "đu idol" thì não cũng “ưu tiên hơn” thông tin mà nó cho là quan trọng. Đây chính là confirmation bias (thiên kiến xác nhận). Trong vô thức, bạn chỉ đi tìm mảnh thông tin được đặt ở “vị trí vip” trong đầu và cho rằng nó đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. 

Tại sao bạn liên tục nhìn thấy điều mà bạn vừa học được?
Bạn chỉ nhìn thấy những gì não muốn, củng cố niềm tin rằng "phép màu" đang diễn ra

Chú ý có chọn lọc “kết đôi” với thiên kiến xác nhận tạo ra cặp đôi quyền lực khiến bạn chỉ thấy những thứ mà não muốn. Đồng thời, chúng củng cố niềm tin rằng tần số xuất hiện của sự vật là một hiện tượng ngẫu nhiên, chứ không phải là não đang lừa bạn.

Hiện tượng này có thể áp dụng trong việc gì? 

Tăng hiệu quả khi học chủ động

Học chủ động (active learning) là tiếp nhận thông tin, tìm hiểu, đồng thời áp dụng nó vào thực tế qua nhiều hoạt động. Sự lặp đi lặp lại của thông tin trong khi học giúp nó dễ dàng lưu trữ tại bộ nhớ dài hạn (long term store).

Quá trình này được gọi là “pattern recognition" (nhận dạng khuôn mẫu) và não rất thích đi tìm những “khuôn mẫu" (pattern) này. Đây là một kỹ năng quan trọng giúp cho việc học và tiếp nhận thông tin. 

Hiện tượng Baader-Meinhof cho thấy ta chỉ thật sự tiếp nhận thông tin khi ta muốn. Việc học một cách thụ động để thông tin tự tìm đến, cũng giống như nước đổ đầu vịt, khi nó không tạo ra sức hấp dẫn khiến não bộ "để ý" tới nó.

Những khuôn mẫu giúp não trở nên thông thái vẫn luôn ở xung quanh bạn. Cái bạn cần là một chút chủ động để những thông tin đó “mua được vé” cư trú trong não.

Nhận ra sự  “tình cờ" của quảng cáo

Công cụ tìm kiếm và quảng cáo chúng ta sử dụng hàng ngày hoạt động tương tự như chức năng nhận dạng khuôn mẫu của bộ não. Chỉ cần bạn “mớm" cho nó đủ từ khóa, hàng loạt các sản phẩm liên quan tới mối quan tâm của bạn sẽ xuất hiện. Trong cuộc sống hiện đại, hiện tượng Baader-Meinhof được các nhà quảng cáo tận dụng triệt để.

Với một câu khẩu hiệu bắt tai, chế độ "selective attention" được kích hoạt, sản phẩm đó đã đăng ký một vị trí trong đầu bạn. Từ đó, bạn bắt đầu nhận thức được sự hiện diện của thông điệp quảng cáo này ở khắp nơi, từ các tờ in đầy màu sắc hay những bài đăng FaceBook.

Trong trường hợp nếu đó là sản phẩm bạn thích, thì sự xuất hiện “tình cờ" còn tạo ra động lực khiến bạn nhanh tay “chốt đơn".

Đôi khi tiếng gọi từ vũ trụ không thần kỳ như bạn nghĩ, mà đơn thuần cũng chỉ là trò đùa của bộ não. Tương tự như vậy, hôm nay bạn đọc được từ Baader-Meinhof, sớm thôi bạn sẽ lại thấy tên của nhóm khủng bố người Đức này, xuất hiện đâu đó xung quanh bạn.