Tại sao hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam chưa bứt phá? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
03 Thg 05, 2019
Khởi Nghiệp

Tại sao hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam chưa bứt phá?

Vietcetera cùng chị Đoàn Kiều My, Giám đốc Marketing tại Startup Vietnam Foundation, tìm hiểu những vấn đề kìm hãm tốc độ phát triển của các startup tại Việt Nam.

Tại sao hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam chưa bứt phá?

Theo bài báo cáo năm 2018 của Google về nền kinh tế điện tử tại Đông Nam Á, “nền kinh tế mạng của Việt Nam giống như một con rồng mới được giải phóng”. Chỉ trong năm ngoái, số vốn đầu tư vào Việt Nam đã tăng lên gấp ba lần. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư mạo hiểm khó có thể bỏ qua hệ sinh thái mạng đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mức đầu tư cho những startup tại Việt Nam nhìn chung vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia hoặc Indonesia. Ngoài ra, đại đa số thương vụ đầu tư thường tập trung vào các tên tuổi như Yeah1. Một số ít startup Việt Nam được mua lại hoặc cổ phiếu của công ty đó được chào bán trên sàn chứng khoán.

Có thể nói rằng startup ở Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng điều gì đang kìm hãm tốc độ phát triển của các startup này? Bên cạnh những startup dẫn đầu, vị trí của những startup còn lại nằm ở đâu? Vietcetera gặp chị Đoàn Kiều My, Giám đốc Marketing của Startup Vietnam Foundation và đồng thời cũng là nhà sáng lập nền tảng kết nối hệ sinh thái YellowBlocks, để nghe câu trả lời từ góc nhìn của một người trong ngành.

Chị Kiều My nhà sáng lập YellowBlocks và là một người đam mê công nghệ chia sẻ góc nhìn của một người trong ngành sizesmaxwidth 801px 100vw 801px
Chị Kiều My, nhà sáng lập YellowBlocks và là một người đam mê công nghệ, chia sẻ góc nhìn của một người trong ngành.

Bão hòa thông tin

Càng quan sát kĩ thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư càng cảm thấy lúng túng. Mặc dù là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Việt Nam chưa đưa ra nhiều lựa chọn đầu tư hứa hẹn.

Có rất ít startup vượt qua được thử thách trong những năm đầu tiên và tạo nên những chuyển biến nhất định trên thị trường. Khi các nhà đầu tư đi tìm startup có tiềm năng để rót vốn, họ chùn bước trước lượng thông tin tràn lan. Rất khó để kiểm duyệt và chọn lựa giữa những luồng thông tin này.

Tin tức

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ‘khủng’ và dài hạn thường không dựa vào tin tức để tìm kiếm gương mặt tiềm năng. Bởi đa phần các startup tập trung vào việc xây dựng nền tảng hơn là việc quảng bá nên họ thường ít được biết đến trong giai đoạn đầu. Các startup này chỉ được biết đến khi mà thương vụ đầu tư đã diễn ra tốt đẹp. Và mặc dù tin này được lan truyền đi nhanh chóng nhưng khi đến tai các nhà đầu tư nước ngoài thì đã quá muộn cho họ.

Tin ngành

Cộng đồng công nghệ thường nắm rõ tiến triển của những dự án thành viên vì họ liên tục gặp gỡ và trao đổi với nhau trong các buổi hội thảo, các cuộc thi, hay những chầu cà phê sau giờ làm. Thông thường các nhà đầu tư sẽ lấy nguồn tin từ cộng đồng công nghệ.

Mặc dù cách này nhanh và gọn, các thông tin lấy được có thể sẽ phiến diện và chỉ mang tính chất tham khảo vì đây không phải là tin chính thức. “Nếu bạn hỏi những người khác nhau về top 10 startup đang phát triển tại Việt Nam thì bạn sẽ nhận được những câu trả lời khác nhau, tùy vào những người mà họ quen biết”, chị Kiều My cho hay.

Tin tức có thể lan nhanh nhưng khi đến tai nhà đầu tư thì đã quá muộn sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Tin tức có thể lan nhanh, nhưng khi đến tai nhà đầu tư thì đã quá muộn.

Gắn mác thuật ngữ (buzzwords)

Trong vòng hai năm gần đây, cộng đồng công nghệ đã chứng kiến sự ra đời của nhiều startup gắn mác “AI-powered” (chạy trên trí tuệ nhân tạo). Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng công nghệ của các startup này vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Và khoảng cách từ giai đoạn này đến lúc mang vào ứng dụng trong thực tế còn rất xa. Vì thế nên các nhà đầu tư thường rất thận trọng khi quyết định đầu tư vào các startup này.

Nhà đầu tư xử lý bão hòa thông tin như thế nào?

Nhà đầu tư rất thận trọng khi xử lý những luồng thông tin này. Họ có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp với nhiệm vụ tìm hiểu và theo dõi các startup tiềm năng. Nhưng điều này cũng có một số khó khăn nhất định khi trụ sở của các nhà đầu tư này được đặt ở nước ngoài và họ còn phải vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa để tổng hợp các thông tin thành một bài báo cáo hoàn chỉnh. “Có thể tìm ra top 5 startup tiềm năng nếu đội ngũ này đào đủ sâu. Còn để tìm ra top 30 thì rất khó”, chị Kiều My cho biết thêm.

Để giải quyết vấn đề bùng nổ thông tin, đội ngũ của chị Kiều My xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu gồm nhiều startup khác nhau để kết nối họ với các nhà đầu tư phù hợp. Đó cũng khởi đầu của YellowBlocks vào năm 2018.

Công ty YellowBlocks quản lý cơ sở dữ liệu với nhiều startup khác nhau và kết nối họ với các nhà đầu tư tương ứng sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Công ty YellowBlocks quản lý cơ sở dữ liệu với nhiều startup khác nhau và kết nối họ với các nhà đầu tư tương ứng.

Hệ thống pháp lý phức tạp

Trong vòng hai năm trở lại đây, cộng đồng startup tại Việt Nam đã khởi sắc khi được chính quyền ưu đãi trong một số đề án như Đề án 844 và Nghị định 38/2018/NĐ-CP. Nhưng thực tế thì những tin vui này vẫn còn khá xa vời bởi vì “đính kèm” với nó thường là những chính sách chưa rõ ràng và phải đi qua nhiều công đoạn giấy tờ. Sẽ rất khó khăn cho các startup trong việc đối mặt với những quy định này nếu không có sự hỗ trợ chuyên môn.

Không nhiều nhà sáng lập startup từng làm việc trong ngành pháp luật. Số lượng startup đủ điều kiện mời chuyên gia về cố vấn còn thấp hơn nữa. Và những startup còn non trẻ này vẫn phải tự mình nghiên cứu, tập hợp những quy định liên quan tới họ rải rác trên nhiều nhánh khác nhau của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Khó khăn trong việc tra cứu hệ thống pháp lý cản trở hệ sinh thái khởi nghiệp đạt đến tiềm năng đổi mới thực sự. Nếu việc tra cứu pháp luật tiêu tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc của startup thì họ còn lại gì để phát triển công ty? Vì thế, cộng đồng startup đang rất cần một hệ thống tra cứu, hoặc một cổng thông tin pháp luật, dễ sử dụng và đáng tin cậy.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn trong công cuộc tra cứu pháp lý. Tuy nhiên, họ lại có đủ nguồn lực để mời các chuyên gia cố vấn. Hơn nữa, họ cũng có đại diện trong nước nhằm hạn chế tối đa rắc rối về mặt quy định và luật pháp khi quyết định đầu tư vào một nước nào đó.

Thử thách của một hệ sinh thái vẫn đang phát triển

Startup Việt Nam cần tầm nhìn quốc tế

Một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh là yếu tố quan trọng làm nên thành công của không ít startup trên thế giới. Tuy nhiên, yếu tố này thường bị coi nhẹ. Sự hiện diện của một cộng đồng startup đang phát triển mạnh mẽ và bền vững đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao tiêu chuẩn của các startup trong nước cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Chị Kiều My nhớ lại buổi gặp gỡ với một quỹ đầu tư mạo hiểm về công nghệ. Sau nhiều chuyến công du đến Việt Nam, họ nói với chị rằng họ vẫn “chưa muốn đầu tư vào Việt Nam trong tương lai gần”. Nhà đầu tư này ví dự án khởi nghiệp như một căn nhà, và cộng đồng startup là con đường nơi căn nhà đó được xây. Việc rót vốn vào dự án công nghệ tại Việt Nam trong giai đoạn này có thể nói giống như mua nhà trên một con đường đang trong giai đoạn tu sửa vậy. Căn nhà có thể đã chào đón bạn vào ở, nhưng con đường thì vẫn chưa sẵn sàng.

Các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài hy vọng thấy được môi trường khởi nghiệp lớn mạnh với sự cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác. Sự cân bằng này đảm bảo rằng các startup nằm trên một trục phát triển đồng đều, và các tiêu chuẩn sản xuất đã được nâng lên. Cho dù một startup đang ấp ủ bất kỳ sáng kiến nào đi chăng nữa, sản phẩm của họ phải có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Đó là cái đích mà các startup cần nhắm đến.

Yếu tố cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc thành bại của một startup sizesmaxwidth 801px 100vw 801px
Yếu tố cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc thành bại của một startup.

Hệ sinh thái ‘rời rạc’

Vừa qua, Startup Vietnam Foundation chào đón ông Tony Wheeler về Ban Cố vấn. Với hàng chục năm kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ông đánh giá cộng đồng startup Việt Nam tương tự với hệ sinh thái tại Úc nhiều năm về trước. Ông cho rằng cộng đồng startup Việt đang còn ‘rời rạc’. Đó là vì những thành phần của hệ sinh thái (vườn ươm, công ty khởi nghiệp, chính phủ .v.v.) chưa thiết lập nhiều quan hệ hợp tác. Các nguồn tài nguyên của họ vẫn chưa được tập hợp để tối đa hóa lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Những cộng đồng giải quyết vấn đề này sớm thường sẽ phát triển nhanh chóng. Một câu chuyện thành công là MaGIC và tác động của nó lên hệ sinh thái khởi nghiệp tại Malaysia. Còn tại Việt Nam, cộng đồng startup phụ thuộc vào các tổ chức như Startup Vietnam Foundation và YellowBlocks để giải quyết những vấn đề đó.

Nói về mục tiêu của YellowBlocks, Kiều My chia sẻ với chúng tôi ‘Bản tuyên ngôn bánh ngọt’ (the cake manifesto). Chị giải thích, “Bằng cách liên kết các bên liên quan với nhau, chúng tôi sẽ giúp cộng đồng startup tăng thêm sức hút đối với các nhà đầu tư mạo hiểm. Hiện giờ chúng ta chỉ có một cái bánh bông lan nhỏ. Trong tương lai chúng ta có thể có cả chiếc bánh cưới lớn. Vậy tại sao chúng ta lại tranh giành cái bánh bông lan trong khi chúng ta có thể cùng nhau thưởng thức cái bánh cưới?”

Lạc quan về sự phát triển của Việt Nam, ông Tony kết luận, “Tôi tin rằng Việt Nam có một tương lai sáng lạn, nhưng với điều kiện những thành phần khác nhau của hệ sinh thái phải tích cực bắt tay hợp tác hơn nữa.”

Đọc thêm:
[Bài viết] Liệu Việt Nam có thể dẫn đầu công nghệ blockchain toàn cầu?
[Bài viết] Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2019: 5 chuyên gia dự đoán gì?