Tâm lý nào khiến các sĩ tử “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” trước ngày thi? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
13 Thg 06, 2023
Tâm Lý HọcBổ Não

Tâm lý nào khiến các sĩ tử “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” trước ngày thi?

Bạn từng thực hiện những “phong tục” gì để cầu may trước một kỳ thi quan trọng?
Tâm lý nào khiến các sĩ tử “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” trước ngày thi?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là tới kỳ thi THPT quốc gia 2023. Đây là thời điểm các sĩ tử “chạy nước rút”, chuẩn bị cho sự kiện trọng đại trong cuộc đời học sinh. Bên cạnh việc tăng cường ôn tập, các sĩ tử còn cầu may bằng nhiều phương pháp độc lạ khác.

Điển hình phải kể đến những bức hình quả xoài, cái thìa được share liên tục trên mạng xã hội trong mùa thi. Theo lý giải của nhiều bạn, cái thìa giúp “múc” điểm cao, còn quả xoài giúp tăng sức mạnh tương tự như cách trái xoài trong game Dota giúp người chơi “tăng lực” chiến đấu.

09jun2023475749034709318799779521700430608217407488njpg
Những vật dụng khó hiểu được dân mạng share rần rần trước mỗi kỳ thi. | Nguồn: TNT

Hiện tượng này thực ra không mới. Nếu đã từng là sĩ tử, có lẽ bạn đã ăn xôi đỗ hay chè đậu xanh để “đỗ” đại học, “đậu” vào trường yêu thích. Tương tự, bạn cũng nhận vô số lời khuyên về những món nên tránh: Không ăn cá vì sợ đề thi hóc búa (hóc xương cá), không ăn chuối vì sẽ “trượt vỏ chuối”, thậm chí không ăn thịt bò để tránh… ngu như bò.

Vì đâu mà sĩ tử lại có những “niềm tin” kỳ lạ này, và chúng có thực sự giúp ích cho các bạn trong kỳ thi quan trọng sắp tới?

Thi cử căng thẳng nên bạn khó suy nghĩ lý trí

Exam anxiety (hay test anxiety) là biểu hiện tâm lý thường thấy ở học sinh, sinh viên mỗi dịp thi cử. Kỳ thi THPT quốc gia đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định ương lai của nhiều sĩ tử. Vì vậy áp lực nó mang lại lớn hơn nhiều so với thi học kỳ.

Trong giai đoạn này, tuyến thượng thận giải phóng lượng cortisol lớn hơn bình thường giúp bạn thích ứng và đối phó với stress. Tuy nhiên về lâu dài, hormone này lại khiến bạn suy giảm khả năng tư duy và hành động lý trí, dẫn tới cảm giác mất kiểm soát với bản thân và tình huống.

Theo bản năng, khi mất kiểm soát, con người có xu hướng tìm đến tâm linh. Dù là tụ bài tarot, thần xoài hay thần thìa, việc bám vào một thế lực to lớn, bí ẩn nằm ngoài tầm hiểu biết là cách đơn giản giúp bạn trấn an bản thân. Đặc biệt khi độ “hiệu quả” của việc này được bố mẹ, bạn bè hoặc chính bạn xác nhận trước đó, bạn cũng không phải tư duy quá nhiều trước khi thực hiện.

Bạn từng thử, và nó đúng

Nếu từng ăn xôi đỗ trước một kỳ thi quan trọng và rồi kết quả như ý, bạn dễ cho rằng đó là nhờ đĩa xôi đỗ. Điều này tuy không sai, nhưng chỉ đúng một phần ở chỗ, xôi đỗ là món ăn lành tính, giàu dinh dưỡng giúp bạn tập trung làm bài. Trên thực tế, suy nghĩ này là kết quả của thiên kiến xác nhận (confirmation bias).

09jun2023menujpg
Bữa cơm “điển hình” của một sĩ tử trước kỳ thi đại học. | Nguồn: Dân Trí

Thiên kiến này xảy ra khi bạn tìm kiếm thông tin để củng cố suy nghĩ của bản thân, mà bỏ qua các thông tin trái chiều hoặc ngoài luồng khác. Trong trường hợp này, bạn đã chọn lọc những ký ức phù hợp với niềm tin sẵn có. Bạn nhớ rõ ràng lần nào ăn xôi đỗ cũng làm bài tốt, và cứ tránh ăn cá hay gặm xương là gặp đề bài “trúng tủ”, thế nên bạn tiếp tục thực hiện nó.

Mọi người đều làm, thì bạn cũng làm thôi!

Hiệu ứng đoàn tàu (bandwagon effect) xảy ra khi bạn thực hiện một hành vi vì những người xung quanh đều làm nó. Nói cách khác, bạn share những hình “thần xoài”, “thần thìa” đôi khi chỉ đơn giản vì… ai cũng share. Mạng xã hội giúp bạn tiếp xúc với nhiều người hơn, song cùng đồng thời khiến áp lực của các chuẩn mực tăng cao, thúc đẩy bạn “theo đuổi” đám đông.

Nhiều bức hình thậm chí gắn kèm dòng cảnh báo “bạn sẽ thi trượt nếu không share” để tăng tương tác. Do tác động của hiệu ứng đoàn tàu, cộng thêm nỗi lo trước thi cử sẽ khiến bạn ấn nút share nhanh hơn bao giờ hết.

09jun2023intext1jpg
Bạn share "thần xoài" đơn giản vì... thấy ai cũng share.

Ngoài ra, một lý do khá hiển nhiên khác của việc share “thần xoài” là… nó quá dễ làm. Nếu thi đỗ, bạn coi nó như biện pháp trấn an tinh thần đơn giản và hiệu quả cho những lần thi sau. Còn nếu kết quả không như ý, bạn cũng không mất chút công sức hay tiền của nào cả. Vậy thì tội gì mà không share?

Liệu tin vào những điều này có giúp bạn thi đỗ không?

Về cơ bản, những việc làm trên không gây thiệt hại gì cho các sĩ tử. Thậm chí theo tiến sĩ nông nghiệp Chu Đức Hà, những món ăn “may mắn” đều có tác dụng tốt cho sĩ tử trong những ngày “thử lửa”. Chẳng hạn đậu, đỗ đều dễ hấp thụ, còn dưa hấu giàu sắt, giúp thí sinh đủ năng lượng và lưu thông máu tốt hơn.

Tương tự, những chiếc meme hài hước về thần xoài, thần thìa… cũng giúp thí sinh xả stress hữu hiệu. Chúng mang lại một liều dopamine khiến họ dễ chịu, từ đó làm bài thi tốt hơn.

Tuy nhiên không ít thí sinh hoặc người nhà do quá lo sợ mà kiêng cữ hoặc ăn nhiều hơn mức cần thiết. Điều này có thể khiến họ thiếu chất, mệt mỏi, thậm chí tăng nỗi lo âu ảnh hưởng đến kết quả thi. Số khác lại quá mê tín đến độ đặt hoàn toàn vận mệnh của mình vào “thần thìa”, như trường hợp bạn thí sinh mang 4 chiếc thìa để làm bài trắc nghiệm:

09jun2023nhungthulalungnhattungxuathientrongphongthi862483cbjpg
Khi bạn “giao phó” cả số phận vào những chiếc thìa. | Nguồn: YAN

Sau cùng thì những quan niệm này quả thực có tác dụng hỗ trợ tâm lý bạn trong thời điểm “thử lửa”, tuy nhiên không ảnh hưởng đến kết quả bài thi. Bạn vẫn cần nỗ lực ôn tập hết mình, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi điều độ và giữ tinh thần thoải mái để đạt kết quả tốt nhất.