Tâm lý “vai chính” nên được nhìn nhận thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 11, 2023
Tâm Lý Học

Tâm lý “vai chính” nên được nhìn nhận thế nào?

Main character syndrome không chỉ là kết quả của việc được nuông chiều. Trên thực tế, nó còn có thể là cơ chế phòng vệ được hình thành sau biến cố.
Tâm lý “vai chính” nên được nhìn nhận thế nào?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Ở bài viết 4 Dấu hiệu bạn đang "nhập vai chính" trong bộ phim cuộc đời, chúng ta đã "chỉ mặt đặt tên" những dấu hiệu chính của main character syndrome. Bài viết này sẽ giải thích nguyên nhân sâu xa dẫn đến các biểu hiện trên, cùng các khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của tư duy “vai chính”.

Main character syndrome vì đâu mà có?

Cảm giác “xứng đáng” bị thổi phồng

Đây là biểu hiện phổ biến của những người được nuông chiều từ nhỏ. Trong mắt gia đình, họ là trung tâm của sự chú ý, là người được ưu tiên trong mọi tình huống, đáp ứng mọi nhu cầu. Dần dần, họ hình thành cảm giác sai lệch về tầm quan trọng của bản thân, và kỳ vọng người ngoài cũng phải đối xử với họ theo cách như vậy.

Cảm giác tự tin hoặc tự ti thái quá

Đây là hai trạng thái cảm xúc trái ngược, nhưng đều có thể dẫn đến main character syndrome. Đối với người tự ti, điều này có thể xuất phát từ việc luôn thiếu sự công nhận, khen ngợi từ bên ngoài. Ngược lại, sự ngợi khen, động viên quá mức đôi khi lại dẫn tới tâm lý “ảo tưởng sức mạnh” ở con người.

08nov2023ftasintex1jpg
Cảm giác "xứng đáng" hay tự tin thái quá đều có thể gây ra main character syndrome.

Cơ chế phòng vệ với những biến cố cuộc đời

Đôi khi main character syndrome có thể là hệ quả khi bạn trải qua một biến cố lớn trong đời, hoặc những tổn thương tâm lý khi còn nhỏ. Chẳng hạn một người luôn bị chê xấu khi còn nhỏ có xu hướng chỉ đăng tải ảnh đã photoshop cẩn thận lên mạng xã hội.

Hoặc một người mất việc có thể xây dựng hình ảnh startup thành công như một lối thoát để không phải đối mặt với thực tế thất nghiệp. Cách làm này cũng cho họ cảm giác đang giành lại quyền kiểm soát cuộc đời sau khi bị biến cố vùi dập.

Main character syndrome nên được nhìn nhận thế nào?

Main character syndrome thường bị nhìn nhận tiêu cực bởi những hành vi và hệ quả không mấy tốt đẹp nó mang lại. Tuy nhiên theo nhà tâm lý học lâm sàng Carla Manly, nó đã phần nào được bình thường hóa sau khi trở thành đề tài được bàn tán rộng rãi trên mạng xã hội.

Mặt khác, theo chuyên gia tâm lý Kate Rosenblatt, khi nhìn nhận mình là “vai chính”, bạn cũng dễ nhận ra mình có quyền tự chủ với cuộc đời. Nếu tận dụng tốt khía cạnh này, bạn có thể trở nên mạnh mẽ, quyết đoán hơn khi ra các quyết định, từ đó nâng cao giá trị bản thân, lòng tự trọng và tự tin.

Với những ai đang “sống” theo bản dạng ảo, main character syndrome đôi khi cũng tạo ra động lực giúp họ thực sự hành động để biến bản dạng đó thành thật. Bản thân tôi có một người bạn hay đăng ảnh chỉnh sửa để bản thân trông gầy hơn, nhưng sau đó đã thực sự đi tập để giảm cân đúng theo hình ảnh đó.

Cũng theo chuyên gia Phil Reed, khi con người gặp khó khăn, việc đắm chìm trong tưởng tượng sẽ dễ dàng hơn nhiều so với nhìn thẳng vào thực tế. Điều này lý giải vì sao main character syndrome lại trở nên viral trên mạng xã hội vào năm 2020 - thời điểm dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, và toàn thế giới đều hoang mang với những gì đang xảy ra.

Tuy nhiên nhược điểm lớn của main character syndrome là nó khiến bạn rất khó hợp tác với những người xung quanh. Nếu luôn tìm cách phủ nhận người khác để mình được chú ý, bạn dễ trở thành người ái kỷ trong mắt họ. Sự khác biệt giữa bản dạng thật và ảo của bạn cũng dễ bị coi là biểu hiện của việc sống không thật, gây mất điểm trong mắt người khác.

Làm sao để khắc phục nhược điểm của main character syndrome?

Để khắc phục, bạn nên học cách hạ cái tôi xuống khi cần, đặc biệt khi người khác góp ý. Bạn có thể làm theo lời khuyên của họ hoặc không, nhưng chắc chắn bạn không mất gì khi lắng nghe - điều thể hiện sự tôn trọng mà bạn dành cho họ.

Bạn cũng có thể dành thời gian phản tư suy nghĩ và hành động của chính mình, ghi lại chúng vào một quyển sổ. Điều này giúp bạn “nhìn” vào mình từ lăng kính bên ngoài, từ đó dễ dàng nhận ra những khuyết điểm mà ở thời điểm hành động, bạn chưa thể nhận ra.

17feb2023pexelsketutsubiyanto4350165jpg
Ghi chép là phương pháp đơn giản giúp bạn nhìn lại suy nghĩ và hành động của chính mình. | Nguồn: Pexels

Nếu main character syndrome là kết quả của biến cố hay tổn thương bạn trải qua, thì điều đầu tiên bạn cần làm là thừa nhận mình đang gặp vấn đề. Từ đây bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp mình cần, bất kể từ người thân, bạn bè hay chuyên gia tâm lý.

Sau cùng, luôn nhớ rằng con người là động vật xã hội - không ai trong chúng ta có thể tồn tại đơn độc. Bạn có thể coi mình là “vai chính”, nhưng một bộ phim không thể tồn tại nếu không có các “vai phụ” khác, phải không?