Tết cổ truyền trong mắt thế hệ Việt kiều trẻ | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 01, 2020
Cuộc SốngGia Đình Tết Talks

Tết cổ truyền trong mắt thế hệ Việt kiều trẻ

Việt kiều xa xứ - những đứa trẻ thế hệ đầu tiên sinh ra ở nước ngoài ăn Tết thế nào? Liệu hương Tết có phai nhạt trong lòng những trái tim xa quê?

Tết cổ truyền trong mắt thế hệ Việt kiều trẻ

Tết cổ truyền trong mắt thế hệ Việt kiều trẻ

Chúng ta luôn biết Tết mang một ý nghĩa nhất định đối với người Việt, bất kể là những người đang sinh sống tại quê nhà hay đang sinh sống và làm việc tại những vùng đất xa xôi. Thế nhưng chúng tôi tự hỏi, với những đứa trẻ thuộc thế hệ đầu tiên (First Generation – có bố mẹ là người Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài), Tết sẽ mang ý nghĩa như thế nào với họ?

Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng tôi đã kết nối với các bạn thực tập sinh của mình, đó là Kim Ngô, Lauren Nguyễn, và Tín Đặng. Kim và Lauren sinh ra và lớn lên tại Mỹ, còn Tín theo gia đình định cư sang Mỹ từ lúc 4 tuổi. Cả ba đều lớn lên tại quốc gia đa chủng tộc và có bạn còn sinh sống trong một cộng đồng ít người Việt. Vậy, Tết là gì trong họ?

Tết cổ truyền trong mắt thế hệ Việt kiều trẻ0

Cùng lắng nghe những chia sẻ chân tình của các bạn qua bài viết sau.

Bố mẹ giải thích về Tết như thế nào?

Kim Ngô: Tết là lúc mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, ăn uống và nhìn lại một năm đã qua. Sinh sống trong một cộng đồng có rất ít người Việt tại Mỹ, chúng mình không thể ăn Tết cùng nhiều người đồng hương. Tuy nhiên, chúng mình vẫn luôn có gia đình bên cạnh, và bố mẹ mình luôn nhấn mạnh rằng không chỉ là năm mới, đây còn là dịp để thăm hỏi gia đình tại Việt Nam. Bố mẹ mình di cư đến Mỹ 20 năm trước, cùng với các anh chị em của bố.

Lauren Nguyễn: Hồi nhỏ, bố mẹ mình nói Tết là phiên bản Việt của năm mới. Vì thế, với mình, tết là dịp ăn mừng năm mới thứ hai, bên cạnh ngày 1/1.

Tín Đặng: Năm mới của người Việt.

Tết cổ truyền trong mắt thế hệ Việt kiều trẻ1

Gia đình bạn đón Tết như thế nào?

Kim Ngô: Gia đình mình sẽ gọi về cho ông bà cố ở Long An. Cả nhà sẽ chuyền tay nhau điện thoại và kể cho ông bà nghe cả nhà dạo này thế nào. Sau đó, tụi mình sẽ chúc ông bà sức khỏe và thịnh vượng. Em trai và mình cũng sẽ chúc bố mẹ như vậy và bố mẹ tặng chúng mình những bao lì xì đỏ. Tiếp đến tụi mình sẽ đi gặp họ hàng và chúc năm mới các bác, các dì. Cuối cùng cả nhà sẽ ăn phở và một vài món ăn khác.

Lauren Nguyễn: Mẹ mình sẽ ra ngoài sân và chặt lấy một nhánh cây, sau đó mình sẽ trang trí cành cây đó với hoa mai mà cả nhà đã mua ở Việt Nam. Năm nào nhà mình cũng có một mâm hoa quả đủ loại, nhưng không bao giờ thiếu những loại quả sau: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Vì mẹ mình nói 4 loại quả này tượng trưng cho câu nói “Cầu vừa đủ xài”.

Bên cạnh trái cây và hoa mai, mẹ mình còn nấu một nồi thịt kho lớn. Lúc nào mẹ cũng dùng nước dừa để nấu, lúc trước thì mình không hiểu tại sao, nhưng sau này mình nhận ra đó là vì ở Việt Nam có rất nhiều dừa tươi. Ngoài ra, bình thường bố không cho mình mua bánh tét vì mình có thói quen rất ngộ, chỉ ăn phần nếp, bỏ lại phần nhân. Nhưng nếu là Tết thì mình có quyền mua bao nhiêu bánh chưng, bánh tét cũng được.

Và dĩ nhiên, điều tuyệt vời nhất của Tết là trẻ con được nhận lì xì. Mình luôn thích những thiết kế dễ thương trên bao lì xì, và tiền lì xì nữa (cười). Tết cũng là dịp để cả nhà chơi những trò chơi như Bầu cua cá cọp, lô tô, cờ cá ngựa, và chơi bài. Mình thích chơi cờ cá ngựa nhất, và mình luôn chọn con ngựa màu đỏ.

Tín Đặng: Vì đa số họ hàng nhà mình đều sống ở Việt Nam, nên gia đình mình ở Mỹ không thường đón Tết. Nhưng cả nhà vẫn sẽ gọi về “nhà” để hỏi thăm các dì, các cậu xem mọi người đang chuẩn bị Tết như thế nào. Và tụi mình sẽ chúc mừng năm mới và sức khoẻ cả nhà.

Tết cổ truyền trong mắt thế hệ Việt kiều trẻ2

Nhắc đến Tết, các bạn nhớ gì nhất?

Kim Ngô: Tết là một trong những ngày lễ mình yêu thích nhất trong năm. Đối với mình, Tết mới chính là năm mới. Nó là dịp để mình thực hiện những truyền thống nhỏ bên gia đình. Những câu chúc trước khi lì xì, và những phong bao lì xì rất quan trọng với mình, vì nó là phong tục truyền thống mà người Việt và người trẻ Việt Kiều chia sẻ với nhau. Thêm vào đó, mình rất thích bánh tét đậu, và đây là dịp duy nhất trong năm mình ăn nó, vì mình muốn giữ sự đặc biệt cho món bánh này.

Mình có dịp được trải nghiệm “Tết ở Boston”, tổ chức bởi NEIVSA, một nhóm học sinh người Việt và Việt Kiều tại khu vực New England, Mỹ. Đây là nơi họ tìm hiểu và duy trì văn hóa và phong tục truyền thống Việt. Tết ở Boston được tổ chức trong một hội trường lớn với rất nhiều thức ăn, mọi người–bất kể già trẻ–đều nhảy múa, ca hát với nhau. Đó là một trong những lần đầu tiên mình ăn Tết với bạn bè đại học và người lạ. Nó rất vui, và mình thật sự tận hưởng những khoảnh khắc ca múa và không khí lễ hội. Năm nay, mình muốn đưa cả gia đình đến đây để trải nghiệm cảm giác cộng đồng.

Lauren Nguyễn: Với mình, Tết lúc nào cũng vui. Mình luôn mang áo dài ngày Tết, vì vậy, khi nào có dịp về Việt Nam, mình cũng đi may vài bộ (mặc dù trong tủ mình đã có khá nhiều rồi). Bình thường mình ít khi quan tâm mình mặc gì, nhưng mặc áo dài thì khác, nó mang đầy tự hào và mình muốn thể hiện sự tự hào đó. Những năm học cấp 3, mình luôn xung phong là người mẫu áo dài trong Tết Festival ở Connecticut.

Tuy nhiên, mình rất sợ Ông Địa mỗi khi xem múa lân. Một kỷ niệm khác là khi bé, mình luôn cúi chào những người lớn tuổi và họ sẽ cho mình tiền lì xì. Và đến bây giờ, cúi chào người lớn đã trở thành thói quen thường ngày của mình, không phải chỉ trong dịp Tết. Mình nghĩ Tết ảnh hưởng đến cuộc sống của mình nhiều hơn mình nghĩ.

Tín Đặng: Tết gợi nhắc mình về những phong bao lì xì đỏ, sự hào phóng và những lời chúc tốt đẹp mà người lớn dành cho con cháu của mình. Hồi nhỏ năm nào mình cũng được lì xì, nhưng giờ hết rồi.

Mình lớn lên ít tiếp xúc với cộng đồng người Việt. Năm lớp 9, mình được học về sự kiện Tết Mậu Thân và nó để lại trong mình một ấn tượng sâu sắc. Kể từ đó, Tết mang một ý nghĩa rất khác với mình.

Tết cổ truyền trong mắt thế hệ Việt kiều trẻ3

Các bạn dành sự ưu ái cho Tết Tây hay Tết Ta nhiều hơn?

Kim Ngô: Đương nhiên là Tết Ta rồi. Nó mang nhiều yếu tố văn hoá và có tác động sâu sắc đối với bản thân mình nhiều hơn.

Lauren Nguyễn: Mình dành nhiều sự ưu ái cho Tết Ta nhiều hơn một chút. Vì nó gợi cho mình nhiều cảm xúc và sự hoài niệm.

Tín Đặng: Mình thì chọn Tết Tây.

Cá nhân các bạn muốn ăn Tết như thế nào? Và đâu những nét truyền thống các bạn sẽ giữ và truyền lại cho thế hệ sau?

Kim Ngô: Mình vô cùng trân trọng khoảnh khắc các thành viên trong gia đình cùng nhau đón chào năm mới. Mình muốn truyền cho thế hệ sau những món ăn truyền thống và cả việc trao cho nhau những bao lì xì đỏ. Quan trọng hơn hết, mình cũng thường hay gọi chúc Tết cho họ hàng ở Việt Nam nữa.

Lauren Nguyen: Mình chỉ thích ăn Tết cùng với những người thân thương nhất. Khi còn bé, mình có xu hướng tận hưởng Tết bằng cách đến các buổi lễ hội và trình diễn tại đó. Nhưng bây giờ khi lớn hơn, mình lại chỉ muốn quý trọng từng khoảnh khắc với gia đình. Sau này, mình sẽ truyền cho các con toàn bộ những yếu tố truyền thống mà bố mẹ đã dạy. Ngoài ra, mình còn hy vọng có thể cùng các con mình có được một lần tận hưởng trọn vẹn cái Tết ở Việt Nam. Vì đến nay, bản thân mình vẫn chưa có cơ hội đó.

Tín Đặng: Hiện mình đang học nấu ăn. Hy vọng mình có thể thực hiện được hết các món ăn Việt mà mẹ hay làm vào một ngày không xa. Trong tương lai, mình mong bản thân có thể chia sẻ các món ngon đó với những người bạn thân, khi cùng tận hưởng không khí năm mới. Nếu có con, mình đương nhiên sẽ truyền lại cho chúng phong tục lì xì đỏ.

Bên cạnh đó, do từ nhỏ hiếm có cơ hội được tiếp xúc với các yếu tố truyền thống, nên có thể cách ăn Tết trong gia đình của mình trong tương lai sẽ khác biệt hơn một chút. Nhưng dù bằng cách nào đi nữa, mình vẫn sẽ gìn giữ giá trị cốt lõi của Tết là quan tâm và hỗ trợ các thế hệ sau.

Tết cổ truyền trong mắt thế hệ Việt kiều trẻ4

Các bạn đã bao giờ ăn Tết ở Việt Nam chưa? Nếu có, thì cảm nhận của các bạn khi ấy như thế nào?

Kim Ngô: Chưa từng, nhưng nếu có ai đó ‘tài trợ’ vé máy bay, mình sẽ không ngần ngại một chút nào đâu (cười).

Lauren Nguyễn: Mình cũng chưa bao giờ. Nhưng mình rất khao khát được ăn Tết tại quê nhà một lần. Vì mình từng nghe nói rằng không có gì có thể so sánh được với Tết Việt Nam.

Tín Đặng: Mình thì đã từng tận hưởng Tết ở Việt Nam rồi, đó là vào năm 2019. Không khí lúc đó đọng lại cho mình nhiều cảm xúc. Có lẽ do bắt nguồn từ việc cùng gia đình định cư tại Mỹ từ lúc 4 tuổi. Nên từ nhỏ mình chưa từng có cơ hội được tận hưởng không khí Tết đúng chuẩn nhất.

Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất là khi mình phụ giúp họ hàng gói bánh chưng, đi lễ vào lúc 5 giờ sáng trong 3 ngày liên tiếp, và cùng ăn tiệc với ông cố gần 100 tuổi của mình. Tuy quá trình ăn Tết ‘tiêu hao’ nhiều năng lượng, đó vẫn là một kỷ niệm đáng trân trọng mà mình sẽ nhớ mãi đến sau này.

Xem thêm:

[Bài viết] Subtle Viet Traits: Nơi gắn kết cộng đồng người trẻ Việt trên khắp thế giới

[Bài viết] Phim ngắn “First Generation” – Thân phận Việt kiều dưới góc nhìn của những người trẻ