Tết của những người không về nhà ăn Tết | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO
19 Thg 01, 2023
ThươngTết Talks

Tết của những người không về nhà ăn Tết

Tết có vẹn tròn khi Tết không đoàn viên? Tết chỉ vài ngày rồi Tết cũng hết, nhưng người với người có những gắn kết không nguôi.
Tết của những người không về nhà ăn Tết

Nguồn: Thục Anh @petite.odysser cho Vietcetera.

Home Credit x Vietcetera

Giữa tiết trời se se lạnh cuối năm, mai đào đã trổ đầy búp. Quất, mứt đã bán trên nhiều nẻo đường. Ngã năm, ngã bảy sáng trưng những biển hiệu quảng cáo hàng Tết. Ai cũng có thể nhìn thấy, nghe thấy Tết về cả rồi. Nhưng để cảm được Tết, người ta nói, nhất định phải chờ tới lúc đoàn viên.

Tôi vẫn luôn tin vào điều đó, nhất là qua hai cái Tết COVID. Thế nhưng, khi mọi thứ đã vào trạng thái “bình thường mới,” tôi lại nhận ra có những người vẫn phải “giãn cách,” nhất là với gia đình của họ vào dịp Tết. Thậm chí đã từ rất lâu, họ không đón Tết cùng người thân.

Tết không ở cùng gia đình, họ nhìn thấy điều gì?

Tình thân và tình người – Tết ở bệnh viện

Thu Giang – Bác sĩ gây mê hồi sức

Thu Giang ndash Baacutec sĩ gacircy mecirc hồi sức
Thu Giang – Bác sĩ gây mê hồi sức. | Nguồn: NVCC

Từ khi học trường Y đến giờ, không một cái Tết nào cô được ở nhà cùng gia đình. Gần như Tết nào cô cũng đi trực. Thân ở bệnh viện, nhưng lòng mình vẫn cứ đau đáu ở nhà. Vì phụ nữ mà, cũng muốn có một cái Tết thật vẹn tròn cho cả nhà.

Nhưng có lẽ khi thiếu mình mới hiểu thế nào là đủ. Tết là dịp người ta lẽ ra phải chăm sóc nhau, nhưng không phải ai cũng được hưởng diễm phúc ấy. Nhiều bệnh nhân nặng phải ở viện một mình cả Tết, chỉ có y bác sĩ xung quanh. Những lúc đó không còn phân biệt bệnh nhân, bác sĩ nữa, mọi người đều san sẻ niềm vui, và cả nỗi cô đơn cùng nhau.

Có cái Tết cô nhớ mãi là khi tiếp nhận một ca nguy cấp. Hai bệnh nhân được đưa vào cùng một lúc đều đã mất gần như hết máu. Sau mới biết họ là hai anh em trong một gia đình. Tết lẽ ra là dịp người ta nhân đôi niềm vui, nhưng có khi lại là lúc đón lấy hai lần thử thách như thế.

Đó cũng là lúc cô nghĩ đến ước mơ lớn nhất của mình, là không còn những tai nạn quá thương tâm và bi kịch. Bác sĩ cần việc làm, nhưng bác sĩ cũng là người cần biết thương những tình cảnh như vậy, để bị ám ảnh và nghĩ đến số phận của những người mình yêu.

“Bình thường” thôi đã là hạnh phúc – Tết ở trạm điều độ điện

Thắng Võ – Kỹ sư điều độ hệ thống điện quốc gia

Công việc vận hành hệ thống điện đòi hỏi bọn anh luôn phải trực 24/7, ngay cả lễ Tết. Trong 8 năm đi trực Tết, có 3 năm liên tiếp anh trực trong đêm giao thừa. Ngồi trong trạm có thể nhìn thấy mọi người đang du xuân ngoài kia. Dù có buồn cho cái phận của mình, thì mình cũng hiểu đây là trách nhiệm và nghĩa vụ mình đã chọn.

Người ta hay nói “đẹp tự nhiên, nhưng không tự nhiên mà đẹp.” Với anh thì chắc là “điện tự nhiên, nhưng không ở đâu tự nhiên có điện.” Điện là một thứ mà bây giờ có lẽ với hầu hết mọi người là điều tất yếu. “Có điện” là bình thường, nhưng để duy trì sự bình thường đó thì đứng sau luôn có đội ngũ vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên.

Với anh, dù không trực tiếp được hoà vào niềm vui trên đường phố hay ở bên cạnh gia đình vào dịp Tết, thì hạnh phúc của mình là ít nhất góp phần tạo nên một cái Tết thật “bình thường,” với hệ thống điện an toàn, ổn định, liên tục, cho lòng ai cũng sáng.

Tết năm 2019 lagrave caacutei Tết đi trực anh nhớ nhất Anh phải đến sớm để cugraveng anh em chuẩn bị đoacuten tiếp baacutec Tổng biacute thư Đoacute lagrave một vinh hạnh trong nghề
(Anh Thắng Võ, ngoài cùng bên trái). Tết năm 2019 là cái Tết đi trực anh nhớ nhất. Anh đến sớm để cùng anh em ca chiều chuẩn bị đón tiếp bác Tổng bí thư. Đó là một vinh dự trong nghề, như khi mình ngồi trong tối không ai để ý nhưng công sức không vì vậy mà bị lãng quên. | Nguồn: NVCC

Cô đơn cũng có thể là một người bạn tốt – Tết xa tổ (quốc)

Ngọc Quý – Du học sinh Nga

Mình là con một. Lúc mình ra đời thì bố mẹ mình đều đã hơn 40 tuổi, thế nên mọi người vẫn thường hay nhầm mình là “cháu” của ba mẹ. Khi còn bé mình chẳng để ý gì, nhưng lớn lên một tí, mình bắt đầu ngại, tìm mọi cách xin ba mẹ cho mình tự đến trường. Rồi từ đó trở đi, càng ngày mình càng đi xa nhà. Lần này là lần đi xa nhất.

Hôm trước bị ốm, nằm li bì ở phòng suốt mấy ngày, không hiểu sao trong cơn sốt làm đặc cả đầu óc, mình lại “ngửi” thấy mùi canh măng. Mình thật sự đã không cảm thấy buồn vào ngày chia tay bố mẹ ở sân bay, thậm chí còn háo hức. Vậy mà giờ lại sốt “homesick” ở đây. Với cái lỗ mũi bị tịt, mình nhớ đến đủ thứ mùi trong Tết ở Việt Nam – mùi nhang, mùi hoa, mùi đồ ăn, mùi bánh mứt. Tết ở nhà nào tối giản thì tối giản, chứ ở nhà ba mẹ mình có lẽ vẫn đủ đầy nghĩa lễ.

Nghĩ lại thật trẻ con vì mình từng tủi thân khi có ba mẹ lớn tuổi, “không sành điệu.” Giờ thì chỉ tủi thân vì số năm mình có ba mẹ trên đời có thể không nhiều bằng các bạn. Đôi khi trộm nghĩ, có lẽ việc mình sinh ra là con một và cứ làm mọi thứ một mình từ bé có khi là sự chuẩn bị trước cho tương lai. Những cái Tết truyền thống rực rỡ, ấm áp của ba mẹ giống như một chiếc mỏ neo của ký ức, kéo mình về với cảm giác đủ đầy khi cần.

Giờ chỉ muốn nhấc máy ngay “alo ba mẹ ơi, 'cháu' Bi đây” rồi chở ba mẹ đi khắp phố phường khi về nhà.

Cograven nhớ lagrave cograven trograven đầy yecircu thương
Còn nhớ là còn tròn đầy yêu thương. | Nguồn: Vicky/Pexels

Gia đình và nhà là hai thứ khác nhau – Tết về nhà

Hạ Quyên – Mẹ một bầy mèo 3 con

Mình không nhớ đã hết háo hức khi Tết về từ khi nào, nhưng có một điều không thay đổi: Có không thích Tết thế nào, mình vẫn sẽ về thăm nhà ở quê để dọn dẹp nhà cửa, và thắp cho ba mẹ nén nhang.

Mình chỉ ở nhà khoảng 3 ngày, rồi thường thì đi du lịch sau đó hoặc trở về thành phố đi làm sớm. Khi gia đình không còn là mối gắn kết lớn, mình tạo gắn kết với bản thân qua việc tự lo tài chính, tiếp tục phấn đấu cho những ước mơ riêng. Nhưng như vậy, không có nghĩa là mình vô cảm với những mối quan hệ.

Với mình, Tết tròn vẹn là khi hình ảnh của gia đình vẫn còn tồn tại bên trong mình, không nhất thiết mình phải có mặt ở nhà, hay phải lau chùi thật sáng bóng những kỷ vật. Dù khoảng thời gian bên cạnh nhau trên đời ngắn ngủi, nhưng mình tin họ vẫn sẽ luôn dõi theo, bảo vệ và ủng hộ mình suốt quãng đời còn lại.

Mình vẫn buồn khi đón Tết không có ba mẹ chứ, nhưng mình nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người lắm. Với cả khi thời gian qua đi, có lẽ ai rồi cũng phải định nghĩa lại chữ “đủ” thôi.

Mỗi người coacute một kiểu quotđủquot khaacutec nhau
Mỗi người có một kiểu "đủ" khác nhau. | Nguồn: Duong Thinh/Unsplash

Gia đình không chỉ có một – “Tết mới”

Hải Khanh – Thành viên “CLB” Mới cưới

“Cưới ở đâu gần gần thôi,” đó là bố chị dặn thế năm năm trước. Lúc đó chị cũng cứ nghĩ người lớn khéo lo. Thời buổi này lo gì chuyện liên lạc, đi lại. Với cả biết duyên đến thế nào mà lựa trước.

Thế mà cưới được 3 năm, chị vẫn chưa về ăn Tết với bố lần nào. Hai năm trước thì vì dịch, còn năm nay thì đắn đo mãi chị quyết định không về, vì tiền… Cách xa cả ngàn cây số thế này thì chỉ có thể đi bằng máy bay, mà giá vé năm nay lên cao quá. Lại còn ti tỉ thứ phải lo trong Tết.

Chị nghĩ mình phải sống thực tế thôi em, biết khả năng mình tới đâu thì làm tới đó. Ở lại đây giúp chị kiểm soát được tài chính, đặng còn chăm sóc gia đình. Có thêm tiền giúp chị lo thêm thuốc thang cho bố.

Hạnh phúc của chị là còn được nhìn thấy bố khỏe mạnh, để biết rằng hết Tết chị sẽ lại còn được về thăm “gia đình lớn” của mình.

Tết xa nhagrave
Hết Tết, mình còn yêu. Chăm sóc nhau để thêm nhiều năm tháng có nhau. | Nguồn: Thục Anh @petite.odysser cho Vietcetera.

Đúng là “mùa xuân đến xinh tươi trời mây” nhưng thời nay không phải “nhà nào cũng đều sum vầy.” Dẫu vậy thì Tết nào cũng là Tết. Mong bạn có một cái Tết tròn đầy dù đang ở đâu!

Vượt một hành trình dài, chuyến xe Home Love đã mang một mùa Tết tròn vẹn đến với các em bé tại Khao Mang, Mù Cang Chải. Home Love - dự án ra đời từ sự sẻ chia, là một trong những hoạt động chính trong hành trình vì cộng đồng của công ty Tài chính số Home Credit tại Việt Nam. Tết 2023, hãy cùng Home Credit lan tỏa yêu thương, và tựu chung một mùa Tết tròn Tết vui tại đây nhé!